Ắt hẳn mọi người đều đã từng nghe hoặc thử xem bói, tử vi, tarot, chiêm tinh, thần số học, sinh trắc vân tay, Deja Vu, thần giao cách cảm, cận tử… và chứng kiến sự ứng nghiệm của nó? Dù bạn có tin hay không thì các hiện tượng có tính tâm linh vẫn xảy ra, các môn dự đoán học vẫn thể hiện năng lực dự đoán của mình, ở đây chưa nói đến những trường hợp xấu xí và lạm dụng. Nhưng nó hoạt động như thế nào? Tại sao? Trong bài này ta sẽ tiếp cận thông qua quan điểm về Sychronicity – Nguyên lý đồng thời tương ứng của Jung.
Einstein là người đầu tiên khiến Jung nghĩ về tính tương đối có thể có của thời gian cũng như không gian và tính điều kiện tâm thần của chúng. Ba mươi năm sau lần gặp Einstein, Jung đã tự nghiên cứu và sau đó làm việc cùng nhà vật lý lượng tử Pauli để tìm hiểu và viết về ý tưởng Synchronicity.
Nhà vật lý đương đại T. Filk viết rằng rối lượng tử, là "một dạng tương quan lượng tử cụ thể", được Pauli coi là "một hình mẫu cho mối quan hệ giữa tâm và vật chất trong khuôn khổ [...] mà ông đã đề xuất với Jung. (The Pauli–Jung Conjecture and Its Impact Today (2017 ed.). Imprint Academic. pp. 109–123.)
Rối lượng tử có thể là hiện tượng vật lý biểu thị gần nhất khái niệm về tính đồng thời tương ứng. Vướng mắc lượng tử hay liên đới lượng tử là một hiệu ứng trong cơ học lượng tử trong đó trạng thái lượng tử của hai hay nhiều vật thể có liên hệ với nhau, dù chúng cách xa tới mức nào, thậm chí là tới khoảng cách lên tới cả nhiều năm ánh sáng
Về truyền thống, tâm lí học bị giới hạn trong những gì diễn ra trong đâu óc con người; nhưng trong lí thuyết của Jung về tự ngã và nguyên lí đồng thời tương ứng, tâm lí học phân tích của Jung đã đi ra khỏi sự phân chia “tùy tiện” này. Khi được các sinh viên hỏi tự ngã kết thúc ở đâu và ranh giới của nó là gì, cấu trả lời của Jung dường như là nó không kết thúc, nó không có giới hạn.
“Mặc dù những nghiên cứu tâm lí thuần túy đã khiến tôi nghi ngờ bản chất tâm thần hoàn toàn của các cổ mẫu, tâm lí học có nghĩa vụ xem xét lại những giả định “thuần túy tâm thần” dưới ánh sáng của những phát hiện vật lí... Sự đồng nhất tương đối hay từng phần của liên thể tâm thần và thể chất có tầm quan trọng lớn nhất về mặt lí thuyết bởi vì nó chứa đựng sự đơn giản hóa rất lớn nhờ việc tạo sự gắn bó giữa những gì dường như không thể so sánh được giữa thế giới vật lí và tâm thần, dĩ nhiên không phải theo một cách cụ thể nào mà từ khía cạnh vật lí qua những phương trình toán học và từ khía cạnh tâm lí bởi những giả định có nguồn gốc thực nghiệm - các cổ mẫu - mà nội dung của chúng, dù chỉ đôi chút, không thể biểu hiện cho tinh thần.” Jung, Những lá thư, tập 2, đoạn 440.
“Đã có lần giấc mơ của một bệnh nhân còn cho tôi biết về mình những gì mà tôi không biết lúc đó. Cô ta mơ thấy tôi kiệt sức và cần được nghỉ ngơi. Tôi không nhận thức được điều này cho tới khi tôi cần suy nghĩ và trở nên mệt mỏi với căn bệnh cúm ngay sau đó. Tôi nhận ra rằng vô thức của cô ta đã biết được tình trạng sức khỏe của tôi chính xác hơn là ý thức của tôi. Chúng ta có thể so sánh yếu tố hiểu biết vô thức này với “con mắt của chúa”."

Định nghĩa Synchronicity

Định nghĩa hẹp là “sự xảy ra tương ứng của một trạng thái tâm thần với một hay nhiều sự kiện bên ngoài mà cùng thể hiện ý nghĩa nào đó…”. Jung, Những lá thư, tập 2, đoạn 850.
Synchronicity giải thích cho sự linh ứng giữa những mặc khải hoặc thị kiến trong mơ, những tiếng nói trong đầu, hoặc qua hành vi lập quẻ dịch, trải bài tarot, … Còn rộng ra là việc nghiên cứu vị trí các hành tinh vào thời điểm một người sinh ra có thể tìm ra những đặc điểm về năng lực, tính cách và cuộc đời của người đó, sự đồng thời tương ứng giữa vũ trụ và bản chất con người…quy luật “trên sao dưới vậy”, có một sự thống nhất và tương tác mật thiết giữa các chiều kích với nhau.
Xem định nghĩa các chiều kích:
Thường thì sự đồng thời tương ứng diễn ra khi tâm thần ở trong trạng thái abaissement du niveau mental (mức độ ý thức thấp hơn, hay tự làm yếu ý thức) và đó là trạng thái mà ngày nay gọi là trạng thái alpha hoặc theta. Điều này cũng có nghĩa là vô thức nhiều năng lượng hơn ý thức, các phức cảm và cổ mẫu bắt đầu xuất hiện trong trạng thái năng động hơn và có thể vượt qua ranh giới để xâm nhập vào ý thức.
Khi ta truy cập vào chiều kích của vô thức, đó là nơi chứa các thông điệp, các thông tin của chiều thời gian phi tuyến tính và thậm chí cả những “phức cảm có thể nói chuyện như một người có bản ngã riêng biệt” ta thấy khi bị “vong ốp”.
Trong vô thức, chúng ta biết nhiều thứ mà chúng ta thực sự không biết là mình biết. Có thể gọi đây như là những tư tưởng không thuộc chiều của suy nghĩ, hoặc vô thức ở đây là một tri thức tiên nghiệm.
Bằng việc hiểu rằng tâm thần có tương tác với các chiều kích rộng lớn khác của tâm, ta có thể tự hiểu những hiện tượng tâm linh khác cũng được xảy ra ở các chiều kích khác như vậy.

Vũ trụ học

“Các mô thức thiên văn trong chiêm tinh học đại diện cho Jung về nguyên lý đồng thời tương ứng, nghĩa là, mối quan hệ song song, phi nhân quả giữa sự phát triển của các hiện tượng thiên thể và những hiện tượng được đánh dấu bởi thời gian trên mặt đất.” Liz Greene, Jung's Studies in Astrology: Prophecy, Magic, and the Qualities of Time, Routledge, 2018.
“Kinh Dịch không dựa trên nguyên lý nhân quả thông thường mà dựa trên một nguyên lý - cho đến nay vẫn chưa được đặt tên vì nó không mấy quen thuộc với chúng ta - tôi đã tạm gọi là nguyên lý đồng thời tương ứng.” Carl G. Jung, The place of the 17th century in Jung's encounter with China, The Journal of Analytical Psychology.
Chúng ta tiên nghiệm về cảm năng thời gian, cảm năng về không gian như Kant đã phát hiện. Bị vô thức chi phối suốt cuộc đời, mở rộng ra thì lịch sử nhân loại cũng được diễn ra theo chiều hướng bị chi phối bởi vô thức như vậy. Định nghĩa rộng về nguyên lí đồng thời tương ứng đã thúc đẩy Jung viết cuốn Aion. Lịch sử văn hóa và tôn giáo phương Tây trong hai nghìn năm qua có thể được xem như là sự bộc lộ ý thức của cấu trúc cổ mẫu bên trong vô thức. Jung kết luận Không có sự tình cờ trong sự ngoằn ngoèo và thăng trầm của quá trình lịch sử.
Mỗi chúng ta là một người truyền tải một phần nhỏ ý thức mà các thời đại cần đến nhằm thúc đẩy sự nhận biết về những điều còn ẩn tàng đang phát lộ theo thời gian. Chẳng hạn, những giấc mơ cá nhân mang bản chất cổ mẫu, có thể vì mục tiêu của thời đại, bù trừ cho tính một mặt của văn hóa, và không chỉ là ý thức của cá nhân. Theo nghĩa này, cá nhân là người đồng sáng tạo sự phản ánh thực tế mà lịch sử nói chung đã bộc lộ.
Ông cho rằng, chúng ta - những con người - có một vai trò đặc biệt trong vũ trụ. Ý thức của chúng ta có thể phản ánh vũ trụ và thể hiện nó trong tấm gương ý thức.
Jung cũng chỉ ra là tính đồng thời tương ứng dường như phụ thuộc phần lớn vào sự hiện diện của tính cảm xúc, tức là sự nhạy cảm trước các kích thích tình cảm.
Cổ mẫu không chỉ là hình thức của tâm thần mà nó còn phản ánh cấu trúc cơ bản thực sự của vũ trụ. Các nhà hiền triết cổ đại nói “Trên sao, dưới vậy”. “Trong sao, ngoài vậy” đó là lời đáp của người thám hiểm tâm hồn hiện đại, Carl Gustav Jung.
----------------------------------------- Nếu bạn quan tâm đến những nội dung thế này có thể kết nối với mình qua: