Cuối tuần vừa rồi, có chút thời gian tôi ngồi coi lại tác phẩm điện ảnh Titanic đình đám một thời. Titanic là một trong số ít những bộ phim có vai trò “định nghĩa” cho cả điện ảnh lẫn âm nhạc, ít nhất là theo cảm nhận của tôi, nó định nghĩa rằng một bộ phim thực sự là phải như thế nào.
CÁCH MÀ TITANIC ĐỊNH NGHĨA MỘT BỘ PHIM
Kinh phí là điều đầu tiên, với kinh phí lên đến hơn 200 triệu dollar thì hiển nhiên Titanic sẽ có những khung cảnh hoành tráng nhất, trang phục đẹp đẽ và tinh tế nhất. Titanic đã tái hiện lại cho chúng ta thấy được bối cảnh lịch sử vào đầu thế kỷ 20 ở phương Tây, đó là một thời khắc giao thời giữa cổ điển và hiện đại. Các phát minh lớn như tàu thủy, điện năng, động cơ hơi nước, các loại xe cộ đã được phát triển từ cuối thế kỷ 19 đang đi lên một tầm cao mới, chú trọng vào hiệu suất hoạt động và mang kiểu dáng hiện đại, có thể nói các phát minh khoa học kỹ thuật ở thời điểm này đã bắt đầu khá tương đồng với thời hiện đại. Trong Titanic, chúng ta được chiêm ngưỡng một chiếc tàu to lớn và tráng lệ do bàn tay con người chế tác. Từng bộ trang phục tinh xảo, từng chiếc xe kiểu cổ bóng lộn hiện lên rực rỡ trước mắt khán giả. Khung cảnh mà Rose Dewitt Bukater cùng gia đình cô bước lên boong tàu đã bộc lộ hết vẻ rực rỡ, tôn nghiêm của một gia đình quý tộc Anh thời đó, mà tôi nghĩ rằng có lẽ vào thời điểm tàu rời bến năm 1912 trong thực tế thì cũng không có được một khung cảnh đẹp như vậy. Cho nên kinh phí lớn đã giúp nhà sản xuất tái tạo lại một con tàu đúng như nguyên bản đến 99%. Một khoản kinh phí dồi dào sẽ giúp khai mở ra nhiều điểm sáng tạo trong một tác phẩm mà nhiều khi những tác phẩm có kinh phí eo hẹp sẽ không có được. Nhiều đạo diễn phim ấp ủ những ý tưởng rất hay về kịch bản nhưng nguồn kinh phí thấp đã siết chặt đi óc sáng tạo của họ.
Tàu Titanic trên chuyến hành trình đầu tiên và cũng là cuối cùng, cảnh phim hùng vĩ đến mức khung cảnh thực sự vào năm 1912 có lẽ cũng không được như vậy.
Điểm tiếp theo là kịch bản đơn giản mà sâu sắc, nhiều bộ phim có kịch bản rất phức tạp với nhiều tình tiết vụn vặt, éo le nhưng không ra đâu vào đâu. Điển hình như các bộ phim về Siêu anh hùng hoặc là các phim bộ dài tập chúng ta thường xem, kịch bản của chúng rất dài dòng kéo dài hàng chục phần nhưng tóm lại là hoàn toàn không gây ấn tượng gì với khán giả, tất cả những gì chúng có là đánh đấm ầm ĩ, khóc lóc ỉ ôi và hết. Còn Titanic có nội dung rất đơn giản: một câu chuyện tình kéo dài đúng 4 ngày trên đại dương. Đó là câu chuyện tình độc nhất vô nhị trên thế giới, thông thường một mối quan hệ tình cảm của chúng ta ít lắm cũng phải dăm ba tháng. Nếu chỉ quen biết vài tuần rồi chia tay thì khó mà nói là tình yêu được. Nhưng đối với cặp tình nhân trong Titanic chỉ 4 ngày thôi cũng đã đủ tạo nên một mối tình suốt một đời!
Quãng thời gian mà bộ phim mô tả là bốn ngày, siêu ngắn so với quãng thời gian của nhiều tác phẩm điện ảnh khác. Nhưng bốn ngày trên đại dương đã đem lại những thay đổi vô cùng lớn trong số phận của các nhân vật, đây là yếu tố đem lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, hay nói dân dã là “lên voi xuống chó” trong tích tắc. Với con tàu, từ một chiếc tàu sang trọng nhất thế giới đã biến thành một xác tàu đắm dưới lòng biển cùng với 1500 sinh mạng. Với nhiều gia đình trên tàu thì họ từ một gia đình hạnh phúc biến thành những gia đình mất đi người thân yêu cùng với nỗi kinh hoàng đeo bám suốt cuộc đời. Với Rose, cô đã từ một tiểu thư đài các trong một gia đình quý tộc quyền quý biến thành một cô gái đơn độc không người thân thích trên bến cảng New York.
Sự tương phản trong số phận của Rose được khắc họa rất rõ trong phim. Từ một cô gái đẹp lộng lẫy, quý phái bước lên tàu ở đầu phim, trên nền nhạc hùng tráng, bầu trời thì ửng hồng rất đẹp, tất cả gợi mở cho một tương lai sang giàu tươi sáng; thì đến cuối phim cô đứng dưới màn mưa tầm tã, mặc một bộ trang phục tối màu và ướt sũng, khuôn mặt thất thần sau đêm đắm tàu. Nếu ta chỉ nhìn vào con người ướt như chuột lột đang đứng một mình như trời trồng trên đảo Ellis (New York) đêm ấy, có lẽ không ai tưởng tượng nổi đây là cô gái sang trọng quyền quý tới mức bước xuống xe cũng có người dìu tay ở đầu phim. Bao nhiêu vẻ đài các, bao nhiêu bộ quần áo đắt tiền, bao nhiêu người hầu đã biến mất chỉ còn một mình cô đứng chơ vơ giữa một xứ sở lạ lẫm.
Hay như khi chúng ta xem cảnh Caledon Hockley (vị hôn phu giàu có mà Rose bị ép phải cưới) đang đi tìm cô trên boong tàu Carpathia (tàu cứu hộ) thì Rose – với khuôn mặt tái xanh vì lạnh – lấy khăn trùm kín đầu lại để tránh bị tìm thấy. Lúc này chúng ta thấy cô đúng nghĩa là một con kẻ tả tơi trong một đoàn người tỵ nạn vì thảm họa. Có ai ngờ đâu hai con người đang coi nhau như hai người xa lạ ấy, chỉ mới 4 ngày trước thôi đã đính hôn, đã là hai nhà quý tộc sánh đôi cùng nhau bước lên tàu trong ánh nhìn ngưỡng phục của mọi người ở bến cảng và đã Cal đã trao cho cô viên kim cương “Heart of the Ocean” quý giá bậc nhất thời ấy. Nhưng ngay sau vụ đắm tàu, họ là hai người xa lạ, không cùng đẳng cấp, không cùng chí hướng. Thật ra Rose cũng có quan tâm đến tin tức về Cal, trong buổi tâm tình… 84 năm sau với đội nghiên cứu bà cho biết Cal đã tự sát trong cuộc Đại Suy Thoái 1929.
Không chỉ bị biến đổi về địa vị xã hội, Rose ở đầu phim và ở cuối phim gần như là hai con người khác nhau. Con người ở đầu phim là một nàng Rose tuyệt vọng vì bị ép gả cho người mình không yêu, và đã ấp ủ kế hoạch tự sát; còn con người ở cuối phim là một nàng Rose mạnh mẽ đã tìm thấy đâu là lý tưởng sống cho cuộc đời mình. Cô không còn là con người tuyệt vọng ở đầu phim, giờ đây cô tràn đầy khát khao sống một cuộc đời theo đúng mong ước của mình, đó là xây dựng một gia đình hạnh phúc, trở thành một diễn viên điện ảnh, và quan trọng hơn hết là phải ra đi trên giường khi đã là một bà lão theo như di nguyện của Jack. Rose giờ đây đã nếm trải được thế nào là hương vị của tình yêu. Tóm lại, cô đã được khai sáng.
Ngoài ra, Titanic cũng là một bộ phim thuộc thể loại phiêu lưu mạo hiểm tương tự như một số bom tấn ra đời vào giai đoạn đó như Xác Ướp Ai Cập (The Mummy) hay series Indiana Jones. Bối cảnh của nó không lớn như The Mummy mà gói gọn trên con tàu Titanic, nhưng đủ bao hàm được tính khám phá và tính hồi hộp. Trong chuyến du hành, chúng ta được nhìn thấy tất cả mọi sự xoa hoa tráng lệ của thời kỳ đó và đi từ sự hồi hộp này tới hồi hộp khác khi đôi tình nhân di chuyển trên khắp con tàu khi đắm tàu. Trong quá trình này, khán giả có được cái nhìn chân thực về nền văn hóa Tây phương, mà cụ thể là của Anh Quốc, thấy được phục trang của họ như thế nào, phong cách bài trí phòng ốc, những thói quen và nguyên tắc trong đời sống thường ngày và cả cách xây dựng nhà cửa, chế tác máy móc. Sau thời lượng 3 tiếng, bộ phim đem đến sự thấu cảm về nền văn hóa này còn hơn nhiều sách vở về văn hóa, lịch sử. Bản thân Rose là một nhà sưu tập đồ cổ, và ắt hẳn cũng là một người ưa thích phiêu lưu khi còn trẻ, bằng chứng là căn nhà của bà ở đầu phim trưng bày rất nhiều đồ cổ đến từ nhiều nền văn hóa, số vật phẩm này có thể đến từ nhiều chuyến đi thời hậu-Titanic của bà đến nhiều nơi trên thế giới hoặc được mua lại.
Cuối cùng, Titanic ghi lại được rất nhiều cảnh phim gây ấn tượng sâu sắc nhất cho khán giả. Có thể nói đây là bộ phim có nhiều cảnh quay đẹp nhất và tạo được cảm xúc mạnh mẽ nhất. Để kể ra các cảnh quay này thì Titanic có đến hơn 10 cảnh như vậy. Tuy nhiên theo góc nhìn của mình, cảnh gây cảm xúc mạnh nhất là khi Jack hô vang câu “I’m the King of the World!” ở đầu phim, nó lột tả được sự vĩ đại của đại dương, sự lớn lao của một sản phẩm cơ khí do con người chế tạo và tinh thần phiêu lưu khai phá thế giới của đầu thế kỷ 20. Bản thân Jack chỉ là một họa sĩ nghèo, nhưng anh sở hữu một tài sản vô giá là đầu óc khoáng đạt và tấm lòng nhân hậu, không bị gò bó bởi lễ nghi phép tắc và sự lạnh lùng của tầng lớp quý tộc đương thời. 
Phân cảnh tạo cảm xúc mãnh liệt nhất, với câu thoại "Tôi là vua của thế giới này!" chuyển tải tinh thần khai phá một thế giới mới và tình yêu tự do của bộ phim. Ở cảnh này không còn gì để nói ngoài hai từ: Choáng ngợp!
Đầu thế kỷ 20 là lúc thế giới đang ở điểm giao thời của cổ điển và hiện đại, nền văn minh phương Tây đang lan tỏa mạnh mẽ trên thế giới, và oái ăm thay cũng là đêm trước của hai cuộc thế chiến. Bầu không khí tự do tràn ngập trong phân cảnh này, khán giả cảm thấy một xúc cảm mãnh liệt, hào hùng và tráng lệ lạ thường. Tinh thần tự do ấy tồn tại ở những con người không bị câu thúc bởi tiền bạc, quyền thế hay địa vị xã hội như Jack và Fabrizio, họ không trói buộc những khát vọng thực sự của mình đằng sau lớp áo quý tộc nghiêm nghị như Ruth, như Rose hay Cal mà thoải mái bộc lộ - đó là tự do. Nếu như quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy những người thượng lưu trên tàu mặc dù trang phục đẹp đẽ nhưng họ đi lại và hành xử như những bóng ma vật vờ, thiếu sức sống tương phản hoàn toàn với tầng lớp hạ lưu trên tàu. Mặc dù sau đó Jack thiệt mạng trong vụ đắm tàu nhưng tinh thần tự do của anh đã được truyền cho Rose, nói cách khác, trong nhân cách con người Rose ở cuối phim đã có một nửa là của Jack.
Titanic không phải là một bộ phim về thảm họa đơn thuần, đây là một bản anh hùng ca theo đúng nghĩa của nó, ca khúc trong phim cũng thực sự là một bản anh hùng ca. Tôi nghĩ rằng nó có thể là bộ phim duy nhất mà người ta phải nán lại đến phút cuối để thưởng thức hết một bản nhạc du dương hết mực mà cũng vô cùng hùng tráng. Đây là ca khúc đỉnh cao của âm nhạc đương đại.
Như vậy, để tạo thành một tác phẩm kinh điển cần có sự hội tụ của 5 yếu tố sau:
1/ Có nguồn kinh phí dồi dào để phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của đạo diễn và diễn viên.
2/ Số phận của các nhân vật trong phim có sự biến đổi sâu sắc, giúp khán giả đúc kết được nhiều bài học về cuộc sống.
3/ Chuyển tải được các giá trị văn hóa đến khán giả.
4/ Ghi lại được một cảnh phim mang đến cảm xúc mãnh liệt.
5/ Có một ca khúc để đời.
Hưng Lê