Review Phim “Seaspiracy - Sự thật về nghề cá bền vững”
Có phải từ trước đến nay, bạn luôn được dạy rằng, rừng là lá phổi của trái đất, rừng là nơi sản xuất oxy chính cho hành tinh này? Mình cũng được biết như thế, cho đến khi mình xem bộ phim trên Netflix có tên “Seaspiracy” (Sự thật về nghề cá bền vững). 
Từ đây, có rất nhiều “sự thật” cần bạn đào sâu khám phá. 
<i>Tìm kiếm sự thật ẩn sâu trong lòng đại dương</i>
Tìm kiếm sự thật ẩn sâu trong lòng đại dương

Đại dương lá phổi của trái đất!

Bạn không nghe nhầm đâu. Không phải rừng mà biển mới là nơi cung cấp oxy lớn nhất. Nhờ ánh nắng mà diệp lục và thực vật phù du sống trong biển sẽ quang hợp, tạo thành khí oxy và các chất hữu cơ. Các thực vật biển hằng năm vẫn sản sinh ra 36 tỷ tấn khí oxy và có đến 70% khí oxy được tạo ra trên hành tinh này là từ biển. 
Không chỉ là “lá phổi”, đại dương còn đóng vai trò như “quả thận” của trái đất khi chúng giống như một máy lọc khổng lồ giúp phân giải nhiều chất độc hại. Hơn nữa, biển chiếm 70% diện tích địa cầu. Với diện tích vô cùng rộng lớn như vậy, cộng thêm các dòng hải lưu liên tục chuyển động, thủy triều lên xuống, sóng vỗ liên tục cùng sự di chuyển của đàn cá giúp biển có khả năng làm sạch đáng ngạc nhiên. 
<i>Không phải rừng, biển mới là lá phổi của trái đất!</i>
Không phải rừng, biển mới là lá phổi của trái đất!

Bạn biết sự thật nào về cá heo, cá voi và cá mập ngoài biển?

Bạn có biết về nguồn gốc của những miếng cá hồi bạn thường ăn hay không? Liệu những con cá hồi đó có ngon nghẻ và bổ dưỡng như bạn nghĩ?
Bạn có biết, những con cá heo bị lùa vào vùng nước nông và bị g.i.ế.t chết. Bởi họ bảo rằng chúng ăn hết cá nên họ không còn cá để khai thác. 
Bạn có biết, những con cá mập bị săn bắt đến cạn kiệt chỉ để bày lên dĩa ăn vài miếng vảy trong nhà hàng hạng sang. Một món ăn không có giá trị dinh dưỡng và cũng không có mùi vị hấp dẫn. 
Bạn có biết, sự ra đi của những con cá voi, cá mập - loài cá đứng đầu chuỗi thức ăn ở biển - đã khiến đại dương bị mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. 
Tuy nhiên, nhiều nước lại thu hồi lệnh cấm bắt cá voi và cho ra đời một khái niệm mới “đánh bắt cá voi bền vững”. Một sự đánh tráo khái niệm quá trắng trợn! Dường như chẳng ai trả lời được “bền vững” là gì dù họ vẫn thao thao bất tuyệt trên khắp các mặt báo và diễn đàn. 
Thực tế, đánh bắt cá thương mại diễn ra trên quy mô lớn, đến 2.8 nghìn tỷ con cá mỗi năm, hoặc lên đến 5 triệu con bị g.i.ế.t trong 1 phút. Điều này khiến quần thể cá toàn cầu giảm đến mức gần như tuyệt chủng. Nếu cứ tiếp tục đánh cá theo cách thức cũ, thì đến năm 2048, đại dương sẽ hoàn toàn trống rỗng!  
<i>Cá heo bị dồn vào vùng nước nông</i>
Cá heo bị dồn vào vùng nước nông

Những chiếc ống hút nhỏ bé có làm nên chuyện?

Bạn vẫn thường nhìn thấy các tổ chức cứu trợ động vật, cứu rùa biển khỏi ống hút nhựa. Nhưng bạn có biết, có một số lượng lớn rác thải sinh hoạt và các loại rác khác bị thải trực tiếp xuống biển mà không qua xử lý. Rác dập dềnh trên đại dương và có cả trong bụng cá voi. 
Trong khi đó, có hơn 51.000 tàu đánh cá với số lượng lớn lưới đánh cá, dây thừng, cần câu,... vứt lại trên biển (chiếm 46% lượng rác thải trong đại dương). Việc “đánh cá dây dài thả dây câu đủ dài để quấn quanh cả hành tinh 500 vòng mỗi ngày”. Và điều KHÔNG gây ngạc nhiên nhất là ống hút nhựa chỉ chiếm 0.03% lượng nhựa có trong đại dương! 
Một chiếc ống hút nhựa có phải là vấn đề? Có phải rùa biển là loài duy nhất bị đe dọa và chỉ có rùa mới cần được giải cứu? 46% và 0.03 %. Sao không ai nói về điều đó? 
<i>46%</i>
46%

Chế độ đánh cá nô lệ

Ước tính khoảng 24.000 công nhân thiệt mạng mỗi năm khi đánh cá trên biển. Đây là một công việc nguy hiểm nhất nhì trên thế giới khi họ không có bảo hộ lao động. Sự thật là họ chỉ có thể phục tùng hoặc bị ném xuống biển làm mồi cho cá mà không ai hay biết. 

Chứng nhận thực phẩm an toàn 

Hơn 30 triệu bảng/năm nhận được đến từ việc cấp phép logo của tổ chức xxx lên hải sản, chiếm tổng số 80% thu nhập của họ. Một con số quá hời cho một chiếc logo “bền vững”. Càng nhiều dấu tick xanh chứng nhận an toàn có nghĩa là tài khoản của họ lại càng tăng lên. 
Liệu bạn có còn tin những dấu chứng nhận “Dolphin Safe” hay “Certified Sustainable Seafood” được in trên bao bì sản phẩm? 
Bạn hiểu thế nào là bền vững?
Tương lai nào cho đại dương?
Tương lai nào cho chúng ta?
Bạn có bị shock khi biết được sự thật?
Và bạn sẽ làm gì tiếp theo?
<i>Nghề cá “bền vững”?</i>
Nghề cá “bền vững”?
Tái bút: Đại dương dạy cho ta nhiều điều và bộ phim đã tiết lộ cho ta thấy một phần nhỏ xíu xiu mặt tối của thế giới hiện nay. Phim ảnh không nói lên toàn bộ câu chuyện nhưng ít ra nó đã chỉ ra khía cạnh sâu hơn của vấn đề mà trước giờ bạn không được biết. Đừng vội tin vào bất cứ điều gì. Bạn có quyền nghi ngờ nó và hãy tự tìm câu trả lời cho chính mình. 
Một số phim khác bạn nên xem: 
. Dominion (Bộ phim chân thực về ngược đãi động vật)
. Cowspiracy (Sự thật về ngành nông nghiệp chăn nuôi)
. Kiss The Ground (Hôn lên mạch đất)
. The game changers (Người thay đổi cuộc chơi)
Lê Diễm Diễm