flaticon.com
flaticon.com
Trên đây là hai thái cực mỗi khi nhắc đến chủ đề tiền bạc trong tình yêu: một bên trọng tình, một bên trọng tiền. Dù trong thực tế, quan điểm của mọi người sẽ dàn trải giữa hai điểm cực này nhưng có lẽ suy nghĩ của chúng ta sẽ không bao giờ chịu đứng yên một chỗ, lúc ngả bên này, lúc ngả bên kia, đặc biệt là khi gặp những bài viết với mục đích chủ yếu là gây tranh cãi kiểu như:
Phụ nữ có hai sở thích: một là nói chuyện tình cảm với trai giàu, hai là nói chuyện tiền bạc với trai nghèo😅
Đàn ông không có quyền nghèo, đàn ông trước hai mươi tám tuổi phải có ít nhất 500 triệu trong tài khoản, phải có tiền mới xứng đáng có được tình yêu của phụ nữ, ...🥲
Việc này ít nhiều sẽ gây bức bối, khiến chúng ta lênh đênh giữa những ý tưởng lãng mạn và thực tế trần trụi của việc yêu đương, gây ra sự mất ổn định trong cảm xúc. Điều này không hề tốt và mình hy vọng bài viết này sẽ giúp tháo gỡ điều đó cho mọi người.
Trước tiên, chúng ta phải thừa một thực tế là các quan điểm cực đoan kiểu trên dù gây tranh cãi nhưng có vẻ càng ngày càng được đón nhận trong chuyện tình cảm: sắc đẹp hay khả năng tài chính của đối tác quyết định tất cả. Nguyên nhân chính là đây là những đặc điểm bên ngoài, dễ nhận thấy và dễ đo lường, được thổi hơi NHỜ sự phát triển của mạng xã hội, những đặc điểm này lan truyền với tốc độ chóng mặt khiến mọi người có xu hướng đánh giá quá mức tầm quan trọng của chúng trong chuyện tình cảm.
Không xinh, không yêu; Không cao ráo, không yêu; Chưa có xe đẹp, chưa có bồ; Chưa có sự nghiệp; chưa lấy vợ .v.v
Nghe quen không 😜
Thứ hai, hãy cùng mình đi qua một vài nghiên cứu xem liệu những quan điểm này có đúng không và nếu đúng thì chúng đúng đến mức độ nào. Trong chủ đề và phạm vi của bài viết chúng ta sẽ chỉ xem xét yếu tố tiền bạc trong chuyện tình cảm.

Nghèo = Không hạnh phúc

Các nhà nghiên cứu tại Trường kinh doanh Havard đã chỉ ra rằng các cặp đôi có khả năng chi trả cho các dịch vụ cho các công việc thường ngày như nấu ăn hoặc giặt đồ, có chỉ số hạnh phúc cao hơn so với các cặp đôi không có khả năng chi trả cho những dịch vụ kiểu đó. Lý do là vì các cặp đôi có thu nhập cao, nhờ ít tốn thời gian vào các nhiệm vụ lặp đi lặp lại hằng ngày, sẽ có nhiều khoảng thời gian chất lượng dành cho nhau hơn, nên hạnh phúc hơn.
Một nghiên cứu khác của các nhà tâm lý tại Trường Đại học công nghệ Texas cũng cho thấy những cặp đôi có thu nhập thấp thường xuyên trải qua cảm giác không hạnh phúc, với mức độ tương tự với cảm giác không hạnh phúc của những cặp vợ chồng ở quãng thời gian "tháng cuối cùng" trước khi họ li hôn.
Theo như hai nghiên cứu trên thì có vẻ không hề sai khi chúng ta nên tỉnh táo và thực tế trong tình yêu, đặc biệt là cánh chị em - sau này sẽ là những người đảm nhiệm chức năng làm mẹ và mất đi cơ hội phát triển sự nghiệp, họ cũng thường là những người giữ tay hòm chìa khóa trong một gia đình nên việc lựa chọn một người đàn ông vững chãi về tài chính 100% là một lựa chọn hợp lý và đúng đắn.
NHƯNG nếu tập trung quá mức vào yếu tố tiền bạc trong tình cảm có thể khiến sự nhận thức này có thể trở nên méo mó và biến chúng ta trở thành những người quá mức thực dụng trong chuyện tình cảm thì sao? Nhan nhản những trường hợp trên internet, bạn có thể đọc, về những người đàn ông có tiền nhưng kém tinh tế trong chuyện tình cảm, chẳng hạn tặng bạn gái một bó hoa bằng tiền, đòi hỏi quan hệ tình dục sau khi một năm tình phí, ...; hay những cô nàng không ngại công khai quan điểm thực dụng về tiền bạc của họ khi chọn người yêu.
Phụ nữ thì biến thành những Gold Digger, Đàn ông thì thành những kẻ tôn thờ chủ nghĩa lấy tiền đổi tình!!!
Haizz!!!
Quan trọng hơn, thực nghiệm đã cho thấy nhiều tiền bạc hơn không đồng nghĩa với nhiều hạnh phúc hơn 😃

Giàu chưa chắc đã hạnh phúc

Một nghiên cứu vô cùng nổi tiếng của nhà tâm lý người Israel- Mỹ Daniel Kahneman và nhà kinh học người Anh Angus Deaton đã chỉ ra rằng có một con số mà khi vượt qua ngưỡng đó tiền bạc sẽ không thể mua thêm cho bạn hạnh phúc.
$75,000/năm
Khoảng 1,8 tỉ VNĐ
Mình biết. Mình biết🥲 Một con số tương đối lớn với người Việt chúng ta, trong khi chỉ cần sở hữu khối tài sản tương đương 1,4 tỉ VNĐ vào năm 2021 là bạn đã có thể đặt chân vào nhóm 10% dân số có tài sản đứng đầu cả nước (theo Vietnam Insider).
Mình đã loanh quanh trên internet vài giờ đồng hồ để tìm câu trả lời cho con số này ở Việt Nam và kết quả là "chưa tìm được". Cho nên mình (và các bạn đọc nam) thực sự muốn nghe quan điểm của các bạn đọc, đặc biệt là nữ, về một con số mà các bạn cảm thấy "ĐỦ" ở tài chính của một người đàn ông, tính theo thu nhập hàng tháng.
Và ngoài lý do trên để chúng ta không theo đuổi mục đích tiền bạc một cách mù quáng trong tình yêu thì còn một quan điểm nữa xứng đáng để xem xét và các bạn sẽ thấy việc theo đuổi này vô lý đến mức nào.
Sẽ là bất hợp lý nếu bạn đòi hỏi thành công tiền bạc quá mức ở người yêu hay chính bản thân bạn bởi thành công về tiền bạc của một người phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố may mắn và ngẫu nhiên.
Nassim Taleb - một thiên tài trong đầu tư và tác giả của cuốn sách vô cùng nổi tiếng và gây chấn động Thiên Nga Đen (với chủ đề về sự bất định) đã nhận định rằng chúng ta đang sống trong một thế giới chưa bao giờ "bất công" đến thế, khi mà "người về nhất ăn tất" nhờ hiệu ứng đám đông và sự khuếch đại của nó trong môi trường thông tin lan truyền chóng mặt như hiện nay. Một trong những bằng chứng mà ông đưa ra là ông đã tìm đọc được vô số quyển sách hay mà không hề nổi tiếng, trong khi một vài quyển với tư tưởng sai lầm lại được đón nhận rộng rãi nhờ may mắn và hiệu ứng đám đông.
Daniel Kahneman (Nobel Kinh tế 2002), trong cuốn sách Tư duy Nhanh và Chậm của ông ,cũng đã nêu ra con số 30% - là một con số chỉ tác động thực sự của đội ngũ lãnh đạo lên thành công của một công ty, 70% còn lại đều là sự ngẫu nhiên và may mắn. Không hề giống như những gì báo chí tung hô về sự tài giỏi và khôn ngoan của những "người thuyền trưởng", thế giới thực phức tạp hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Một con bướm đập cánh ở Đông bán cầu, làn gió nhỏ bé được tạo ra từ cú đập cánh đó, nếu gặp những điều kiện thích hợp, có trở thành cơn bão ở Tây bán cầu (Hiệu ứng cánh bướm).
Những nghiên cứu kể trên đã khiến hầu hết những người thành công vang dội trên thế giới trở nên khiêm tốn hơn rất nhiều, và thôi việc vẽ ra những câu chuyện nguyên nhân - kết quả để giải thích cho thành công của họ. Không lạ khi hiện nay, chủ nghĩa khắc kỉ đang trở thành một trào lưu trên toàn thế giới khi mà trọng tâm của chủ nghĩa này khi nhắc đến "thành công" trong cuộc đời một người có thể gói gọn lại như sau:
Kết quả, vốn là thứ chúng ta không thể kiểm soát. Thứ mà chúng ta có thể kiểm soát, chỉ có thể là những nỗ lực của chúng ta.
Mình hoàn toàn ủng hộ việc chúng ta lao động chăm chỉ, kiếm được tài sản và của cải để chăm lo cho bản thân và những người mà ta yêu quý, nhưng cũng phải biết khi nào là đủ cho chính bản thân mình và quý hơn cả là cho người bạn đời tương lai của chúng ta. Những thành công vang dội đòi hỏi may mắn, nhưng sự ổn định tài chính sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu chúng ta thực tế, cùng nhau cố gắng, và lao động chăm chỉ.
Kết: Chúng ta không sai khi cân nhắc yếu tố tài chính khi lựa chọn người mà chúng ta yêu. Nhưng hãy tính toán, chứ đừng tham lam!
P/s: Nếu bạn thấy bài viết này hay và hữu ích, hãy upvote, chia sẻ lên trang cá nhân, và follow mình để đón đọc những bài viết sắp tới trong tương lai nhé.