THIỀN NHƯ KHÔNG THIỀN
Không cứ phải ngồi xếp bằng một chỗ mới là Thiền, hãy tiếp cận nó trực diện hơn.
Chẳng là có vài chuyện không như ý xảy ra với bản thân trong mấy ngày qua, và do tu vi chưa đủ nên mình đã để cho nó làm bận tâm. Để giải tỏa thì tối qua mình đã nghe một bài thuyết của Alan Watts, và từ đó ngộ ra một cách diễn đạt rất hay của Thiền mà ai cũng có thể (từ từ) lĩnh hội, nên hôm nay chia sẻ lên đây.
Nhiều người trong chúng ta đều biết về những khái niệm kinh điển/quen thuộc nhất của đạo Phật, như Vô Thường, Vô Ngã, Niết Bàn, Chân Như, Tính Không… nhưng nói cho đúng ra, bản thân Đức Phật không khuyến khích đi tìm giải thoát và giác ngộ bằng cách ghi nhớ những khái niệm đó. Cuộc đời con người vốn dĩ đã đủ khổ đau, phức tạp rồi, muốn tâm an mà còn phải nạp thêm cả đống thứ mơ hồ, rắc rối đó vào đầu thì an sao nổi? Thế nên mới có hiện trạng càng đi chùa lễ Phật, càng tụng kinh nghe pháp thì lại càng bất an, hỗn loạn.
May thay, từ lâu lắm đã có bậc giác ngộ nghĩ ra cách khác để hiểu được chân lý tối thượng và đạt Niết Bàn, đó là Thiền. Hiểu nôm na, Thiền là một cách tu mà ở đó cư sĩ phải làm cho tâm trống rỗng, trống ở đây không phải là không có suy nghĩ nào, mà là để cho dòng suy nghĩ trôi đi chứ không dừng lại tập trung vào bất cứ thứ gì nảy ra trong đầu. Đây là cách để quên đi/bỏ đi cái Ngã, nhưng vấn đề là muốn quên đi nó thì phải biết cái Ngã nó ở đâu, nó ra làm sao, nó biểu hiện như thế nào. Vậy Ngã là gì?
Và đây chính là cái hay của việc một người phương Tây như Alan Watts tìm cách giải thích triết học của phương Đông cho những người phương Tây khác. Ông bỏ đi những thứ rườm rà ước lệ, lặp đi lặp lại mà chẳng đi tới đâu như bạn rất dễ gặp khi nghiêm túc đọc hay nghe một đoạn kinh Phật nào đó. Thay vào đó, Alan Watts đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, dùng cách đơn giản và logic nhất để gọi mặt chỉ tên cái Ngã, với một chút liên hệ ẩn dụ đến Ki-tô giáo:
Hãy tưởng tượng một nhà sinh vật học muốn quan sát một con chim, với mục đích là hiểu rõ được tập tính hành động và biểu hiện của chính con chim đó, thì anh ta phải làm gì. Lẽ dĩ nhiên anh ta phải chọn một vị trí từ rất xa, và ẩn nấp để giấu đi sự tồn tại của mình, để con chim không biết rằng nó đang bị quan sát. Vì nếu con chim nhận ra có người quan sát nó, thì nó sẽ không hành động và biểu hiện như chính nó nữa. Và đó mới chỉ là loài có trí khôn và nhận thức đơn giản như chim thôi, giờ nếu là một sinh vật có trí thông minh và sự tự nhận thức cao cấp nhất như con người thì sao?
Ki-tô giáo dạy rằng, Chúa toàn năng luôn quan sát chúng ta, ngài biết hết và thấy hết, thế nên chúng ta liệu mà cư xử cho đàng hoàng theo những gì ngài đã dạy. Nhưng thử nghĩ xem, nếu một người biết rằng lúc nào cũng có một chiếc camera quay cận cảnh mình 24/7, thì hành động và biểu hiện, hay thậm chí suy nghĩ của anh/cô ta có hoàn toàn còn là của chính mình nữa hay không? Nếu một người luôn cư xử tốt đẹp, đúng đắn trong mọi hoàn cảnh, dưới điều kiện là anh/cô ta biết rằng mình có thể bị phán xét bởi một bản thể siêu việt nào đó luôn dõi theo, thì chúng ta có thể khách quan nhận định rằng đó là một người tốt nữa không?
Xã hội hiện đại với khoa học phát triển, rất nhiều hiện tượng và bản chất của thế giới tự nhiên dần được giải thích và làm rõ, và đi kèm với đó chính là việc con người không còn sợ những thế lực siêu nhiên như xưa nữa. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết câu hát “Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người…”, thực ra chính chúng ta đã bỏ các vị ấy. Đã từ lâu rồi tôn giáo chỉ còn mang tính hình thức, loài người không còn tin tuyệt đối rằng mình có thể bị quan sát và phán xét nữa, và đó là lúc cái bản NGÃ chân thực nhất của chúng ta được dịp bung ra tác oai tác quái, dẫn đến hiện trạng của xã hội văn minh ngày nay.
Nhưng liệu cái Ngã đó đã là cái Ngã đúng nghĩa chưa, liệu có đúng rằng “nhân chi sơ tính bản ác” hay không khi mà rõ ràng là điều thiện, điều tốt lành vẫn còn tồn tại đâu đó trên đời? Đó là bởi vì vẫn còn một cái Ngã khác, mà nhà Phật gọi là Vô Ngã, cái Ngã này nói nôm na chính là cái camera 24/7 của chúng ta, ngày đêm tự quan sát và phán xét chính mình. Nếu cái Ngã thứ hai có thể làm cách nào đó dõi theo cái Ngã thứ nhất mà không để cái Ngã thứ nhất biết được rằng nó đang bị quan sát (xem lại ví dụ về con chim ở trên), thì đó là lúc bạn có thể Thiền mà không cần Định, Thiền bất cứ lúc nào và bất kể ở đâu, hay Thiền mà như không Thiền vậy.
Để thực hành, trước tiên hãy thử tập nhìn vào tấm gương. Loài người là một trong số ít các loài nhận ra cái bóng phản chiếu trong gương chính là bản thân mình. Có điều, chúng ta là loài duy nhất đinh ninh rằng thứ hiện lên trong gương ấy thực sự là TA, đánh đồng cái hình ảnh ấy với bản thể thực sự của mình. Hãy tập nhìn vào gương, nhìn vào chính mình hiện lên trong gương, quan sát nó, cho đến khi nào chắc chắn rằng thứ đang quan sát và thứ bị quan sát đã trở thành một, thì đó chính là cái Ngã chân chính.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất