Tôi vừa dành thời gian để đọc cuốn sách mới, có cái tên nghe qua đã muốn đọc trọn cả cuốn trong một ngày rồi: Lịch sử của sách. Cái tên tiếng Anh đầy đủ của nó là What is the History of the Book? Dịch sát sạt thì phải là Lịch sử của thư tịch là gì? Đọc cái tên có vẻ hơi… Tàu và có phần “cồng kềnh” quá. “Lịch sử của sách” đơn giản, gọn gàng và đã đủ ý rồi. Tạm gác cái tên qua một bên, điều khiến tôi thích thú trong cuốn sách là việc tác giả, Giáo sư James Raven, chuyên gia hàng đầu về thư tịch học lịch sử của thời đại này, đã dành một phần dung lượng trong công trình tâm huyết này để phân biệt cho chúng ta hai khái niệm mà tưởng chừng chẳng mấy người trong chúng ta để ý – bibliomania và bibliophile – những người mắc chứng “cuồng sách” và những người đơn giản yêu thích sách vở.
Nào, đây là câu chuyện mang tính cá nhân, tập hợp những dòng phản ánh chính những gì bản thân tôi đã từng trải qua trong khoảng chừng 10 năm trở lại đây. Trong câu chuyện đó, tôi đã liên tục khi thì đóng vai một bibliomania, khi lại quay về với hình ảnh và cảm xúc của một bibliophile. Tôi không rõ những điều tôi kể ra sau đó có thể quy gán cho một bệnh trạng nào đó hay nó hoàn toàn thuộc những cung bậc cảm xúc, những phản ứng của một con người quý trọng tri thức từ sách vở. 

Tôi đến với sách vở như thế nào?

Gia đình tôi không khá giả. Bố mẹ tôi đều là công nhân. Cả hai đều quần quật suốt ngày để chăm lo cho gia đình nhỏ. Tôi và em gái hiểu sự vất vả của bố mẹ, hiểu rằng không nên đòi hỏi bất cứ thứ gì đắt đỏ vượt quá khả năng chi tiêu của bố mẹ, hiểu rằng chỉ có chăm chỉ học hành thì cuộc sống mới có cơ may dễ chịu hơn. Tất nhiên, bố mẹ không để chúng tôi phải quá khổ sở, chúng tôi hầu như chỉ cần làm công việc nhà, dọn dẹp để đỡ đần và làm bố mẹ an tâm. Lần đầu tiên tôi xin tiền mẹ để mua cuốn sách tôi thích là năm tôi học lớp 11. Cuốn sách đó tôi vẫn nhớ tên: Làn sóng thứ ba của nhà tương lai học Alvin Toffler. Không dễ để đọc đối với một cậu học sinh còn chưa tốt nghiệp phổ thông nhưng tôi rất thích. Nó gợi cho tôi đủ mọi suy ngẫm về tương lai, về những dịch chuyển có tính bản chất của nhân loại, bánh đà không thể cưỡng lại mà cuộc cách mạng công nghệ có thể đưa tới… Say mê cuốn sách đến nỗi, mỗi tuần tôi dành ra ba buổi chiều để tới nhà sách, không mua thì coi cọp (đọc ké) tới mức gần hết cả cuốn sách. Nhà sách vắng người, nhân viên gần như quen mặt mấy cậu thanh niên hay ra vào đọc ké kiểu đó nên chẳng buồn quan tâm, chỉ thi thoảng ngước lên nhìn xem tụi đó đang làm trò gì. Sau cùng thì tôi cũng được mẹ cho tiền mua cuốn sách đó, mặc dù đã đọc gần như toàn bộ nhưng tôi vẫn rất thích thú. Cảm giác say mê đến lạ thường.
Suốt bốn năm ròng học đại học ở Hà Nội, trong trí nhớ của tôi, hình như tôi và ông bạn cùng phòng có chung sở thích sách vở chưa bỏ qua bất cứ hội sách lớn nhỏ nào. Bất kể họ bán sách mới hay sách cũ, chỉ cần nghe tới “hội sách” là lập tức lên lịch đi bằng được. Gian hàng của NXB Tri thức và NXB Thế giới khi đó luôn cuốn hút chúng tôi. Không có nhiều tiền mà đi hội sách thì quả thực là… buồn thảm. Cầm lên đặt xuống, đi tới đi lui, đắn đo mãi, kì kèo với các nhân viên mãi mới quyết định có mua hay không. Đó là thời kỳ tôi chi tiền đều đặn nhất cho việc mua sách, có lẽ mỗi hội sách khoảng chừng 600 – 700 nghìn. Số tiền đó với sinh viên cực kỳ đáng quý, nhất là khi chúng tôi chưa làm thêm ở bất cứ đâu để có thêm thu nhập. Tôi và người bạn cùng thỏa thuận, vì nguồn lực có hạn nên ta sẽ chia sách ra để mua nhé, vì có cuốn cả hai cùng thích sở hữu riêng nhưng nếu dốc tiền ra mua kiểu đó thì nhiều sách hay sẽ không có để đọc. Tôi mua cuốn này, bạn mua cuốn kia, sau này đọc hết rồi đổi lại. Vậy là cùng vui. Nhưng cũng chẳng thiếu thời điểm cháy túi vì mua sách. Lần mua cuốn Lịch sử châu Âu của Norman Davies, giá bìa tận 275 nghìn. Đắn đo bao nhiêu ngày, bắt bus qua lại Đinh Lễ 4 - 5 lần mới dám mua. Có rồi thì đọc sách trừ cơm luôn cả tuần sau đó (thực ra thì vẫn đủ tiền mua mì gói). Lần khác, vì ham thích những cuốn sách đã xuất bản được vài năm của Văn Lang mà “hai ông tướng” kéo lên Đinh Lễ, quét hết các nhà từ Lâm, Huy Hoàng, Mụ Hoa, Ngân Nga tới Trung tâm phát hành sách Hà Nội, vác về cả đống với giá siêu rẻ vì toàn những sách đã bị xếp xuống đáy của mỗi giá sách. Chúng tôi có "Đụng độ giữa các nền văn minh", "Đông Phương luận", "Súng vi trùng và thép"… từ hồi đó.
Tựa "Lịch sử của sách" - điểm khởi đầu cho những chia sẻ của tôi trong bài viết này. Tác giả James Raven có phân biệt hai khái niệm bibliomania và bibliophile (Nguồn: Tác giả)
Hết năm bốn đại học, mỗi thằng có cả 2 - 3 thùng carton toàn sách, buộc lòng phải bỏ lại hết sách photo và sách giáo trình tặng cho các bạn và các em khóa sau. Nói thực, những giáo trình cơ bản trên đại học chúng tôi đã đọc từ lâu, chúng quá chán, quan điểm lỗi thời, cách viết sáo mòn nên cho đi cả thùng cũng không thấy tiếc. Bốn năm đại học có lẽ là bốn năm tôi đọc nhiều sách nhất. Ngoài sách tự mua, Thư viện quốc gia còn biến thành “địa chỉ đỏ” của chúng tôi. Mải miết mượn, mải miết đọc trong niềm vui sướng và ham mê khôn tả. Quãng đời sinh viên vô lo vô nghĩ, chuyên chú học hành, đầu óc đầy mộng tưởng về những tương lai của nghiên cứu, viết lách, đọc sách, thuyết giảng công chúng…

Tôi không thể kiềm chế trước những cuốn sách…

Ra trường, đi làm, tôi mua nhiều sách hơn nhưng có vẻ lại không có thời gian đọc kịp tất cả những cuốn sách đã mua. Giá sách cao ngất ở Nam Định và ở Hà Nội đầy những cuốn sách ở tình trạng… chưa một lần được động tới. Mỗi dịp tới Đinh Lễ hay có hội sách offline, tôi lại tranh thủ đi dạo một lượt các gian hàng. Mỗi lượt dạo của tôi dễ chừng kéo dài tới 4 - 5 tiếng đồng hồ, người đi cùng tôi đều tỏ ra khó chịu về thói quen đó. Những năm 2013, 2014 khi còn là sinh viên, việc tìm kiếm sách dễ hơn nhiều vì hồi đó sách vở cũng chưa nhiều lắm, sách đặc sắc về nội dung, sách chuyên ngành và cận chuyên ngành trong mắt tôi chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hồi đó Facebook chưa bùng nổ như bây giờ, không có nhiều nhà xuất bản hay công ty sách giới thiệu đều đặn sản phẩm của mình trên fanpage, cũng chưa có thương mại điện tử. Nhưng rồi mọi chuyện đã đảo lộn chỉ sau 6 - 7 năm.
Những ngày nóng nực của năm 2021 này, tôi mong ngóng những cuốn sách đặt từ Tiki, Fahasa, Shopee còn hơn cả chờ đợi người yêu tới dự tiệc sinh nhật. Cái cảm giác chờ đợi người giao hàng gọi điện tới để giao sách thật khó diễn tả, chút lâng lâng, chút hồi hộp, thở gấp hơn, niềm phấn khích tột độ thì bao trùm cả đầu óc. Nếu sách chưa được giao tới thì ngồi canh me, trông đợi…
Tôi thích cái cảm giác được chạm, được vuốt ve cuốn sách mới. Từng đường nét trên bìa sách, chữ thúc nổi hoặc phủ mạ, phần gáy bo tròn, bìa cứng cáp. Những trang giấy hơi ngà vàng, mịn màng, trải rộng, không tì vết, cứ như giấy cũng có cả sự thuần khiết trong nó vậy. Mực in đậm đặc, không còn chút gợn. Mùi giấy mới quyến rũ tôi, nó như thứ nước hoa nhân tạo dành riêng cho sách vậy. Tôi nhận sách, cầm sách lên, giở đến trang bất kỳ, ngửi mùi giấy và cảm nhận. Hình như tất cả những kẻ yêu thích sách vở đều hành xử như vậy: ngửi sách. Hành động quá sức kỳ quặc. Nhưng ròi mọi giác quan đều thỏa mãn.
Vẻ đẹp cuốn hút của cuốn sách: Giấy ngà mịn, mực in đậm nét, tranh vẽ tuyệt đẹp, mùi giấy thơm... (Nguồn: Tác giả)
Bìa sách ngày càng đẹp, nhà xuất bản nào cũng đầu tư công phu cho khoản minh họa bìa. Ngay từ thời học đại học, tôi đã khó rời mắt khỏi những bìa sách sử dụng tranh vẽ thời Trung Cổ hoặc Phục Hưng. Loạt sách kinh điển sau này của NXB Tri thức cuốn hút tôi khủng khiếp như một thứ ma lực nào đó. Tranh vẽ về thời Hy – La, tranh vẽ về thời Cận đại, tranh mô tả trận đánh, các huyền tích trong Kinh Thánh, thần thoại, sử thi… vừa kỳ vĩ, hoành tráng, vừa tinh tế, sắc sảo. Dù phải thành thực là tôi hiếm khi mua sách chỉ vì bìa sách bắt mắt hay giàu ý nghĩa biểu tượng, song quyết định mua sách vẫn có không dưới 20% phụ thuộc vào bìa sách. Tôi từng ra quyết định mua sách trong 10 phút sau khi đọc lướt giới thiệu nội dung và kịp ngắm bìa sách đầy tính ẩn dụ của cuốn Kính sợ và run rẩy mà Phanbooks phát hành, dù đã tiên liệu về việc có thể không thẩm thấu được hết các lớp lang ẩn tàng trong sách.
Nói gì thì nói, càng ngày tôi càng khó kìm lòng trước những cuốn sách mới. Mỗi khi chúng được giới thiệu trên Facebook hay tôi bất ngờ bắt gặp ở một tiệm sách nào đó, ngay lập tức tôi lại muốn mua. Ý thức về việc phải cân nhắc, suy tính xem rằng sách có nội dung tốt không, có phù hợp không, phù hợp rồi thì có nhất thiết phải mua lúc này chưa, giá tiền như vậy có thỏa đáng không, có cần thiết phải tìm kiếm thêm địa chỉ mua khác không… có lẽ đã không thắng nổi ý nghĩ thôi thúc phải sở hữu ngay cuốn sách. Đã xa rồi cái thời còn phải chắt bóp, thắt lưng buộc bụng hàng tháng ròng mới dám mua cuốn sách. Đã xa rồi những khi phải đợi tới hội sách để được mua giá rẻ, phải chia tách đơn sách để đổi chéo với bạn cùng phòng. Đã xã rồi chuyện cuốc bộ hàng mấy cây số tìm tới tận NXB Thế giới hỏi mua sách đã không còn bán rộng rãi trên thị trường. Tôi lao vào mua thật nhiều sách. Các quảng cáo giăng mắc khắp các website mà tôi click vào, thương mại điện tử luôn lách khắp mọi nơi chốn để giới thiệu sách kèm giá chiết khấu. Không dưới 10% số bạn Facebook của tôi hoặc trực tiếp kinh doanh sách, hoặc chuyên giới thiệu, review, bình luận về sách. Cuộc sống tiếp tục bị chi phối bởi sách khi tôi chuyển từ công việc giảng viên sang biên tập viên của một công ty phát hành. Thử tưởng tượng bạn có 8 giờ đồng hồ làm việc với bản thảo sách ở công ty. Trở về, vì lòng yêu tha thiết những cuốn sách chất cao như núi, bạn tặc lưỡi đọc dăm bảy trang sách rồi đi nghỉ. Cuối tuần bạn lại tới Phố sách, chạy qua nhà ông Bình Bán Book, ngồi café với cả tá người đều thích sách, có liên quan đến sách.
Tranh vẽ trên bìa là ẩn dụ về một huyền tích trong Kinh Thánh Cựu ước
“Sách” trở thành từ khóa gắn với cuộc sống của tôi từ khi nào không hay. Nó hút tôi vào trong. Tôi vẫn mê mẩn những trang giấy. Ngày đẹp trời nọ tôi còn mò ra được một tựa có tên “Đừng mơ từ bỏ sách giấy” xuất bản bởi Sao Bắc. Ở đó hai “đại gia” tư tưởng, hai nhà sưu tầm sách, hai nhân vật quyền lực bậc nhất trong giới trí thức phương Tây Jane-Claude Carrière và Umberto Eco tranh luận về tương lai của sách in trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Cuối cùng, họ cho tôi biết, vẫn chẳng có gì giết chết được sách in cả. Thế là tôi cũng không dừng lại được thói quen thấy sách mới là mua, thói quen không rõ là tốt hay xấu nữa. Thậm chí tôi nhanh tay đặt ngay một cuốn sách khi vừa dứt lời nhờ cô bạn đồng nghiệp đặt mua giúp một cuốn sách khác. Hai thao tác đặt cách nhau không quá 3 phút, hoàn toàn có chủ đích và tôi chỉ nhận ra điều đó khi Fahasa gửi lại email xác nhận đơn hàng…
Câu nói kinh điển trong tác phẩm Thằng gù ở Nhà thờ Đức bà đã được dẫn ra để nói về số phận của những thứ lỗi thời: "Cái này giết chết cái kia. Sách in giết chết nhà thờ". 
Dường như khi không thể cầm lòng trước mong muốn mua thêm nhiều sách, sở hữu thêm nhiều sách hơn nữa, tôi đang tiệm tiến đến các trạng thái biểu hiện của bibliomania – chứng cuồng sách. Đó là một hội chứng rối loạn tâm lý liên quan tới việc mua, tích trữ sách với số lượng lớn, và đôi khi sách không được đọc, nó chỉ đơn giản để… ngắm cho vui thôi. James Raven thì nói thêm trong cuốn Lịch sử của sách rằng, bibliomania phổ biến ngay từ thế kỷ 17 – 18, khi công nghệ in mới lan tràn khắp thế giới phương Tây và việc in ấn được nới lỏng ở nhiều khu vực trên thế giới, sách in ra nhiều, người ham muốn sở hữu sách cũng tăng lên. Và vì sách luôn tượng trưng cho tri thức của con người, nhiều quý ông giàu có sẵn sàng vung tiền ra để khiến cho các giá sách trong thư phòng mình chật ních đủ mọi loại sách trên đời. Chắc chắn cũng có những người ưa thích việc chăm chút, vuốt ve những cuốn sách, ngửi mùi giấy và mực, và dĩ nhiên… chỉ bày mà không đọc. Có nhiều kẻ tích trữ sách, rồi cũng vô số kẻ tìm cách đốt sách, người tìm cách xây thư viện, kẻ lại dùng vũ lực mà phá hủy thư viện… lịch sử xoay vần liên tục. Tôi thì không mong số sách “ít ỏi” của mình không may gặp tai ương nào đó. Chúng vẫn rất quý giá với tôi, kể cả khi chúng chỉ nằm yên trên giá sách. Sách ngày càng trở thành giá đỡ tinh thần của bản thân tôi, không hẳn vì việc đọc chúng, mà đôi khi chỉ đơn giản là vì chúng có mặt ở đó. 

Hồi kết: Tôi đang cố thay đổi

Chúng ta đang dần tiến đến tình trạng “ngợp ấn phẩm” – điều không hay ho mà James Raven nhắc tới trong sách. Quá nhiều sách vở, nhiều tới mức chúng ta cảm thấy khổ sở khi thấy chúng, khi phải đưa ra lựa chọn chứ chưa nói đến việc tiếp cận và tiêu thụ những tri thức trong đó. Người ta cũng bắt đầu tích lũy sách vở, trưng bày và khoe khoang sách vở, tổ chức đấu giá sách, gia công những cuốn sách có giá bằng nhiều nhiều tủ sách cộng lại. Điều đó không hẳn xấu, cũng không hẳn tốt. Cái gì quá thì cũng không nên. Dù sao sách cũng chỉ thực sự “sống” và mang lại ý nghĩa cho con người khi nó được đọc. Nếu chỉ nằm trên giá sách, giữa những thư phòng triệu đô, nó sẽ chết vĩnh viễn. Đôi khi thị hiếu cần nhường bước để chân giá trị dấn bước.
Hãy tiếp nhận sách bằng sự bình tâm. Không cần cổ vũ thái quá, không cần khoa trương. Hãy để mọi thứ đến với chúng ta một cách tự nhiên (Nguồn: Tác giả)
Tôi nghĩ bản thân mình đang dần dần thay đổi, ít nhất là trong việc mua sách, giữ sách. Dù đã khởi tạo việc lưu trữ sách điện tử ebooks, và số lượng hiện có vào khoảng hơn 300 tựa, tôi vẫn chưa cảm thấy sẵn sàng cho nỗ lực chuyển đổi sang sách điện tử. Dù biết có vô số tiện ích và gián tiếp có thể góp phần vào việc bảo vệ những cái cây đang hàng năm bị chặt đi để làm giấy in sách, thú thực khó có thứ gì thay thế được trải nghiệm với sách in trong tôi. Tôi chưa quen dùng Kindle, cũng chưa có ổ cứng đủ lớn để đưa chừng 1.000 cuốn sách kèm tư liệu khác vào lưu trữ. Sau cùng, tôi nghĩ bản thân tôi vẫn sẽ giữ nguyên tình yêu với sách giấy. Thêm nữa, tôi đang điều chỉnh bản thân, cân nhắc nhiều hơn cho việc mua sách bằng cách thiết lập ngưỡng chi tiêu hàng tháng. Thời buổi này, tiết kiệm thứ gì cũng tốt. Mua sách ít đi đồng nghĩa với việc tôi phải trở nên sáng suốt hơn mỗi khi đưa ra quyết định mua sách, không ôm đồm, thật bình tâm.
Tôi đang dần trở thành một bibliophile – một người yêu thích sách và đọc sách bình thường.