TRÊN 30 TUỔI TỰ HỌC IELTS, TẠI SAO KHÔNG?
Làm cách nào mà một người trên 30 tuổi có thể vừa làm full-time vừa tự học, không đi trung tâm, không thầy cô hướng dẫn, có thể đạt IELTs từ 0 lên 6.5 sau 3 tháng?
Mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thi IETLS. Đối với mình, thi IELTs là chuyện không tưởng, không với tới được, vì kỳ thi này đòi hỏi lượng kiến thức xã hội nhiều, từ vựng advance phong phú, với cả bản thân không có ý định đi du học nên mình cũng thấy không cần thiết động tới IETLS làm gì.
Cơ mà đúng là "ghét của nào trời trao của đấy". Sau 30 tuổi, do nhu cầu đi định cư nước ngoài, mình phải cấp tốc bổ sung bằng tiếng Anh. Sau khi tìm hiểu về các thể loại IELTs, mình nhận thấy để tăng cơ hội học tập và xin việc khi qua Anh định cư, mình không thể dừng lại ở bằng IELTS Life Skills A1 được.
Ngoài ra, chi phí các kỳ thi IELTs là như nhau đều khoảng 5tr. Vậy lý do gì lại không thi thử IELTs Academic nhỉ. Và đây là cách mình đã đạt 6.5 overall ngay lần thi đầu, không có kỹ năng nào dưới 6.0 sau 3 tháng tự học (với sự giúp sức từ ông xã ở kỹ năng Speaking).
1. Tài liệu
Tài liệu mình học rất đơn giản, và mình thấy tài liệu học thật ra nên đơn giản, chính thống và sát sườn với đề là được. Đừng download tài liệu lan man, mỗi thứ học 1 chút rồi chẳng đâu vào đâu cả, hơn nữa về tâm lý lại làm bạn bị overwhelmed.
Mình chủ yếu ôn bộ Cambridge từ 10 đến 16, và mình dùng thêm một trang web khác để chuyên làm các đề mock test có đếm thời gian. Cả hai trang này đều là nguồn học free miễn phí, và trực tuyến, vì mình rất ngại khâu tải tài liệu về, xong lại phải in ra làm, rất mất thời gian và tốn giấy. Chỉ cần ôn hết các đề trong 2 tài liệu này là mình thấy đủ vũ khí để đi thi IELTs thật rồi.
2. Chiến lược
<READING>
Khi thi IELTs thật, mình dư tận 15 phút để soát bài. Và đây cũng là phần thi mình có điểm số cao nhất trong 4 phần.
Vậy bí quyết là gì? Và đây là chính xác các bước mình đã làm.
Tip thứ nhất: chỉ tập trung đọc câu hỏi trước, tìm thông tin trong bài để trả lời. Sau khi trả lời xong tất cả câu hỏi là mình cũng hoàn thành luôn việc đọc hiểu cả bài, không cần phải quay lai đọc để tìm câu trả lời nữa, rất mất thời gian.
Nhờ bí quyết này mà mình tăng 2 band điểm nhanh chóng, từ chỗ làm chưa được 5.0 ở những bài test đâù tiên, và toát mồ hôi hột vì làm không kịp giờ đến chỗ mình đã đúng được 30-32 câu (tương đương 7.0) sau 3 tháng ôn luyện.
Thực ra, chính xác là sau 1.5 tháng. Vì thời gian đầu, mình vẫn kiên trì đọc hết bài rồi mới chuyển sang đọc câu hỏi và trả lời. Vì lúc đó mình hi vọng bản thân học thêm nhiều từ vựng mới.
Tuy nhiên, thực sự là việc đọc như vậy sẽ làm bạn rất chán nản, vì nguồn bài đọc của IELTs đa số là học thuật, từ vựng khó và phong phú nhiều lĩnh vực: lịch sử, khảo cổ, môi trường, sinh học, y khoa...những thứ mà thậm chí mình còn không có khái niệm gì trong tiếng Việt thì làm sao mà đọc bằng tiếng Anh nổi.
Tip thứ hai: highlight câu topic của mỗi đoạn, thường là câu đầu hoặc câu cuối của đoạn văn. Ngay khi highlight, không phải là mình sẽ hiểu ngay, mình cứ highlight để sẵn đó, sau khi đọc xong câu hỏi mình mới quay ra đọc kỹ lần nữa các câu topic để tìm nội dung cần trả lời nằm ở đâu và ở đoạn nào.
<LISTENING>
Nói thật, mình không có chiến lược gì đặc biệt, nghe chép chính tả lại càng không, vì chỉ nghe đề IELTs thực sự rất chán và buồn ngủ. Tuy nhiên, mình vẫn luôn duy trì việc nghe tiếng Anh hàng ngày, nghe bất kỳ đề tài nào bạn cảm thấy có hứng thú ấy, không nhất thiết phải là Ted Talks gì đâu nhé.
Thời gian ôn IELTs, mình nghe dàn trải nhiều chủ đề mà mình có hứng: BBC Learning English, Lucy English, Lady Colin Campbell, According Taz, GB News, Russell Brand, Ali Abdaal...hoặc thậm chí là các reality show trên Nextflix: Love is Blind, Love Island, Too Hot To Handle...
Luyện nghe chừng này mà chưa lên trình thì chắc là bạn phải dời lịch thi dài ra thôi, hoặc tầm sư học đạo thêm, chứ không thi IELTs lại phí tiền á.
Có 1 điểm mình quên lưu ý, đa phần accent trong các đề IELTs đều là giọng Anh hoăc Úc. Nếu bạn nào chưa từng nghe giọng Anh, chỉ toàn luyện phim hành động của Mỹ thì cố gắng xem 1 vài video để phân biệt 3 accent này nhé (ví dụ như video ở dưới), vì không chỉ accent mà cả từ vựng của 3 quốc gia này dùng cũng rất khác nhau luôn í.
Về cơ bản, chỉ tính riêng accent, mình thấy giọng Úc khá giống giọng Anh, và giọng Canada thì giống giọng Mỹ. Đối với mình, do đã mê mẩn giọng Anh sẵn nên mình nghe rất nhiều video có giọng UK (list ở trên mình liệt kê đều là giọng UK, trừ các reality show của Nextflix). Giọng Anh so với giọng Mỹ được cái là nghe rất rõ, còn giọng Úc thì...hên xui.
Tóm lại, nếu bạn nào chưa nghe tốt thì cố gắng tìm hiểu xem vấn đề nằm ở đâu nhé: do không nghe ra phát âm của người bản xứ, hay do bạn bị thiếu từ vựng, thiếu kiến thức nền (cái này cũng quan trọng!).
Mình thì không gặp vấn đề phát âm, lý do mình đã nói ở trên, tuy nhiên mình bị thiếu từ vựng học thuật và thiếu kiến thức xã hội của phương Tây (do mình đang ở VN và không có điều kiện đi du học). Cái này thì buộc phải bồi đắp theo thời gian thôi.
Ví dụ như bài nghe về kiến trúc lâu đài (castle) chẳng hạn, ở Việt Nam làm gì có, thế là mình lại phải lên Google để tìm hiểu về cấu trúc lâu đài gồm có mấy phần, từng phần của lâu đài gọi là cái gì...Hoặc bài về Falkirk Wheel - một dạng "thang máy có 1-0-2" có thật tại Scotland, UK chẳng hạn.
Tính mình rất tò mò, sau khi luyện đề bấm thời gian xong, mình sẽ Google lại những nội dung họ đề cập trong đề. Và đây cũng là điểm mình cảm thấy hấp dẫn, thú vị nhất khi luyện IELTs. Tất cả đề trong IELTs đều là những bài viết viết, bài nghe về dữ kiện thật, do đó khi luyện IELTs, bạn sẽ có cơ hội gia tăng kiến thức về đất nước, văn hóa, con người phương Tây nói chung và UK, Úc nói riêng.
Khi bạn yêu một người thì bạn sẽ tìm mọi cách để thu thập thông tin về người ấy nhiều nhất có thể đúng không. Nếu xác định thi IELTs thì hãy tập mỗi ngày yêu IELTs một ít nhé.
<WRITTING>
Lúc bước ra khỏi phòng thi, mình nghĩ là mình "toang" rồi, vì lúc viết mình bị bí ý tưởng, bí cả từ vựng. Bài của mình không có lượng từ khủng, so với các bài viết mẫu mà mình đã đọc thì đúng là một trời một vực. Tuy nhiên, khi điểm số bài viết lại không bị dưới 6.0, mình thực sự rất bất ngờ. Và mình hiểu ra là điều mình đã làm tốt trong bài thi viết của mình chắc hẳn là Structure.
Structure tức là cái dàn ý, cách lập luận, cách nối câu. Cái này thì mình dành thời gian nghiên cứu khá kỹ từng dạng đề sẽ có những câu, từ như thế nào để nối ý. Dạng đề mà mình gặp hôm thi là dạng có Two-part question. Và nhờ đã ghi nhớ sẵn dàn ý của dạng đề này nên mặc dù gặp cái đề lạ hoắc "tội phạm vị thành niên", mình vẫn viết trọn vẹn cả part 2 vừa kịp thời gian.
Về tài liệu cho riêng kỹ năng này, Bước 1 mình đã làm đó là tham khảo các bài văn mẫu của Simon, vì cách anh í triển khai đọc rất tự nhiên, nhuần nhị và dễ hiểu, không quá phức tạp và cầu kỳ như nhiều bài mẫu khác.
Bước 2 cần làm là sau khi đã đọc và thấm văn mẫu của Simon, và học dàn ý theo trang web free mình đã cung cấp ở trên, bạn hoàn toàn có thể phang bài viết tự do theo sở thích của bạn nha.
Cá nhân mình thì có luyện viết thêm Jounal mỗi ngày - dạng nhật ký trên app để ghi lại hành trình ôn luyện ielts, tuy nhiên đối với dạng Ielts học thuật thì mình thấy việc viết Journal không hữu ích lắm, do văn phong, style khác nhau rất nhiều í.
Do đó, nếu cho quay lại ôn luyện Ielts, mình sẽ đổi chiến lược, tập trung viết theo format và style Ielts học thuật và tìm kiếm thêm nhiều topic đa dạng để viết lên tay mỗi ngày thì sẽ hữu ích hơn.
<SPEAKING>
Lúc luyện ở nhà mình thấy kỹ năng nói của mình khá khẩm hơn, tuy nhiên vô phòng thi, tâm lý thực sự đóng vai trò rất lớn. Mình bị run nên nói rất nhanh, vì vậy mà mình mắc lỗi nhiều trong khi nói, đồng thời nội dung trả lời cũng không được logic lắm, kiểu nghĩ ra gì thì nói nấy. Thậm chí, part 2 mình còn chưa kịp nói hết ý thì đã bị stop rồi.
Vì vậy, mình thấy việc rèn luyện tâm lý bình tĩnh, nói với tốc độ vừa phải, và trả lời đúng trọng tâm sẽ giúp mình đạt điểm cao hơn nếu có lần thi sau.
KẾT
Túm váy lại, mình thấy Nothing is impossible. Tư duy và suy nghĩ tích cực thực sự rất quan trọng trong suốt quá trình ôn luyện. Có một bạn đã nhắn tin trên Group học IELTs thế này:
Khi đọc tin nhắn này, mình thấy rất đồng cảm, vì thực sự đó cũng từng là suy nghĩ của mình. May mắn là mình đã thay đổi tư duy, vì nếu bản thân mình nghĩ mình đã trên 30 tuổi rồi, già rồi, học không vô thì chắc mình đã bỏ cuộc sớm và thi đại kỳ thi IELTS Life Skills A1 cho xong.
Mình biết điểm số này không có gì là cao, vì hiện tại thì phong trào ôn luyện Ielts đã trở nên rất mạnh mẽ do lượng các bạn hoc sinh đi du học nước ngoài từ sớm tăng lên. Bản thân mình cũng là 1 trong 2 thí sinh già nhất trong phòng thi của IDP hôm đó.
Dù sao đi chăng nữa thì quá trình ôn luyện IELTs đã giúp mình gain rất nhiều thứ, mình có niềm tin hơn vào bản thân, và mình hi vọng là bài viết này cũng sẽ giúp những ai trên 30 tuổi, đang lưỡng lự về việc học tiếng Anh hay đi nước ngoài, hãy tự tin lên nha.
Cuộc sống là một hành trình, chúng ta không phải cạnh tranh với bất kỳ ai ngoài chính bản thân mình hết.
Bạn bè mình giờ đa số thành đạt, hoặc đã có gia đình, con cái đuề huề, mua nhà, mua đất, hoặc chí ít cũng 1 căn chung cư, chỉ có mình là không tài sản, chưa con cái và 1 tương lai xa xứ bất định.
Tuy nhiên mình không lấy đó làm buồn, vẫn cố gắng học hỏi, và mình tin là tấm bằng này sẽ là 1 trong những viên gạch đầu tiên để mình xây ước mơ cho tương lai 5-10 năm tới.
Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây. Bạn có thể like, hoặc comment ở dưới nếu bài viết hữu ích nhé.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất