Xã hội, văn hóa của Việt Nam đã thay đổi và phát triển rất nhiều trong 20 năm trở lại đây. Văn hóa phương Tây cũng theo đó mà du nhập vào nước ta và một trong số đó có mối quan hệ Sugar daddy - sugar baby (bố đường - bé đường). Vậy nếu một người đã có gia đình nhưng có nuôi một ‘bé đường’ và muốn để lại hết tài sản cho em đường thì có được không? Pháp luật Việt Nam có cấm để lại di sản cho bồ nhí? Bài viết này sẽ giúp bạn đọc tìm được câu trả lời.

1. Trả lời câu hỏi

Pháp luật Việt Nam, cụ thể Bộ luật Dân sự 2015 (văn bản pháp lý quy định về thừa kế) cho phép bạn có thể để lại di sản cho bất kỳ ai bạn muốn thông qua di chúc. Tuy nhiên người đó có được hưởng toàn bộ di sản không? Bạn đọc xem phần sau sẽ rõ.

2. Lý giải câu trả lời

2.1 Hình thức chia ‘di sản’[1]

Tài sản thừa kế của một người sẽ luôn được chia theo 1 trong 2 cách hoặc đôi khi dùng cả 2 là (i) chia theo di chúc và (ii) chia theo pháp luật. Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), di chúc là hình thức chia di sản thừa kế theo ý chí của người để lại di sản. Điều 649 BLDS quy định thừa kế theo pháp luật (hay chia theo pháp luật) là hình thức hưởng di sản theo pháp luật dựa trên hàng thừa kế. Có 4 hàng thừa kế, hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết và các hàng thừa kế còn lại bao gồm những người quan hệ huyết thống khác.[3] Lưu ý những người ở cùng một hàng thừa kế sẽ được hưởng di sản bằng nhau và chỉ khi những người ở hàng thừa kế thứ nhất không thể nhận di sản thì những người ở hàng thừa kế thứ hai mới được hưởng di sản bằng hình thức chia theo pháp luật.
Vậy khi nào chia thừa kế theo di chúc? Khi nào chia theo pháp luật? Theo Điều 650 BLDS thừa kế theo pháp luật chỉ được áp dụng trong 5 trường hợp sau:
(i) Người chết không lập di chúc;
(ii) Người chết lập di chúc nhưng không hợp pháp;
(iii) Người chết có lập di chúc nhưng người hưởng di sản thông qua di chúc đó chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
(iv) Di chúc không định đoạt hết tài sản của người lập di chúc;
(v) Người được chỉ định làm người thừa kế thông qua di chúc nhưng từ chối nhận di sản hoặc không có quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật.

2.2 Pháp luật can thiệp tỷ lệ chia di sản theo Điều 644

Quay lại vấn đề chính ‘Người đã có gia đình có thể viết di chúc để lại hết tài sản cho bồ nhí không?’ Như tôi đã trả lời ở trên, người đó sẽ có quyền để lại di sản cho bất kỳ ai bao gồm cả bồ nhí của họ thông qua di chúc nhưng không phải là tất cả di sản. Nếu người đó viết di chúc để lại hết tài sản cho bồ nhí, pháp luật Việt Nam sẽ can thiệp và chia lại phần di sản của người này. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là di chúc của họ không hợp pháp, nó vẫn hợp pháp và cô bồ nhí vẫn sẽ nhận được di sản, chỉ khác là tỉ lệ chia di sản sẽ thay đổi.
Cụ thể nếu một người đàn ông đã có 1 vợ, 1 con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi [2]) và để lại di chúc gửi toàn bộ di sản của mình cho bồ nhí thì pháp luật sẽ can thiệp vào cách chia di sản thông qua Điều 644 Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. [4] Theo đó người vợ và người con tuy không có tên trong di chúc nhưng vì tính nhân đạo của pháp luật mỗi người vẫn được hưởng di sản bằng 2/3 của một suất thừa kế. 
Dựa vào lời văn để giải thích sẽ hơi khó hiểu. Tác giả xin phép đưa vào một ví dụ để diễn giải cách chia thừa kế dễ dàng hơn.

2.3 Bài toán chia thừa kế

Ví dụ: Ông A có 1 vợ là chị B, 1 con trai 10 tuổi tên C. Ông A có nuôi một bé đường tên ‘Đường’. Năm 2024, ông A chết, di chúc của ông để lại hết tài sản cho cô Đường. Tổng tài sản riêng của ông A là 500 triệu đồng. Vậy trong trường hợp này cô Đường nhận được bao nhiêu? Chị B và em C trắng tay đúng không?
Sơ đồ bài toán
Sơ đồ bài toán
Di sản thừa kế = 500 triệu
Chia di sản thừa kế theo di chúc của ông A thì cô Đường hưởng = 500 triệu.
Tuy nhiên dựa theo Điều 644, vợ và con trai ‘chưa thành niên’ là những đối tượng PHẢI được hưởng thừa kế (hay thừa kế bắt buộc/ thừa kế ưu tiên). Do vậy cô B và em C, mỗi người sẽ nhận được một khoản 1 tiền bằng 2/3 của một suất thừa kế chia theo pháp luật.
Vậy một suất thừa kế chia theo pháp luật trong trường hợp này là bao nhiêu? 
Muốn tính một suất thừa kế chia pháp luật ta sẽ giả sử không có di chúc, toàn bộ tài sản sẽ chia theo pháp luật để tính ra một suất thừa kế là bao nhiêu tiền:
Một suất thừa kế = cô B = em C = 500/2 = 250 triệu (Bởi vì nếu không có di chúc thì phải chia theo pháp luật, mà chia theo pháp luật thì ông B còn vợ và con trai ruột là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, cô Đường không nằm trong hàng thừa kế)
Do đó, theo Điều 644 cô B và em C sẽ nhận được:
Cô B = em C = 2/3 * 250 = 166.67 triệu
Vậy cô Đường sẽ không được nhận hết tài sản theo di chúc, pháp luật Việt Nam can thiệp và chia lại di sản. Cuối cùng cô B nhận được 166.67 triệu, em C nhận được 166.67 triệu và cô Đường nhận 500 - 166.67 x 2 = 166.67 triệu. 

3. Kết luận

Tại sao pháp luật lại cho phép người ta để lại di sản cho bồ nhí trong khi việc ngoại tình là vi phạm pháp luật? Thoạt đầu, nghe rất bất công cho cô vợ và đứa con tuy nhiên ý chí để lại tài sản của người chết là thứ luôn được pháp luật tôn trọng. Họ muốn để lại tài sản cho ai, pháp luật không có quyền cấm cản. Tuy nhiên khi cách chia di sản không phù hợp với chuẩn mực xã hội, thiếu đạo đức giống như tình huống để lại hết di sản cho bồ nhí thì pháp luật sẽ can thiệp theo quy định Điều 644. Tác giả gọi điều này là sự nhân đạo của pháp luật.
Mở rộng thêm một chút, Bộ luật Dân sự cũng quy định về một cách để lại di sản khá đặc biệt đó là ‘Di tặng’ theo Điều 646. Pháp luật không quy định rõ nhưng tối đa của một phần di tặng là một nửa tổng toàn bộ tài sản của người để lại di sản. Và điều mà tác giả muốn lưu ý ở đây là tài sản dùng cho di tặng không thể bị ảnh hưởng bởi Điều 644 🙂.
Dương Tuấn Kiệt - Một sinh viên Luật hay có câu hỏi
TRÍCH DẪN TÀI LIỆU
[1] Bộ luật Dân sự 2015, Điều 612 Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
[2] Bộ luật Dân sự 2015, Điều 651(1)
[3] Bộ luật Dân sự 2015, Điều 18