I. Tồn tại :

"I think therefore I am" hay "Tôi tư duy nên tôi tồn tại" -  Decartes là câu quote mọi người thường nhớ tới khi nói gì đó về triết học. Tôi cũng không là ngoại lệ, tôi quên khuấy nó đi cho tới khi tới độ tuổi phải suy nghĩ về sự tồn tại , tại sao phải tồn tại ? làm sao biết mình tồn tại ... lại đưa tôi về với câu quote trên đồng thời cũng đưa tôi đến một cánh cửa mới tới con đường mang tên triết học. Không biết các bạn thế nào, còn tôi cảm nhận sự tồn tại thông qua nỗi sợ, một nỗi sợ trường tồn nguyên thủy, vâng, sợ chết! Lúc nhỏ , tôi đọc được dòng này trong khu nghĩa trang công giáo : "hôm nay tôi, mai ai nấy" , cứ nghĩ tới một lúc nào đó mình nằm đây không động đậy, mọi người vây xung quanh, mọi thứ thuộc về bản thân đã không còn quan trọng nữa. Nhưng vẫn chưa đáng sợ, vì đó là với cách nghĩ với góc nhìn của một linh hồn, tự tưởng tượng ra khi chết bản thân hóa linh hồn, nhìn mọi thứ xung quanh và cảm nhận nỗi sợ nhưng tôi không tin vào linh hồn. Tôi nghĩ cái chết đến và mọi thứ chấm hết, thậm chí bạn còn không kịp đặt dấu chấm hết nữa và không có gì sao đó nữa, hoàn toàn, tương tự như việc ngắt cầu dao điện và mọi thiết bị tắt ngóm. Cái chết không đáng sợ  - vì không còn có ngay lúc chết hay sau lúc chết để mà sợ- mà đáng sợ ở khoảng thời gian khi mình nghĩ về nó. Con người là động vật biết mình sẽ chết, đó vừa là bi kịch nhưng lại là món quà vô cùng lớn khi nó giúp ta hiểu ra sự tồn tại của mặt đối lập : sự sống. Việc của ta giờ là cảm nhận được mình đang tồn tại, đang sống, nhưng  bằng cách nào ? Không như những câu trong sách self help kiểu đừng chết ở tuổi 25, có vài cách mình biết như thiền, tĩnh tâm, hoặc chú tâm làm việc gì đó, hoặc cảm nhận giây phút hiện tại hoặc hardcore hơn như là trải nghiệm khi cận kề cái chết ... hoặc đơn giản như cách Decartes nói : tư duy(think). Bạn không thể tư duy khi bạn không tồn tại bởi việc bạn nghĩ về việc bạn không tồn tại đã phủ định điều đó rồi. Vậy là bằng cách suy nghĩ, bạn đã cảm nhận được sự tồn tại của bản thân rồi - Memento Mori

II.Con đường :

Mình có đọc qua một vài lần (và vẫn đang đọc) cuốn Đạo đức kinh cũng như vài cuốn của Osho (giống như là một kiểu giải thích cho cuốn kia vậy), mình biết tới Đạo lão(Taoism) khi đọc các tác phẩm trên, nhưng Đạo lão lại quá xúc tích, mình cần thêm nhiều hướng dẫn hơn nữa để áp dụng vào cuộc sống và vô tình biết tới Khắc kỷ(Stoicism) - trường phái triết học mà theo mình là giống như một tiết thực hành của môn Đạo lão vậy. Bằng tính phân tích, khắc kỷ mang tới một bộ công cụ giúp bạn thực hành triết học trong cuộc sống (theo mình thì đây là điểm phân biệt Khắc kỷ với các trường phái triết học khác) , giờ đây bạn không chỉ học về triết, mà bạn cần sống với nó nữa, bằng cách đó, bạn có thể tìm ra con đường - Đạo được đề cập bởi Lão tử. Mình chưa từng muốn trở thành một triết gia hay người đọc quá nhiều về triết mà mình đơn giản là muốn sống cùng với triết học, nó là công cụ tuyệt vời giúp chúng ta tư duy và phản biện bằng logic học, giúp ta định hướng cuộc đời bằng các nguyên tắc cốt lõi và quan trọng là giúp ta có một cuộc-sống-tốt. Cũng không nên quá sa đà vào cuộc tranh luận giữa các trường phái triết học-như tôn giáo, giống như công cụ mà bạn chọn sẽ phù hợp với bạn mà không hẳn là phù hợp với người khác, cách chứng minh nó tốt là vận dụng nó thật thành thạo vào cuộc sống và như câu nói : đường nào rồi cũng về La mã😄 . Đạo tưởng như sâu xa, nhưng nó là con đường chúng ta đi hàng ngày với cái tâm ở ngay đó. Có người tìm ra Đạo bằng cách học tập, phân tích những lý lẽ của tiền nhân, cũng có người thông qua nguyên lý cuộc sống hằng ngày mà ngộ Đạo, trong khi có những người dùng tình yêu, từ bi, sự tha thứ với nhân sinh mà tìm ra hay có người chỉ thông qua việc tập trung vào làm một điều duy nhất tới tận cùng lại là ngộ ra Đạo. Mỗi một người sẽ có hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nhưng đều có cách để tìm ra Đạo của bản thân 

III.Công cụ :

Hầu như ai trong chúng ta thời trẻ cũng từng đọc qua self help, mình cũng vậy, và cũng như các bạn mình đã từng thức khuya thức hôm vì các liều thuốc kích thích tinh thần mà self help mang lại. Nhưng như những liều thuốc khác: nó không có tác dụng lâu dài, người thành công từ self help mà mình biết chắc là tác giả của những quyển sách trên. Mình nghĩ mỗi một quyển self help sẽ mang trong mình một khía cạnh hoặc cách nhìn khác nhau về nhiều vấn đề nhưng lại thiếu tính hệ thống cũng như tính ứng dụng, một điểm quan trọng nữa là nó đưa chúng ta đến những kết quả trong mơ, nhưng lại không nói rõ ta sống thế nào nếu như không đạt kết quả trong mơ đó trong khi số lượng vế sau luôn luôn áp đảo. Giống như nhiều quyển sách dạy ta cách tìm cho được đam mê  của đời mình (!) và sống với nó như là một nhiệm vụ tối quan trọng nhưng không dạy ta làm thế nào để sống mà thiếu nó(hoặc hoàn tất nó), trong khi có bao nhiêu đọc giả có thể tìm được đam mê của cuộc đời mình qua vài trang sách ? Vậy là người đọc lại tiếp tục vật lộn với mớ hỗn độn tìm lẽ sống của chính mình và tìm qua một quyển self help khác và vấn đề vẫn ở đó. Thay vì vậy, bạn có thể tìm đến triết học, thứ công cụ cho bạn nhiều câu trả lời nhưng nó ép buộc bạn phải tự nghĩ thay vì có các tác giả bày biện sẵn. Bạn có thể tìm thấy triết lý về minimalism, ikigai ... trong triết học và được hệ thống cũng như diễn giải bởi các triết gia từ ngàn năm nay rồi.

IV.Cái tôi :

Hồi trẻ , chắc ai trong chúng ta cũng không ít lần đi tìm và khẳng định cái Tôi: chúng ta thể hiện cái tôi qua tính cách, cách ăn nói, đến cả chiếc xe, hay bộ áo quần đang mặc ... và có cả đống sách dạy chúng ta làm điều đó. Khi có ai đó động chạm vào cái Tôi đó, chúng ta sống chết bảo vệ nó, bởi vì chúng ta đồng nhất chúng ta với cái Tôi của mình. Triết học dạy bạn cách để đặt cái Tôi đó xuống: bạn và cái Tôi đối mặt nhau và rồi bạn đặt cái Tôi đó xuống. Bạn vẫn là bạn nhưng bạn biết khi nào bạn cần cái Tôi khi nào không. Hình dung cái Tôi của bạn như một quả táo, lúc trẻ bạn không có nó, bạn phải tìm mọi cách để có được quả táo đó như bao người khác và khi có được quả táo, bạn khư khư cầm nó không cho phép ai động vào như thể bạn sẽ chết nếu như đánh mất cái Tôi đó. Bạn không nhận ra rằng bạn đã từng sống mà không cần đến nó, bạn hoàn toàn có thể đặt nó xuống, bỏ trong túi quần và cầm lên bất cứ lúc nào bạn muốn vì cái Tôi đó không phải là bản thể của bạn. Có một cách vui vui mà mình học được để xác định cái tôi: giả định cơ thể bạn bị chia làm 02 phần từ bụng trở lên và còn lại, bạn nghĩ cái phần Tôi đó nằm chỗ nào ? Chắc chắn là phần trên, tiếp tục chia đôi nó ra thành phần cổ trở xuống và đầu, chắc chắn là nó nằm ở đầu rồi, tiếp tục chia ra nửa trái và nửa phải , có người thì nhận ra mình ở bên trái, có người bên phải, nếu tiếp tục chia nhỏ được nữa không thì mình không biết bởi mình không phải bác sĩ giải phẫu😛 , nhưng thông qua việc chia đôi như vậy thì bạn và cái Tôi là gì ? Ừa, bạn chính là cái mà cứ đem bản thể mình chia đôi ra như vậy đó, chứ không phải phần nào được chia cả. Bạn có thể là người hướng nội tình cảm hoặc là người hướng ngoại, bạn có thể hiền hòa hoặc nóng tính ... đó là cái Tôi bạn dựng nên nhưng bạn còn cao hơn thế nữa, bạn có thể biết là mình sẽ cư xử thế nào nếu sự việc xảy ra như vậy và bạn chấp nhận nó như một phần của bạn chứ không phải bản thân bạn

V.Tự do :

Thật không biết bao nhiêu giấy mực người ta viết về tự do , mà mỗi một nơi lại có định nghĩa khác nhau: nếu bạn là một nô lệ thì tự do là được toàn quyền sở hữu thân thể, nếu bạn ở trong một quốc gia thì tự do là không bị đô hộ, nếu ở công ty thì tự do làm điều mình thích ... dễ dàng nhận ra rằng các tự do đều có giới hạn của nó, đó là policy, border ... Mình là người rất thích tự do và đôi khi hơi quá, gần đây qua triết học mà mình tìm ra một thứ tự do khác , đó là tự do về tâm trí, không bị giới hạn bởi bất cứ thứ gì ngoài bản thân. Mình cũng lờ mờ nhận ra là nhiều khi mình muốn tự do tài chính, mình muốn có nhà có xe muốn làm điều mình thích đó chứ, nhưng khi có được những thứ đó rồi mình có tự do không hay tiếp tục theo đuổi những tự do khác ? ( mời bạn xem thử clip này của người đã tạo ra Twitch : https://www.youtube.com/watch? v=7rIL5vHoF34 ). Tự do của bạn bị giới hạn bởi những thứ vật chất mà bạn có thể nghĩ ra, nhưng tự do tâm trí thì không bị giới hạn bởi bất cứ thứ gì, bạn có thể là một người ăn xin nhưng bạn tự do với lát bánh mì cắn dở , hoặc bạn là hoàng đế và tự do với những bữa ăn xa xỉ miễn là bạn có thể điều khiển được tâm trí của mình hoặc ngược lại là bị điều đó trói buộc

VI.Hạnh phúc :

Triết học cũng cho bạn cái nhìn về hạnh phúc cũng giống như tự do vậy. Hạnh phúc khi bạn làm những điều mình đang làm và thấy đủ với những điều mình đang có. Mình không biết diễn giải sao nữa, nhưng xin mượn một ý của thầy Thích Nhất Hạnh : Hạnh phúc là được sống trong phút giây hiện tại . Có những thứ bạn có thể thay đổi được, có những thứ bạn không thể , việc của mình là để tâm sức vào cái có thể thay đổi, sống tận hiến với bổn phận của mình (dhamar) còn bình an là trạng thái có được trong quá trình trên

VII.Khoa học :

Triết học, khoa học của mọi khoa học - Mình không biết ai nói câu này nữa, và thường là câu mang tới nhiều lượt troll nhất khi nói tới Triết học. Như có nói ở trên thì một phần của Triết học là vật lý và logic , mình không tìm hiểu đủ để biết nó là những viên đá của khoa học ngày nay hay không. Mình nhìn Triết học ở một khía cạnh khác mà nó mang lại giá trị cho mình, đó là cải thiện tâm trí. Mình hay đọc Nhà giả kim lắm, nó giống như một cuốn truyện cổ tích dành cho người lớn vậy, nó không thực, nhưng giá trị mà nó mang lại cứ tăng dần theo thời gian sau mỗi lần đọc lại, tương tự như Giả kim thuật, có thể nó không đạt với mục đích ban đầu được tạo ra nhưng những giá trị khác nó mang lại cho Hóa học lại vô cũng hữu ích. Mình không dám so sánh với Triết học vì mình không biết quá nhiều đâu, nhưng giá trị của bộ môn từ ngàn năm trước cho đến nay đã có nhiều thứ thay đổi, nhưng so với những giá trị tốt đẹp mà nó mang lại thì phần chưa đúng chúng ta chỉ đơn giản là bỏ qua, thứ gì tồn tại được là cũng có lý do của nó cả. Đơn cữ như ngày xưa các triết gia tranh luận ngoài đường phố Hy lạp hay bên trong các dãy cột sơn (Stoa Poikile) ngày nay đã không còn nữa (thật đáng tiếc) thay vào đó mọi người ngày nay lại cãi nhau vì thần tượng trên Facebook, thả phẫn nộ vào ý kiến người khác hoặc đơn giản là haha cho qua một ý kiến mà nếu được chọn mình thà trở lại viễn cảnh mấy ngàn năm trước để đi tìm eudaimonia (có thể nó không có thật) còn hơn tâm trí cứ phiêu dạt đâu đâu không định hướng 😛
Hy vọng các bạn có cái nhìn thiện cảm hơn với Triết học khi đi qua những điểm nhỏ mà mình thu nhặt được ở trên. Xin kết thúc bài viết bằng câu quote từ idol thọt chân , có tác dụng như một nút hủy toàn bộ những thứ viết bên trên 🤣

Nếu triết học là con đường tăm tối thì ắt hẳn là vì nó có rất nhiều sao - tui
Đọc thêm: