Câu chuyện thứ nhất

Có một nam phật tử thường làm công quả ở chùa và được thầy trụ trì tin tưởng. Một hôm, vào dịp lễ lớn, thầy trụ trì có nhiều việc nên nhờ nam phật tử làm nhiệm vụ coi sóc chánh điện và hướng dẫn phật tử vào lễ phật.
Có một cô vào chánh điện lễ phật mặc cái áo ngắn hở bụng và khoét cổ rất sâu. Cô bị nam phật tử ngăn lại và nhắc cô nên mặc thêm áo khoác rồi hãy vào lễ phật. Cô mới hỏi anh rằng:
- Hôm nay anh đã vào lễ phật chưa?
- Rồi.
- Anh đang chấp vào hình tướng đấy. Quần áo chỉ là hình tướng bề ngoài, tu tâm là chính. Tâm anh vẫn còn chấp vào tướng, nghĩa anh vẫn chưa sửa tâm được mà anh đã sửa tướng của người khác. Anh mang cái tâm chấp đó vào lễ phật được, lẽ nào tôi lại không được mang cái tướng này vào lễ phật?
Nếu bạn là nam phật tử này, bạn sẽ xử lý như thế nào?
Ảnh có tính chất minh họa.
Ảnh có tính chất minh họa.

Câu chuyện thứ hai

Thời sinh viên, tôi bị mất xe. Tôi tâm sự chuyện mất xe với một chị phật tử. Chị an ủi tôi rằng kiếp trước tôi đã trộm xe của người nên kiếp này tôi phải bị người ta lấy xe lại. Tôi đang buồn mà bỗng nhiên bị gán thêm cho cái tội ăn trộm xe từ hồi... kiếp trước! Từ bi thay!

Câu chuyện thứ ba

Cách đây 3 năm, chị tôi tham gia một khóa thiền ở một ngôi chùa trên Đà Lạt. Sau đó, năm nào chị cũng lên chùa ở Đà Lạt tham gia khóa tu ít nhất 1 lần. Bây giờ, chị là một người tu học và trở nên khó tính, hay bắt bẻ.
Chị tôi có một đứa con 8 tuổi rất hay chuyện. Cháu bé không thích chia sẻ với mẹ mà hay tìm tôi để kể về chuyện trường lớp. Tôi cũng nhân đó mà tìm cách khuyên bảo, giáo dục cháu biết đúng biết sai, biết xấu biết tốt.
Một hôm, tôi đang nhận xét về câu chuyện mà bé kể ở trường thì mẹ bé đến nhắc nhở tôi rằng "người tu thì không nhận xét về người này người kia mà hãy hướng nội nhận xét về mình để sửa mình." Một lần khác, tôi đang nói với bé rằng thầy giáo ở trường mà cư xử như thế là sai... thì mẹ bé đi ngang qua nghe được, chị nhắc nhở tôi "Em xem lại lẽ đạo đi, ở đời không có đúng hay sai, và người tu thì không nhận xét về người khác."
Tôi nghĩ trí não của trẻ con đơn giản lắm, mình phải giáo dục nó qua những câu chuyện gần gũi cuộc sống thì nó mới dễ tiếp thu, nó mới ý thức được đúng-sai, xấu-tốt. Nếu bạn là người tu, bạn không được nhận xét người khác và không được bàn chuyện đúng sai, bạn sẽ giáo dục trẻ con biết đúng-sai, xấu-tốt như thế nào?

Câu chuyện thứ tư

Tôi bị lừa đảo. Sau khi bị lừa mất tiền, tôi không ngại người khác chửi mình ngu, liền lên facebook kể chuyện mình bị lừa để cảnh báo cho mọi người biết được chiêu trò của bọn ác mà phòng tránh.
Sau đó, tôi nhận được tin nhắn của một bạn quen qua mạng. Bạn này là dân theo hệ tâm linh. Bạn ấy bảo rằng tôi làm vậy là sai luật nhân quả, hậu quả nặng nề lắm. Tôi hỏi lý do thì bạn ấy mới giải thích:
Người ta bị lừa có 2 nguyên nhân: - Trong nhiều đời, nhiều kiếp trước, họ đã trộm, cướp, lừa lọc của người khác, hoặc sống lỗi đạo nên kiếp này họ phải bị lừa để trả cái nghiệp đã gieo. Bạn cảnh báo lừa đảo nghĩa là bạn cản trở người ta trả nghiệp. Tội này không nhẹ. - Họ phải bị lừa để rút ra bài học quý giá cho bản thân. Bạn cảnh báo lừa đảo khiến nhiều người không bị mắc lừa nữa, vậy là họ bị mất đi bài học quý giá ấy. Bạn đã cướp đi bài học quý giá của mọi người. Nghiệp này cũng phải lãnh cái quả rất nặng. Người ta bị lừa hay không thì không hề phụ thuộc vào việc có được cảnh báo trước hay chưa, mà hoàn toàn phụ thuộc vào phước báo. Nếu phước báo dày thì sẽ không bị mắc lừa.
Tôi nghe bạn này giải thích xong hoang mang! Kẻ lừa đảo thì giúp người ta trả nghiệp, mang đến bài học quý cho người ta, còn người chống lừa đảo lại trở thành kẻ tội đồ!
Tôi cảnh báo lừa đảo chỉ vì không muốn thấy anh chị em, bạn bè, người thân của mình tiếp tục bị lừa giống mình. Thấy họ bị người khác dụ dỗ mà tôi không lên tiếng cảnh báo, cứ im im đứng nhìn (cho mày sa hầm, sụp hố, bị một vố đau để mày tự khôn ra) thì nó sai hoàn toàn với lương tâm của tôi. Tất nhiên sau khi tôi đã cảnh báo mà họ cứ tiếp tục lao đầu vào thì đó là quyền quyết định của họ, tôi không ép ai cả.
Nếu cảnh bảo lừa đảo thì làm sai luật nhân quả, còn nếu không cảnh báo thì lại sai với lương tâm của tôi. Theo các bạn, ta nên chọn làm sai với lương tâm hay làm sai luật nhân quả?

Câu chuyện thứ năm

Tôi có đứa bạn cũ nhiều năm ko gặp. Bỗng một hôm nó đến nhà tôi chơi, ăn mặc lịch sự lắm. Nó hỏi thăm sức khỏe ba mẹ tôi rất kỹ, rồi nó quay qua khuyên tôi:
- Ba mẹ Phương nay đã lớn tuổi, dễ bị bệnh lắm. Phương phải có số khẩn cấp của vài bệnh viện để phòng hờ, và trong tài khoản của Phương phải có ít nhất 200 triệu đề phòng khi sức khỏe của ba mẹ gặp vấn đề...
Tôi than thở rằng tiền phải mang đi làm ăn, không có 200 triệu bỏ không trong ngân hàng đâu. Nó liền nói:
- Không sao, vì hôm nay tui đến đây mang cho Phương một cơ hội việc làm bán thời gian với mức thu nhập có thể lên đến hàng chục triệu mỗi tháng… Trong muôn vàn tội, bất hiếu là tội nặng nhất, khi chết phải đọa địa ngục… Đây là cơ hội hiếm có để Phương mang tiền về báo hiếu ba mẹ, nếu Phương từ chối thì đồng nghĩa với tội bất hiếu...
Nếu là bạn, bạn sẽ chọn "có hiếu" hay "bất hiếu"?
Bài liên quan nè: