Dù rằng trẻ em không chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp về sức khỏe như người nghèo hay người cao tuổi, song nhóm đối tượng này lại đang chịu nhiều ảnh hưởng gián tiếp lâu dài – bắt nguồn từ hệ quả của các chính sách phòng chống dịch phản khoa học. Khó có thể nào lường được quy mô của những hệ quả đó và liệu chúng sẽ kéo dài bao lâu, song những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta nên là hồi chuông cảnh báo. Và nếu như có một thứ gì đó có thể tổng hợp tất cả những ảnh hưởng tiêu cực thì đó sẽ là tấm ảnh dưới đây:
This is so wrong on so many levels
This is so wrong on so many levels

Những sự phản khoa học

Sự phản khoa học đầu tiên chính là bức ảnh trên, khi mà đập vào mắt tôi là hình ảnh một em bé đang học online trên iPad (có lẽ tại nhà) nhưng vẫn đeo khẩu trang. Tôi không hiểu là tại sao phải bắt trẻ em đeo khẩu trang, khi mà:
1. Trẻ em không phải đối tượng có tỉ lệ gây lây nhiễm hay bị lây nhiễm cao, và 2. Trẻ em không phải đối tượng có tỉ lệ chịu ảnh hưởng xấu của bệnh cao
Số liệu thống kê (trong tháng 8) ở TP. HCM có 10,675 ca có độ tuổi 0 – 17 tuổi, chiếm 14% tổng số ca. Tỉ lệ tử vong là 0.1% (6 ca).
Ở Úc (cũng tại khoảng thời gian đấy) có khoảng 6,200 ca ở độ tuổi tương tự, chiếm 10%. Tỉ lệ tử vong là 0%.
Ở Mĩ (cho đến 11/9/2021) có 4,404,141 ca ở độ tuổi tương tự, chiếm 10.5%. Tỉ lệ tử vong là 0.01% (554 ca).
Từ giữa tháng 8, không có bất kì sự bùng dịch tại nào tại các trường học ở San Francisco. Chỉ có 13 trẻ phải nhập viện từ đầu năm 2020 và hiện tại không có trẻ nào đang nằm viện cả. 5,543 trẻ đã bị nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có ca tử vong nào.
Những con số nói trên chỉ ra rằng trẻ em chịu rất ít ảnh hưởng trực tiếp vì covid-19. Trong khi đó, mỗi ngày ở Việt Nam có tới 100 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì các bệnh có thể phòng tránh được. Việt Nam cũng có khoảng 1.9 triệu trẻ em còi cọc do suy dinh dưỡng, dẫn đến những tổn thương vĩnh viễn về thể chất và trí tuệ.
Việc “giãn cách xã hội” lâu dài đang làm trầm trọng thêm các vấn đề kể trên, khi nhiều cha mẹ bị mất nguồn thu nhập, không có đủ khả năng tài chính để nuôi dưỡng con cái. Cùng với đó, việc tiếp cận y tế để phòng chống các dịch bệnh ngoài covid-19 gặp nhiều khó khăn do bị hạn chế đi lại. Với tình trạng này, không khó để có thể nhận ra rằng sẽ có ngày càng nhiều trẻ em tử vong vì các bệnh có thể phòng tránh được hay rơi vào trạng thái suy dinh dưỡng. Và số trẻ em chịu ảnh hưởng bởi những vấn đề cố hữu này chắc chắn là gấp nhiều lần số trẻ em chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi covid-19.
Rất tiếc là không hề có bất kì số liệu thống kê nào được ghi lại để đánh giá tầm ảnh hưởng.

Chất lượng giáo dục không được đảm bảo

Ngay cả với những gia đình vẫn còn đủ điều kiện nuôi dưỡng con cái thì họ lại gặp một vấn đề khác: nhiều trường học bị đóng cửa, học sinh phải chuyển sang học online tại nhà. Điều này gây nhiều hạn chế cho những bậc cha mẹ vẫn phải đi làm phần lớn thời gian ở bên ngoài. Trẻ có thể chịu những thiệt thòi khi không được chăm sóc và quan tâm đầy đủ, đúng mực.
Hơn nữa, việc “học online” đang có rất nhiều bất cập, cụ thể là:
1. Không hề có sự chuẩn bị cho việc giáo dục trong lúc dịch bệnh: từ năm 2020 đã có một số bộ phận học sinh phải chuyển sang học online. Song nhìn chung thì phần lớn học sinh vẫn được đi học. Sự chủ quan dựa vào “thành công” về chống dịch trong năm 2020 đã khiến cho Bộ GD – ĐT không hề có bất kì sự chuẩn bị nào để đối phó lúc tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn. Không có giáo trình thống nhất, không có kế hoạch thi cử mà chỉ có những biện pháp chắp vá tạm thời, như việc xét điểm học bạ thay vì điểm thi hoặc cho học sinh thi tại nhà (vốn không thể nào đảm bảo được chất lượng thi cử). 2. Sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng và điều kiện vật chất: mặc dù nằm trong những quốc gia có độ phủ Internet khá cao, thế nhưng cơ sở hạ tầng mạng vẫn còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu vùng xa, nơi mà đường truyền Internet khó có thể chạm tới hoặc không được phủ sóng 3G/4G. Ngoài ra, rất nhiều gia đình không đủ điều kiện mua sắm laptop, smartphone hay tablet cho con được. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi nhiều gia đình mất nguồn thu nhập hay có nhiều trẻ đang trong độ tuổi đi học. Bộ GD – ĐT đang kêu gọi các cá nhân và tổ chức ủng hộ các thiết bị điện tử – một biện pháp “chắp vá” ngắn hạn. Tuy vậy, giá thành những thiết bị điện tử như trên không hề rẻ – tương đương một tháng thu nhập bình quân đầu người – là một trở ngại rất lớn. 3. Thiếu sự quan tâm và tương tác với bạn bè cũng như giáo viên: trẻ em trong độ tuổi đi học rất cần làm quen với những tương tác xã hội ở trường học để hình thành các quy tắc ứng xử cũng như các mối quan hệ đầu tiên. Việc thiếu đi những tương tác xã hội này có thể ảnh hưởng xấu tới sự phát triển trí tuệ để thích nghi với cuộc sống xã hội sau này. Ngoài ra, việc thiếu vắng những tương tác xã hội có thể gây ra các bệnh lý về tâm thần – nhất là khi tâm lý của trẻ em còn non nớt và trẻ có thể chịu những áp lực tiêu cực không mong muốn từ gia đình (trong lúc cuộc sống khó khăn).
Vì những lẽ đó, rất khó để có thể đảm bảo được chất lượng giáo dục cho trẻ em với tình hình hiện nay. Một nghiên cứu ở Hà Lan đã chỉ ra sự giảm sút về chất lượng giáo dục – phản ánh qua chất lượng thi cử – khi học sinh phải học online tại nhà trong 8 tuần. Nghiên cứu chỉ ra rằng trong suốt 8 tuần trường học bị đóng cửa, học sinh gần như không tiếp thu được thêm kiến thức mới.
Trường hợp của Hà Lan là một nước phát triển với điều kiện truy cập Internet dễ dàng, nguồn lực tài chính dành cho giáo dục dồi dào và trường học chỉ đóng cửa trong một thời gian ngắn. Nhưng tất cả lợi thế đó cũng không thể nào lấp đầy được những ưu thế vượt trội của mô hình giáo dục truyền thống tại trường học – nhất là khi đối tượng là trẻ em tiểu học. Đối chiếu với những gì đang xảy ra tại Việt Nam – Internet hạn chế, thiếu nguồn lực tài chính, trường học bị đóng cửa trong thời gian dài – thật khó có thể hình dung được những đứa trẻ sẽ chịu ảnh hưởng lớn đến như thế nào, điều đó nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. “Thảm họa thế kỉ” có lẽ là cụm từ có thể miêu tả chính xác nhất điều này.

Nguy cơ tiềm ẩn từ việc sử dụng các thiết bị điện tử quá sớm

Ngay cả khi trẻ em được chu cấp trong những gia đình khá giả nhất, hiểm họa vẫn còn nhen nhóm chính từ sự hiện diện của các thiết bị điện tử. Trước đây, việc trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử từ quá sớm luôn vấp phải phản đối dữ đội, nhất là từ các nhà xã hội học và nhà giáo dục; thì hiện tại, tôi không hề nghe thấy bất kì ai lên tiếng về vấn đề này. Phải chăng sự im lặng này là điều tối cần thiết để các chính sách “chắp vá” trên được ủng hộ – thay vì đưa ra giải pháp tổng thể là cho trẻ đến trường trở lại? Sự thiếu thốn tương tác xã hội đi kèm với việc sử dụng các thiết bị điện tử quá sớm càng làm tăng nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý trẻ em.
Những thiết bị điện tử kể trên – laptop, smartphone, tablet – không hề được thiết kế cho trẻ em, vậy nên chúng sẽ gây ra các vấn đề về thị giác khi trẻ nhìn quá lâu. Khả năng truyền tải thông tin cũng bị hạn chế vì chỉ có hình ảnh và âm thanh là có thể truyền qua, cùng lúc đó chất lượng truyền tải chưa chắc đã được đảm bảo. Ngoài ra, trẻ em có thể sử dụng những thiết bị đó và truy cập vào những nội dung không phù hợp, hoặc lạm dụng và tốn quá nhiều thời gian vào những nội dung giải trí nhưng không có tính giáo dục. Và đấy là chưa kể những nguy hiểm khác trong quá trình sử dụng như điện giật, rơi vỡ.

Giải pháp?

Có lẽ đây là một trong số hiếm hoi những vấn đề phức tạp có giải pháp đơn giản. Và giải pháp đó đơn giản thực sự: cho trẻ đi học trở lại.
Còn nếu có người vẫn nghi ngại về rủi ro liên quan tới covid-19 thì chỉ cần cho giáo viên và nhân viên của trường tiêm chủng đầy đủ. Và đừng bắt trẻ em đeo khẩu trang. Cái giá quá nhỏ cho một giải pháp đơn giản nhưng mang lại lợi ích khổng lồ.

Kết

Trong công cuộc chống dịch lần này của Việt Nam, đã có rất nhiều người chỉ trích rất nhiều khía cạnh khác nhau rồi. Nhưng có lẽ với nhiều người, đó cũng chỉ là những cuộc cãi bất phân thắng bại giữa những người lớn với nhau. Thế rồi ai sẽ lên tiếng cho trẻ em? Ai sẽ lên tiếng cho những bộ phận không thể có tiếng nói riêng?
Để trẻ em gánh chịu hậu quả do người lớn gây ra là một tội ác không bao giờ có thể bào chữa được.

Tham khảo