Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nguyên văn chữ Hán:

富丐傳

三青有寡婦者,年倍及笄,少未生息; 上失姑嫜,旁鮮兄弟; 居無立錐之地,家絕隔宿之儲; 煢 煢然寄人籬下,爲賃澣婦以資身。繼而貧病交迫,無半籌以得食,鄉人皆擯斥之。假貸終無所得,乃向 荒廢公園中,拾脱籜,收敗禾,折細竹,屈小木,構一草寮容身焉[1]。由是鶉衣百結,破笠當頭,竹杖枝 風,蒲囊備雨。效晉公子過野之故步,學伍明輔吹簫之清風。纔向東南,賒指西鄰之禴祭;低徊左右, 遥瞻東郭之播間。登山呼庚,沿門乞癸,凡所到之處,善拜善跪,善媚主人,其所得必多於儕輩。如此者 四十餘年,風凄雨濕,晨出暮歸,遍鄉中無與立談者。
忽旬日間,寮中絕煙火,晨夕無去來。初猶聞呻吟之聲,既而寂爾,鄉人以爲死矣,羣來埋葬之。彼 許席敗,此給竹繩,舁尸出諸墓地厝焉。厝訖,羣相謂曰:「老丐之身,既歸夜臺。老丐之寮,應還回禄。 不然蛇虺有所藏身,或爲患者。」衆以爲然,羣來火焚之。彼脱籜敗禾,與小條細竹,當祝融公之一過,便 已空曠而無遺矣。寮既無遺,而寮中之積而高者,都歷歷可見矣。眾皆異焉,掃灰及草,發而觀之,則索子齊收,青而積者,皆鉛錢也,算之得二百零。穴土深藏,紅而腐者,糯粟也,量之得八十鉢。剛米剛粟, 各各稱是。他如北磁北鉢、茶杯酒杯,合積盈二箕。衆人相顧詫異,或動顔,或失色,不知何所從來。第 此物既爲無主之財,雖乞人之貲,亦各分贓而去。
山南叔曰: 奇矣哉! 富丐之傳乎! 是致富由於丐乎? 抑富而丐乎? 又誰爲富而丐乎? 抑必丐而後富乎? 其意皆 不可解者。獨怪三青之丐,頭蒙雪髮,面點霜眉,年已七十餘矣; 生前寡助,死後無兒,居積至於如此,寧不可飽食以終老 乎? 乃善拜善跪[2],善媚主人,以乞丐生,亦以乞丐死。舉平生拜手稽首,竊取盗取之財,盡付於生平寡助之輩,豈非家積不 善,故鬼惑其衷耶? 至於眾人與他生前既無所助,幸他死後分取其財,是亦無恥中之無恥,乞丐中之乞丐也。

Phiên âm:

Phú cái truyện

Tam Thanh hữu quả phụ giả, niên bội cập kê, thiếu vị sinh tức; thượng thất cô chương, bàng tiên huynh đệ; cư vô lập trùy chi địa, gia tuyệt cách túc chi trữ; quỳnh quỳnh nhiên ký nhân li hạ, vi nhẫm cán phụ dĩ tư thân. Kế nhi bần bệnh giao bách, vô bán trù dĩ đắc thực, hương nhân giai bấn xích chi. Giả thải chung vô sở đắc, nãi hướng hoang phế công viên trung, thập thoát thác, thu bại hòa, chiết tế trúc, khuất tiểu mộc, cấu nhất thảo liêu dung thân yên. Do thị thuần y bách kết, phá lạp đương đầu, trúc trượng chi phong, bồ nang bị vũ. Hiệu Tấn Công tử quá dã chi cố bộ, học Ngũ Minh Phụ xuy tiêu chi thanh phong. Tài hướng đông nam, xa chỉ tây lân chi dược tế; đê hồi tả hữu, dao chiêm đông quách chi bá gian. Đăng sơn hô canh, duyên môn khất quý, phàm sở đáo chi xử, thiện bái thiện quỵ, thiện mị chủ nhân, kỳ sở đắc tất đa vu sài bối. Như thử giả tứ thập dư niên, phong thê vũ thấp, thần xuất mộ quy, biến hương trung vô dữ lập đàm giả.
Hốt tuần nhật gian, liêu trung tuyệt yên hỏa, thần tịch vô khứ lai. Sơ do văn thân ngâm chi thanh, kí nhi tịch nhĩ, hương nhân dĩ vi tử hĩ, quần lai mai táng chi. Bỉ hứa tịch bại, thử cấp trúc thằng, dư thi xuất chư mộ địa thố yên. Thố cật, quần tương vị viết: “Lão cái chi thân, kí quy dạ đài. Lão cái chi liêu, ứng hoàn hồi lộc. Bất nhiên xà hủy hữu sở tàng thân, hoặc vi hoạn giả.” Chúng dĩ vi nhiên, quần lai hỏa phần chi. Bỉ thoát thác bại hòa, dữ tiểu điều tế trúc, đương Chúc Dung công chi nhất quá, tiện dĩ không khoáng nhi vô di hĩ. Liêu kí vô di, nhi liêu trung chi tích nhi cao giả, đô lịch lịch khả kiến hĩ. Chúng giai dị yên, tảo hôi cập thảo, phát nhi quan chi, tắc tác tử tề thu, thanh nhi tích giả, giai duyên tiền dã, toán chi đắc nhị bách linh. Huyệt thổ thâm tàng, hồng nhi hủ giả, nhu túc dã, lượng chi đắc bát thập bát. Cương mễ cương túc, các các xưng thị. Tha như bắc từ bắc bát, trà bôi tửu bôi, hợp tích doanh nhị ki. Chúng nhân tương cố sá dị, hoặc động nhan, hoặc thất sắc, bất tri hà sở tòng lai. Đệ thử vật kí vi vô chủ chi tài, tuy khất nhân chi ti, diệc các phân tang nhi khứ.
Sơn Nam Thúc viết: Kỳ hĩ tai! Phú cái chi truyện hồ! Thị trí phú do vu cái hồ? Ức phú nhi cái hồ? Hựu thùy vi phú nhi cái hồ? Ức tất cái nhi hậu phú hồ? Kỳ ý giai bất khả giải giả. Độc quái tam thanh chi cái, đầu mông tuyết phát, diện điểm sương mi, niên dĩ thất thập dư hĩ; sinh tiền quả trợ, tử hậu vô nhi, cư tích chí vu như thử, ninh bất khả bão thực dĩ chung lão hồ? Nãi thiện bái thiện quỵ, thiện mị chủ nhân, dĩ khất cái sinh, diệc dĩ khất cái tử. Cử bình sinh bái thủ kê thủ, thiết thủ đạo thủ chi tài, tẫn phó vu sinh bình quả trợ chi bối, khởi phi gia tích bất thiện, cố quỷ hoặc kỳ trung gia? Chí vu chúng nhân dữ tha sinh tiền kí vô sở trợ, hạnh tha tử hậu phân thủ kỳ tài, thị diệc vô sỉ trung chi vô sỉ, khất cái trung chi khất cái dã.

Dịch:

Truyện người hành khất giàu

Ở Tam Thanh[3] có một người đàn bà góa trạc ba mươi tuổi, con cái không có, bố mẹ chồng mất cả, anh em cũng ít, không một tấc đất cắm dùi. Ăn thì lần bữa sáng mất bữa tối, một mình vò võ, gửi thân dưới rào giậu nhà người ta, làm nghề giặt thuê để nuôi thân. Rồi thì, đã nghèo lại hay đau ốm, nên hết kế sinh nhai. Người làng ai cũng đuổi và không ai cho vay mượn. Mụ phải đến một mảnh vườn hoang của làng, nhặt mo rụng, vơ rạ nát, bẻ cành tre, uốn cây nhỏ để làm một túp lều dung thân.
Từ đó, áo vá trăm mảnh, nón mê đội đầu, gậy tre chống gió, chiếu rách che mưa, theo lốt chân cũ của Tấn Công tử[4] khi đi qua cánh đồng; học thói thanh cao của Ngũ Minh Phụ[5] ngồi thổi ống tiêu. Khi thì chạy vạy ngược xuôi, ngấp nghé đám lễ tế xuân trong xóm; khi thì loanh quanh đây đó, dòm ngó đám cúng mộ ngoài đồng. Lên núi tìm lương, lần cửa xin nước, đến đâu mụ cũng khéo lạy khéo quỳ, khéo ton hót gia chủ, nên bao giờ cũng kiếm được nhiều hơn các bạn hành khất khác. Cứ như thế hơn bốn mươi năm, gió lạnh mưa ướt, sớm đi tối về, người làng không ai thèm nói chuyện cùng. Bỗng dưng bẵng đi trong vòng mười ngày, trong lều vắng hẳn khói lửa, sớm tối không ai thấy mụ đi lại. Trước còn nghe có tiếng rên rỉ, sau thì thấy im lặng hẳn. Người làng biết là mụ đã chết, mới rủ nhau đến để mai táng. Kẻ cho manh chiếu rách, người cho chiếc chão tre, rồi khiêng xác đem chôn ở bãi tha ma.
Chôn xong, mọi người bảo nhau:
- Mụ già đã về âm phủ, lều mụ ta phải đốt đi. Nếu không thì rắn rết có chỗ nương thân, sẽ gây hại cho người.
Mọi người lấy làm phải, xúm lại châm lửa đốt lều. Bao nhiêu mo nang, rạ nát, lạt nhỏ, tre cành, thần Chúc Dung[6] đi qua một lượt là hết sạch không còn gì.
Lều đốt rồi, những đống lô nhô ở nền đất đều hiện rõ mồn một. Mọi người có ý nghi ngờ, mới quét tro, giẫy cỏ, cuốc ra xem thì thấy những chuỗi xâu đều đặn, xanh xanh mà chồng chất lên nhau toàn là tiền kẽm, đếm được hơn hai trăm chuỗi; những hố đất vùi sâu, đo đỏ mà mục nát, toàn là thóc nếp, đem đong được tám chục bát. Ngoài ra gạo tẻ, thóc tẻ món nào cũng nhiều như thế. Bát, đĩa sứ, chén uống chè, cốc uống rượu, tất cả đựng đầy hai thúng. Ai cũng cho là lạ quá, ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu mụ hành khất ấy lấy ở đâu ra.
Nhưng các của cải kể trên đã thành vô chủ, thì dù là của ăn mày cũng mặc, họ vẫn chia nhau lấy tất.
LỜI BÀN CỦA SƠN NAM THÚC: Truyện người hành khất giàu này thật là lạ; người này do nghề hành khất mà giàu hay đã giàu mà còn đi hành khất? Nhưng, có ai đã giàu mà còn đi hành khất, hoặc cứ phải hành khất rồi mới giàu? Thật là không sao đoán được. Duy có điều lạ là: mụ ăn mày ở Tam Thanh đầu đầy tóc tuyết, mặt điểm đầy sương, sống đã ngoài bảy mươi tuổi, lúc sống không người giúp đỡ, khi chết chẳng có cháu con, đã tích được nhiều của như thế, há không đủ ăn cho đến già sao? Thế mà cứ phải khéo lạy khéo quỳ, khéo nịnh các gia chủ, sống làm nghề ăn mày, chết vẫn là người ăn mày, đem cả cái của mà mình suốt đời phải chắp tay cúi đầu, ăn trộm, lấy cắp, phó cho cái lũ người không mảy may giúp đỡ cho mình khi còn sống. Chắc là mụ làm nhiều điều bất thiện nên ma quỷ mê muội. Còn như lũ người làng, đã chẳng giúp đỡ gì khi mụ còn sống, lại còn rủ nhau đến chia của khi mụ chết, thật là vô sỉ trong đám vô sỉ, ăn mày trong đám ăn mày.
Nhận xét của tập thể admin Thế Giới Thần Thoại: “Truyện người hành khất giàu” đề cập đến vấn nạn tha hóa và xuống cấp đạo đức của tầng lớp dưới trong xã hội thời bấy giờ. Câu chuyện phản ánh hiện thực về những con người đánh mất tự trọng theo nhiều cách khác nhau.
Đó là người ăn mày đã khéo lạy, khéo quỳ, khéo nịnh nhà chủ để được cho nhiều. Điều đáng lên án là cái sự “khéo" vô cùng mất tự trọng của người đàn bà này lại chẳng vì bà ta nghèo thật, mà là bởi bà ta đã đem hết đống đồ quý giá của mình giấu đi, không sử dụng tới mà chỉ chực chờ vào sự bố thí của người khác. Đây cũng là một hiện thực đáng lên án không chỉ ở thời của Lê Thánh Tông mà cả ở thời hiện đại. Hẳn không ít người trong số chúng ta đã từng gặp những người ăn xin bị tật trên người, bộ dáng vô cùng khổ sở, tiếng xin cũng rất thảm thiết. Thế nhưng một lúc sau, chúng ta cũng có thể “vô tình” thấy họ đang tung tăng dạo bước ở đâu đó với một mớ tiền trong tay sau khi đã dắt mũi được cả một đống người nhẹ dạ. Nhìn chung, hành động của người đàn bà trong truyện và những kẻ tật nguyền kia thật sự có thể qui về hình thức ăn xin lừa đảo.
Ngoài người đàn bà ăn mày giàu có, Lê Thánh Tông cũng nhắc đến những kẻ hôi cúa sau cái chết của bà ta, “cái lũ người không mảy may giúp đỡ cho mình khi còn sống”. Những nhân vật này lại chẳng phải ai xa lại, mà chính là hàng xóm của người đàn bà ăn mày. Họ đã không mảy may quan tâm, giúp đỡ bà ta lúc khó khăn, đau ốm, thậm chí còn đuổi bà ta ra khỏi làng. Ấy vậy khi thấy của cải của người bà ăn mày có được, họ đã mặt dày mà chia nhau lấy hết về nhà. Quả đúng như Nam Sơn Thúc đã cay đắng nhận xét: một bọn người “vô sỉ trong đám vô sỉ, ăn mày trong đám ăn mày”. Sự chê trách của Lê Thánh Tông không chỉ là với tính cách bủn xỉn mà hành hạ chính mình như người đàn bà ăn mày. Dù sao trong sự đáng trách, bà ta vẫn có phần nào đó sự đáng thương. Sự chê trách nặng nề nhất của ông hướng về đám dân làng xấu tính, bần nông, khi người đàn bà ăn mày còn sống thì ghét bỏ chẳng giúp, khi bà ta chết thì không thèm thương xót lại mà còn tìm cách hôi của. Có thể nhận xét rằng những hành động đó của bọn họ còn tồi tàn, thiếu liêm sỉ hơn cả hành động giả nghèo đi ăn xin của người đàn bà ăn mày.

Chú thích:

[1]: Nguyên gốc trong bản chép tay ghi "liêu" (藔) nghĩa là phẫn nộ hoặc tên một loại trà; tuy nhiên từ này đặt vào trong câu lại khiến câu trở nên tối nghĩa. Dựa trên văn cảnh mà các ấn bản sau này chỉnh lí lại thành một từ đồng âm khác là "liêu" (寮) nghĩa là tá túc, ở tạm... cho phù hợp logic.
[2]: Nguyên gốc trong bản chép tay ghi "bào" (跑) nghĩa là cào đất (dùng với đối tượng là động vật) hoặc chạy, trốn chạy... (dùng với đối tượng là con người); tuy nhiên từ này đặt vào trong câu lại khiến toàn bộ ý nghĩa câu lệch khỏi văn cảnh chung (đang bàn về việc nịnh hót để xin ăn của người đàn bà mà lại đề cập đến "khéo chạy"?). Dựa trên văn cảnh mà các ấn bản sau này chỉnh lí lại thành "quỵ" (跪) nghĩa là quỳ, vái... cho phù hợp logic.
[3]: Tam Thanh: nguyên văn chữ Hán là 三青, có lẽ là khu vực xung quanh động Tam Thanh, Lạng Sơn. Nơi đây thời phong kiến là một địa điểm giao thương tương đối nhộn nhịp giữa dân buôn bán của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
[4]: Tấn Công tử, tức Tấn Văn công (晉文公), tên thật là Cơ Trùng Nhĩ (姬重耳). Ông là vị vua thứ 24 của nước Tấn - chư hầu nhà Chu thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Ông cai trị từ năm 636 TCN đến năm 628 TCN, tổng cộng 8 năm. Tấn Văn công từng phải lưu vong 19 năm, trong thời gian đó có lúc phải đi ăn xin ngoài đồng.
[5]: Ngũ Minh Phụ, tức Ngũ Tử Tư (伍子胥), tên thật là Viên (员), biểu tự Tử Tư (子胥), là một đại phu nước Sở, sau trở thành tướng quốc nước Ngô thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Do bất hòa với triều đình nước Sở, cha và anh của Ngũ Tử Tư bị giết hại khiến ông phải lánh nạn sang nước Ngô. Khi đi tìm cách báo thù cho cha và anh, đến Lăng Thủy, Ngũ Tử Tư phải ngồi thổi sáo để xin cái ăn.
[6]: Chúc Dung (祝融), bản danh là Trọng Lê (重黎) là một nhân vật huyền sử sống vào thời Đế Cốc Cao Tân thị. Theo Sử Ký Tư Mã Thiên - Sở thế gia thì ông là chắt của đế Chuyên Húc và là con trai của Quyển Chương. Theo Sơn Hải kinh thì Chúc Dung là một trong những hậu duệ của Thần Nông thị. Tương truyền, Chúc Dung có tài dụng hỏa. Xưa kia vua Toại Nhân là người dạy dân dùi cây lấy lửa đã mở màn cho nền văn minh Trung Quốc, nhưng suốt mấy ngàn năm sau đó dân gian chỉ dừng lại ở việc dùng lửa để nướng thịt động vật ăn, đốt lên sưởi ấm, ngoài ra không còn ứng dụng hữu ích gì khác. Trọng Lê với tài năng của mình sáng tạo ra cách nấu qua vật cách nhiệt như: nồi đất, ấm đất, niêu đất; khiến món ăn có mùi vị và thơm ngon hơn, ông lại nghiên cứu ra các chất để khi cần có lửa ngay mà khỏi phải dùi cây hay mài đá nữa như ép dầu lạc tích trữ làm chất cháy, hoặc chế ra ngọn đuốc để có thể giữ lửa và di chuyển được cơ động trong bóng tối... Nhờ những phát minh trên mà Trọng Lê được Đế Cốc biết đến mời vào trong triều đình phong làm quan to giữ chức Hỏa Chính cai quản về việc chế tạo và sản xuất lửa trong thiên hạ với danh hiệu là Chúc Dung. Sau khi Trọng Lê chết, em trai ông là Ngô Hồi tiếp tục giữ chức Hỏa Chính. Sau này, người đời tôn Chúc Dung làm hỏa thần, nói đến Chúc Dung là ám chỉ tới lửa.
- Theo Thánh Tông di thảo -

(Hết phần 5)

#Backturn