Ngành khoa học u sầu mà từ đó tôi tặng bạn tôi món quà này liên quan đến một vùng đất mà từ thời xa xưa được coi là lĩnh vực triết học thực sự, nhưng kể từ khi triết học trở thành phương pháp, nó đã bị bỏ bê bởi trí tuệ, rơi vào cảm xúc sến súa và rồi cuối cùng bị lãng quên: lời dạy bảo về cuộc sống tốt đẹp. Cái mà các nhà triết học từng biết tới là cuộc sống đã trở thành phạm vi tồn tại riêng tư và giờ chỉ là tiêu dùng, bị kéo theo như một phần phụ của quá trình sản xuất vật chất, không có quyền tự chủ hay thực chất của riêng nó.
- Theodor W. Adorno, Minima Moralia: Reflections from Damaged Life
------------------------------------------------------------------------------------------------------------

1. Triết học?

Triết học là một thứ khó định nghĩa. Nó là gì? Với người Athens nó là tình yêu với kiến thức. Trong lịch sử phương Tây nó là sự phê bình tôn giáo nhưng nó cũng là tôn giáo và sự nghiên cứu thần thánh. Nó có phải khoa học về sự nhận thức? Hay khoa học về sự tồn tại? Hay nó là phương pháp - sự tự chất vấn của các chuyên ngành khoa học? Nó thậm chí có thể là tâm lý học, hoặc là ngôn ngữ học, hoặc vật lý học, hoặc nghiên cứu truyền thông. Tất cả các ngành này đều bắt đầu từ triết học và phản biện lại triết học trong quá trình khẳng định bản thân là một ngành riêng - mặc dù những ngành này vẫn luôn bị triết học ám ảnh (như trong trường hợp của vật lý) hoặc có mối quan hệ mật thiết với triết học (trong trường hợp ngôn ngữ, logic và truyền thông). Câu hỏi về triết học có thể nổi lên từ bất kỳ sự tự chất vấn nào với bản thân. Triết học cũng có thể là nghệ thuật, nó có khả năng tạo ra những khái niệm mới và cách hiểu mới về sự “tồn tại” của bản thân, dẫn tới một sự sống mới mang thân xác cũ. Ngày nay nó là hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời. Thuốc phiện cho tầng lớp trung lưu? Thuốc giảm đau cho tầng lớp lao động trí thức?
Và còn những thứ không nằm trong lịch sử triết học thì sao? Có những thứ gì có lịch sử riêng của nó nhưng bị gán cho cái tên triết học và bị sát nhập vào cùng triết trong quá trình thuộc địa hóa hay toàn cầu hóa? Trong văn hóa phương Đông nó chủ yếu là những bài học về cách chúng ta nên sống, nhưng liệu người hiền nhân và thầy tu có phải nhà triết học? Từ triết học là một từ tiếng việt và chắc hẳn trong quá khứ, nó mang nặng một hàm ý khác, một lịch sử khác. Có lẽ nó từng gần hơn với giáo dục công dân hơn và được sử dụng giữa những người cha và con, thầy và trò, những người già và trẻ con và nặng về nội dung văn học; hoạt động triết học không chỉ mang tính dạy dỗ mà còn là tái tạo và tiếp tục một kiểu cấu trúc xã hội phong kiến. Nhưng giờ đây triết học chỉ là cái tên đứng thế cho philosophia trong tiếng Việt. Lịch sử của triết bắt đầu từ Athens thay vì Trung Quốc hay Việt Nam. Chiêm tinh, bói toán, phong thủy, lang băm, thờ cúng thần thánh và phép cai trị từng có quan hệ mật thiết với với “triết học phương Đông” nhưng giờ đã bị loại bỏ ra khỏi “triết học”. Hoạt động của nó giờ là sở thích của mấy ông già rảnh háng hay trò lừa bịp để kiếm tiền từ những người cả tin. 
Còn nói tới kiếm tiền, những thứ gì ngày nay đã thay thế triết học trong thời đại tư bản? Những ngành liên quan tới thông tin và truyền thông chuyên sản xuất ý tưởng và sản xuất nhu cầu tiêu dùng, sự ước muốn như tiếp thị, quảng cáo, thiết kế, khoa học máy tính,..v.v, Nếu là bài học về cuộc sống và bản thân thì có sách self-help, bói toán, MBTI, big-5, chiêm tinh học, Buzzfeed, danh sách top 10,..v.v những thứ bị coi ghẻ bởi một bộ phận tầng lớp tri thức “ưu tú”.
Tôi sẽ không đưa ra một khái niệm mới về triết học, tôi không thấy có sự cần thiết trong công việc này vì đã có rất nhiều người giỏi đã định nghĩa triết học, hàng trăm cuốn sách về chủ đề này được viết - những cuốn sách xuất sắc nhất trong số chúng chỉ ra sự cấp thiết và cần thiết của triết học và làm người đọc xúc động, trong lòng mang đầy cảm hứng và sức mạnh. Ai ai cũng muốn mình trở thành người tiếp nối truyền thống của những tác giả này. Có thể nói những thiên tài này đã hơi quá thành công không cần thiết trong sự phô trương tài năng của họ và số lượng họ hơi nhiều.* Câu hỏi về triết học là gì vừa quan trọng vừa nhạt nhẽo và cliché. Việc định nghĩa triết đa số thường chỉ tạo ra được một thứ khái niệm chắp vá nửa mùa và một tác giả với sự tự mãn thổi phồng khi nghĩ rằng mình đã “vượt qua” được những người đi trước. Nói vậy không phải cho rằng việc tạo ra định nghĩa mới là vô nghĩa và không thể, mà nó là một công việc khó khăn, sự định nghĩa phải có ý nghĩa xã hội, có ý nghĩa xã hội nghĩa là nó mang trên mình không chỉ nội dung mà cả chức năng, ý nghĩa đến từ sự sử dụng. Định nghĩa này phải đúng lúc, đúng thời điểm và nắm bắt được sự hỗn loạn của thời thế và tạo ra một xu hướng hay chủ đích chung tiềm ẩn trong những gì đã tồn tại (tạo ra, không phải là tìm ra, vì chúng ta đang nói tới một định nghĩa “mới”). Nói cách khác, nó là hành động diễn dịch thế giới.
Nhưng bất kể triết học là gì thì nó cũng đã gắn liền với cuộc đời tôi trong một thời gian dài. Tôi không hiểu nó, tôi không biết nó là gì và tôi cũng không coi mình là một triết gia, nhưng tôi khổ vì nó và cuộc đời tôi không thể thoát khỏi triết học.
---------------------------------------------------
*Mỗi cuốn sách, mỗi bài viết có học thức là một gánh nặng mới cho người đọc sách, và vì lý do đó, giảm đi khả năng họ sẽ đọc những cuốn sách và bài viết khác. Sự xuất bản của một cuốn sách hay bài viết do đó không nghiễm nhiên là chính đáng bởi vì nó mang trong mình giá trị nào đó: giá trị nó đem lại phải đủ lớn để nặng hơn tất cả những tội trạng mà nó đã gây ra bởi sự xuất bản của nó.
- Michael Dummett, Frege: Philosophy of Mathematics.
Tuy nhiên ta không nên nghĩ việc suy nghĩ và viết là một phần của một dự án xây dựng một thư viện kiến thức tuyệt đối và vĩnh cửu, chúng ta suy nghĩ và viết để giữ chúng sống - kiến thức, viết và suy nghĩ, và cũng vì lẽ đó ta làm những việc này không phải vì “lý do” mà vì “sống”. Vấn đề thứ hai là Dummett nói đúng, nhưng tất cả những học giả và nhà văn xuất chúng đều đã phạm vô kể khẩu nghiệp trong bóng tối lịch sử. Không ai cả đời không nói một câu nào rồi bỗng dưng một ngày họ mở miệng thì không gì ngoài vàng và ngọc thốt ra. Cái quan trọng là cảm giác tội lỗi và gánh nặng tội ác của bạn khi bạn viết, còn tội ác thì phải phạm.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------

2. Mối quan hệ giữa triết học và cuộc sống của một cá nhân, hay những gì ta không nên viết lên giấy.

Đúng vậy… Ta gần như có thể nói rằng, ở giới hạn,... Một người viết, đó là cái gì? Anh ta viết, anh ta viết “cho” người đọc, đương nhiên, nhưng “cho” có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là "à l'intention de," tới họ, chủ đích tới họ, anh ta viết “cho” người đọc. Nhưng ta cũng phải nói rằng người viết viết cho người không đọc, nghĩa là, không phải chủ đích cho họ mà “trong vị trí của họ.” Vậy nên nó có hai nghĩa: cho họ và trong vị trí của họ. Artaud viết rất nhiều trang mà gần như mọi người đều biết, “Tôi viết cho người mù chữ, tôi viết cho những kẻ ngu xuẩn.” Faulkner viết cho những kẻ ngu xuẩn. Nó không có nghĩa là để những kẻ ngu xuẩn có thể đọc, hay những người mù chữ đọc, nó có nghĩa là “trong vị trí” của những kẻ mù chữ. Ý tôi là, tôi viết “trong vị trí của” những kẻ man rợ (les sauvages), tôi viết “trong vị trí” của động vật. Và nó có nghĩa là gì? Tại sao có người lại dám nói như vậy, tôi viết trong vị trí của những kẻ ngu xuẩn, người mù chữ, động vật? Bởi vì đó là việc mà anh ta làm, theo đúng nghĩa đen, khi anh ta viết. Khi một người viết, anh ta đang không theo đuổi một việc riêng tư nhỏ nhặt nào. Chúng thật sự là những kẻ ngu dốt (connards); thật vậy, nó là cái thứ ghê tởm của sự tầm thường trong văn học ở mọi thời đại, nhưng đặc biệt là gần đây. Nó làm người ta tin rằng để tạo ra một cuốn tiểu thuyết - đây là một ví dụ, chỉ cần một việc riêng tư nhỏ nhặt nào đó, một vấn đề cá nhân nào đó - ví dụ bà của cô mất vì ung thư, hay chuyện tình cảm cá nhân của ai đó -- và thế là đủ, cô có thể viết một cuốn sách dựa vào đó. Đó là một cách suy nghĩ đáng xấu hổ. Viết không phải công việc cá nhân của ai cả mà nó có nghĩa là ném mình vào việc của thế giới, bất kể là tiểu thuyết hay triết học. Nhưng như vậy có nghĩa là gì?...
- 001/10/1998; Gilles Deleuze: The ABC Primer / Recording 1 - A to F
Gilles Deleuze và Félix Guattari, Skyros, Greece, ca. 1980. Ảnh: Karl Flinker.
Gilles Deleuze và Félix Guattari, Skyros, Greece, ca. 1980. Ảnh: Karl Flinker.
Triết học thuộc về thế giới, nó không thuộc về tôi.
Đây không phải là lần đầu tôi suy nghĩ về triết học trong cuộc sống cá nhân tôi và viết về mối quan hệ này, nhưng không một lần nào tôi viết về chủ đề này mà nó không trở thành một câu chuyện nhạt nhẽo xấu xí về những thứ đáng xấu hổ về bản thân tôi.
-----------------------------------------------------
Triết học là gì với tôi? Nó là những dòng chảy suy nghĩ không bao giờ kết thúc, ăn mòn dần khả năng suy nghĩ, hiểu biết và cảm xúc. Nó lặp lại như những con sóng. Mọi giá trị, ý nghĩa, sự đúng sai hay ý thức sứ mệnh, nhiệm vụ như vỡ vụn thành bọt biển trước những cơn sóng. Nhưng trước khi tôi có thể hóa điên hoàn toàn thì thủy triều rút, sự vô tận quay về với biển cả. Tôi không nhớ có một đêm nào mà tôi đã thiếp vào giấc ngủ yên tĩnh với những suy nghĩ triết học, nhưng tôi nhớ những đêm tôi thức trắng trong bóng tối, đấm tường, đạp giường hay ngồi bất thần trong phòng tắm vì những suy nghĩ vô nghĩa và nông cạn. Ngày này qua ngày khác những câu hỏi bất tận, những vấn đề không có bắt đầu và kết thúc và sự bất lực ăn sâu vào cách suy nghĩ. Kể cả nếu tôi có trả lời được chúng - không có gì đợi tôi cả ngoài sự im lặng và trống rỗng. “Thế thì sao?” - vực thẳm hỏi tôi.
Biết rằng con người có phẩm giá, lòng tự trọng và đầy cảm xúc thì sao? Ai chả “tốt”, ai chả có lý do cho hành động của họ? Ta càng phân tích ta càng thấy sự logic và tất yếu trong tất cả những gì đã xảy ra, và theo đó, sẽ xảy ra. Tất cả chúng ta vẫn phải yếu đuối hay mạnh mẽ, thông minh hay đần độn, tài năng hay tầm thường, thay đổi thế giới hoặc vô nghĩa, bóc lột hoặc bị bọc lột, thắng hoặc thua. Ta vẫn phải ghét nhau, chúng ta vẫn phải đấu tranh vì những giá trị mà ta tin tưởng và bảo vệ những gì ta quan tâm. Ta vẫn phải chà đạp lên những giá trị của người khác, cảm xúc, ký ức của họ, lịch sử của họ. Chúng ta vẫn phải cãi nhau và làm tổn thương lẫn nhau, và có những thù oán không thể tha thứ. Biết là một gánh nặng lên lương tâm làm con người bị tê liệt, nhưng rốt cuộc họ vẫn phải hành động, kể cả nếu hành động đó là im lặng. Nếu bạn không hành động thì không có gì xảy ra và bạn dậm chân tại chỗ trong thế giới này, và nếu bạn hành động thì dù bạn có dừng lại suy nghĩ, nó cũng không tạo ra sự khác biệt bởi hành động của bạn sẽ không có sự khác biệt với quan hệ tỉ lệ thuận với thời gian bạn đắn đo hành động của mình.
Xã hội tư bản bóc lột tầng lớp lao động thì sao? Bạn vẫn chỉ là hàng hóa đem bán trên thị trường cho người trả giá cao nhất. Bạn vẫn chỉ là thằng nô lệ của đồng lương. Bạn vẫn sẽ phải viết CV và liệt kê trên đó tất cả những thứ ngu xuẩn vặt vãnh vô nghĩa để làm cho mình hấp dẫn hơn một đứa nô lệ khác. Biết và có thể tưởng tượng được một thế giới khác, một thế giới đẹp hơn, biết rằng thế giới đó có thể xảy ra và nó luôn trong tầm tay chúng ta là một gánh nặng lên lương tâm và khi ta làm việc, ta không chỉ phải đối mặt với sự vô nghĩa của công việc (alienation) ta còn phải nghĩ về sự đau khổ của mình thay vì có thể chấp nhận nó. Nhưng có tự tra tấn mình bằng suy nghĩ đến mấy cũng vô ích. Tư bản sẽ không kết thúc vì có một anh hùng nào đó đứng lên cứu nhân dân, nó sẽ không kết thúc vì bạn tham gia vào phong trào sinh viên hay vào chính trị quan liêu. Xã hội chủ nghĩa chỉ xảy ra khi các yếu tố lịch sử đã hội tụ đầy đủ và bản thân người lao động đứng lên chiến đấu vì sự tự do của mình. Thời khắc lịch sử đó còn quá xa và tôi sẽ chết trước khi nó xảy ra, xác của tôi sẽ làm nền móng cho thế hệ tương lai. Nhưng cho đến lúc chết thì tôi có thể làm gì ngoài đau khổ? Và nếu tôi có quay đầu với những giá trị của bản thân và trở thành một đứa doanh nhân thao túng lao động, hay lừa người bằng cryptocurrency hay thậm chí đa cấp, việc mà tôi hoàn toàn có thể làm và tôi thừa khả năng rũ bỏ cảm giác tội lỗi trong việc lừa đảo, lịch sử cũng sẽ không phán xét tôi nếu tôi thắng vì tất cả chúng ta đều chỉ là “sản phẩm” của thời đại (lịch sử thậm chí còn không phán xét đa số những kẻ ác nói gì đến một hay hai thằng ất ơ). Tôi sẽ hạnh phúc hơn, gia đình tôi sẽ tôn trọng tôi và cuộc sống của tôi sẽ an toàn hơn.
Một binh sĩ Afghanistan kéo an ninh khi trực thăng Black Hawk của Quân đội Mỹ cất cánh ở tỉnh Laghman, Afghanistan. Ảnh: quân đội Hoa Kỳ
Một binh sĩ Afghanistan kéo an ninh khi trực thăng Black Hawk của Quân đội Mỹ cất cánh ở tỉnh Laghman, Afghanistan. Ảnh: quân đội Hoa Kỳ
Các lãnh đạo thế giới nói dối thì sao và phạm tội ác chống lại loài người thì sao? Không ai quan tâm. Kissinger vẫn sống nhởn nhơ, năm nay 98 tuổi rồi. Obama, Bush, Trump? Vẫn sống, vẫn giàu, vẫn khốn nạn và không ai làm được gì cả. Chưa có một tổng thống Mỹ nào từ thời hậu chiến tranh thế giới thứ 2 mà chưa phạm tội ác chống lại loài người. Trừ JFK ra thì tất cả đều sống hạnh phúc và chết trong giàu có để lại tài sản giàu sụ cho con cái, cháu chắt (và JFK cũng chỉ bị một phát vào đầu). Bush con cũng là một kiểu con ông cháu cha. Không chỉ ở Mỹ mà tất cả các quốc gia trên thế giới cũng nhiều không xuể những kẻ khốn nạn (nhìn lướt qua Anh hay Nhật hay soi xét toàn bộ hệ thống chính trị Nga hay các nước Đông Âu là ra một đống), nhưng vì Mỹ là cái lỗ đít vũ trụ truyền thông nên ai cũng biết. Chúng ta còn biết đến cả Jeff Bezos với Elon Musk và thần thánh hóa những nhân vật này. 20 năm chiến tranh Afghanistan để lại một quốc gia nghèo nàn, cơ sở hạ tầng sụp đổ, người dân bị dịch chuyển khắp nơi, gia đình bị ly tán, nền kinh tế què quặt và phải dựa vào buôn bán thuốc phiện. Việc nền kinh tế dựa vào buôn bán thuốc phiện cũng có nghĩa là chính trị của quốc gia sẽ không bao giờ ổn định. Có một cựu chiến binh viết một bài viết đau xót về những ký ức của cô trong hai lần quân đội triển khai ở Afghan, cô kết thúc với những dòng cay đắng:
Và thế là tôi ngồi đây, đọc tất cả những bài viết u sầu chó chết này và những bài đăng kinh hoàng trên mạng xã hội về sự đau khổ ở Afghanistan và sự kinh hoàng của thế lực Taliban đang dần dần ập tới và rằng nó tồi tệ làm sao khi những thứ này xảy ra nhưng tôi không thể dừng cảm xúc hạnh phúc nghiệt ngã này, nó như kiểu, cuối cùng, bọn súc vật, cuối cùng chúng mày cũng phải đối mặt với những thứ mà đã luôn là Afghanistan. Chúng mày không thể tiếp tục nói dối với bản thân về cái mà chúng mày đã đẩy tao vào.
Không còn lính nổ tan xác nữa. Không còn video Bollywood trên điện thoại của những người mà bị gửi đến nơi mà chỉ có Chúa mới biết. Không còn những lời đạo đức giả nữa. 
Không còn những sự giả dối về việc nó có ý nghĩa gì cả. Nó đéo có.
Nó đéo có ý nghĩa gì hết.
- Laura Jedeed, Afghanistan Meant Nothing
Nhưng nó vô nghĩa thì sao? Có ý nghĩa đéo gì trong cái sự vô nghĩa đó? Afghanistan không phải lần đầu tiên Mỹ đã "can thiệp" vào chính trị của quốc gia khác và cũng sẽ không phải lần cuối cùng. Hiện tại quân đội Mỹ vẫn đóng quân ở khắp nơi trên thế giới và có tham gia trực tiếp hoặc nhúng tay gián tiếp vào, tùy theo cách bạn hệ thống khái niệm chiến tranh và xung đột, vào khoảng 7-20 cuộc xung đột. Tất cả lũ doanh nhân chó chết đã kiếm được hàng trăm tỷ đô từ cuộc chiến tranh này - từ cái ponzi scheme này vẫn sống nhởn nhơ ngoài kia, không ai biết chúng là ai và không ai có thể làm được gì chúng. Và thế hệ tiếp nối chúng sẽ tiếp tục những gì chúng làm. Không có bài học gì cả, đây không phải lịch sử lặp lại lần thứ hai, nó đã xảy ra hàng chục lần trong thế kỷ 20 với các nước Châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ. Mỹ vẫn là một siêu sức mạnh trên thế giới. Bất kể những gì ta nói về nó trong ngày hôm nay cũng sẽ không thay đổi vị thế của nó trong thế giới.
Đám cháy Dixie, đã phá hủy một thị trấn và buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa của họ ở Bắc California, đã trở thành trận cháy rừng lớn thứ hai trong lịch sử bang vào Chủ nhật. Ảnh: David Swanson / Reuters
Đám cháy Dixie, đã phá hủy một thị trấn và buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa của họ ở Bắc California, đã trở thành trận cháy rừng lớn thứ hai trong lịch sử bang vào Chủ nhật. Ảnh: David Swanson / Reuters
Chúng ta biết về vấn đề biến đổi khí hậu từ hơn 100 năm rồi thì sao? Có giải pháp trong vài thập kỷ rồi thì sao? Tất cả đều vô nghĩa, chúng ta đã quá muộn.
Một báo cáo lớn mới của Liên hợp quốc đã kết luận rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn và không thể dừng lại trong vòng 30 năm tới, bởi vì các quốc gia trên thế giới đã trì hoãn quá lâu trong việc hạn chế phát thải. Một tương lai nóng hơn về cơ bản không thể tránh khỏi.
- The New York Times.
Vào mùng 9 tháng 8 IPCC (The Intergovernmental Panel on Climate Change) đã công bố một bản báo cáo về tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó IPCC chính thức kết luận điều mà chúng ta đều đã biết từ rất lâu sẽ xảy ra: Trái Đất sẽ ấm lên, thảm họa sẽ xảy ra và chúng ta sẽ không thể ngăn cản nó. Chưa bao giờ là quá muộn cho đến phút cuối, nhưng nó đã luôn luôn muộn.
Áp lực thời gian về bản chất là một thứ khó suy nghĩ về. Bình thường thì cơ hội để cân nhắc thường không nhất thiết được giả định, khá nhất thì rất có khả năng bị nhầm lẫn với sự liên tiếp của lịch sử, thay vì là một yếu tố riêng. Nếu khi nào mà chúng ta có cái gọi là thời gian để suy nghĩ, chúng ta nghĩ rằng, chúng ta có thời gian và sẽ luôn có thời gian để suy nghĩ. Xác suất thực về thời gian để quyết định đang trong quá trình bị nén lại một cách hệ thống vẫn là thứ nằm ngoài cân nhắc, kể cả với những người có sự quan tâm rõ ràng và đặc biệt tới sự nhanh chóng ngày càng tăng của thay đổi.
- Nick Land, A Quick and Dirty Introduction to Accelerationism.
Chúng ta đã luôn luôn muộn và khi chúng ta bắt đầu hỏi câu hỏi “chúng ta có thể làm gì?” thì trong thời gian thật, đó là lúc ta đã phải cân nhắc “ta có thể vớt vát được gì” chứ không phải “ta có thể làm gì để cứu Trái Đất?” Và có lẽ giờ cũng đã quá muộn để nghĩ đến sự vớt vát. Ta phải sống với tương lai chúng ta đã tạo ra, thiên nhiên đã làm chủ bối cảnh tạo ra tương lai, không phải chúng ta, và chúng ta sẽ phải sống với những gì thiên nhiên để lại sau khi nó càn quét xong. Hàng trăm triệu người, hàng tỷ người sẽ mất gia đình, nhà cửa, công việc, cộng đồng, an toàn,... họ sẽ phải di cư, họ sẽ mất quyền con người và sự bảo hộ của quốc tịch, họ sẽ trở thành những con mồi dễ bị thao túng trở thành nô lệ tư bản, nô lệ của các tổ chức “đen”, hay trở thành thế hệ khủng bố tiếp theo. Thảm họa thiên nhiên chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho một số tổ chức và nhóm, nó không ảnh hưởng tới tất cả mọi quốc gia trên thế giới đồng đều theo cùng một cách. Sẽ có những vùng, quốc gia hay nhóm người giàu lên vì thảm họa và chúng ta là một lũ hề nếu ta nghĩ rằng thảm họa thiên nhiên sẽ nghiễm nhiên đẩy các quốc gia chung tay hợp tác thay vì tìm cách cải thiện vị trí của mình trên chiến trường quốc tế. Khuôn khổ quan hệ quốc tế của Hobbes là như vậy.
Biết những thứ này thì sao? Kiến thức có ý nghĩa gì chứ? Vô dụng. Ai được lợi khi tôi truy đuổi tìm kiếm kiến thức “thật”? Đến cả tôi cũng không có lợi gì. Biết nhiều chưa bao giờ đem lại hạnh phúc cho ai.
Chỉ có hai kiểu kiến thức, kiến thức “đơn giản” và “kiến thức” gắn liền với các tổ chức - thường là đại học. Những gì đại học sản xuất, nhất là từ giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ là kiến thức. Nếu không phải từ những nguồn này thì nó không phải kiến thức cho đến khi nó được “xác chứng” bởi hệ thống đại học. Nhưng việc nó là “kiến thức” sản xuất nghĩa là kiến thức này cần các cơ chế của một xã hội hiện đại để biến nó thành giá trị. Vật lý trở thành hoàng tử đẹp trai của khoa học trong thế giới hôm nay là vì chương trình phát triển bom hạt nhân Manhattan trong thế chiến thứ 2, nếu không thì kiến thức về vật lý thuần túy cũng bị coi thường bởi tất cả mọi người chứ không chỉ những người học vật lý áp dụng hay kỹ sư. Mấy đứa kỹ sư, lập trình, toán tin với vật lý áp dụng nghĩ mình hơn những ngành khác vì nó “thực dụng và thực tế” mà không nghĩ đến việc những kiến thức và kinh nghiệm của những ngành này gắn liền với một kiểu cấu trúc sản xuất nhất định, một cỗ máy chiến tranh nhất định, một cơ sở hạ tầng truyền thông nhất định gắn liền với xã hội dân sự hiện đại. Chúng ta có thể nói trong một xã hội phong kiến hay thợ săn hái lượm họ vô dụng, họ sẽ bảo rằng đấy là một so sánh ngớ ngẩn. Đúng và không. Và nói vậy không có nghĩa là các techne mang chủ nghĩa cá nhân như khả năng tự xây nhà hay tự lắp ráp sản xuất máy móc, tự trồng cấy, và bảo vệ bản thân như võ thuật hay sử dụng súng tự dưng trở thành vua và là dấu hiệu của con người đẳng cấp. “Kiến thức” luôn gắn liền với cơ sở hạ tầng và cần cơ sở hạ tầng để nó có sức mạnh thực sự. Nói cách khác, tôi là một người sở hữu “kiến thức” ngoài cơ sở hạ tầng của nó - và cái biết của tôi không hơn gì một người đọc hướng dẫn sử dụng tủ lạnh. Nó không phải là kiến thức, nó là trivia.
Còn giá trị con người của tôi thì sao? Những bài học từ hiện sinh? Tôi đã chơi hết tất cả games của Fromsoft và tôi biết rằng nếu ta không bỏ cuộc và cố gắng hết sức mình, không có núi gì ta không thể leo và chinh phục. Thật là một bài học ngu xuẩn và vô nghĩa? Nếu ta biết mình có thể làm mọi thứ thì có lý do gì để làm cơ chứ? Ngồi một chỗ mà nghĩ và mơ về tất cả những vinh quang và phú quý mình có thể đạt được và thế là no đủ, tất cả chúng ta đều biết mình có thể đạt được nó nếu ta cố gắng, vậy thì mất công làm gì để trở thành một người thành công trong khi ta có thể ngồi suy nghĩ và mơ về hàng trăm “tôi” thành công và được tôn trọng mà không phải sống với thực tế của một người thành công? Như Zizek nói, một bài học quan trọng của psychoanalysis là chúng ta không thực sự muốn cái chúng ta muốn. Và tôi đã đọc đủ về sinh học và xã hội học để biết những khái niệm như IQ hay “tài năng” là những khái niệm vô nghĩa và sai lệch. Tôi biết mình có giá trị, tôi không cần phải chứng minh với ai tôi là thiên tài cả. Nhưng nếu không có lý do để chứng minh mình là thiên tài, không có ham muốn giàu sang phú quý và mọi hành động của mình đều vô nghĩa trong dòng chảy thế giới, có ý nghĩa gì trong việc theo đuổi giấc mơ? Có ý nghĩa gì trong lao động? Có ý nghĩa gì trong tham vọng? Đeo tai nghe, bật nhạc lên và nhìn vào màn hình của bạn lướt mạng xã hội, chơi games gacha, thủ dâm. Tiêm dopamine ngập não của bạn và tiêu thụ cho tới ngày tận thế.
-----------------------------------------------------
Ngày này qua ngày khác suy nghĩ lặp lại bất tận, tinh thần chết dần chết mòn. Hiếm khi tôi cảm thấy triết học cho tôi sức mạnh sống, nó có xảy ra nhưng rất hiếm. Những thời gian khác tôi sống như automata: làm việc, tiêu thụ, thủ dâm. Đôi khi tôi thức tỉnh khỏi cơn say dopamine, tôi nhớ ra mình vẫn mơ ước về một tương lai mà trong đó tôi không còn thất vọng với bản thân và viết được một câu chuyện mà tôi không ghét. Tôi không phải là một con người hạnh phúc nhưng tôi cũng không bất hạnh. Sự cay đắng của tôi là cái bất hạnh bình thường (ordinary unhappiness) như cách Freud gọi nó. 
Với tôi đây là ý nghĩa của “thực hành triết học trong đời sống”. Đây là cuộc sống của một con người đã học các bài học, các tinh thần của triết học, thẩm vấn chúng, liên kết chúng, loại bỏ, tổng hợp, tái diễn dịch chúng, và kết hợp lý luận vào cỗ máy sản xuất hành động. Đây là những gì tôi tìm thấy sau một quãng đường dài theo đuổi kiến thức và những giá trị cao đẹp: một cảm giác bất mãn với cuộc sống, một cảm giác xa lánh (alienation) và bất lực trước thế giới, sự yếu đuối trong theo đuổi cái mà không còn có thể gọi là giấc mơ, và kiến thức không dùng để kiếm được tiền ăn.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------

3. Sự vô dụng của triết học trong thế giới này.

Althusser tại Đại hội Hegel Quốc tế năm 1974 ở Moscow (từ kho lưu trữ Mareev, ảnh qua Maidansky)
Althusser tại Đại hội Hegel Quốc tế năm 1974 ở Moscow (từ kho lưu trữ Mareev, ảnh qua Maidansky)
Đối với Hegel, triết học có một nhiệm vụ xã hội là hòa giải. Nó giống như với Thiên Chúa giáo thì lời dạy của Chúa về địa ngục cho những kẻ ác và sự sung sướng vĩnh hằng chờ đợi những người tốt - sự sung sướng ở đây là những người trên thiên đường được nhìn những kẻ khốn nạn bị tra tấn dưới địa ngục vãn kiếp (Thomas Aquinas). Trong xã hội hiện đại, triết học là thuốc giảm đau tinh thần sử dụng lý lẽ thay vì niềm tin. Hegel tin rằng suy nghĩ tạo ra đau khổ từ sự khác biệt giữa nhu cầu của con người và xã hội mà họ tạo ra. Công việc của triết là tìm ra sự cần thiết mang tính logic trong mọi thứ để hòa giải suy nghĩ với thực tế. Nếu ta có thể chỉ ra sự logic của thực tế xã hội, ta sẽ tìm ra được “lý do”, “lý lẽ” - nội dung của suy nghĩ, và khi đó suy nghĩ sẽ hợp nhất với thực tế làm tan biến nguồn gốc đau khổ từ suy nghĩ. Hay như mấy câu cách ngôn của văn học self-help mà có nội dung sơ sơ là tất cả đau khổ của bạn là từ não bạn mà ra, nó không có thật. Cái khác ở chỗ là self-help nói rằng bạn chỉ việc tận hưởng cuộc sống và cải thiện bản thân. “Sống trong hiện tại”, đừng quan tâm tới người khác nói gì, đừng mong đợi gì cả không thì đời nó sẽ không đi theo ý của mình, cứ làm vậy là đời sẽ đẹp ra,..v.v. Còn suy nghĩ của Hegel giống những luận điệu của mấy đứa phản động (phản động theo nghĩa reactionary, không phải traitor (phản bội) hay counter-revolutionary (phản cách mạng)), là mỗi khi có ai than phiền về cuộc đời họ hay chỉ trích một khía cạnh nào đó của xã hội, những kẻ này hay nhảy vào mồm người ta để giải thích cho họ cách thế giới hoạt động, ý nghĩa ngầm ám chỉ ở đây là sự đau khổ của người than phiền hay sự chỉ trích là một phần “tất yếu” của cuộc sống, cái gì đó tự nhiên và đã luôn tồn tại, và cái đứa than phiền kia nên im mồm lại không thì nó sẽ rất ngu và ngớ ngẩn (hoặc điên, nếu người đó nguy hiểm).
Nghĩa là self-help chấp nhận cuộc sống còn triết học là hệ thống lý luận tạo ra sự cần thiết của cuộc sống hiện tại, hay cái mà chúng ta hay gọi “raison d’etre”, lý do sống, lý do tồn tại. Nhìn qua có vẻ hai thứ khác nhau nhưng có rất nhiều triết học làm cả hai việc này (hoặc chủ nghĩa bị thâu tóm bởi triết học và self-help) như triết học phương Đông hay chủ nghĩa khắc kỷ.
Tất cả những thứ này là đống phân nếu bạn: học lịch sử, bị bóc lột, bị trầm cảm hoặc bạn là ubermensch (tôi là cả 4). Tất cả mọi thứ đều sinh ra và chết. Chưa có gì là vĩnh cửu cả, kể cả vũ trụ này cũng có tuổi và nếu bảo rằng nó vẫn đang sống và chưa có dấu hiệu chết sẽ giống như con gà công nghiệp trong lồng đến chợ thịt nghĩ rằng nó đã sống được vài năm và nó vẫn sẽ sống vì số liệu thống kê và kinh nghiệm đã chứng minh vậy. Không ai chết cho đến khi họ chết. Luôn luôn lịch sử hóa!
Nói với một đứa bị trầm cảm tất cả những gì mày cần là hành động và tôi hy vọng nó sẽ hành động đấm bạn. Nó giống như bảo người bị cụt chân “tại sao mày không đứng?” Bảo nô lệ và nông nô rằng thế giới này có logic của nó và mọi sự đau khổ đều có lý do chính đáng và tôi hy vọng họ sẽ nhét bạn vào máy chém. Lặp lại câu chuyện này với mọi nhóm bị chà đạp bởi lịch sử như người da màu, phụ nữ, người dân tộc thiểu số,..v.v. Nếu chúng ta tạo ra triết học để nói rằng “nghèo khó và đau khổ sẽ luôn tồn tại” (Thiên Chúa, đạo Phật hay chủ nghĩa khắc kỷ), chúng ta đang tự nhiên hóa tất cả những gì ngày nay ta coi là sai trái và bảo rằng người đau khổ nên cắn răng mà chịu, đừng thay đổi thế giới, hãy thay đổi bản thân mình (ít ra Chúa với Phật hứa là sau khi bạn chết thì có những thứ phi thường đang đợi những con chiên ngoan ngoãn). Hoặc họ nói thay đổi bản thân mình trước rồi hẵng nghĩ tới thay đổi xã hội. Bao giờ thì xong? Ta có thời gian để nghĩ? Sự hòa giải giữa bản thân và xã hội sẽ không bao giờ kết thúc trừ phi bạn thuộc tầng lớp trung lưu hay thượng lưu. Chưa có một con người “vĩ đại” nào thay đổi thế giới sau khi họ “dọn phòng” của họ. Kể cả những người có ý định tốt đẹp nhất cũng sẽ bị vô hiệu hóa bởi những triết học này vì chúng không cho ai câu trả lời mang tính hệ thống và lịch sử về cái xã hội mà họ đang sống, tất cả những gì họ có thể làm là hành động cá nhân. Tất cả chúng ta đều biết hành động cá nhân từ những người tốt tính nhất đã không cứu ngăn được sự ấm lên của Trái Đất.
Qua Marx đã xảy ra một sự lật ngược của suy nghĩ Hegel, không phải suy nghĩ tạo ra xã hội mà xã hội tạo ra suy nghĩ. Đối với Marx những hệ thống triết học mà Hegel nói tới là Ideology (hệ tư tưởng), nhưng trong truyền thống Marx từ “tư tưởng” luôn có hàm ý chỉ trích một hệ thống trải nghiệm và suy nghĩ của con người mà được tạo ra bởi nhà nước và các thể chế xã hội với mục đích che dấu đi sự phi logic trong cuộc sống, sự bất cần đối trong quan hệ kinh tế, sự bóc lột lao động và phẩm giá của con người. Nói cách khác, triết học, một phạm trù của các hệ thống tư tưởng là sản phẩm của thời thế với các chức năng xã hội nhất định. Những khái niệm nó tạo ra không phải sự thật vĩnh hằng về thế giới, nó có thể nói đúng nhưng cái đúng của nó phải bị lịch sử hóa. Những người đi sau Marx như Luckas, Althusser, Gramsci, Zizek,..v.v đã mở rộng rất nhiều về ngành nghiên cứu “tư tưởng” này.
Để thay đổi thế giới không cần triết học mà cần sự chỉ trích mọi thứ đang tồn tại và hành động, đặc biệt với Marx là hành động trong khuôn khổ đấu tranh giai cấp. 
------------------------------------------------------------------------------------------------------------

4. Giữa suy nghĩ và hành động.

Tuy nhiên tôi là thằng tiểu tư sản, lao động “tri thức” nên tôi cần triết học. Cách mạng không xảy ra do anh hùng tạo ra (chưa nói tới thằng anh hùng bàn phím) mà nó do các yếu tố lịch sử hội tụ. Nó gần giống khái niệm chuyển đổi mô hình (paradigm shift) của Thomas Kuhn. Chúng ta đang sống trong lịch sử thường. Lịch sử ngoài đời ngược lại với lịch sử trong sách, nó không hình thành bởi một chuỗi những sự kiện khác nhau xảy ra liên tiếp, nó là cái chúng ta đang sống - một series những thứ nhảm lờ lặp lại không bao giờ kết thúc. Cách mạng của tầng lớp lao động chắc sẽ không xảy ra trong đời tôi và tôi (đáng tiếc) vẫn phải sống vài chục năm nữa nên tôi cần thuốc phiện. Nếu may mắn có thể tôi sẽ không hít triết cả đời mà đến thời điểm nào đó tôi sẽ bỏ nó. Tốt cho tôi. Nhưng tôi không sống trong tương lai, tôi vẫn đang nghĩ và tôi cần làm gì đó mà tôi có thể làm được bất kể nó ít ỏi đến mấy.
Vì lý do đó tôi sẽ cần phải chuộc lại triết học từ chủ nghĩa Marx. Marx nói đúng nhưng có vài vấn đề: Một, trong cánh tả có một sự đa nghi với việc xây dựng cấu trúc nhưng quá nhiều sự tin tưởng vào việc giải thể cấu trúc và lật đổ. Tôi cho rằng đây là việc cần thiết, hãy để những người chỉ trích chỉ trích, chúng ta nên nghe họ nhưng công việc xây dựng vẫn sẽ xảy ra (và những thứ ta xây sẽ có vấn đề không thể tránh khỏi).
Thứ hai, chúng ta không thể tiên đoán được nội dung của xã hội chủ nghĩa thật mà sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng nó sẽ xây dựng dựa trên những suy nghĩ và hành động đã xảy ra trong quá khứ. Kể cả nếu nó có là một cuộc cách mạng lật đổ tất cả định kiến và cách chúng ta hiểu thế giới, nó sẽ là phản biện của một quá khứ thật sử dụng công cụ đã tồn tại, kể cả phương thức phản biện cũng là một công cụ, và nếu sự đoàn kết của giai cấp lao động thế giới tới từ yếu tố kỹ thuật về cả mặt công nghệ sản xuất lẫn công nghệ liên lạc thì những gì họ sử dụng sẽ là những thứ đang tồn tại đến từ tư sản, trí thức và trung lưu. Bởi lẽ lực lượng lao động không phải là ai khác cả mà những người bình thường, họ đọc sách self-help, họ đấu tranh để làm cuộc sống mình khá hơn, họ muốn trở thành người giàu có và hạnh phúc, họ đặt bản thân và gia đình của họ là trung tâm (điều này có thể thay đổi trong tương lai khi mà cách mạng cận kề).
Thứ ba, xã hội chủ nghĩa không phải sản phẩm của Marx mà đến từ mâu thuẫn của tư bản, nghĩa là dù Marx có phát triển nó hay không nó cũng vẫn sẽ xảy ra và ai đó hoặc nhiều ai đó trong lịch sử sẽ phát triển những suy nghĩ của xã hội chủ nghĩa (và vào thời điểm Marx viết có rất nhiều lý thuyết về xã hội chủ nghĩa như của Proudhon hay của utopian socialist) giống như hướng đã được vạch ra bởi Marx. Điều này đúng, nhưng Marx vẫn là người đã viết cuốn Tư Bản Luận, và nếu là những “ai đó” trong lịch sử họ cũng vẫn sẽ có lý do của họ. Nghĩa là ở đây đang có một sự chia cắt rất cơ bản giữa cách ta suy nghĩ vấn đề từ góc độ xem xét đối tượng nghiên cứu như một sự vật bị chi phối bởi lịch sử, và xem đối tượng nghiên cứu của mình từ góc độ chủ thể tạo nên lịch sử. Cả hai đều cần thiết nhưng tại sao và như thế nào?
Có vẻ chúng ta lại quay lại với câu hỏi cliché về sự tự do của con người. Đây là câu hỏi mà sẽ cần bài viết riêng dành cho nó, vì nó là vấn đề mang tính vật lý, lịch sử, sinh học, truyền thông, chính trị, logic, ngôn ngữ và nhận thức. Hiện tại tôi sẽ né vấn đề lớn hơn này và đưa ra giả thuyết về mối quan hệ giữa suy nghĩ và hành động.
-----------------------------------------------------
Các vết nứt trên Đập Kariba cao 420m trên sông Zambezi ở Nam Phi. Ảnh: Dmitriy Kandinskiy / Shutterstock
Các vết nứt trên Đập Kariba cao 420m trên sông Zambezi ở Nam Phi. Ảnh: Dmitriy Kandinskiy / Shutterstock
Suy nghĩ không dẫn tới hành động, lý thuyết không dẫn tới thực hành. Mối quan hệ giữa chúng không thẳng thắn như vậy. Nội dung suy nghĩ của một con người khác xa với sự tồn tại của họ trong thế giới đến mức đôi khi câu hỏi liệu ý thức có tồn tại hay không cảm giác không ngớ ngẩn lắm, mặc dù nó ngớ ngẩn. Mọi con người phải ỉa, ăn, đánh rắm, hít thở, đái, uống, bất kể anh ta có là thánh nhân sống, cô ta có là thần tượng đặc biệt lừng lẫy hay họ có là thiên tài cấp bậc gì. Việc thể hiện cái cá nhân phải được thực hiện thông qua ít nhiều các kênh giống nhau, sử dụng ngôn ngữ mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được. Một người thể hiện sự đặc biệt, cái khác biệt của họ không phải qua bản thân sự độc đáo đó mà họ phải vay mượn cách sử dụng (quy ước/”thổ ngữ”) ngôn ngữ từ những người độc đáo giống họ. Nói cách khác, để diễn tả nỗi đau khổ hay niềm vui sướng của tôi, tôi phải nói bằng từ vựng của những người cũng đau khổ hay vui sướng, tuy nhiên sự đau khổ và vui sướng của tôi - nếu khác họ - thì sự khác biệt về nội dung này không thể được thể hiện và nó cũng chưa tồn tại trong sự nhận biết của tôi, cho tới khi tôi gặp phải ngôn ngữ để diễn tả nó. Nếu tôi cảm thấy công việc của mình vô nghĩa thì sự vô nghĩa này (alienation) vô nghĩa cho đến khi nó được đặt vào khung khổ Marxism. Nhưng không phải ai cũng có tiếp cận với ngôn ngữ Marxism, họ có thể phàn nàn trong tiếng địa phương của họ, trong tiếng quốc gia của họ, và mặc dù giữa họ sẽ luôn có sự khác biệt nhưng nhìn chung ta có thể nói rằng có một kiểu phàn nàn, một kiểu thái độ nhất định tồn tại trong một quốc gia. Ở Pháp nó có thể là ngôn ngữ của biểu tình, ở Nhật nó là ngôn ngữ của sự im lặng và chịu đựng, ở Việt Nam nó có thể là mỉa mai cay đắng. Đây là những ví dụ cực kỳ đơn giản hóa thực tế, nhưng nó chỉ ra rằng mặc dù tất cả chúng ta đều phàn nàn về cùng một thứ, ngôn ngữ chúng ta khác nhau và những khác biệt này quan trọng.
Nhưng bài học ở đây không phải (chỉ) là Wittgenstein “giới hạn ngôn ngữ là giới hạn của thế giới”*, tôi muốn chỉ ra một vấn đề khác. Nội dung tâm lý tràn đầy, thừa mứa, thặng dư khi nó đối diện với cái mà Lacan gọi là the Real, nó xuất hiện trong hình thái sự tổn thương tâm lý và nó đòi hỏi các kênh để suy nghĩ tràn vào thực tế. Tuy nhiên, kênh thuộc sở hữu của cộng đồng, nó mang tính xã hội, chính trị và kinh tế. Kênh mang tính thực dụng và nó quan tâm tới sự tiếp diễn của nó hơn là sự bày tỏ của suy nghĩ. Những suy nghĩ càng mới, nằm ở biên giới của những gì có thể nghĩ được trong công nghệ ngôn ngữ (các phép so sánh, ẩn dụ và hoán dụ đang được sử dụng trong cộng đồng) thì càng đòi hỏi nhiều cơ sở vật chất mới phải được xây dựng. Cơ sở vật chất này là ngôn ngữ mới (và mọi ngôn ngữ đều không thể cá nhân mà phải là nhóm), văn hóa, hoạt động - đây là cơ sở vật chất mềm. Cơ sở vật chất cứng là phần mềm, phần cứng, chính sách, địa điểm, tiền tệ, tài nguyên,..v.v. Những tài nguyên này luôn khan hiếm không phải vì chúng thiếu mà chính bản thân chúng đã luôn là sự cạnh tranh. Nếu giới hạn của ngôn ngữ là giới hạn của thế giới thì xung đột lãnh thổ là điều hiển nhiên.
Tôi sẽ cụ thể hóa những ý tưởng này để dễ tưởng tượng hơn - mặc dù chúng ta luôn phải cẩn thận trước sự cụ thể hóa. Một ví dụ đơn giản: Làm thế nào để tôi bộc lộ sự tức giận (sự tức giận này mang cả nội dung cảm xúc lẫn suy nghĩ)? Tôi có thể đè nén nó, tôi có thể khóc, tôi có thể đập phá, tôi có thể hướng nó tới người khác, tôi có thể hướng nó tới bản thân mình, tôi có thể trả thù, tôi có thể bỏ qua, có thể quên đi, có thể làm dịu đau, có thể than phiền trên mạng xã hội,.v.v. Có rất nhiều cách để một con người giả định thể hiện sự tức giận nhưng một con người thật thường chỉ biết vài cách (hoặc công nhận một vài cách là “cách” thật sự để thể hiện sự tức giận, ví dụ như tôi không thể tưởng tượng được logic gì nằm sau việc đem sự giận giữ của mình trút lên đầu người không liên quan hay tự làm hại bản thân), và số lượng cách mà họ dùng chỉ có một hoặc hai.
Nếu bạn sống trong một gia đình áp bức và bạn có ít sức mạnh (con út), có thể bạn sẽ chỉ thấy được logic và tất yếu trong sự khóc, nén cảm xúc, đau đớn và tự làm hại bản thân, và ngược lại, những cách thể hiện này sẽ trở thành cách thể hiện duy nhất bạn có thể  chấp nhận. Đây không phải vì bạn không mang trong mình khả năng trả thù hay trút tức giận của mình lên người khác mà vì tài nguyên để xây dựng những kênh này không tồn tại mà thay vào đó những kênh mà bạn xây được (khóc, đè nén và làm hại bản thân) dựa trên sự thừa mứa tài nguyên củng cố bởi gia đình bạn. Bây giờ nếu bạn có một người bạn thuyết phục bạn thay đổi cách bày tỏ cảm xúc của mình sang một cái gì đó mang tính tích cực hơn, bớt làm tổn thương bản thân hơn, người bạn này đang cho bạn tài nguyên mới nhưng chỉ một lần không đủ. Có một sự thiếu hụt tài nguyên và bạn cũng sẽ phải tốn thời gian và công sức để xây dựng những kênh mới (học những cách thể hiện bản thân mới). Sau một thời gian dài những kênh bạn có sẽ trở thành những chiến thuật duy nhất bạn có vì môi trường xung quanh bạn đã được xây dựng trong hình ảnh của những kênh này - nó đã trở thành cơ sở hạ tầng của sự tồn tại của bạn. Một người có kênh trả thù có thể sẽ có một mạng lưới an toàn xã hội làm từ bạn bè và đồng minh để bảo vệ họ khỏi phản ứng từ sự trả thù. Hoặc một kiểu tâm lý nhất định. Phàn nàn trên mạng xã hội cần đồng minh trên mạng xã hội. Chỉ trích và đấu tranh cần có cơ sở hạ tầng kiến thức để lập luận rằng mình đúng, người sai, và sức mạnh lập luận của mình đến từ một cộng đồng chứ không phải lý lẽ của một người - trong trường hợp đó bạn bị điên. Và đương nhiên, các kênh bày tỏ sự tổn thương từ “the Real” mới luôn được sáng chế và chúng ta học chúng qua văn học, qua những câu chuyện. Câu chuyện của một nhân vật vượt qua nỗi đau của mình là logic, nó là giao thức để xử lý một “nỗi đau” tương tự. Văn học cho chúng ta giao thức. Thay vì nói rằng chuyện chỉ đơn giản là giải thích ý nghĩa của cuộc đời, đúng hơn ta nói rằng chuyện tạo ra ý nghĩa cho cuộc đời của chúng ta khi mà trước đấy ý nghĩa không tồn tại, hoặc chuyện nó đưa ra một lập luận mang tính logic và cảm tính về một cách sống, một cách hành động nhất định.
Bây giờ ta có thể đưa ra một ví dụ phức tạp hơn chút nhưng liên quan tới chủ đề ta đã nhắc tới: Chúng ta biết biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể giải quyết được vậy tại sao chúng ta đã không làm gì cả? Một số người nói rằng nếu con người không nông cạn, nhỏ nhặt và ngu xuẩn chúng ta đã có thể cứu được Trái Đất, nhưng chúng ta chết vì sự tham lam. Hành tinh có thể thay đổi nhưng nó không thay đổi, dường như có một con đường rõ ràng hướng khỏi thảm họa nhưng con đường đó không được lựa chọn bởi lịch sử. Vì cho rằng suy nghĩ và hành động có mối quan hệ thẳng thắn, họ không thể tránh khỏi kết luận rằng nếu chúng ta không cứu hành tinh thì lời giải thích tại sao chỉ có thể gán cho sự ác tâm, ngu dốt hoặc một khao khát trục lợi mãnh liệt. Vấn đề thực sự là thực tế chính trị và kinh tế không được tính đến trong những tầm nhìn thuần túy khoa học này. Tất nhiên, những điều này có khả năng xảy ra về mặt vật lý, nhưng tâm lý học, chính trị và kinh tế cũng là chuyển động của vật lý - và công nghệ cho một hành tinh xanh là công nghệ của chính trị, tâm lý học, kinh tế học, xã hội học, không phải khoa học vật lý hay phát triển các thiết bị xanh. (Chúng ta nên nhớ rằng dân số toàn thế giới nếu nhét hết vào một chỗ còn thậm chí không đầy hết bang Manhattan của Mỹ - Trái Đất rất, rất, rất lớn. Dân số chưa bao giờ là vấn đề, tiêu dùng và sản xuất quá độ là vấn đề - và đây là vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội).
Đây là một ví dụ khác về suy nghĩ tràn ra thực tế nhưng chảy vào sông đã có sẵn. Nó chảy vào dòng sông phát triển công nghệ, những cố gắng cá nhân nhỏ nhặt như vứt rác vào đúng nơi, phân loại rác nhựa khỏi rác tái chế, tham gia vào chính trị bầu cử, tham gia vào các tổ chức NGO,.v.v. Suy nghĩ chảy vào các chính sách quốc gia độc lập mà không có kết nối với chính sách của các quốc gia khác (việc bảo vệ môi trường trên truyền thông luôn thể hiện trong ngôn ngữ của chính sách của một đất nước thay vì nói về việc thúc đẩy một cộng đồng thế giới có thực - đang tồn tại tham gia vào chính sách của mình hoặc làm việc với mình; cái sau chỉ xảy ra khi các quốc gia muốn đổ lỗi cho nhau về việc không hoàn thành chỉ tiêu carbon đặt ra). Mặc dù có một sự đồng thuận chung ngầm và bản thân thực tế đã chứng minh là những con sông/cơ sở hạ tầng này không đủ để thay đổi hướng đi lịch sử, nước vẫn hội tụ ở cùng những con sông.  Trong trường hợp này, những suy nghĩ này không thể trở thành hiện thực vì nó bị “chặn” bởi cơ sở hạ tầng hiện có (cơ sở hạ tầng hiện tại đánh chiếm tài nguyên để tiếp tục sự tồn tại của bản thân nó). Chưa có một nền lý thuyết chính trị hay kinh tế nào có thể đoàn kết thế giới trong việc xây dựng một hệ sinh thái bền vững, chưa nói tới cơ sở hạ tầng thực. Suy nghĩ tràn ra và nó chảy theo dòng chính trị đã có sẵn nhưng nó cũng thử ngấm vào những vùng đất mới. Nhưng khi mở một con đường mới tốc độ sẽ rất chậm và nó phải xảy ra một cách cẩn thận. Trước khi có đường phải có lối mòn, trước khi có lối mòn thì không có gì ngoài cỏ cao và rậm. Và khi ta dẫm lên cỏ thì không phải lần nào ta cũng sẽ đi thẳng một đường qua cỏ - đường thẳng đấy là lối mòn từ tương lai quay trở lại ám hình ảnh của quá khứ. Lối mòn đó tới từ sự lang thang và lạc lối. 
Những suy nghĩ và hành động hay không có mối quan hệ song song, đơn giản vậy. Những suy nghĩ sẽ tự suy nghĩ, làm những việc của chúng trong khi các hành động sẽ lặp lại, tái sản xuất, làm những việc của chúng. Những suy nghĩ khác nhau sẽ hội tụ tại cùng một chuỗi hành động vì đó là kênh nhận thức thích hợp duy nhất mà nó có thể thực hiện tại thời điểm và bối cảnh cụ thể đó. Các hành động cũng vậy, bất chấp sự khác biệt, có thể tìm thấy các biểu hiện trong cùng một dòng suy nghĩ. Chúng là những phương tiện truyền thông cấu thành lẫn nhau. Những kẻ sáng tạo và những tác phẩm của nhau. Một mối quan hệ cộng sinh. Sự khác biệt về tiềm năng của suy nghĩ và cuộc sống trên thế giới đôi khi gây ra những sự kiện lớn khi nó đạt đến sự chênh lệch cực độ, nhưng đó là sự bất thường.
-----------------------------------------------------
[Bài viết trên được dịch/viết lại từ bài viết của tôi trong tiếng Anh và nó có một số vấn đề. Một, tôi không đủ khả năng dịch sang tiếng Việt mà vừa giữ cấu trúc của bài viết trong tiếng Anh mà vẫn tránh việc ngữ pháp và từ vựng tiếng Việt của tôi tái tạo lại những vấn đề mà nhẽ ra “nội dung” bài phải giải quyết. Hai, ngôn ngữ trừu tượng hơn tôi muốn. Vấn đề này có thể giải quyết bằng việc viết lại mọi thứ từ đầu nhưng việc này quá tốn thời gian và công sức.]
------------------------------------------------------------------------------------------------------------

5. Triết học thực hành.

Sự thực hành triết học không nằm ở cái riêng, chúng ta đã chỉ trích đủ về con người mà triết học tạo ra lẫn cái triết học cá nhân mà con người tạo ra. Triết học thuộc về thế giới. Sự thực hành triết học nằm ở việc viết ra triết học, tôi sẽ không gọi nó là viết ra khái niệm mới theo Deleuze vì chúng ta có thể hiểu nhầm rằng sáng tác tới từ hư không. Nó là công việc tạo ra phương tiện diễn dịch thế giới ở ngoài biên giới ngôn ngữ. Điểm khác biệt quan trọng có lẽ là triết học mà Marx chỉ trích nhắm tới thế giới trong biên giới ngôn ngữ. Dự án này không song song và phục vụ cho Marxism, nó có ý nghĩa riêng của nó, nhưng tôi cho rằng đây là thứ cần thiết và một thế giới xã hội chủ nghĩa cần nó.
Chúng ta có thể nhìn vào khoảnh khắc hiện tại: thế giới này đang tràn ngập đầy triết học không giúp ích cho ai. Ví dụ, ở phương Tây là một triết học lỗi thời lan tràn khắp không gian tư duy, một thứ triết vẫn mơ về sự lãng mạn của những người đàn ông khẳng định ý chí của họ lên Thế giới và làm chủ số phận của họ. Kẻ thù ở trước cổng thành của họ là lý trí mang tính công cụ và công nghệ thống trị con người - khoa học, lý trí, con số. 
Sự ghê tởm mang tính thẩm mỹ mà chủ nghĩa lãng mạn dành cho lý trí và công nghệ rốt cuộc ít vì ảnh hưởng của nó hơn là với việc lý trí và công nghệ cho thấy cách thế giới hoạt động khác thế nào so với thế giới trong truyền thuyết. Kẻ thù thật của nó không phải là sự phân rã chủ thể (alienation) mà là sự làm sáng tỏ (demystification), vậy nên nó sẽ luôn bắt tay với Truyền thống.
- Benjamin Bratton, Agamben WTF, or How Philosophy Failed the Pandemic
Cái giá phải trả của trận chiến để lấy lại sự ngây thơ trong sáng của con người là sinh mạng của những thứ không được coi là con người, và tiếp theo đó là bản thân con người. Kết quả của triết lý này không là gì khác ngoài chính bản thân phong trào chống tiêm chủng và chống giãn cách (mà triết lý của nó được thể hiện rõ ràng nhất trong loạt các tiểu luận của Giorgio Agamben phủ nhận đại dịch là một trò bịp, lừa đảo, các biện pháp quản lý như trại tập trung và Phát xít). Những cuộc đối thoại này nghe có vẻ ngớ ngẩn đối với người Việt Nam cách đây khoảng một năm nhưng hiện tại, đối mặt với các biện pháp cấm di chuyển khắc nghiệt, yêu cầu tuân thủ luật dãn cách bất công, và việc thiếu cơ sở hạ tầng để đối phó với đại dịch,... bỗng dưng các cuộc biểu tình chống lockdown và sự bất tuân dân sự của phương Tây dường như không còn khó hiểu với người Việt Nam nữa.
Chắc chắn chúng ta cần khuôn khổ chính trị đấu tranh giai cấp của Marxism (không phải chủ nghĩa Mác-Lênin hay chính xác hơn là nó là Stalinism, mà là Marxism và Leninism) để hình thành một xã hội không giai cấp, xóa bỏ sự “lao động”, nhưng vì dự án toàn cầu của Marx cũng là một dự án sinh thái và đòi hỏi phải có đủ điều kiện kỹ thuật và giao tiếp kỹ thuật giữa các tầng lớp lao động, nó cũng đòi hỏi ở chúng ta một nền chính trị và triết học về sự tồn tại sinh học (bio existences) và kỹ thuật (technical existences) - cái mà chúng ta được tạo ra, được duy trì bởi, và cũng là những sáng tạo và di sản của chúng ta. Sự diễn dịch của một kiểu sống mới giữa những “thứ không phải con người”: trong đó có vi sinh vật - cái mà đã luôn luôn sống cùng chúng ta, và di chuyển con người ra khỏi trung tâm của suy nghĩ và thay vào đó là Trái Đất.
Viết về một triết học như vậy là dự án thực hành triết học tôi muốn thực hiện.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tham khảo:
John Durham Peters, The Marvelous Clouds: Toward a Philosophy of Elemental Media
Muriel Combes, Gilbert Simondon and the Philosophy of the Transindividual
Kohei Saito, Karl Marx’s Ecosocialism: Capital, Nature, and the Unfinished Critique of Political Economy
Đọc thêm: