Chuyện là dạo gần đây, do một số thay đổi trong chính sách của Youtube có hiệu lực nên  lượng quảng cáo tôi phải xem trong ngày tăng vọt. Có thể nói là tăng đến tận gấp đôi, gấp ba lần (từ 2 lần một video lên 4 đến 6 lần một video, có khi là hơn), đi kèm với đó là độ dài kinh khủng khiếp đảm của mỗi cái. Tôi không biết là quảng cáo trên Youtube có tính theo từng giây như trên đài truyền hình Quốc gia hay không, nhưng ắt hẳn chi tiêu cho việc quảng bá hình ảnh như thế là vô cùng tốn kém nhưng hiệu quả mà nó đạt được chẳng khác nào vứt tiền qua cửa sổ.
Thế nên tôi cảm thấy cáu bẳn, vừa vì mấy cái quảng cáo ấy dở tệ, vừa vì tiếc số tiền bỏ ra cho những quảng cáo vớ vẩn ấy (thay vào đó bạn có thể vứt tiền cho tôi, rất cảm ơn (:> ).
Với kinh nghiệm không mua gói Premium trên bất cứ nền tảng số nào (Youtube, Spotify,...) tôi dám chắc rằng mình là người xem quảng cáo nhiều nhất Việt Nam luôn. Và bài viết này sẽ là cảm nhận của cá nhân tôi về… quảng cáo, hay rộng hơn là cách mà Digital Marketing (tiếp thị kỹ thuật số, từ giờ sẽ viết tắt là DM) đang hoạt động.
Rác bằng vàng thì vẫn là rác.
Rác bằng vàng thì vẫn là rác.

1. Đôi chút thông tin về tiếp thị kỹ thuật số

Theo định nghĩa suông ta có, “DM là toàn bộ các hoạt động marketing (tiếp thị) có sử dụng các thiết bị điện tử hay internet để kết nối với khách hàng và quảng cáo cho sản phẩm/dịch vụ/thương hiệu của doanh nghiệp” - theo hotcourses.vn. 
Tôi nói là định nghĩa suông bởi vì khi những cái quảng cáo này đến với người xem, sẽ chẳng có ai thắc mắc là cái đội thiết kế này gồm bao nhiêu người, chi phí cho việc quảng bá là bao nhiêu, chi phí cho sản phẩm là bao nhiêu, thu về bao nhiêu thì lời, chỉ số CPM ra sao, CPC là gì,... người xem (là tôi) chỉ đơn thuần muốn biết cái đấy đang quảng cáo cái gì, nó có thú vị hay không, chấm hết.
Với việc công nghệ hay các thiết bị điện tử đang ngày càng phổ biến và thịnh hành, đến cái mức một đứa bé 5-6 tuổi cũng có thể ngồi lướt điên đảo những bản tin, thì gần như bất cứ điều gì bạn làm cũng có thể vô tình dính đến DM. Có thể việc nhắc đến một trang web cũng có thể được xem là đang marketing cho nó. Rồi đến cả việc tiếp thu một nguồn tri thức mới thì cũng cần đến những video nằm trên Youtube, và dĩ nhiên rồi, nó cũng dính đến DM và tùy vào độ nhân đạo của chủ kênh mà bạn sẽ xem quảng cáo giữa video hay xem video giữa quảng cáo.
Thế nên để giới hạn lại, tôi chỉ nói về những chương trình tiếp thị kỹ thuật số được chịu trách nhiệm trực tiếp từ doanh nghiệp.

2. Phân loại rác

Tương tự với rác, việc phân loại trước khi tiến hành xử lý là điều cực kỳ cần thiết. Và dưới đây loại hai loại cơ bản mà tôi phải xem nhiều nhất.

a. Rác nổi.

Rác nổi ở đây ý chỉ chính là những video có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường.
Hẳn là bạn cũng đã không ít lần gặp qua những quảng cáo dạng, cho một câu đố vô cùng dễ nhưng liên tục trả lời sai khiến cho người xem cảm thấy bực tức ức chế, hay quảng cáo bằng một phân đoạn (cutscene) “trong” trò chơi, hoặc là mời một cụ ông/cụ bà nào đấy đứng phát biểu trên nền đồ họa như đầu những năm 2000… điểm chung của những quảng cáo này là sự thiếu đầu tư về mọi thứ. Phần đông những quảng cáo loại này tôi đều gọi chúng là “bọn quảng cáo bố láo”.
Tôi chắc rằng việc giải những câu đố dễ dàng ấy nhưng không qua là hành vi cố tình, việc này nhằm mục đích khiến người xem cảm thấy bực tức mà tải game (trò chơi) để giải cái câu đố “hóc búa” ấy. Nhưng, xin đấy, cái cách này cổ dữ lắm rồi. Tôi không biết đội ngũ làm về công tác quảng bá của những công ty với mấy cái quảng cáo loại này nghĩ gì nhỉ? Họ thực sự tin tưởng rằng sẽ có ai đấy cảm thấy cay cú và tải cái game rác ấy về à? Tôi thì lướt qua cái mấy cái quảng cáo loại này trong vòng chưa đến 1 giây, nếu hôm nào nhàn thì có thể dành thêm vài giây cho một cái báo cáo.
Nhưng ít nhất là mấy cái quảng cáo loại này có thể còn chút lương tâm khi thực sự đưa cái giải đố ấy vào trong gameplay (lối chơi). Bạn biết điều gì còn tệ hơn không? Đúng rồi, có những quảng cáo còn rác hơn thế nữa khi mấy cái cutscene bạn đang xem ấy còn chả có trong game. Thậm chí nó còn chả liên quan quái gì đến thứ mà họ đang quảng bá cơ. Nó biến mất cứ như thể “cô gái đến từ hư vô ấy”.
Bạn hẳn cũng không cần học “eyes-tear” (I.T, công nghệ thông tin) như tôi cũng có thể biết là mấy cái đồ lô ngoài chợ luôn rẻ hơn đồ đặt làm riêng mà. Có một tính chất mà tôi thấy khá hợp với mấy cái rác như thế này đấy là tính “tái sử dụng”. Khi một loạt những game có cơ chế giống nhau chỉ khác bối cảnh hoặc vài chi tiết nhỏ, thứ vốn cũng được dựng lên từ bộ khung gồm những dòng code cơ bản là giống nhau. Bạn có thể dùng cái khung ấy tạo ra hàng loạt những con game về cơ bản là một. Đến ngay cả sản phẩm quảng bá còn là hàng lô thì bạn nghĩ cái thứ họ đang quảng bá nó có ra gì không?
Rồi còn cả loại đi lừa mấy ông bà cụ để làm quảng cáo chứ. 
Những quảng cáo loại này, nó còn chẳng làm nổi cái mục đích mà nó vốn được đề ra cơ, đấy là tạo cảm giác thích thú cho người xem sau đấy là sử dụng sản phẩm được nhắc đến.
Tôi không biết họ đang nghĩ gì nhỉ. Đối tượng xem quảng cáo này sẽ là ai? Cái quảng cáo này dùng để lừa đảo à?
Nhưng bệnh này thì chỉ cần có thêm chút tư bản, chút đầu tư vào là khỏi. Có một loại bệnh cho dù có thêm thật nhiều tư bản vào thì cũng chẳng thể khá hơn được.
Tôi gọi các quảng cáo rác này là “bệnh của những kẻ tạo ra bệnh”.

b. Rác chìm.

Như cái tên “rác chìm” của nó, những quảng cáo loại này được đầu tư rất công phu và tỉ mỉ, mắt thường nhìn vào thậm chí còn thấy rất thích. Thế nhưng như tôi đã nói, rác bằng vàng thì vẫn là rác.
Cái này về cơ bản cũng là quảng cáo bố láo nhưng ở tầm cao hơn, nó không chỉ dừng ở hình ảnh sai lệch nữa mà nó dùng cách tiêm những căn bệnh vào người khách hàng, để khách nghĩ mình đang mắc bệnh mà tìm đến họ.
Hẳn là bạn cũng từng nghe qua câu nói với đại ý là, hãy bán thứ khách hàng cần chứ đừng bán thứ mình có. Với dụng ý là những nhà kinh doanh tài năng sẽ là những người có thể giải quyết được vấn đề của khách hàng, đôi lúc là trước cả khi khách hàng nhận ra họ gặp vấn đề. Thật là một điều tuyệt vời, nhưng như bao thứ khác, nó lại xuất hiện những vấn đề thậm chí còn tồi tệ hơn. 
Tôi sẽ lấy ví dụ về những sản phẩm truyền thông của ngành làm đẹp, cho chính xác là phẫu thuật thẩm mỹ. Tôi không lấy cụ thể một kênh nào được vì rất có thể hành động ấy lại trở thành phỉ báng một tổ chức, rất nhiêu khê. Và đấy cũng chẳng phải là cách làm riêng lẻ của một tổ chức mà của rất nhiều tổ chức. Họ cứ liên tục lặp đi lặp lại những thông điệp như, bồ bạn đá bạn vì bạn xấu, vì bạn xấu nên không có bồ, bạn thất bại trong sự nghiệp vì ngoại hình bạn không xinh đẹp như cô thư ký mới tuyển vào, vì bạn xấu nên mới thế này thế kia,... bla bla bla. Chúng liên tục lặp đi lặp lại những thông điệp này. 
Chúng áp dụng rất thành công câu nói này
“Một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ mức thì nó sẽ trở thành sự thật”
Joseph Goebbels, một bộ trưởng tuyên truyền của Phát xít Đức.
Tôi biết xuất phát điểm của phẫu thuật tạo hình là giúp những người có khiếm khuyết cải thiện những đặc điểm ấy để trở nên thuận tiện hơn trong sinh hoạt thường ngày. Thế nhưng như tôi đã nói, những kẻ như thế này vốn là “phù thủy dịch hạch”.
Như mọi thứ khác, cái gì cũng phát triển và cho xứng với cái danh phù thủy (dù tôi không biết phù thủy có thật không), sau gần 700 năm chúng không còn lây lan dịch hạch nữa mà chuyển sang một căn bệnh mới, mặc cảm ngoại hình. Đúng rồi đấy bạn tôi ơi, mặc cảm ngoại hình bây giờ thực sự sự được xem là một loại bệnh đấy. 
Hoặc là những phù thủy này lợi dụng điều đấy để kinh doanh. Đằng nào cũng như nhau.

3. Những quảng cáo hay

Thế thì quảng cáo không rác, quảng cáo hay là như thế nào? 
Cái này thì sẽ tùy vào từng sản phẩm cụ thể, tôi không thể nói chi tiết cho từng cái được. Tôi chỉ mong duy nhất một điều thôi, nghe nó thật ngu ngốc và hiển nhiên ngay khi được viết ra nhưng, xin người hãy thành thật.
Bạn có thể tham khảo thử về sự đầu tư của tựa game Merge Mansion. Họ đầu tư cả một trang Instagram dành cho việc quảng bá hình ảnh, những đoạn quảng cáo ngắn ấy có tính liên kết với nhau tạo thành “vũ trụ quảng cáo Merge Mansion” (“vũ trụ sách Spiderum”, nghe cũng đáng mong đợi phết), rồi cả những đoạn phim người đóng.
Cùng với đó việc Tiktok ngày càng phát triển thì phần đông mọi người sẽ lập tức ngất xỉu khi xem một thứ gì đấy dài quá 1 phút, sủi bọt mép và giãy như cá mắc cạn khi đọc thứ gì đấy dài quá 500 chữ. Thế nên quảng cáo lại cần phải ngắn hơn nhiều, và khoảng thời gian hợp lý cho một quảng cáo vào tầm 5-15 giây. Nhưng ngắn không có nghĩa là nó thiếu thông tin nhé. Một thứ vừa ngắn/nhanh vừa ở mức đủ thông tin nhưng phải là sự thật, nghe khá là khó nên mấy anh chị DM vất vả rồi.
Bạn có thể tham khảo thử cách Youtuber @KeeganEvansPhoto làm về những sản phẩm theo cách độc đáo mà thú vị với những sản phẩm không có quá nhiều nội dung.
Ví dụ:
Quảng cáo game Summoner's Greed được mọi người chế thành meme.
Quảng cáo game Summoner's Greed được mọi người chế thành meme.
Thông tin ngoài lề, có một người bạn của tôi bảo rất thích uống Coca-Cola. Tôi thắc mắc tại sao không phải là Pepsi nhỉ? Thế nhưng khi xem xong clip này tôi nghĩ mình cũng làm vài chai Coca-Cola cho đã mới được.
Hay chỉ đơn giản quảng cáo bằng sự thật giống thế này là đủ. Sự thật bây giờ xa xỉ đến mức chỉ cần như thế này thôi là mọi người đã ưu thích nó rồi.
(Hoặc bạn có thể xem quảng cáo bột giặt Aba (:> )
4. Lời kết
Tôi tính nói “hẳn là mọi người đều cảm thấy nó rác”, thế nhưng dường như không phải. Việc chúng vẫn còn nhan nhản ra đấy chứng tỏ nó vẫn hiệu quả với cơ số rất nhiều người
Tôi không nghĩ việc quảng cáo bằng sự thật là điều quá khó khăn đến thế. Nhưng tôi chắc rằng họ không muốn thấy khách hàng hay khách hàng tiềm năng của mình trải nghiệm sản phẩm xong lại thốt lên, “mẹ cái công ty lừa đảo” đâu. Thật đấy.
Nói là thế thôi chứ tôi có trả lương cho họ đâu mà bắt họ phải làm gì.
Nếu những viện thẩm mỹ ấy lại bảo “nét đẹp con người xuất phát từ nội tâm bên trong và cách họ xử thế bên ngoài, còn ngoại hình chẳng nói lên điều gì cả. Nếu bạn không có những cái trên nhưng vẫn muốn mình trở nên đẹp hơn trong mắt mọi người thì có thể tìm đến chúng tôi.” Thế này thì có mà chết đói mất. Nếu những người làm hoạt ảnh nhận được nhiều tiền hơn thì hẳn họ cũng chả phải tái sử dụng làm gì. Nếu họ không bảo “bạn không thành công là do bạn không cư xử như Bill Gates” thì lấy đâu ra người mua mấy quyển self-help. 
Tôi tự hỏi “Liệu họ có biết những việc mình đang làm ảnh hưởng như thế nào không nhỉ?” “Liệu họ có yêu thích công việc ấy… không nhỉ?” 
Hẳn là họ đều nhận ra cả, nhưng thôi, đấy là câu chuyện vào một ngày khác.
Chúc bạn xem quảng cáo vui vẻ.
Tôi là Một Ai Đó. Cảm ơn vì đã dành thời gian đi đến đây. Chúng ta sẽ gặp lại nhau. See ya....