Bạn đã bao giờ nhìn vào một cục đá và tưởng tượng ra câu chuyện đằng sau nó chưa? Nghe có vẻ lạ kỳ, nhưng đúng là có những tảng, những cục, những hòn đá đặc biệt có thể kể chuyện, và chúng không chỉ kể chuyện của riêng chúng, chúng còn kể chuyện về cả chúng ta, hay đúng hơn là tổ tiên của chúng ta. Chúng là các HÓA THẠCH!
Hóa thạch dương xỉ, một trong những nhóm thực vật cổ đại còn tồn tại đến ngày nay.
Hóa thạch dương xỉ, một trong những nhóm thực vật cổ đại còn tồn tại đến ngày nay.
Thầy mình đã từng nói rằng "nếu ta coi khoảng thời gian mà sự sống xuất hiện trên Địa Cầu là một ngày thì loài người mới chỉ xuất hiện vài giây lúc 12 giờ đêm". Vậy trước khi em, hay anh, bạn, hay tôi, hay chúng ta tồn tại, cái gì đã bước trên mặt đất này? Ta thường hay được nghe nói về khoảng thời gian gọi là "đại tuyệt chủng của khủng long" vào 65,5 triệu năm trước, nhưng thật ra, đó mới chỉ là một khoảng thời gian khá ngắn trong lịch sử hình thành sự sống trên Trái Đất.
Những mảnh răng và hàm còn sót lại của một con thương long thuộc giống <i>Halisaurus</i>, một trong những thành viên của họ Mosasauridae, có họ hàng rất gần với rắn và kỳ đà hiện đại.
Những mảnh răng và hàm còn sót lại của một con thương long thuộc giống Halisaurus, một trong những thành viên của họ Mosasauridae, có họ hàng rất gần với rắn và kỳ đà hiện đại.
Sự sống, nghe rất vĩ đại, nhưng thật ra lại bắt đầu từ những phân tử nhỏ bé không có sự sống, nhưng dần dần, chúng kết hợp lại với nhau, từ những phân tử hữu cơ vô tri trở thành những sinh vật sống đầu tiên (dĩ nhiên chúng vẫn chưa biết suy nghĩ) nhưng đã biết trao đổi chất một cách có mục đích để sinh tồn. Từ những sinh vật đơn giản chỉ có một tế bào (sinh vật đơn bào), chúng tụ họp lại để cùng sử dụng một chiến lược sinh tồn, và sau đó biệt hóa để thực hiện các chức năng khác nhau trong một "cơ thể", và sinh vật đa bào được sinh ra.
Trải qua nhiều trăm năm, nghìn năm, và rồi triệu năm, từ những vi khuẩn cổ, những loài tảo, thực vật cổ đại, những con tay cuộn (tổ tiên của những loài hai mảnh vỏ như sò, trai, nghêu,...), những con cúc đá (tiền thân của bọn mực, bạch tuột,...) đến những loài phức tạp hơn rất nhiều, ví dụ như con người, được sinh ra. Nhưng không phải tất cả chúng đều sống sót đến bây giờ.
Mẫu hóa thạch cúc đá (ammonites) bự chà bá lửa có đường kính cao bằng một nửa người trưởng thành.
Mẫu hóa thạch cúc đá (ammonites) bự chà bá lửa có đường kính cao bằng một nửa người trưởng thành.
Trái Đất, từ 4,28 tỉ năm trước đến bây giờ, đã trải qua 5 cuộc Đại Tuyệt Chủng, những sự kiện khiến hầu hết các sinh vật từng thống trị hành tinh này bị tuyệt diệt và biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, thiên nhiên lại rất nhân từ khi đã cho thân xác chúng "hóa đá", những dấu vết chúng từng để lại in hằn trên những tầng trầm tích để rồi hơn 400 triệu năm sau, một giống loài có tên là Homo sapiens (tức chúng ta) lại đào bới chúng lên và bắt đầu vén những bức màn bí mật của sự sống trước khi chúng ta xuất hiện.
Hóa thạch không chỉ là những hòn đá, chúng là những gì còn sót lại của những sinh vât sống từng tồn tại trên hành tinh này, ví dụ như vỏ, xương, lá,... thậm chí là dấu chân, được in hằn hoặc chôn vùi xuống dưới lòng đất và dần được thay thế bằng các vật chất vô cơ, giữ cho chúng "bất tử", khó bị phá hủy theo thời gian. Hóa thạch có thể được tạo ra từ nhiều chất liệu khác nhau, có khi chỉ là đá, nhưng cũng có khi lại là các khoáng vật quý hiếm, biến phần còn sót lại vốn đã thối rữa, mục nát của một sinh vật trở thành một kiệt tác.
Mẫu hóa thạch của các cá thể cù kỳ (một nhóm cua) cổ đại được phát hiện tại Quảng Ninh. Hậu duệ của chúng vẫn còn sống gần khu vực đó cho đến ngày nay.
Mẫu hóa thạch của các cá thể cù kỳ (một nhóm cua) cổ đại được phát hiện tại Quảng Ninh. Hậu duệ của chúng vẫn còn sống gần khu vực đó cho đến ngày nay.
Bước đi giữa những giá đỡ và các tủ trưng bày mẫu vật hóa thạch, ta mới cảm thấy con người nhỏ bé như thế nào, dù là loài động vật có sự phát triển vượt bậc nhất về khoa học kỹ thuật cũng như trí thông minh, chúng ta vẫn chẳng là gì trong 4,28 tỉ năm hình thành sự sống này cả. Và đôi khi, chúng ta lại có động lực để cố gắng sống, và sống thật kiên cường, vì đó chính là thứ mà những sinh vật nằm lại trong đá kia từng làm khi chúng còn thống trị Trái Đất này. Hãy ngắm nhìn và nghe đá kể chuyện...
Hóa thạch các loài cá được tìm thấy ở Việt Nam và một số nước khác.
Hóa thạch các loài cá được tìm thấy ở Việt Nam và một số nước khác.
____________
Triển lãm “Hóa thạch - Hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên Trái Đất” là một triển lãm khoa học được Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội kết hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức. Theo dự kiến, triển lãm chỉ mở từ ngày 25/06 đến 31/10/2022, tuy nhiên, đáng mừng thay, họ đã thay đổi kế hoạch và để cho triển lãm tiếp tục vô thời hạn. Nếu đang sinh sống ở Huế hoặc có dịp đến Huế, mọi người có thể ghé qua triển lãm để chiêm ngưỡng số lượng hóa thạch đồ sộ cùng những câu chuyện đằng sau chúng ở địa chỉ 76 Hàn Thuyên, Phú Hậu, Thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế, vé chỉ hơn 1 cốc trà sữa Phúc Long tí xíu thôi, nhưng mà rất xứng đáng, phù hợp với học sinh, sinh viên.
Cá cóc cổ đại, nói là cổ đại vậy thôi chứ kích thước nó cũng không quá thay đổi so với những cá thể cá cóc hiện đại, Chúng là những loài lưỡng cư có đuôi, đẻ trứng, lúc nhỏ thì tồn tại dưới dạng nòng nọc (ấu trùng) và trải qua quá trình biến thái để lên cạn.
Cá cóc cổ đại, nói là cổ đại vậy thôi chứ kích thước nó cũng không quá thay đổi so với những cá thể cá cóc hiện đại, Chúng là những loài lưỡng cư có đuôi, đẻ trứng, lúc nhỏ thì tồn tại dưới dạng nòng nọc (ấu trùng) và trải qua quá trình biến thái để lên cạn.
Thông tin triển lãm:
- Địa chỉ: 76 Hàn Thuyên, Phú Hậu, Thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế.
- Giờ mở cửa: 9h00-18h00 (T3-T5) và 9h00-20h00 (T6-CN).
- Vé: 70k/người.