ĐỪNG QUẢN LÝ THỜI GIAN, HÃY QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG (HARVARD BUSINESS REVIEW)
"Đừng quản lý thời gian, hãy quản lý năng lượng". Đây là một tít bài viết mình bắt gặp trong quyển sách thuộc series 09 quyển của Harvard Business Review do nhà sách Alpha books lược dịch và phát hành trong năm 2020.
Có lẽ chẳng ai lạ gì với khái niệm Time Management nữa. Tuy nhiên, tựa sách mình đọc lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý năng lượng thay vì quản lý thời gian. Bởi lẽ, thời gian là tài nguyên có hạn. Việc kéo dài thời gian làm việc sẽ không giúp ích cho hiệu suất làm việc của bạn.
💖Disclaimer: Bài viết chia làm 2 phần, bạn có thể skip luôn sang phần 2 nếu chỉ quan tâm tips để cải thiện năng lượng nhé. Bài viết này dựa vào nội dung trong sách, kết hợp kinh nghiệm của bản thân mình về việc kiểm soát năng lượng trong ngày nhé.
PHẦN 1: Cách xác định bản thân có bị khủng hoảng năng lượng không
1. Xem xét về Thể chất
a. Bạn thường không ngủ đủ giấc và thức dậy trong tình trạng mệt mỏi. ✅
b. Bạn thường xuyên bỏ bữa sáng, ăn uống qua loa.✅
c. Bạn không luyện tập thường xuyên.✅
d. Bạn không nghỉ giải lao để tái tạo năng lượng trong ngày. Bạn thường ăn trưa ngay tại bàn làm việc, ăn tranh thủ để còn làm việc. ✅
2. Xem xét về Cảm xúc
a. Bạn thường cảm thấy cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn, hoặc lo lắng khi làm việc, đặc biệt là dưới áp lực cao. ✅
b. Bạn không có đủ thời gian cho gia đình và những người yêu thương. Ngay cả khi đã ở bên canh họ, tâm trí bạn chỉ nghĩ về công việc.✅
c. Bạn có quá ít thời gian cho các hoạt động yêu thích.✅
d. Bạn ít dành thời gian khen ngợi người khác, cũng như không có thời gian tận hưởng thành quả của mình. ✅
3. Xem xét về Trí tuệ
a. Bạn gặp khó khăn khi cần tập trung duy nhất 1 việc tại 1 thời điểm, bạn dễ bị xao nhãng vì email...✅
b. Bạn dành phần lớn thời gian trong ngày để xử lý việc "khẩn" nhưng không quan trọng, thay vì tập trung vào những việc có lợi ích, giá trị lâu dài.✅
c. Bạn không có thời gian để suy nghĩ tư duy chiến lược hay sáng tạo.✅
d. Bạn làm việc cả cuối tuần, và lúc nghĩ ngơi vẫn kiểm tra email.✅
4. Xem xét về Tinh thần
a. Bạn không có thời gian để làm những việc bạn yêu thích.✅
b. Bạn không phân bổ thời gian cho những người thực sự quan trọng với cuộc đời của bạn.✅
c. Bạn không đầu tư đủ thời gian và năng lượng để tạo ra sự khác biệt tích cực cho người khác và môi trường chung quanh bạn. ✅
Nếu bạn liên tục tick vào các check box như trên thì nghĩa là mức năng lượng của bạn đang rất thấp. Bạn cảm thấy làm việc rất nhiều, thời gian làm việc dài, vất vả nhưng lại kém hiệu quả, ảnh hưởng đời sống sức khỏe và tinh thần ngắn hạn và cả dài hạn.
Bạn đừng lo, mình share luôn một số tips để khôi phục năng lượng từ Harvard Business Review nhé.
Phần 2: Kinh nghiệm bản thân và tips để cải thiện năng lượng
1. Cải thiện về Thể chất : sức mạnh của năng lượng
Sự ăn uống thiếu chất, thiếu ngủ và nghỉ ngơi sẽ làm suy giảm năng lượng và khả năng kiểm soát cảm xúc, kiểm soát sự tập trung của bạn.
Tip đơn giản giúp tăng cường thể chất, đó là hãy cho phép cơ thể có những phút giây giải lao ngắn và rời khỏi bàn làm việc giữa giờ. Bản thân mình cũng đã áp dụng, tất nhiên là việc này rất dễ bị nhầm sang lãng công, bạn không thể chỉ chốc chốc ra khu vực pantry đứng uống cafe mãi được.
Do đó, mình hay linh hoạt bằng cách đến trực tiếp bàn làm việc của đồng nghiệp để trao đổi công việc thay vì chỉ liên lạc qua email, hoặc hỏi thăm, có khi là tán gẫu nếu tình huống cho phép.
Ngoài ra thói quen đi bộ mọi lúc mọi nơi thay vì đi thang máy cũng giúp ích rất nhiều trong việc tái tạo năng lượng cho mình, giúp mình cảm thấy bản thân khỏe khoắn, tinh thần sảng khoái hơn.
2. Cải thiện về Cảm xúc: Chất lượng của Năng lượng
Khi cảm xúc bạn tốt hơn, bạn sẽ có thể đối phó tốt hơn với áp lực nơi công sở. Để làm được điều đó, bạn cần chắc chắn là nhận thức và quan sát các trạng thái cảm xúc của bạn (be mindful) vào các thời điểm khác nhau trong ngày.
Thông thường, trạng thái cáu kỉnh, lo âu, thiếu kiến nhẫn, bất an dễ rút kiệt năng lượng trong ngày của bạn lắm. Cảm xúc mất kiểm soát này sẽ làm bạn khó suy nghĩ logic và ra quyết định, nhất là ở vị trí quản lý.
Tip đơn giản giúp loại bỏ cảm xúc tiêu cực chính là tập thở sâu. Ngoài ra, còn một chiêu đơn giản là hãy tích cực khen ngợi người khác. Cái này mình thấy cực đúng. Những lúc cãi nhau với chồng, với người nhà hoặc có điều gì đó buồn phiền, khi đến công ty làm việc, điều đầu tiên mình làm đó là tìm một ai đó để khen. Sau khi khen ngợi người khác và thấy họ cười, tự dưng bản thân mình cũng vui lây.
Còn một cách khác rất hữu ích là hãy trang bị cho bản thân 3 lăng kính mới, thay vì chỉ nhìn sự vật, sự việc dưới góc độ mình là "nạn nhân".
Lăng kính đảo ngược: Tự vấn bản thân bằng câu hỏi "Những gì đối phương nói có đúng không?"
Lăng kính phóng xa: Tự vấn bản thân bằng câu hỏi "Mình sẽ nghĩ gì về việc này sau 6 tháng nhỉ?"
Lăng kính mở rộng: Tự vấn bản thân bằng câu hỏi "Mình học được gì từ tình huống này?"
3. Cải thiện về Trí tuệ: Trọng tâm của Năng lượng
Rất nhiều người cho rằng phải multi-task thì mới thành công, mới đạt hiệu quả cao. Nhưng thực chất, cái giá phải trả là sự xao nhãng và giảm năng suất. Ví dụ: đang lập báo cáo ngân sách thì check email, đang họp liên phòng ban về dự án mới của công ty mà ra ngoài nghe điện thoại hơn 30 phút...
Tip để cải thiện sự tập trung của bạn chính là hãy set các khung thời gian cố định để giải quyết các việc khác nhau trong ngày, và hãy cố gắng giải quyết phần việc quan trọng nhất đầu ngày.
Bản thân mình rất hay xao nhãng (go down on a rabbit hole). Thời điểm ôn Ielts, nhiều khi đề thi dài thườn thượt nên mình cũng đâm chán, vì vậy mà mình phải tải app để tăng sự tập trung như Flora - Podomoro, hoặc chí ít là phải bật chế độ alarm để tự tạo áp lực về thời gian. Mình rất mong trong tương lai có thể khắc phục được nhược điểm này tốt hơn.
4. Cải thiện về Tinh thần: Lẽ sống & Mục đích của Năng lượng
Năng lượng tinh thần của một người thường trỗi dậy khi công việc và các hoạt động thường nhật đem lại những giá trị mà họ trân trọng nhất, giúp họ cảm nhận về lẽ sống và mục đích.
Ví dụ: dành ra hàng giờ đồng hồ viết bài trên Spiderum với mình cũng là một cách chia sẻ giá trị, một cách cho đi đối với cộng đồng mà mình sinh sống. Khi cảm nhận được điều đó, mình có năng lượng và động lực để duy trì thói quen viết lâu hơn, bền hơn (mình hi vọng vậy 😄).
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết đến đây. Nếu bạn thấy hữu ích, có thể upvote hoặc comment để mình biết nhé.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất