Lịch sử: Tại sao cung và nỏ lại bị thay thế bởi súng cầm tay?
Súng đạn đã thay đổi bộ mặt chiến tranh!
Liệu có quá hiển nhiên? Khi mà, súng phải mạnh mẽ, "hiện đại" hơn so với cung và nỏ rồi!
Tuy vậy, các loại súng đầu tiên ra đời vẫn còn có quá nhiều hạn chế so với cung nỏ nói chung. Vậy, mặc dù với nhiều hạn chế, điều gì có thể khiến chúng dần thay thế cung nỏ để trở thành thứ vũ khí đáng sợ, thay đổi hoàn toàn bộ mặt của chiến trường Hậu Trung đại?
Để hiểu được tại sao, trước hết ta phải tìm hiểu sơ qua về cấu tạo và phương thức vận hành của chúng!
Những dấu tích lâu đời nhất xuất hiện từ thời kỳ Đồ Đá (khoảng 70.000 năm trước), cung có cấu tạo đơn giản với cánh cung cong với dây cung cố định hai đầu. Cánh cung có thể được làm từ gỗ hoặc các loại vật liệu dẻo dai khác nhau như tre, gân và da động vật... Mũi tên có đầu bọc mũi nhọn bằng kim loại và đuôi gắn lông vũ giúp mũi tên ổn định khi bay. Ban đầu, cung tên được dùng chủ yếu là để săn bắn. Trong lịch sử, có rất nhiều những cung binh trứ danh trên thế giới như kỵ binh bắn cung Mông Cổ, kỵ binh bắn cung Scythia, longbowman xứ Wales Anh quốc, cung thủ chiến xa Ai Cập,...

Kỵ binh bắn cung người Parthia.
Nỏ được biết đến sớm nhất vào thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, đóng vai trò quan trọng trên chiến trường Đông Á và châu Âu. Nỏ về cơ bản giống như cung, có cấu tạo đặc biệt với cánh cung nằm ngang và báng có rãnh với cơ chế máy móc đơn giản giữ mũi tên mà chỉ khi bóp cò mới nhả. Một số loại nỏ không chỉ bắn mũi tên, chúng còn có thể bắn cả bi sắt, đá…
Cơ chế cò nỏ về sau trở thành tiền thân cho cơ chế cò của súng!

Một tay crossbowmen thực hiện thao tác nạp-bắn nỏ.
Súng, đặc biệt đề cập đến các loại súng firelock cổ, chúng kích hoạt thuốc súng tạo sức đẩy, chúng dùng sức đẩy đó để bắn những viên đạn chì tròn đi. Những loại súng bắt đầu ở thế kỷ 16 như súng hỏa mai nòng dài (musket) kích hoạt thuốc súng bằng dây cháy chậm (matchlock) hoặc đá lửa (flintlock), nòng súng trơn do thuốc súng nhiều khói muội bám. Ngoài ra, những loại súng cổ điển này còn có cách kích hoạt khá tinh vi khác bằng cơ chế ma sát bánh xe tạo ra tia lửa (wheellock). Về sau, chúng càng được cải tiến lên súng kíp với cơ chế đánh đá lửa kín hoặc hạt nổ để ngăn ẩm...
Súng hoả mai vẫn còn được dùng tới tận khi cuộc Nội chiến Mỹ ở giữa thế kỷ 18 khi mà những loại súng sử dụng đạn có thuốc súng bọc trong vỏ đạn và cơ chế lên đạn bằng đòn bẩy lúc này đã bắt đầu phổ biến!

Cơ chế đánh lửa kín chống ẩm của súng kíp.
So với niên đại ngàn năm cho tới cả chục ngàn năm của cung nỏ, súng chỉ thực sự xuất hiện vào giữa thế kỷ 13 và bắt đầu phổ biến trong quân đội vào khoảng thế kỷ 16 ở châu Âu! Súng ban đầu có tầm bắn hạn chế với độ chính xác thấp, dễ "xịt", trời mưa ẩm khiến thuốc súng không hoạt động...
Vậy câu hỏi đặt ra, tiềm năng và khả năng gì khiến súng vẫn có thể thay thế được cung nỏ?
1. Chi phí và thời gian chế tạo.
Để chế tạo một cây cung dã chiến chất lượng, người ta phải trộn, uốn cong, phơi khô các loại gỗ, gân, da, sừng cho ra một một cây cung tổng hợp; gỗ thủy tùng riêng với loại longbow (trường cung)! Công đoạn uốn cong và phơi khô phải mất từ 1-2 năm hoàn thành (longbow có thể lên tới 4 năm), lại không thể cải tiến hay đẩy nhanh tiến độ hơn được! Ngoài ra, người thợ (được gọi là Bowyer) phải làm liên tục từ vài chục cho tới vài trăm ngàn mũi tên với công việc lặp đi lặp lại: dập rèn phần đầu và gắn lông cho mũi tên - lông lại rất khó bảo quản.
Theo các tài liệu sử sách, vào năm 1360, kho cất giữ vũ khí trong tháp London của vua Edward III cất giữ khoảng 566.400 mũi tên (và 11.000 cung tên)! Các mũi tên sẽ được làm hoàn toàn là thủ công! Do đó cần 566.400 đầu mũi tên sắt được rèn riêng và 566.400 lần nện búa cố định đầu mũi tên với trục của mũi tên. Khoảng 1 triệu lông ngỗng được thu từ nông dân như một loại thuế, chúng thường sẽ chỉ được một người thợ Bowyer duy nhất liên tục lặp đi lặp lại gắn số lông đó vào 566.400 mũi tên kể trên! Tham khảo thêm tại đây.

Cung thủ Trung Cổ.
Cũng như cung, nỏ có cấu tạo dạng tổng hợp và thường mất tới khoảng 1-2 năm để chế tạo! Những loại nỏ châu Âu ban đầu trước thế kỷ 11 có cấu tạo từ tro và gỗ thủy tùng trộn lại, phần "cung" nỏ được làm từ gỗ, sừng và gân gắn kết với nhau. Tới thế kỷ 14, thép đã được đưa vào để tăng sức mạnh, sức bền cho nỏ. Nói chung, nỏ có cấu tạo tương đối tinh vi so với công nghệ thời kỳ Cổ đại và Trung đại. Một số lời đồn đại thời bấy giờ cho rằng "nếu đặt làm 100 cây nỏ, phải mất tới 400 nhân công để chế tạo số nỏ đó". Cũng rất thuyết phục và có cơ sở, tuy nhiên đó chỉ là đồn đoán truyền miệng mà thôi...
Những loại nỏ Trung Quốc ở thế kỷ thứ 7 BC (trước Công nguyên) đã có cấu tạo tổng hợp từ nhiều loại vật liệu! Công nghệ nỏ của Trung Quốc khá phát triển, đặc biệt là thời Chiến quốc với loại nỏ có thể nạp "thần tốc" mang tên nỏ "Gia Cát Lượng"! Mặc dù tồn tại cho tới tận triều đại nhà Thanh, chúng lại chủ yếu được dùng bởi phụ nữ, dùng cho săn bắn hoặc tự vệ!

Cơ chế đòn bẩy của nỏ Gia Cát Lượng Trung Quốc thời Chiến quốc có thể tối đa hóa tốc độ bắn-nạp tên!
Với súng, mặc dù súng đã xuất hiện ở khoảng thế kỷ 9 ở Trung Quốc và giữa thế kỷ 13 ở châu Âu thì việc chế tạo súng lúc này không phổ biến với cơ chế tương đối đơn giản do nguyên liệu chế thuốc súng hiếm lại lắm tạp chất, công nghệ rèn lẫn kiến thức còn hạn chế. Ban đầu, súng chỉ là những ống đơn giản được nhồi thuốc súng với bất cứ thứ gì có thể bắn. Cho tới khi chúng có thể sản xuất hàng loạt ở châu Âu từ thế kỷ 16-17, súng hỏa mai đã có thời gian chế tạo nhanh chóng hơn. Tuy nhiên nếu so với các thành phần nguyên liệu, súng hoả mai thực sự đắt hơn cung nỏ. Nhưng chúng vẫn dần trở nên phổ biến hơn ở thời kỳ này bởi nguyên nhân thứ 2 sau đây…

Khẩu súng cầm tay kiểu matchlock đầu tiên có cấu tạo rất đơn giản ở thế kỷ 13-14 (tỷ lệ phát nổ khi châm ngòi khá cao, gây nguy hiểm cho người bắn).

Cấu tạo với các thành phần tương đối đơn giản, một đội thợ rèn 10 người thời đó có thể làm ra 7-8 cây súng hỏa mai chỉ trong một ngày làm việc.
2. Điều kiện để sử dụng thành thạo!
Các bạn có bao giờ nghĩ, để sử dụng cung tên, bạn chỉ cần đặt mũi tên vào, giương cung và bắn, phần còn lại dựa vào tài năng thiện xạ của bạn chưa? Không đâu! Mọi chuyện đâu có đơn giản thế! Nội việc để có thể giương cung, bạn cần sức kéo đạt 100 lbs - tức đạt cỡ 45 kg. Tùy vào tầm bắn tiêu chuẩn phải đạt từ 200-300 m, lực kéo cũng phải đạt xấp xỉ trong khoảng từ 70-120 lbs (tầm 32-54 kg). Do vậy, để có thể bắn liên tục tới cả trăm mũi tên mà vẫn chính xác, bạn phải có sức khỏe được huấn luyện như một vận động viên Olympic chuyên nghiệp!
Ví dụ! Cung thủ Anh dành ra 2 tiếng mỗi ngày chỉ để liên tục bắn tới mức mỏi rã rời, cơ tay mất cảm giác! Nhờ vậy mà họ hình thành nên một số bó cơ bền cho khả năng liên tục giương cung! Nhưng thế là chưa đủ! Để đạt được một tốc độ linh hoạt và độ chính xác cao, họ phải được đào tạo ít nhất trong vòng 10 năm ròng rã. Thường thì họ sẽ được huấn luyện từ khi còn trẻ để dễ uốn nắn hơn!
Tương tự với cung thủ Mông Cổ! Để vào được một đội 10.000 quân Tumans ưu tú, một kỵ binh bắn cung sẽ phải biết cưỡi ngựa như là “cuộc sống của họ gắn chặt trên lưng ngựa” với khả năng bắn cung chính xác tới mức "bắn trúng cánh của một con chim đang bay trong khi đang thúc ngựa phi nước đại"... Các bạn có thể tham khảo các bài viết tương tự của mình!
Nếu được đào tạo tốt, một cung thủ hoàn toàn có thể bắn tới 12 mũi tên chỉ trong vòng 1 phút! Đặc biệt là với kỹ thuật cầm nhiều mũi tên trên tay, một kỹ thuật cực kỳ phổ biến mà tưởng chừng đã bị lãng quên ở những cung binh thiện chiến nhất trong lịch sử nhân loại! Nhưng bắn với tần suất liên tục như vậy là cực kỳ mệt mỏi, khiến cho tốc độ và độ chính xác của cung thủ giảm.

Cầm nhiều mũi tên trên tay, cung thủ hoàn toàn có thể tăng thời gian bắn giữa mỗi lần tra tên vào! (Ảnh: cung thủ tài năng Lars Andersen).
Những "nỏ thủ" không cần phải đào tạo nhiều năm như cung thủ! Tuy nhiên, họ vẫn phải học cách kéo căng dây cung và nạp tên cho nỏ. Nỏ có sức kéo cao gấp bội lần cung! Không như loại nỏ hạng nhẹ dùng cho săn bắn, các loại nỏ hạng nặng dã chiến cần một lực cỡ 350 lbs (tầm 162 kg) để kéo dây cung nỏ. Bạn không thể chỉ với một tay có thể kéo dây cung nỏ như giương cung được, cần sức mạnh cơ bắp của ít nhất là toàn bộ chân tay nếu muốn kéo căng cung nỏ. Do vậy, nỏ sẽ được hỗ trợ bằng các loại máy cơ như ròng rọc, đòn bẩy..., thường thì họ cần từ 40-60 giây để nạp tên cho mỗi lần bắn.
Nỏ sẽ có một phần được gọi là cocking stirrup gắn ở đầu nỏ với hình dạng của một vòng sắt. Những lính bắn nỏ sẽ xỏ chân vào đó để cố định nỏ, 2 tay sẽ thực hiện kéo căng dây cung nỏ cho mỗi lần nạp tên. Các bạn có thể tham khảo hình bên dưới:

Những thiết bị máy cơ hỗ trợ cho việc kéo và nạp lại mũi tên nỏ!
Với súng hỏa mai thì sao? Giống như nỏ, bất kể ai nếu được chỉ qua cách dùng cũng đều có thể sẵn sàng sử dụng được súng. Nhưng so với cung nỏ, bạn chắc chắn không cần thể lực tốt để thực hiện công đoạn nạp-bắn! Thứ bạn cần là được đào tạo để thực hiện một loạt ít nhất 42 thao tác như tra thuốc súng, nhét đạn chì, thông nòng, kéo chốt... để có thể bắn. Từng đó hành động mất tới gần 1 phút rưỡi cho mỗi lần bắn, bạn sẽ chỉ có thể bắn khoảng 40 phát 1 giờ (đấy là nếu bạn đã sử dụng thành thạo đến mức thực hiện các thao tác nạp đạn mà không bị vấp). Do phải kết hợp với đội hình bắn để gia tăng sự hiệu quả của súng, những musketeer cần ít nhất từ 1-2 tháng để đào tạo!
Như đã đề cập, để khắc phục nhược điểm nạp và lên đạn lâu, đã có nhiều phương pháp khác nhau để giảm thời gian nạp đạn. Như bố trí đội hình dàn hàng ngang với hàng trước bắn, lùi ra sau để hàng sau lên bắn và lặp lại; hoặc có người bắn và người chỉ hỗ trợ nạp đạn...
Musketeer của Anh với khẩu Brown Bess (1722–1851) - súng trường với cơ chế đá lửa và nòng trơn có thể bắn tới 4 lần một phút!
Do vậy, với lợi thế đào tạo nhanh chóng hơn so với cung thủ của những musketeer. Rõ ràng, họ có thể nhanh chóng bổ sung thêm người đội hình nếu có người lính chết hoặc tàn tật. Với tất cả những điều kiện kể trên, chi phí để trả cho musketeer cũng rẻ hơn so với cung thủ.
Mọi cuộc chiến đều là về tiền bạcSocrates - triết gia Hy Lạp cổ đại.
Trong những cuộc chiến giữa Pháp-Anh thời kỳ Hậu Trung Cổ, Pháp sẽ tung ra lính ngự lâm nhiều nhất có thể vào chiến tuyến. Lực lượng giữa cung thủ Anh với ngự lâm quân Pháp không hề tương quan như kiểu 100 cung thủ với 100 ngự lâm quân, chênh lệch rất lớn thường là 100 cung thủ đấu với hơn 1.000 ngự lâm quân. Dễ hiểu thôi, trong khi Anh chỉ có một số lượng hạn chế cung thủ đã hoàn thành khóa đào tạo để sẵn sàng chiến đấu, thì Pháp có thể huấn luyện tới hàng ngàn lính ngự lâm, lại nhanh chóng bổ sung nếu thất thoát lực lượng!
Về khoản này, nỏ vẫn có chút lợi thế hơn súng hoả mai! Nhưng ở những điều kiện tiếp theo mới là lý do khiến nỏ trở nên lỗi thời so với súng hoả mai…
3. Hiệu quả ở từng cự ly.
Cung có tầm bắn rất xa, xa hơn nhiều so với súng hỏa mai ở những khoảng thời gian đầu khi súng chỉ mới xuất hiện! Mũi tên nếu được bắn bằng longbow ở góc nghiêng 45 độ có thể đạt tới hơn 270 yard - tức 250 m (đạt 365 m nếu cung thủ giương cung hết mức có thể). Đặc biệt với cung tổng hợp của Ottoman có thể bắn xa tới 800 m (tầm bắn hiệu quả 400 m)! Tuy nhiên, bạn thử nghĩ xem, một cung thủ dành ra chỉ 10 năm huấn luyện bắn cung thì những kỹ năng chiến đấu khác của anh ta sẽ như thế nào? Nếu phải đánh cận chiến, họ liệu có cơ may nào không? Hơn nữa, cây cung không được thiết kế phù hợp cho cận chiến như phang đập, chém hay phòng thủ do nó không đủ bền để tấn công hay đỡ đòn.

Góc nghiêng 45 độ sẽ giúp cung thủ bắn xa hơn!

Lính bắn nỏ đang nạp tên cho nỏ mà vẫn an toàn nhờ nấp sau khiên pavise!
Nhờ lực căng rất lớn của nỏ mà ở tầm bắn thẳng, nỏ có thể bắn xa hơn 500 yard (lên tới 457 m), nhưng thực sự nỏ chỉ phát huy hiệu quả ở khoảng 200 yard (tầm 182 m). Tuy nhiên, nỏ cũng như cung, nó không được thiết kế để sử dụng như một vũ khí cận chiến! Do thời gian nạp-bắn tương đối lâu nên lính bắn nỏ buộc phải đem theo một chiếc khiên tĩnh được gọi là các khiên pavise. Thường thì họ sẽ đeo nó sau lưng, khi ổn định vị trí bắn nỏ, họ sẽ dựng khiên lên và núp sau những chiếc khiên này để nó che chắn.
Đến năm 1300, nỏ đã thay thế phần lớn trường cung longbow trên các chiến trường châu Âu (ngoại trừ Anh), mặc dù đã bị Giáo hoàng cấm vào năm 1139 vì "quá chết chóc, chống lại Chúa và không thích hợp để sử dụng bởi các tín đồ Thiên Chúa giáo" chỉ vì nó đem lại lợi thế lớn khi đối đầu với Hiệp sĩ - những binh chủng chủ yếu là kỵ binh hạng nặng, người “phục vụ cho Chúa và Nhà thờ”.
Những khẩu súng hỏa mai ban đầu ở thế kỷ 16-17 chỉ có tầm bắn hiệu quả rơi vào 98 yard (khoảng 90 m), cộng với nòng súng trơn, nhiều khói muội khiến độ chính xác của súng rất thấp! Do vậy, để khắc phục, họ sẽ cho các musketeer dàn hàng ngang theo đội hình line infantry để tối đa hóa tầm bắn, tăng tỷ lệ bắn trúng hơn. Nếu phải cận chiến, họ có thể dùng súng như một ngọn giáo nhờ có lưỡi lê gắn ở đầu súng, cộng với độ dài lên tới 1m7 của súng hỏa mai; hoặc cầm ngược lại phang như chùy do báng súng rất to và dày... Các musketeer cũng không phải lo về cận chiến hay bị kỵ binh lùa khi đã có đội hình pikeman hỗ trợ!

Cách các musketeer và pikeman phát huy trên chiến trường.
Với công nghệ phát triển, thuốc súng cũng phát triển hơn với ít khói muội và tạp chất, hỏa lực tăng dần khiến cho nhược điểm của súng hỏa mai ngày càng được khắc phục. Nhiều khẩu súng hỏa mai về sau đã có tầm bắn từ 175-200 m. Không chỉ riêng thuốc súng, cơ chế lên đạn và bắn của súng ngày một hiện đại hơn giúp giảm thời gian giữa mỗi lần bắn.

Các cấp độ của thuốc súng đen: 2FA, 3/4FA, 5FA và Meal D (tham khảo tại đây).

Ban đầu, thuốc súng đen có rất nhiều khói mỗi khi châm ngòi!
4. Sát thương gây ra.

Động năng của cung nỏ so với hỏa lực của các loại súng hỏa mai gây ra (1 Jun = 1 Nm = 0.102 kg).

Bức tranh mô tả chiến binh Samurai bị trúng nhiều mũi tên vẫn có thể chiến đấu do Utagawa Kuniyoshi (1797-1862) vẽ.
Vết thương gây ra bởi mũi tên thực sự không "chết chóc" như súng, thường thì một người lính bị bắn trúng tới ba bốn mũi tên vẫn có thể sống và tiếp tục chiến đấu bình thường! Một điều khác nữa là mũi tên bắn hoàn toàn không thể bắn xuyên qua được loại giáp tấm thời Trung Cổ. Nếu có cơ may bắn xuyên qua thì chúng cũng mất đi lực để có thể gây ra thêm thiệt hại gì đáng kể!
Để có thể tăng khả năng xuyên qua vật thể và gây sát thương tốt hơn, thực tế chỉ có thể rèn cho đầu mũi tên có hình dạng tăng khả năng xuyên thấu với chất liệu cứng và bền hơn mà thôi! Chẳng hạn đầu mũi tên rộng sẽ gây ra các vết thương lớn hơn hoặc cấu tạo mũi nhọn móc ngược gây đau đớn khi rút mũi tên ra...
Mũi tên của nỏ thường cũng không thể giết ngay một tay lính trang bị giáp sắt chỉ với một phát bắn nếu không phải là phát bắn chí mạng! Cộng với tốc độ nạp và bắn chậm, nếu không thể hạ được kỵ binh thì nguy cơ cao những lính bắn nỏ sẽ bị kỵ binh "lùa" luôn! Nhiều trường hợp ghi nhận rằng các loại nỏ hạng nặng dã chiến ở thế kỷ 14 đã có thể bắn xuyên thủng được các loại giáp hạng nhẹ dễ dàng. Chúng có thể bắn xuyên giáp hạng nặng nếu bắn ở cự ly gần!
Mặc dù khả năng xuyên qua giáp tấm của nỏ tốt hơn cung tên, nhưng với những loại giáp cuirass cứng cáp về sau thì nỏ cũng không thể bắn thủng được nữa.
Mặc dù khả năng xuyên qua giáp tấm của nỏ tốt hơn cung tên, nhưng với những loại giáp cuirass cứng cáp về sau thì nỏ cũng không thể bắn thủng được nữa.

Vết đạn bắn vào giáp cuirass từ những súng hỏa mai đầu tiên đã có thể gây ra những vết lõm như này!
Trong khi đó, hỏa lực của súng ngày càng mạnh, cự li bắn ngày càng được nâng cao! Ban đầu, chúng đã có thể làm hư hại đáng kể bộ giáp, càng về sau nhờ những cải tiến về thuốc súng mà chúng ngày càng mạnh đủ để bắn càn quét mọi loại áo giáp sắt bất kỳ! Không những dễ dàng xuyên qua lớp giáp tốt nhất, viên đạn có thể gây ra những vết thương lớn nghiêm trọng dẫn tới cái chết khó tránh khỏi. Nếu không chết vì viên đạn công phá thì người bị trúng đạn cũng sẽ chết vì những mảnh chì độc hại!

Những kỵ binh hạng nặng cuirassier cũng sử dụng súng hỏa mai ngắn!
Đây là lợi thế quan trọng nhất khiến cho súng hỏa mai vượt trội hơn nỏ! Súng hỏa mai thời kỳ này giống như phiên bản tốt hơn của nỏ nhờ hoả lực mạnh mẽ, kết hợp với lợi thế cận chiến như một cây giáo ngắn nhờ tích hợp lưỡi lê. Đây chính là lý do lớn nhất giúp cho súng hoả mai thay thế vị trí của nỏ trên chiến trường.
5. Khả năng hủy diệt sĩ khí quân thù?
Một người đang giương cung nỏ bắn bạn so với một người chĩa súng vào bạn, bạn nghĩ ai sẽ đáng sợ hơn?
Ở châu Âu thời Trung Cổ, kỵ binh thường tỏ ra khinh thường những cung thủ và "nỏ thủ" bởi có lẽ một phần vì họ thường có xuất thân nghèo hèn thuộc lớp lính bộ binh. Thay vì cố gắng giết một tên cung thủ hay lính bắn nỏ, thà chúng sống mái với một tên kỵ binh cấp cao bên phe địch còn vinh quang hơn!
Ngược lại, với tiếng nổ của súng, chúng có thể khiến nhiều người phải khiếp sợ! Nhất là khi họ dàn quân hàng ngang rồi đồng loạt nổ súng, tiếng pháo lẫn tiếng súng cộng với những quân lính đồng loạt đổ rạp, lũ ngựa hoảng sợ... sẽ khiến sĩ khí quân thù tụt dốc không phanh nếu như chúng không được chấn chỉnh và sốc lại tinh thần. Súng đạn cũng là nguyên nhân chính thúc đẩy căn bệnh rối loạn tâm thần PTSD của người lính hiện đại, tỷ lệ những người lính hiện đại bị mắc PTSD cao gấp bội so với những binh lính thời Trung Cổ.

Sự phát triển của súng ngắn cầm tay!
Không khó hiểu khi với những lợi thế kể trên mà các loại súng cầm tay dần thay thế cung và nỏ! Mặc dù với niên đại xuất hiện từ khi các nền văn minh lớn của con người được hình thành, nhưng cho tới ngay cả thời điểm thuốc súng mới bắt đầu phổ biến ở châu Âu, cung và nỏ vẫn không có nhiều thay đổi và dần thất thế trước "vũ khí nóng"! Súng cầm tay một phần giúp cho châu Âu trở thành những kẻ đi khai phá thuộc địa từ thế kỷ 16-19, hình thành nên hai cuộc Thế chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại... Rất nhanh thôi! Súng đã cải tiến, ngày càng phức tạp và tinh vi! Biết đâu đấy, chỉ vài thập kỷ tới, những súng laser, plasma... viễn tưởng sẽ thay thế những loại súng hiện tại?
Bài viết có tham khảo và là nguồn hình thành nên ý tưởng tới từ video dưới đây:

Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
andalite888
Mình muốn bổ sung một số ý cho phần huỷ diệt dĩ khí quân thù. Tưởng tượng bạn là một nông dân bị gọi ra trận. Bạn đang ngay giữa đội hình. Không xa tiền tuyến lắm nhưng cũng đủ để bạn tin rằng nếu hai quân xáp chiến thì bạn vẫn an toàn. Chưa kể bên cạnh bạn còn có các quí ngài hiệp sĩ với các bộ giáp sáng loáng. Khi hai bên xáp chiến, một loạt tiếng nổ vang lên và khói bay mù trời. Những người phía trước bạn lần lượt ngã gục, ngay cả những người hiệp sĩ cũng cùng chung số phận. Chưa kịp hiểu gì thì tiếng nổ lại vang lên và lại có người chết. Phép thuật, đối phương hẳn đang sư dụng phép thuật, bạn run rẩy và tất cả những gì bạn muốn là chạy khỏi đây càng sớm càng tốt.
Vào thời gian đầu thì súng thua cung nỏ rất nhiều măt. Bắn chậm hơn, tầm bắn ngắn và khó chế tạo hơn rất nhiều. Nhưng chính khả năng bẻ gãy tinh thần của bộ binh nông dân vào lúc đó đã giúp súng xác lập được vị trí của mình.
- Báo cáo

FightingStyles
Thú vị! Đánh giá cao ví dụ trực quan của bác!
- Báo cáo

Phan Thành Long
Fix:
1. Súng trường sử dụng trong Nội chiến Mỹ là loại dùng đạn bọc giấy, nhưng không phải nạp đạn cửa sau mà là nạp đạn nòng trước, nguyên lý tương tự thời chiến tranh giành độc lập 100 năm trước đó, khác biệt duy nhất là nó dùng kim hỏa gắn trong súng, thời 1877 kim hỏa gắn ngoài và mưa thì không bắn được ( lý do nó có tên là súng hỏa mai).
2. Cung tác giả nhắc đến là cung Longbow, 1 trong những loại cung khó làm nhất thế giới. Tuy nhiên sản xuất cung không phải vấn đề lớn, người Mông cổ tạo ra Cung Đàn hồi còn phức tạp hơn Cung Longbow, vậy mà trong suốt lịch sử của người Mông Cổ, họ chưa bao giờ thiếu cung! Cung thông thường cực kỳ dễ chế tạo, gần như cánh rừng nào cũng có đủ tài liệu để tạo ra 1 chiếc cung, loại sử dụng trong quân đội thì đòi hỏi cao hơn, nhưng cơ bản đều là cánh cung làm từ gỗ, dây cung làm từ da động vật, mũi tên làm từ gỗ vót nhọn có thể gắn thêm đầu tên làm từ đá hoặc các loại vật liệu khác, nguyên lý bắn là lợi dụng tính đàn hồi của thân cung thông dây cung bắn mũi tên đi. Cung phức hợp Mông Cổ có tầm bắn cực đại 500 mét, đã được kiểm chứng, mũi tên bay theo đường vòng cung, độ chính xác cao.
Không có nhà chỉ huy quân sự nào hi vọng quân đội của mình ai cũng biết dùng cung nỏ cả, trong chiến trận cung tên và nỏ được sử dụng để tạo mưa tên, và xét về nhiệm vụ này chỉ có súng máy hạng nặng mà bắt đầu là khẩu Maxim thay thế được.
3. Tại sao Súng trường, và các loại vũ khí phóng bằng thuốc nổ thay thế cung tên.
- Đầu tiên là các cánh rừng vốn rất sẵn bị loài người quét dọn sạch sẽ, dẫn đến những nguyên liệu chế tạo cung vốn vô cùng rẻ mạt trở nên đặt đỏ.
- Súng trường khó sử dụng hơn cung tên nhưng độ chính xác cao hơn, cùng thời gian huấn luyện nhanh, 1 tiểu đội dùng súng trường sẽ có hiệu quả về độ chụm hỏa lực mạnh mẽ hơn.
- Súng trường có hỏa lực mạnh hơn, so sánh các mũi tên thường phải đạt đến độ cao nhất định để dùng trọng lực phá hủy vật thể, dẫn đến khả năng xuyên giáp kém, súng trường đạt được hiệu quả này.
- Sự thay đổi từ bản chất quân sự từ thời đại lấy số lượng ưu thế sang bắt đầu sử dụng chất lượng, dẫn hình thành các đoàn thể quân sự chuyên nghiệp, cung tên vốn là vũ khí rẻ tiền trở lên kém hiệu quả trước các đội quân được trang bị tận răng. Trên thực tế thứ đánh bại cung tên là nỏ quân sự...
- Báo cáo

FightingStyles
Mình cũng rất đồng ý với những gì bác bổ sung, nhưng một số phần thấy chưa thoả đáng nên mình cũng bổ sung thêm:
1. Đúng như bác nói! Súng trường hoả mai Nội chiến đã thay thế các loại súng hoa mai nòng nhẵn! Ví dụ, khẩu .58 Springfield M1758 bắn loại đạn trụ gần giống đầu đạn hiện đại thay cho đạn chì tròn, chúng nạp với ổ xoay, thuốc súng bọc trong giấy, nòng khoét song song giúp viên đạn giữ được đường bắn thẳng tốt hơn lên tới 500 yard… Cơ mà nó vẫn là dòng musket nên mình ko có trích dẫn quá dài như này làm gì…
2. Mình có nhắc đến cả 2 loại cung! Longbow chế tạo khá đơn giản so với cung tổng hợp, nhưng thực sự nó mất tới 4 năm hoàn thành. Cung tổng hợp tuy phức tạp với cánh cung làm từ gỗ, gân và da đắp lên gắn với sáp, ưu điểm chỉ mất có 1 năm với chiều dài ngắn hơn longbow nhưng nhược điểm là dính ẩm là chết!
Dĩ nhiên! Vốn là dân du mục săn bắn nên Mông Cổ đòi hỏi sản xuất cung tổng hợp hàng loạt là chuyện thường.
Nhưng chi phí ko phải vấn đề, vấn đề là thời gian chế tạo và đào tạo cung thủ! Longbowman mất tới 10 năm để huấn luyện, cung thủ cưỡi ngựa Mông Cổ cần một thời gian dài hơn thế khi vừa phải thành thục cưỡi ngựa mà bắn cung chính xác. Chi phí để trả chắc chắn cao hơn ở cung thủ! Một longbowmen thường được trả từ 6-9 bảng 1 tháng (so với Hiệp sĩ là ~40 bảng) và vì là quân chuyên nghiệp nên những “đặc quyền” như nhà và tiền thưởng cũng cao! Cao hơn nữa khi đội giá bởi thuế má! Musketeer như ở Nga chỉ mất 4 rúp 1 năm với tg đào tạo ngắn hơn (4 rúp = 16 franc ~ 20 bảng ở thế kỉ 16-17).
Mưa tên chỉ là chiến thuật tăng khả năng tỷ lệ bắn vào những chỗ hở giáp! Khi những musketeer dàn trận vẫn có thể đạt được hiệu quả mà ko nhất thiết phải tới khi súng máy gatling ra đời!
Mặc dù chi phí chế súng cao hơn nhưng chỉ với 14 ngừoi thợ có thể làm ra một cây súng hoả mai trong 1 giờ, cộng với hiệu quả cao với hoả lực lên tới 3000-4000 Jun, ưu thế đào tạo nhanh chóng thì chi phí bỏ ra ko thành vấn đề.
3. Rừng nhiều nhưng ko phải loại gỗ nào cũng được dùng làm cung được! Chỉ có gỗ thuỷ tùng, gỗ du, gỗ hoàng dương… mới đáp ứng được loại cung dã chiến! Ví dụ Anh phải trả một khoản rất lớn để nhập số lượng lớn gỗ thuỷ tùng từ Baltic - thứ gỗ yêu cầu số lượng lớn từ nhiều nơi ko riêng gì Anh, thời gian phát triển lâu với cây ngắn, lâu khô khi phơi và lợi thế đặc cứng và chắc nên ko có gì lạ khi nó rất đắt thuộc vào hàng hiếm (0.6 m khối gỗ có giá 42 bảng)
Những điều tiếp theo đã có trong bài viết! Nên mình ko cần nhắc hay bổ sung làm gì!
- Báo cáo

Phan Thành Long
Bạn hình như bị nhầm 1 chút... khẩu M1752 khá là outdated khi xảy ra Nội chiến, thời kỳ nội chiến hàng nóng dùng nhiều là súng bắn đạn Minie ball, trong đó chủ yếu là khẩu Springfield 1961, Enfield 1853 và Lorentz nhập từ Áo. Đạn hình trụ hay hình tròn gì đó đều outdated nhiều lắm so với Miniball rồi, cả thế giới thời đại đó là của Minie ball. Súng nạp đạn cửa sau thời đó có rất nhiều, nhưng cơ bản vẫn là dùng đạn vỏ giấy, xạ thủ phải nạp đạn vào nòng, xé lớp bọc giấy, thông và bắn, loại breachloading duy nhất bắn đạn liền là Dreysser của Liên bang Bắc Đức, nhưng loại này có nhược điểm là tầm hiệu quả chỉ 800 mét đổ lại, tốc độ bắn nhanh gấp 4-6 lần các loại miniball, ngược lại kim hỏa súng rất nhanh hỏng, phải thay sau 80 đến 100 phát bắn. Súng trường chỉ thật sự vượt trội khi 1 kỹ sư người Thụy Điển cải tạo súng nạp đạn cửa sau = đạn vỏ đồng, khắc phục hoàn toàn lỗi của kim hỏa nhanh hỏng.
Còn cung tên mình nhắc đến không phải cung phức hợp hay cung dài khá hiếm và khó chế tạo, mình nói đến mấy cái loại cung bẻ cành cây cũng làm được ấy, bắn tầm 10-20m ấy...
- Báo cáo

FightingStyles
Thì vẫn như mình nói, loại đạn trụ mà mình nhắc đến chính là minie ball đó! Và chúng vẫn là dòng musket có cơ chế tra thuốc và nạp tiền, cơ chế cò châm hạt nổ. Mặc dù đã có những khẩu súng tra thuốc hậu (như snider-enfeild) với cơ chế cò đẩy, thuốc súng bọc trong vỏ đạn…nhưng những musket vẫn phổ biến bởi có thể là vì chúng rẻ, vẫn còn đại trà, tầm bắn tương đối cao, chiến thuật bắn súng chưa thay đổi và có thể chúng cần được đem ra dùng đỡ “tồn kho” chăng? Dù thì gì chúng vẫn được gọi là musket, phải chứ?
Những cây cung bẻ cành chủ yếu dùng cho săn bắn, những loại simple hay recurve bow có tuổi thọ thấp, thiếu an toàn, tầm bắn ko xa và mạnh như 2 loại cung chuyên biệt trên. Nếu chỉ việc bẻ cành làm cung thì chúng chả khác gì quay về thời đồ đá, nếu ko thì nhiều vương quốc phải chi mạnh tay để đặt làm số lượng lớn cung cho việc cất kho hoặc biên chế đào tạo cung thủ xịn để làm gì? Câu chuyện người lính đem cung săn bắn đến chiến trường chủ yếu ở những quân đội ko chính quy, như dân Vikings đem theo mỗi lần cướp bóc.
Những cây longbow hay cung tổng hợp ko hiếm, chỉ một con tàu tàu Henry VIII theo ghi chép có cất giữ hơn 137 longbow! Cung tổng hợp cũng ko hề hiếm khi đã xuất hiện từ thời Ai Cập cổ đại, chúng phổ biến rộng khắp từ các quốc gia châu Á như Trung, Hàn, Mông, Ấn… cho tới Trung Đông, Thổ (Ottoman) và cả vùng Đông Âu nữa!
- Báo cáo

Phan Thành Long
Minie ball khác mấy cái musket mà... còn dressey 1841 có phải tra thuốc đâu, nó nạp đạn vào và bắn như súng trường bây giờ luôn, chỉ mỗi cái do chất lượng viên đạn giấy nên nó làm cháy kim hỏa thôi...
Còn giá thì chả rẻ hơn tí nào, chẳng qua Dresseyer ra đời sau lại sản xuất ít thôi. Breach loading thì không mới, người Thụy Điển, người Anh, người Pháp từng chế rất lâu rồi, nhưng cơ chế của dresseyer 1841 là đột phá lớn, bằng việc đặt viên đạn vào trong một buồng đốt kín, khóa bằng khóa kim loại, lại dùng kim hỏa thay thế được và viên đạn chuẩn bị sẵn, binh lính không cần cắn đạn giấy ra bắn nữa, nó tạo đột phá lớn... Ra đời từ năm 1841 nhưng do vấn đề kinh tế, đến tận năm 1860 người Phổ mới trang bị được cho 94 tiểu đoàn/hơn 400 tiểu đoàn trong biên chế của họ súng này... Sau này khi chứng minh hiệu quả đột phá rồi thì nhiều nước khác lại học tập và tự chế...
Còn đạn hình trụ khác Minie ball mà, đạn Minie ball cơ bản vẫn là đạn bán cầu, chẳng qua khắc 2 cái rãnh ở phần bán cầu để tăng độ xoay của đạn....
Nói chung mình đang có 1 dự án viết về cái này, rất hi vọng bạn có nhiều bài viết chia sẻ về chủ để này hơn.
- Báo cáo
andalite888
[Đã xóa]