Tại sao Tarot lại đúng như vậy? - Tarot dưới góc nhìn khoa học, tâm lý học (Phần 1)
Tarot không phải là thuật ngữ mới mẻ với hầu hết chúng ta, đặc biệt đối với nhóm gen Y và gen Z. Tuy nhiên, theo quan sát của mình...
Tarot không phải là thuật ngữ mới mẻ với hầu hết chúng ta, đặc biệt đối với nhóm gen Y và gen Z. Tuy nhiên, theo quan sát của mình với các khách hàng hoặc bạn bè: số người hiểu đúng bản chất Tarot chưa nhiều.
Người xem bài Tarot có thể đặt câu hỏi trên nhiều chủ đề khác nhau và yêu cầu sự chỉ dẫn phù hợp. Tuy nhiên, không tính đến năng lực giải bài của reader, hầu hết các lá bài đều khiến người hỏi phải thốt lên: Sao mà đúng chuyện của tui thế?
Để giải thích điều đó, mình muốn chia sẻ hiểu biết về:
- Lý thuyết về Ý thức - Tiềm thức - Vô thức của nhà phân tâm học Sigmund Freud
- Law of One (Oneness) - Luật của một/ Nhất thể: tất cả chúng ta đều là một!
- Law of Attraction (Luật hấp dẫn) và Self-fulfilling prophecy (lời tiên tri ứng nghiệm)
Không bàn về những biến tướng của Tarot khi về Việt Nam vì chúng nằm ngoài hiểu biết của mình. Mình chưa đủ khả năng kiểm chứng độ xác thực với cách sử dụng bài nào khác ngoài việc phân tích 78 lá theo hệ thống ý nghĩa các hình ảnh, con số, quy luật màu sắc, cách sắp xếp các vị trí bài và trực giác cá nhân.
Như các bạn đã biết, bộ bài Tarot hiện nay gồm 78 lá (một số bộ bài nhiều hoặc ít hơn, ví dụ bộ Osho Zen Tarot có 79 lá). Mỗi lá bài tượng trưng cho một khía cạnh khác nhau trong đời sống và theo cách tiếp cận "Hành trình của chàng khờ" (The Fool's Journey) mình đang theo đuổi thì mỗi nhóm lá bài còn biểu hiện một chặng đường phát triển trên hành trình đó. Khi đọc một lá bài, mình được hướng dẫn không chỉ đọc các hình ảnh, màu sắc, con số trên lá bài mà còn liên kết với các lá trong trải bài đó, các lá trước và sau, hướng của bài và tổng thể các nguyên tố.
1. Lý thuyết về Ý thức - Tiềm thức - Vô thức
Tarot là một chủ đề tâm linh phương Tây nhưng với trải nghiệm và hiểu biết của mình, nó liên kết chặt chẽ với Tâm lý học, đặc biệt là phân tâm học. Sigmund Freud, cha đẻ của thuyết phân tâm học, chia nhân cách con người ra làm 3 phần (topographic model): Ý thức, tiềm thức, và vô thức.
(note tí: Netflix có một series Freud nói về ông chú này đó nhé. Tui không phải Freudian gì nhưng phim vui thì recommend thui.)
- Ý thức (conscious mind) bao gồm những suy nghĩ, hình ảnh chạy liên tục trong đầu bạn mọi lúc mọi nơi. Nhớ lại hồi đi Vipassana, mình nhớ các thiền sự gọi chúng là hiện tượng: tâm trí lang thang (the mind wandering). Ý thức bao gồm cả sự chuyển dịch những nhận thức về bản thân và xung quanh từng giây từng phút. Cảm thấy "thời tiết nóng quá, nóng quá, nóng quá đi" chính là ý thức.
Trong bộ ẩn chính 22 lá của Tarot, 7 lá đầu (1-7) là hành trình khai mở Ý thức của The fool (lá được đánh số 0). Cuốn 78 độ minh triết gọi đây là Chuỗi vật chất.
- Tiền ý thức/ tiềm thức (preconscious/ subconscious mind) là những điều chúng ta bình thường không cảm nhận nhưng vẫn lì lợm nằm trong trí nhớ của chúng ta. Để dễ hiểu, chúng là những file nền mà chúng ta hiếm khi mở khi sử dụng laptop nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ máy tính xử lý các chương trình và trao đổi thông tin. Cách đi xe đạp được ghi lại trong tiềm thức. Vì là khúc nằm giữa nên tiềm thức rất dễ quay về thành ý thức và chìm xuống phần vô thức.
Từ lá 8 đến lá 14, Tarot đưa chúng ta vượt qua tiềm thức bản thân - sợi dây kết nối với The Whole World, với Nguồn (Source), với Vũ Trụ (Universe) và Bản thể tối thượng (Higher Self). Tác giả tiên phong của Tarot - Rachel Pollack gọi đây là chặng: Quay vào bên trong.
- Vô thức (unconscious mind) là khúc lớn nhất, nằm sâu bên trong tâm hồn. Đó là những ham muốn, nhu cầu, nỗi sợ hãi, ký ức bị dồn nén ở tầng thấp. Có người gọi nó là Chúa bên trong hay đứa trẻ bên trong. Dù là gì thì vô thức cũng đang tẩm ngẩm tầm ngầm điều khiến hành vi của chúng ta. Vô thức rất khó lôi lên tầng ý thức nhưng không có nghĩa là không thể. Thỉnh thoảng, như để trêu ngươi (hoặc nhắc nhở), chúng trồi lên qua những hiện tượng, hoạt động mà bạn không thể kiểm soát được như: lời nói lúc tán gẫu, giấc mơ, bỗng nhiên crush con bạn ngồi bên hay lúc bạn làm những công việc sáng tạo ngẫu hứng (viết lách, vẽ vời, thủ công mỹ nghệ). Vô thức thậm chí còn quyết định suy nghĩ nào bay qua đầu bạn lúc nhàn rỗi.
Tâm linh là lấy linh hồn bản thân làm trung tâm. Lá 15 - 21 trong bộ ẩn chính (Major Acrana) của Tarot đưa chúng ta bước đến điểm cao nhất trên hành trình vĩ đại đó.
Trong cuốn sách The Energies of Men, James phát biểu “Chúng ta mới chỉ sử dụng một phần nhỏ của sức mạnh tinh thần và thể chất, có thể đó chỉ là 10% so với khả năng tinh thần tiềm ẩn mà chúng ta có thể sử dụng”. Phát biểu này vẫn đang gây tranh cãi về con số % nhưng điều mà các nhà tâm lý học thừa nhân là chúng ta chưa thực sự dùng hết tiềm năng não bộ. Phần lớn chúng đang trôi lềnh phềnh đâu đó ở mảng vô thức.
Nhỡ lấy cái ảnh có Id - Ego với Superego nên mình cũng chia sẻ thêm. Bác Freud nọ cũng đề cập đến 3 thành tố tâm trí ngày ngày xung đột với nhau tạo nên ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN TÂM LÝ, hướng đến sự cân bằng tương đối: Cái ấy/ nó/ bản ngã (Id), Cái tôi/ bản ngã (Ego) và Cái siêu tôi/ siêu ngã ( SuperEgo). Cái này biết sơ sơ hồi học Hành vi người tiêu dùng của cô Oanh idol nên không dám bàn nhiều. Cơ bản thì:
- Bản năng bao gồm các bản năng vô thức hoạt động theo nguyên tắc khoái cảm như ăn - ngủ - ** - *. Freud bảo bản năng ** giữ vai trò trung tâm.
- Bản ngã là những hoạt động của con người trong cuộc sống hiện thực. Cái tôi tiêu tốn nhiều sức lực để kiềm chế, kiểm soát những bản năng không phù hợp với chuẩn mực xã hội. Chúng ra sức tìm kiếm những cách nghĩ, ứng xử an toàn để tạo nên sự cân bằng. Bản chất cái tôi sinh ra để dung hòa nhưng thi thoảng thảo mai hơi quá trớn, đè nén rất nhiều thứ không đáng.
- Siêu ngã gồm ý thức + nguyên tắc đạo đức hoạt động như cách Bộ văn hóa kiểm duyệt phim ảnh, cố gắng ngăn cản những bản năng tính dục và hiếu chiến mà chúng cho rằng có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến cá nhân & xã hội. hí
2. Law of One (Oneness): Luật của một/ Nhất thể
Tất cả những phần này mình thấy anh Ngô Sa Thạch đã có một chuỗi bài giải thích rất chi tiết đầy đủ. Anh nhìn tâm linh dưới góc độ khoa học và mình nghĩ nếu có thời gian, các bạn nên đọc. Link tại đây (tiếng Việt yên tâm nhé, tui nghiện tiếng Việt lắm). Mình tóm tắt nội dung một chút như sau:
- Toàn bộ Vũ Trụ này đều là năng lượng được biểu hiện dưới dạng sóng rung. Là sóng rung không phải các hạt như chúng ta được học nhé. Với tần số rung động hiện tại của bản thân, chúng ta chỉ nhìn thấy những điểm cùng tần số nằm trên sóng rung nên xem là hạt. Nó giống như chúng ta hay nói với nhau: M chỉ thấy 1 phần của vấn đề. Ở đây chúng ta chỉ thấy 1 điểm của toàn bộ.
- Bản chất của thời gian chỉ là sự thay đổi rung động của người quan sát. Một cách dễ hiểu, bạn hồi ấu thơ đang chơi đùa với bố mẹ đang tồn tại cùng bạn của ngày hôm nay và cũng cùng tồn tại với bạn của tương lai trong các khoảng không-thời gian khác nhau trong vũ trụ, với tần số rung động là khác nhau. Hồi đi thiền bào thai với thiền đứa trẻ bên trong tui gặp hoài.
- Linh hồn thực ra cùng là năng lượng ở những tần số khác nhau. Cái mà mọi người gọi là Higher Self, bản thể cao hơn chính là linh hồn bạn ở ‘tương lai’, một bản thể phát triển hoàn hảo hơn hơn liên hệ với bạn là bản thể chưa phát triển. Bản thể hiện tại của bạn cũng là một phần của bản thể lớn hơn đó, là một phân mảnh của bản thể lớn hơn.
Ôi viết đến đây thấy dài quá, nhiều thứ để nói quá cắt thành 2 phần vậy.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất