TÔI ĐÃ BẮT ĐẦU ĐI LEO NÚI NHƯ THẾ NÀO? (PHẦN 2)
Leo núi có thể rất phức tạp, nhưng thực ra cũng có thể rất đơn giản. Và có thể mỗi người sẽ cần tự trải qua và rút ra đâu là sự phù hợp đối với mình...
Hôm trước tôi đã nói về việc mình bắt đầu đi leo núi như thế nào, có thể ai đó sẽ nghĩ rằng như thế thì chưa được gọi là leo núi, đó có thể chỉ là một chuyến đi bộ trong rừng thôi, một chuyến đi đơn giản, leo núi phải là việc chinh phục những đỉnh núi cao hàng ngàn mét, với quãng đường di chuyển dài hàng ki-lô-mét, phải qua đêm trong rừng, hòa mình với thiên nhiên, muông thú... Tôi nghĩ việc leo núi rất đơn giản, có thể chỉ là một khu rừng gần nhà và chúng ta đi vào đó, tận hưởng quãng thời gian khi ở đó, vậy là có thể gọi là đi leo núi rồi. Và nếu như ngọn núi mà chúng ta định đi đến có địa hình phức tạp, quãng đường di chuyển dự kiến khoảng vài tiếng đồng hồ, có khi cần ở qua đêm tại đó trong khi không hoặc rất ít các dịch vụ tiện ích (ăn uống, ở, y tế...) thì chúng ta sẽ cần chuẩn bị một chút để có thể hoàn thành chuyến đi của mình. Hôm nay tôi sẽ nói về những gì tôi đã chuẩn bị cho chuyến leo núi Lang Biang đi về trong 1 ngày của mình.
Lang Biang không chỉ là một ngọn núi mà còn là một cụm núi cao ở huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt. Với hai đỉnh núi cao nhất là núi Bà (cao 2.167 mét so với mực nước biển) và núi Ông (cao 2.124 mét so với mực nước biển), nơi đây được ví như nóc nhà của Đà Lạt. Thông thường những người leo núi sẽ chọn chinh phục đỉnh núi Bà và có thể cắm trại qua đêm trên đó hoặc về trong ngày. Từ trên đỉnh núi có thể nhìn thấy huyện Lạc Dương ngay bên dưới hoặc thành phố Đà Lạt ở phía xa, tại một số thời điểm trong năm thì đây còn là nơi để những người đam mê chụp ảnh tìm đến để "săn mây", chụp hình "sống ảo", những biển mây trắng bồng bềnh và ánh mặt trời ấm áp trong tiết trời se lạnh, không khí trong lành có thể là ước mơ của nhiều người. Lần tôi qua đêm ở trên đỉnh núi và hy vọng vào một buổi sáng ngắm bình minh và săn mây đã "tan thành mây khói". Xung quanh đỉnh núi được bao phủ bởi sương mù trắng xóa, mọi người có thể hình dung về căn phòng thời gian trong Dragon Ball, nó thực sự trắng xóa như vậy, cách 10 mét là không thể thấy gì ngoài màu trắng, vì thế mà nếu có mong muốn đến đây để ngắm bình minh và săn mây thì mọi người không thể không lưu ý đến điều kiện thời tiết khi đó.
Lần đầu tiên tôi leo núi Lang Biang là chuyến đi leo núi và về trong ngày của tôi và một người bạn. Chúng tôi bắt đầu leo vào tầm 9 giờ sáng, nghỉ trưa trên núi và về tới chân núi lúc tầm 3 giờ chiều. Khi xuống núi chúng tôi có gặp mưa và trú tạm trong một căn chòi khoảng hơn một giờ đồng hồ.
Vì cả hai đều chưa leo núi ở đây bao giờ nên chúng tôi cần chuẩn bị trước bằng cách đọc các bài viết ở trên internet và xem video youtube, có khá nhiều người đã đến đây và ghi lại trải nghiệm của mình, mọi người có thể tham khảo được rất nhiều. Nhưng tất nhiên rồi, trải nghiệm của mỗi người sẽ vẫn có sự khác nhau vì sức khỏe mỗi người là khác nhau, mục đích khi đi leo núi khác nhau, sự chuẩn bị hành trang khác nhau... Có một bạn nữ đã leo lên đến đỉnh núi trong khoảng 3 - 4 giờ và cảm thấy đôi chân như rã ra, nhưng chúng tôi chỉ mất khoảng 2 tiếng rưỡi, và đoạn dốc khi gần lên đến đỉnh núi thì thật sự khó khăn như bạn ấy mô tả. Khí hậu trên núi không phải lúc nào cũng lạnh, nhất là khi di chuyển thì nhiệt lượng cơ thể tỏa ra khiến chúng ta có thể không cần đến quần áo để giữ ấm (vào một số thời điểm, như là các tháng mùa mưa chẳng hạn, nhiệt độ trong tháng 5 - tháng 7 thường cao hơn các tháng 12 - tháng 3). Nói luôn là tôi sinh ra và lớn lên ở Lâm Đồng nên có thể vì thế tôi đã quen với khí hậu nơi đây, một số bạn lớn lên ở đồng bằng và các tỉnh khu vực miền Nam thì có thể không quen với mức nhiệt ấy.
Hôm ấy những gì tôi chuẩn bị gồm có một chiếc ba lô 30L, đựng khoảng 1 lít nước, một ổ bánh mì thịt, vài trái chuối, xúc xích, sữa, kẹo sneaker. Những thức ăn và nước uống đó được dùng cho bữa trưa và suốt chuyến đi, tôi cảm thấy chừng đó là đủ cung cấp năng lượng cho chuyến đi leo núi của mình. Trang phục tôi mang theo là một bộ quần áo mặc trên người, nón chống nắng, xăng-đan, một cái áo khoác chống thấm có lớp áo nỉ giữ ấm bên trong, một cái áo mưa. Vì đó là mùa mưa nên tôi đã chuẩn bị như vậy, đồng thời nghĩ rằng thời tiết núi cao sẽ lạnh nên mang theo cái áo khoác dày, nhưng thực tế không hẳn, tôi có thể không mang theo cái áo khoác đó mà chỉ cần một chiếc áo len mỏng để giữ ấm và một chiếc áo khoác mỏng để cản gió, nhiệm vụ chống mưa cứ để chiếc áo mưa lo. Nhưng có một cái áo nỉ giữ ấm cũng thật tuyệt, khi trú tạm trong căn chòi, chiếc áo nỉ giúp tôi cảm thấy rất thoải mái và có thể yên tâm ngắm mưa rơi mà không sợ gió thổi lạnh, chỉ là tôi cảm thấy mình vẫn có thể ổn với một số trang phục gọn nhẹ hơn.
Vì là một chuyến đi trong ngày và Lang Biang cũng không phải là một ngọn núi quá cao và khó để chinh phục nên vật dụng tôi mang theo chỉ có như vậy, thậm chí bạn của tôi chỉ dùng một chiếc ba lô có dung tích 10L (nhưng có một số món đồ vì thế đã để tôi mang theo trong ba lô của mình do ba lô của người ấy không đủ chỗ). Hầu hết vật dụng của tôi không phải là vật dụng chuyên dùng cho leo núi, và tôi vẫn có thể cảm thấy thoải mái với sự chuẩn bị như thế nên nếu bạn nào còn đang lo lắng rằng mình cần phải chuẩn bị những đồ dùng chuyên dụng thì thực ra các bạn có thể cân nhắc. Leo núi có thể rất phức tạp, nhưng thực ra cũng có thể rất đơn giản. Và có thể mỗi người sẽ cần tự trải qua và rút ra đâu là sự phù hợp đối với mình.
Tôi đã bắt đầu leo núi như thế, và chuyến đi đầu tiên của các bạn sẽ như thế nào, tôi rất mong chờ nó sẽ đến sớm với các bạn. Tôi sẽ có một số bài viết phân tích cụ thể những vật dụng quan trọng mà một người cần mang theo khi đi leo núi trong thời gian tới.
Du lịch
/du-lich
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất