THAM VỌNG --------
Đây là bài tôi viết trong một tình huống khá bất đắc dĩ...
Đây là bài tôi viết trong một tình huống khá bất đắc dĩ
Cuộc sống gắn liền với những mơ ước, mục tiêu, hoài bão. Cứ qua những chặng mốc của cuộc đời, con người tự đặt cho mình những thứ vô hình để níu kéo lấy gọi là " mục tiêu " hoặc được người khác gắn ghép giúp trên danh nghĩa là " sự kì vọng" :
5 tuổi : con phải biết ngoan ngoãn, lễ phép, chăm ăn, ....
10 tuổi : con phải nỗ lực học hành, không được sa đà vào game,..
15 tuổi : con phải học thật giỏi, đỗ vào trường chuyên,...
18 tuổi : tôi phải cố gắng học, học, học, dẹp đi yêu đương, cố đậu vào đại học Top cho thầy cô, cha mẹ hãnh diện,..
24 tuổi : tôi phải có công việc ổn định, thu nhập cao
30 tuổi : con phải lập gia đình
33 tuổi : có vợ con rồi, phải là trụ cột vững chắc về kinh tế, chi trả những hoá đơn,...
37 tuổi : hai con rồi, chi tiêu phải tiết kiệm
38 tuổi : con đi học rồi, phải tằn tiện cho nó học được đại học, phải hơn đời cha mẹ chúng.
50 tuổi : tôi cố gắng làm việc để trang trải cuộc sống cho con cái,....
60 tuổi : con đã trưởng thành rồi, là lúc mình có thể hưởng thụ cuộc sống.
63 tuổi : sức khoẻ tôi yếu, phải nhập viện.
70 tuổi : tôi nhớ về những ước mơ, hoài bão, thanh xuân.
75 tuổi : tôi tự hỏi ý nghĩa sự tồn tại của bản thân, liệu mình có thực sự sống theo cách của mình, hay mình đã bị cuốn theo xã hội ?
Tham vọng là cội nguồn của sự mê hoặc, dưới nhiều cái tên như " mục tiêu ", " ước mơ", " hoài bão", " kì vọng ". Bất cứ ai trên đời, hầu như đều có những tham vọng : người muốn đỗ đạt, người muốn giàu có, người muốn quyền lực,....kể cả những nhà tu cũng có những tham vọng với cái tên gọi " tiến về sự vĩnh hằng", " thoát khỏi bể khổ". Tham vọng đã tồn tại, và là cội nguồn sự sống của con người.
Vào một ngày nọ độ cuối tháng 1, dưới lớp tuyết trắng xoá, những dãy núi hùng vĩ, những chiếc kinh luân quay vòng như sự luân hồi của vạn vật, tôi đã đến Tây Tạng. Đứng trên đỉnh núi, cái rét lạnh khiến tôi muốn hút chút thuốc, nhâm nhi chút sữa nóng; một ý nghĩ bất chợt nảy ra trong tôi : " leo núi, là một hành trình đầy thử thách, người leo núi thường đặt cho mình những mục tiêu ngắn hạn như leo thêm được bao nhiêu mét, lấy đó làm động lực để tiếp tục leo. Nhưng khi đến đỉnh núi, người ta không còn đặt mục tiêu gì nữa, ngoài việc tận hưởng giây phút đứng thật gần với đất trời. Cuộc sống có lẽ cũng như thế ". Khi một người không còn bất cứ tham vọng nào trong đời, không mong muốn danh tiếng, của cải, quyền lực, địa vị hay các mối quan hệ, người đó có thể sống được không ?
Câu trả lời là có, nhưng đó sẽ là một thử thách cam go nhất, là " Boss" cuối của cuộc đời. Không còn tham vọng, hoặc người đó đã không còn sức để tham, hoặc người đó đã đứng ở đỉnh cao của nhân sinh, thấu hiểu vạn vật. Không tham vọng, là một cảm giác cô đơn, bởi vì bạn khác biệt với tất cả xung quanh bạn, như thể một cái cây đứng bên dòng suối, cứ lặng nhìn mãi,... Không còn tham vọng, đôi khi cũng có nghĩa là không còn ước mơ, hoài bão, cũng chẳng có mục tiêu, điều đó khiến cho bạn lạc lối, vô định. Thứ cảm giác đáng sợ hơn tất cả. Không tham vọng, hoặc bạn sẽ trở thành một cái xác không hồn, hoặc bạn sẽ trở nên ung dung, tự tại bước giữa cuộc sống này. Không tham vọng, không đồng nghĩa với việc sống mà không cần ăn, uống, mua vật dụng,,... nó chỉ là hình thức tối giản hết mọi thứ đến một mức tiệm cận với " nhu cầu cơ bản để tồn tại ". Hiện nay, thế giới đang có xu hướng giảm đi tham vọng, đặc biệt là những nước có trình độ phát triển cao nhưng bị tù túng về mặt tinh thần. Điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở Nhật và Hàn , số người tự tử hằng năm vẫn tăng cao. Lí do là sao ? Hoặc là họ đã bế tắt trước mọi ngã rẽ của cuộc đời hoặc họ không còn tha thiết ước mong gì với cuộc đời tẻ nhạt này, hoặc đôi khi là cả hai. Sự không tham vọng, rất dễ đi đến sự mất phương hướng như tôi đã nói ở trên, nhưng có một điều khá nghịch lí là khi con người tham vọng trên phương diện sợ hãi, lo lắng,.. ( tôi tạm gọi là phương diện trái ) thì cơ bản cũng dẫn ra sự mất phương hướng. Điển hình là " tộc ở ẩn " ( NEET ) ở Nhật. Họ cách li với xã hội, vì họ sợ xã hội đến cực độ, nó có thể bắt nguồn từ các vấn nạn bắt nạt, bạo lực,... Thật bất ngờ, nhưng những bệnh nhân trầm cảm nói với tôi rằng, họ chỉ muốn được chết, họ sợ hãi, lo âu vì phải đối mặt với những thứ ngoài xã hội, hoặc thậm chí là gia đình họ. Đó là một hiện tượng đáng báo động.
Tham vọng - sự mất đi tham vọng - không còn tham vọng là những thái cực của cuộc sống. Chúng ta phải tìm hiểu về chính bản thân mình, trong chính nội tâm chúng ta. Đừng để tâm hồn chúng ta bị bào mòn bởi những ngoại cảnh. Bởi đôi khi, lúc bạn có tất cả những gì bạn muốn cũng là lúc bạn chẳng còn gì. Chung quy, cuộc đời, là chặng hành trình đi tìm sự hạnh phúc, chính vì vậy, hãy sống một cách hồn nhiên, theo thiên hướng của chính bạn. Sau tất cả, chỉ còn một mình bạn.
Thân ái.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất