TÔI CÓ MỘT NGƯỜI MẸ LUÔN BỊ CON MÌNH GHÉT, NHƯNG BÀ VẪN LUÔN HẠNH PHÚC THEO CÁCH CỦA MÌNH.
Tôi là một cô bé không biết hạnh phúc là gì, và hận thù một người mẹ mà tôi không bao giờ muốn gọi là mẹ.
Tôi và chị tôi đã từng có một quãng thời gian ghét mẹ vô cùng.
Sự thiếu vắng mẹ khi vừa bước vào tuổi mới lớn khiến đủ chuyện đã xảy ra với tôi. Bị bắt nạt, bị quấy rối, và nặng hơn là xâm hại, tất cả đều xảy ra ở cái tuổi mà đáng lý ra tôi phải nên vô tư một chút, và hạnh phúc một chút. Nhưng vì thiếu vắng sự hiện diện của mẹ trong cuộc sống hằng ngày, tôi mất hết. Thế nên tôi ghét mẹ thôi.
Sự thiên vị với chị hai, khiến tôi chìm trong nỗi uất ức mỗi khi về nhà thì chỉ thấy căn nhà trống trơn với bầu không khí im ắng đến đáng sợ. Một mẩu giấy với dòng chữ vỏn vẹn:” mẹ lên Sài Gòn với chị con rồi, ở với bà ngoại ngoan nha” khiến tôi tức đến mức phát điên. Mỗi một khi tôi muốn mở miệng để nói “Con cần mẹ lắm”, thì câu trả lời tôi luôn nhận được là “chị con ở đó một mình.”. Nhưng mà, tôi thì không một mình sao? Thế nên, tôi ghét mẹ thôi.
So với mẹ người khác, mẹ tôi vô lý, bận rộn, khó khăn, và lúc nào cũng không nhận mình sai. À mà sao nhận được, vì khoảng thời gian đó, mẹ làm gì gặp tôi để mà nhận sai.
Đã có một lúc, tôi không hiểu tại sao mẹ lại sinh tôi ra. Vì gia đình, hay vì ba tôi, hay đơn giản hơn là mẹ không bỏ được?
Rất nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu một cô bé 13 tuổi với quá nhiều tổn thương. Tôi chỉ biết ghét mẹ, ghét đến cùng cực một người mẹ không thể lo cho tôi, một người mẹ chỉ biết đến chị tôi, và một người mẹ tôi chưa bao giờ muốn gọi là mẹ.
Sau đó, tôi đổ bệnh. Bao nhiêu sức sống của tôi cũng theo cơn bệnh tật mà bị rút cạn. Mọi người đều ra sức cứu chữa, còn tôi thì không.
Tôi chấp nhận số phận và để mọi cơn đau dày vò tôi. Tôi không muốn uống thuốc, càng không muốn ăn, bệnh thì càng ngày càng nặng. Bác sĩ chỉ bảo nên trị tâm lý trước khi trị bệnh trên cơ thể. Nhưng thái độ của tôi lúc đó là không cần.
Tôi muốn trả thù cho những gì mà tôi phải chịu đựng. Dày vò người phụ nữ nhỏ bé đó từ tiền bạc đến tinh thần. Để rồi tôi nhận được một câu nói từ mẹ: “Nếu con chết, thì để mẹ chết theo con. Mẹ xin lỗi.”
Lần đầu tiên mà mẹ xin lỗi, phút chốc khiến tất cả bất hạnh và đau đớn trong tôi sụp đổ. Tôi đã từng không biết hạnh phúc là gì, nhưng tôi cũng chưa từng thử đặt mình vào vị trí của mẹ, để xem, người phụ nữ nhỏ bé ấy đã hạnh phúc vì điều gì.
Mẹ phải bỏ học để lo cho cậu học đại học, nhưng mẹ luôn tự học và phấn đấu để kiến thức mình không thua kém hơn người khác. Mẹ cũng có một người mẹ chưa bao giờ để mình vào trong mắt, và mẹ cũng chỉ là một đứa con gái phải hy sinh cho những người anh trai/em trai của mình.
Mẹ phải làm dâu trong một gia đình cổ hủ, phong kiến suốt ngày đòi phải có con trai nối dõi, phải biết lo cho chồng, lo cho ba mẹ chồng. Phải là một người dâu hiếu thảo và chẳng khác gì một con ở.
Mẹ phải làm chủ gia đình, vừa ở nhà lo cho chồng lo cho con, vừa chạy ra ngoài buông mớ rau, bán miếng cá. Gồng gánh mấy chục năm liền để có tiền cho con cái đi học ở trời Tây.
Nhưng buồn thay, mẹ phải làm MẸ của hai đứa con ghét bà cay đắng, dù bà có cố dùng cách nào để hai đứa nó yêu thương mình cũng chẳng thể được.
Tôi nghĩ, nếu tôi là mẹ, chắc chắn tôi đã sớm gục ngã bởi những áp lực và nỗi đau không bao giờ có thể đếm xuể thế rồi. Nhưng mà, người mẹ đó của tôi vẫn luôn sống một cách mạnh mẽ, và lạ chưa, mẹ lại luôn lựa chọn tha thứ.
Khi ông nội ngã xuống và nằm liệt giường, những người con với ánh mắt lạnh lùng chỉ biết vung tiền để được coi là hiếu thảo. Thì người con dâu bị ông dày vò gần chục năm lại sắn tay áo lo cho ông từ cái ăn, cái mặc, đến chuyện vệ sinh mà không hề ghét bỏ một giây, một giờ nào.
Khi bà nội ngã xuống và cũng nằm liệt giường, dù tôi biết mẹ tôi ghét bà đến cùng cực, nhưng từng muỗng cháo hằng ngày cũng là mẹ tôi đút bà ăn. Dù người mà mẹ tôi đang chăm là người đã hành hạ tinh thần của mẹ tôi từng ngày, từng giờ, từng phút không ngơi nghỉ bằng những câu từ như đinh, như thép, và hành động chẳng khác gì một bộ phim bạo hành thời xưa. Thì mẹ vẫn lựa chọn tha thứ.
Khi chị tôi gây chuyện và khiến mọi người sỉ vả, và bị mọi người dùng đòn roi và miệng lưỡi nhấn chìm. Cũng chỉ mình mẹ đã luôn vươn tay ra ôm lấy chị tôi vào lòng. Dù rằng, chị tôi luôn đánh mẹ tôi đến thương tích đầy mình từ trong ra ngoài vì sự căm ghét với mẹ, nhưng mẹ vẫn chưa bao giờ buông người chị của tôi ra.
Và giờ đây, khi đứa con còn lại của bà cũng đang cố tìm cách để trả thù bà. Thì bà vẫn luôn ở đó, một người phụ nữ nhỏ bé chưa bao giờ khóc dù chị tôi tự sát, dù bị mẹ chồng đánh, mắng, dù bị nhà ngoại coi như không tồn tại. Thì giờ đây, mẹ lại bật khóc.
Bật khóc như một đứa trẻ và quỳ sụp bên đứa con chỉ muốn chết đi của mình.
Trong một phút đó, tôi chợt nhận ra, cả cuộc đời tôi chưa bao giờ được hạnh phúc, mà mẹ tôi thì lại càng không.
Nhưng tại sao tôi vẫn cố chấp sống tiếp chỉ để trả thù?
Và tại sao mẹ tôi vẫn luôn sống tiếp với những vất vả mà mẹ chịu đựng và chỉ lựa chọn tha thứ?
Rồi tôi nhận ra, bất kỳ một lựa chọn nào cũng sẽ khiến chúng ta hối tiếc, và số phận thì luôn thích đẩy người ta vào đường cùng.
Mẹ là một ví dụ điển hình. Mẹ tiếc vì bỏ học, mẹ tiếc vì lấy ba tôi, mẹ tiếc vì những gì mẹ đã đánh mất.
Nhưng hạnh phúc, cũng sẽ không bao giờ tới nếu chúng ta cứ ôm mãi sự tiếc nuối và thù hận trong lòng. Nên mẹ đã lựa chọn tha thứ cho tất cả.
Cho một gia đình cũng là nạn nhân của xã hội phong kiến.
Cho một người chồng không thể làm chủ gia đình.
Cho hai người con chỉ biết đòi hỏi nhiều hơn là sự cho đi.
Tôi biết mẹ vẫn sai trong cách hành xử của mình với con cái. Nhưng với hàng tá áp lực từ gia đình, xã hội, công việc, tình cảm như thế, tôi tự hỏi làm thế nào để một người có thể không làm sai.
Từ mẹ, tôi nhận ra, hạnh phúc là một cuộc hành trình để biến những sự chọn lựa sai, và bất công của số phận thành một nụ cười hạnh phúc.
Mẹ vẫn hận khi bị hành hạ, nhưng mẹ vẫn tha thứ khi người đó đổ bệnh, vì mẹ không nhìn vào mặt xấu của họ. Mẹ nhìn vào những ngày mà ông tôi dậy sớm để mua đồ ăn mà mẹ tôi thích, nhìn vào cách bà tôi bảo vệ mẹ khi có đồng nghiệp nữ cố ve vãn ba tôi. Và nhìn vào lần đầu tiên khi chúng tôi, những đứa con đã ghét bà vô vàn lần đầu tiên mở mắt ra nhìn mẹ, và gọi tiếng mẹ đầu tiên trong đời.
Ai trong chúng ta cũng đều sẽ phạm sai lầm cho đến khi chết. Sẽ chẳng ai hoàn hảo từ lúc sinh ra, cũng chẳng ai có thể hạnh phúc khi chẳng biết khổ đau là gì. Tôi định nghĩa hạnh phúc của mình là mẹ, là những giá trị tốt đẹp từ một người đã chịu đựng và nhẫn nại suốt mấy chục năm liền. Là sự tha thứ cho chính bản thân, và người xung quanh khi họ mắc lỗi sai. Và lúc nào, cuộc sống này cũng đều có một sự lựa chọn thứ hai sau những sai lầm – là thay đổi và trở nên tốt hơn.
Mẹ tôi đã nói chuyện với tôi nhiều hơn, khi tôi chịu cho bà một cơ hội.
Ông bà nội tôi đã mất, nhưng khi hai người đó mất, câu mà mẹ tôi nhận được là lời xin lỗi trong hối tiếc và những giọt nước mắt muộn màng. Họ mất một cách yên lành, nhưng tôi cho rằng họ đã không hề hạnh phúc vì chưa kịp bù đắp với mẹ.
Và hạnh phúc của mẹ, là hai đứa con của mẹ đã hiểu chuyện và không còn ghét bà nữa. Cuộc sống vô thường, ai cũng sẽ mắc lỗi sai, hà cớ gì cứ chấp nhất để rồi một khoảng thời gian dài chỉ biết chìm đắm trong hận thù và hối tiếc. Để khi nhắm mắt xui tay thì lời xin lỗi thốt ra là lời đầu tiên cũng như là cuối cùng một cách muộn màng.
À, mà để trả lời cho câu hỏi hạnh phúc là gì, thì đó là cuộc hành trình để những nỗi đau được chữa lành, để cái chết vụt qua trước mắt và nhận ra những giá trị mà chúng ta nên giữ gìn, là những tổn thương cần phải được tha thứ chứ không phải là lòng hận thù, là những lần lựa chọn sai, nhưng vẫn cố gắng để khiến cho nó đúng.
Và để ngày hôm nay, tôi được viết ra những dòng này, và để tiếp tục ngành viết dù biết bản thân mình không có tài như người ta. Vì mẹ đã luôn ủng hộ tôi trong suốt chặng đường, nên tôi càng không muốn bỏ cuộc. Và để những câu từ của tôi có thể phần nào đến với các độc giả, một phần nào đó giúp họ nhận ra, ngày hôm nay hạnh phúc chính là họ có thể học được cách tha thứ cho chính bản thân họ, và người xung quanh, và nói lời xin lỗi trước khi mọi thứ quá muộn.
-Lâm Duệ Nghi-
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết dài lê thê của mình. Bài mình tham gia sự kiến là Khi tôi 80 tuổi, còn bài này chỉ là lời tâm sự trong một đêm mất ngủ của mình thôi. Và đăng giờ này thì chắc cũng ít người xem lắm.
Dù sao cũng cảm ơn mọi người đã đọc.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất