(Nội dung mang quan điểm cá nhân dựa trên các trải nghiệm chủ quan).
Loa “kẹo kéo”, tên gọi chung cho các loại loa di động có công suất cao phục vụ nhu cầu ca hát tại nhà hiện nay. Ngày nay, tiếng hát vang lên từ những chiếc loa như vậy đã gần như trở thành một phần không thể thiếu trong các buổi tiệc tụ họp bạn bè hay những dịp kỷ niệm định kỳ của gia đình. Mình, cũng không ngoại lệ, cũng đã trải nghiệm cả 2 vai trò “người hát” và “người được nghe hát” nên cũng có vài suy nghĩ về nó.

Mình tự đặt câu hỏi tại sao hoạt động ca hát với loa “kẹo kéo” lại được phổ biến?

img_0
Lắng nghe âm nhạc – Có một số nghiên cứu khoa học về cách phản ứng của não bộ với các âm điệu của bài hát nhưng mình sẽ không lạm bàn quá sâu ở đây mà chỉ tập trung vào những trải nghiệm thực tế. Tùy vào âm điệu hay thể loại nhạc khác nhau nhưng hầu như tất cả chúng ta đều có xu hướng thích lắng nghe các giai điệu từ các bài nhạc để được thư giãn hoặc giải tỏa cảm xúc. Mỗi bài nhạc mang một nội dung nhất định được chất chứa trong lời hát. Nội dung của chúng lại được truyền tải đến ta thông qua sự liên kết của dòng chảy nhịp điệu được thiết kế riêng một cách phù hợp. Nhờ đó mà ta dễ dàng tiếp nhận và phát sinh các phản ứng cảm xúc với chúng. Cũng như cách mà chúng ta dễ dàng tiếp nhận thông tin lời nói từ một người có sự điều phối nhịp nhàng về giọng điệu và sự nhấn nhá vậy.
Thể hiện tâm tư – Nhu cầu bộc lộ tình cảm, cảm xúc để được hiểu và sẻ chia vẫn luôn thường trực trong mỗi chúng ta để giúp cân bằng lại tâm trạng. Và con người có nhiều cách để thực hiện điều đó qua các phương tiện truyền tải nội dung mà người khác có thể cảm nhận thông qua 5 giác quan cơ bản như: vẽ tranh theo cảm xúc, thực hiện điệu nhảy bài múa, thể hiện điệu bộ nét mặt, sáng tác văn thơ, những cái ôm hay nắm tay, những món ăn thức uống tự làm, những lời nhỏ to tâm sự, và không thể thiếu đó là lời ca tiếng hát với những bài nhạc đúng tâm trạng... Trong đó, ca hát là một hoạt động dễ thực hiện vì chỉ cần cất tiếng theo âm điệu và lời nhạc sẵn có không cần phải suy nghĩ và luyện tập quá nhiều khi hát trong một nhóm những người thân quen. Nó khác với việc vẽ tranh hay sáng tác văn thơ cần nhiều công sức rèn luyện hoặc những lời nhỏ to tâm sự cần tìm người có thể thấu hiểu mới có thể cởi mở giải bày.
Tiện lợi tiết kiệm – Trước khi có mặt loa “kẹo kéo” như hôm nay thì đã từng có giải pháp đáp ứng nhu cầu ca hát là các dịch vụ karaoke được trang bị đầy đủ về phương tiện âm thanh cũng như thiết kế cách âm. Tuy nhiên hạn chế là chúng ta cần phải di chuyển đến điểm phù hợp, giới hạn về đồ ăn thức uống hoặc có giá cao, tốn kém thêm chi phí dịch vụ… Vì lẽ đó mà sự xuất hiện của một thiết bị có thể ca hát tại địa điểm mong muốn, tốn phí mua 1 lần nhưng dùng nhiều lần, dễ dàng tổ chức tiệc ăn uống theo sở thích… đã trở thành giải pháp thỏa mãn tuyệt vời các các yêu cầu.

Thoạt nghĩ đến những nguyên nhân khiến mình tưởng chừng nhu cầu ca hát với loa “kẹo kéo” gần như là hợp lý. Tuy nhiên, vẫn luôn có những sự phản đối với chúng.

img_1
Tiếng ồn xung quanh – Đây là tác động dễ thấy nhất khi hoạt động ca hát này ngày càng phổ biến. Những thùng loa di động công suất lớn luôn sẵn sàng hoạt động mọi lúc mọi nơi với nguồn âm thanh lớn đủ khiến cho những người hàng xóm nơi nhà cửa san sát hay những vị khách dùng chung không gian công cộng trở thành những khán giả bất đắc dĩ cho những “ca sĩ không chuyên” muốn bày tỏ nỗi niềm. Đó sẽ là một cảm giác căng thẳng và bức bối vào những lúc cần nghỉ ngơi giữa buổi trưa nắng nóng hay tối muộn sau một ngày làm việc mệt mỏi hoặc những lúc cần tập trung suy nghĩ giải quyết công việc mà phải lắng nghe những âm thanh có âm lượng quá mức và âm điệu không như mong muốn.
Khó để trò chuyện – Khi hoạt động ca hát nhanh chóng trở thành hoạt động chính trong mỗi buổi tiệc thì âm thanh của nó cũng cản trở chính những người có mặt tại đó trò chuyện cùng nhau. Những buổi tụ họp hoặc kỷ niệm định kỳ là lúc mà bạn bè, người thân chúng ta gặp lại nhau sau một khoảng thời gian nên ắt hẳn sẽ có những nhu cầu trò chuyện để hỏi thăm, trao đổi về tình hình, suy nghĩ của nhau. Nhưng vì sự chiếm dụng thời gian và không gian âm thanh của hoạt động ca hát với âm lượng lớn đã làm cho những cuộc trò chuyện như vậy gặp nhiều bất lợi.

Nhu cầu ca hát đang tồn tại nhưng những ảnh hưởng cũng là điều không thể tránh khỏi. Vậy với góc độ tôn trọng và cảm thông nhu cầu của nhau, đặt mình vào vị trí người muốn ca hát thì mình nên có những điều chỉnh gì để giảm thiểu những ảnh hưởng đó?

Âm lượng vừa đủ – Yếu tố tiên quyết vẫn là âm lượng. Khi mình chọn âm lượng vừa đủ nghe trong không gian tụ họp không ảnh hưởng đến ai thì sẽ không ai phiền lòng đến hoạt động ca hát của mình cả. Cho nên mình sẽ lưu ý về không gian tại thời điểm đó. Nếu chủ động được không gian thì nên chọn các khu vực thông thoáng như vườn nhà rộng rãi, khu vực nhà cửa thưa thớt có nhiều không gian trống. Nếu không chủ động được không gian thì lưu ý điều chỉnh âm lượng vừa đủ trong nhóm lắng nghe hay đặt vị trí loa hướng vào nhà để tránh âm thanh ảnh hưởng ra xung quanh và mình thì cứ thoải mái ca hát ở từ phía sau thùng loa. Ngoài ra, chúng ta vẫn còn lựa chọn ngồi hát với nhau không cần loa kéo. Chỉ cần một chiếc đàn guitar hay âm thanh từ smartphone cũng đủ cho bạn bè thỉnh thoảng cùng nhau chia sẻ âm điệu trong bữa tiệc.
Thời gian phù hợp – Nói về thời gian thì mình muốn đề cập đến 3 yếu tố: thời điểm, thời lượng và tần suất. Thời điểm thì mình sẽ tránh ngày làm việc và giờ nghỉ ngơi. Về thời lượng, mình sẽ lưu ý đến số bài mà mình đã hát cũng như thương lượng một nguyên tắc như vậy với những người cùng chung cảnh ngộ để đảm bảo không vượt quá khung giờ phù hợp và cũng không chiếm mất thời gian, không gian trò chuyện của những người có nhu cầu. Còn tần suất dù rằng mình có nhu cầu, nhưng cũng không thể cách 2, 3 ngày là phải khiến những người hàng xóm thân thiết trở thành khán giả bất đắc dĩ . Điều này cần để ý cân chỉnh để sao cho bản thân mình có thời gian thoải mái và người khác cũng vậy.
Không bớt không thêm – Ý mình ở đây là, nếu như trở thành khách trong một buổi tiệc hay buổi tụ họp mà hoạt động ca hát chưa phù hợp về thời gian, âm lượng mà mình lại không thể đủ sức thuyết phục để ngăn cản hay điều chỉnh lại các yếu tố đó thì thay vì góp giọng chung vào hoạt động ca hát tạo ra âm thanh thì mình có thể tự hạn chế bản thân để cho các khán giả bất đắc dĩ không phải miễn cưỡng lắng nghe thêm một bài hát nữa từ mình.

Với hiểu biết hạn hẹp, mình chưa dám khẳng định về các biện pháp lâu dài. Chỉ trộm nghĩ, nếu có về dài hạn vấn đề có thể giải quyết được thì điều gì sẽ khiến kết quả đó xảy ra?

Quy định khắt khe – Có lẽ đầu tiên phải nói về các quy định từ bên có thẩm quyền. Một khi các quy định và việc triển khai các quy định này trở nên chặt chẽ và khắt khe hơn thì sẽ trở thành động lức khiến cho nhu cầu hành vi thay đổi, tạo tiền đề cho các giải pháp thay thế xuất hiện.
Giải pháp thay thế – Với góc nhìn chủ quan thì mình nghĩ nhu cầu sẽ luôn tồn tại, chỉ có cách đáp ứng là thay đổi. Giữa việc nhận thức được vấn đề và sự xuất hiện của giải pháp thay thế mình không biết chắc được cái nào sẽ đến trước cái nào. Nhưng có một điều khá chắc chắn là một khi có cách đáp ứng mới dễ thực hiện hơn, ít ảnh hưởng tiêu cực hơn thì tất yếu mình sẽ chọn cách làm mới thay vì phương án cũ. Như một cách có đề cập ở trên là mình có thể hát với nhau không cần loa kéo, chỉ cần một chiếc đàn guitar hay âm thanh từ smartphone thì bạn bè đã có thể chia sẻ lời ca tiếng hát với nhau rồi. Còn xa xôi hơn khi nhu cầu ca hát vẫn còn đó thì mình có nghĩ đến một thời điểm mà sự phát triển về công nghệ hay dịch vụ khiến cho chúng ta có thể dễ dàng sở hữu các thiết bị ca hát chỉ có cá nhân có thể lắng nghe hoặc không gian riêng cho việc tụ họp một cách dễ dàng với chi phí thấp thì lúc ấy có thể thoải mái thỏa mãn lời ca mà không ảnh hưởng đến xung quanh. Hoặc một kịch bản khác khi hoạt động ca hát trở nên quá bình thường vì chúng đã được thực hiện quá thường xuyên và không còn là xu hướng nữa. Lúc đó văn thơ, vẽ tranh, nấu ăn hay một loại hình mới xuất hiện trở thành một xu hướng ưa thích cộng thêm việc dễ dàng học hỏi tập luyện thì có chăng mỗi khi tụ họp nhau chúng ta sẽ không hát nữa mà sẽ cùng vẽ tranh, đối đáp văn thơ thì sao.
2024.02.24 - Rằm tháng Giêng, chút suy nghĩ sau những ngày nghỉ Tết.