Trong các vụ đại án tham nhũng làm rúng động thị trường, những hình phạt dành cho người phạm tội thường là án số, đôi khi là án chữ tùy vào mức độ thiệt hại của hành vi. Hình thức phạt bổ sung tịch thu tài sản cũng thường xuyên xuất hiện. Vậy bạn đọc có bao giờ tự hỏi nếu một người bị phạt tịch thu toàn bộ tài sản, liệu họ có còn tiền để sống không? Hay họ sẽ chính thức trở thành "ăn mày"? Pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề này như thế nào, bài viết này sẽ trả lời câu hỏi đó.
1. Giới thiệu vấn đề
Tịch thu tài sản là một trong bảy hình phạt bổ sung thuộc hệ thống hình phạt ở Việt Nam. Tịch thu tài sản được áp dụng với một số loại tội phạm như tham nhũng, buôn lậu, ma túy, buôn bán hàng giả,,… Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về hình phạt tịch thu tài sản tại Điều 45, cụ thể như sau: “Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống”. Vậy quy trình tịch thu tài sản được quy định như thế nào? Trường hợp nào tịch thu toàn bộ tài sản, trường hợp nào tịch thu một phần? Và đảm bảo có điều kiện sinh sống khi bị tịch thu toàn bộ tài sản là như thế nào? Tác giả sẽ trả lời những câu hỏi này ở các phần tiếp theo.
Nguồn ảnh: Báo Người Lao động
Nguồn ảnh: Báo Người Lao động
2. Giải quyết vấn đề
2.1 Quy trình xử lý tài sản bị tuyên tịch thu
Trả lời câu hỏi đầu tiên, tác giả sẽ giới thiệu đến quý bạn đọc về trình tự xử lý tài sản bị tịch thu sung quỹ nhà nước. Quy trình này được quy định tại thông tư số 166/2009/TT-BTC hướng dẫn xử lý một số loại tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước. Mỗi loại tài sản sẽ có những quy trình và thủ tục khác nhau vì vậy tác giả sẽ viết tuần tự thủ tục cách xử lý của từng loại tài sản bị tuyên tịch thu. 
Đầu tiên, tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý hoặc kim loại quý mà được cơ quan cấp Trung ương hoặc cấp tỉnh ra quyết định tịch thu thì tài sản sẽ được giao cho Kho bạc nhà nước cấp tỉnh bảo quản, quản lý.[1] Hoặc giao cho Kho bạc nhà nước cấp huyện nếu cơ quan ra quyết định là cơ quan cấp huyện.[2] Hồ sơ, giấy tờ liên quan đến tài sản sẽ được Bộ Tài chính tiếp nhận.[3] Sau đó, Bộ Tài chính sẽ lập phương án xử lý tài sản là chuyển giao tài sản cho Kho bạc nhà nước.[4] Và trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ tài sản Bộ Tài chính phải trình phương án xử lý tài sản lên Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.[5] Sau khi phương án xử lý được phê duyệt, Kho bạc nhà nước sẽ tiến hành hạch toán nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.[6]
Tiếp theo, đối với tài sản khác (tài sản chưa được quy đổi thành tiền) sẽ được giao cho chính cơ quan ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước bảo quản, quản lý.[7] Hồ sơ, giấy tờ liên quan đến tài sản sẽ được Bộ Tài chính tiếp nhận.[8] Sau đó, Bộ Tài chính sẽ lập phương án xử lý tài sản là bán tài sản đó theo quy định của pháp luật.[9] Tương tự, Bộ Tài chính cũng phải trình phương án này lên Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.[10] Khi phương án xử lý tài sản được phê duyệt, tài sản sẽ được bán theo phương thức đấu giá và việc quản lý, sử dụng hóa đơn bán tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.[11]
Nguồn ảnh: Báo Dân trí
Nguồn ảnh: Báo Dân trí
2.2 Mức độ tịch thu tài sản
Trả lời câu hỏi thứ hai, đối với mức độ tịch thu tài sản, khi nào tịch thu toàn bộ, khi nào tịch thu một phần tài sản. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của tòa án.[12] Và những quyết định này thì bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Một, phụ thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, ví dụ hành vi mà gây ra thiệt hại lớn cho xã hội, theo logic người phạm tội sẽ phải dùng tài sản của mình để bù đắp. Hai, phụ thuộc vào nhân thân người phạm tội như hoàn cảnh gia đình, điều kiện sinh sống, học vấn,... Và ba là các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Nguồn ảnh: Báo Thanh nie·
Nguồn ảnh: Báo Thanh nie·
2.3 Tôi có trở thành ăn mày không?
Câu hỏi thứ ba, người bị kết án chịu hình phạt tịch thu toàn bộ tài sản nhưng vẫn đảm bảo đủ điều kiện cho người đó và gia đình họ là như thế nào? Trước hết cần làm rõ, tịch thu toàn bộ tài sản chỉ có hiệu lực với tài sản của người bị kết án hoặc tài sản người bị kết án tẩu tán cho người khác đứng tên. Việc kê biên tài sản để thi hành án tịch thu tài sản sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên nếu sau khi kê biên tài sản (bao gồm việc tịch thu tiền và bán tài sản), ‘chấp hành viên’[13] xét thấy người thi hành án không còn đủ điều kiện để xây nhà mới hoặc thuê nhà ở thì chấp hành viên trích lại một khoản từ việc bán tài sản một khoản tiền đủ để người thi hành án thuê nhà với giá trung bình tại địa phương trong vòng 01 năm.[14] Vậy đủ điều kiện sống khi tịch thu toàn bộ tài sản có nghĩa là người bị kết án và gia đình họ còn đủ tiền để duy trì một nơi cư trú.
3. Kết bài
Vậy qua bài viết này, tác giả đã trả lời được ba câu hỏi liên quan đến hình phạt tịch thu tài sản trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Bài viết còn nhiều hạn chế vì chưa có được sự so sánh với luật nước ngoài hay đưa ra các trường hợp thực tiễn về việc áp dụng hình phạt. Tác giả hy vọng tuyến bài sẽ tiếp tục các số tiếp theo và khắc phục được các khuyết điểm của những bài trước. 
Dương Tuấn Kiệt - Một sinh viên Luật hay có câu hỏi
TRÍCH DẪN TÀI LIỆU
[1] Thông tư số 166/2009/TT-BTC hướng dẫn xử lý một số loại tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước, Điều 3(1)(c) 
[2] Tldd 1
[3] Thông tư số 166/2009/TT-BTC, Điều 1(3)(a) 
[4] Thông tư số 166/2009/TT-BTC, Điều 1(4) và Điều 4(1)(c) 
[5] Thông tư số 166/2009/TT-BTC, Điều 4(2)
[6] Thông tư số 166/2009/TT-BTC, Điều 5(3)(c)
[7] Thông tư số 166/2009/TT-BTC, Điều 3(1)(g) 
[8] Thông tư số 166/2009/TT-BTC, Điều 1(3)(a)
[9] Thông tư số 166/2009/TT-BTC, Điều 4(1)(g) 
[10] Tldd 5
[11] Thông tư số 166/2009/TT-BTC, Điều 5(8)(a)(g) 
[12] Hương Quỳnh, ‘Hình phạt tịch thu tài sản và những nguyên tắc khi áp dụng’ Thư viện Pháp luật, <https://thuvienphapluat.vn/cong-dong-dan-luat/hinh-phat-tich-thu-tai-san-va-nhung-nguyen-tac-khi-ap-dung-206272.aspx> truy cập ngày 4/12/2024
[13] luật Thi hành án Dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014), Điều 17(1) Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định
[14] Luật Thi hành án Dân sự 2008, Điều 115(5)