SẼ KHÔNG CÓ CUỘC CÁCH MẠNG GIÁO DỤC NÀO HẾT
Công nghệ không thể tạo nên cách mạng trong giáo dục
Shark Tank Việt Nam số mới nhất có 1 start-up ứng dụng Metaverse vào giáo dục. Họ tạo ra lớp học ảo, và người dùng có thể tham gia lớp để học tập từ xa. Và tôi rất thích nhận định của Shark Bình, rằng họ đang làm phức tạp hóa những thứ đơn giản. Quan điểm của cá nhân tôi vẫn là công nghệ không thể tạo nên cách mạng trong giáo dục ở thời điểm hiện tại.
Như trong video #21 trên kênh Youtube HAM HỌC, tôi đã nhấn mạnh rằng học tập mà một TRẢI NGHIỆM XÃ HỘI. Người học không chỉ đơn thuần là tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy, mà họ còn tương tác với giáo viên, với bạn học. Họ tán gẫu, vui đùa, trêu chọc, tâm sự, tranh cãi, tham gia các hội nhóm, rung động trước bạn cùng lớp, cùng hàng tá hoạt động khác ngay tại lớp học. Đó là một phần quan trọng giúp họ giữ được tinh thần tích cực trong học tập. Khi thiếu những trải nghiệm xã hội trên, hoạt động học sẽ bị ngưng trệ. Công nghệ chưa thể mang lại điều này cho các lớp học ảo.
Ngay cả khi Metaverse đủ tốt để con người sống trên đó và thực hiện tất cả những trải nghiệm xã hội trên thì tôi vẫn không cho rằng đó sẽ là một cuộc cách mạng giáo dục. Bởi yếu tố then chốt trong giáo dục là giáo viên. Họ là linh hồn của lớp học. Chất lượng giáo dục nằm trong tay giáo viên, tinh thần học tập của học sinh nằm trong tay giáo viên, sự đoàn kết của lớp học nằm trong tay giáo viên. Tất cả những yếu tố khác, như chương trình, công nghệ... chỉ đóng vai trò phụ trợ để quá trình giao tiếp giữa giáo viên với học sinh trở nên thuận tiện hơn. Cách mạng nếu có xảy ra thì phải xảy ra với phần linh hồn, chứ không phải với những thứ phụ trợ bên lề.
Và bởi vì giáo viên là linh hồn của giáo dục cho nên giáo dục là một thứ mang tính cá nhân rất cao. Trong cùng 1 ngôi trường thì mỗi lớp học lại có chất lượng khác nhau, tinh thần khác nhau, bầu không khí khác nhau, phụ thuộc vào cái chất riêng của từng giáo viên đứng lớp. Do đó, chỉ có 2 cách để tạo nên một cuộc cách mạng thật sự trong giáo dục. Hoặc là làm sao để toàn bộ giáo viên đều xuất sắc, hoặc là đưa thật nhiều học sinh đến được với lớp học của những giáo viên hàng đầu.
Cách thứ nhất là bất khả thi, tuyệt đối bất khả thi. Người ta hay nhắc đến "Bài học Phần Lan" như một tấm gương sáng về chuẩn hóa chất lượng giáo viên ở mức ngoại hạng. Tuy nhiên, như tôi từng nêu trong 1 cuộc tranh luận, rằng bạn sẽ đứng đầu thế giới trong nhiều lĩnh lực (không chỉ giáo dục) khi bạn có diện tích và trữ lượng tại nguyên tương đương Việt Nam nhưng dân số còn ít hơn Hà Nội. Không phải quốc gia nào cũng có điều kiện thuận lợi như Phần Lan.
Cách thứ hai có chút hy vọng, nhưng rất mong manh. Nhiều người nghĩ rằng với sự phát triển của công nghệ, hàng nghìn học sinh có thể tìm đến những giáo viên xuất sắc nhất để học từ xa. Nhưng họ quên mất rằng không chỉ học, mà dạy học cũng là một hoạt động xã hội. Tức là bản thân người giáo viên cũng tương tác với học sinh. Tôi khẳng định chắc chắn rằng tất cả những giáo viên xuất sắc nhất đều có thể nhớ tên, hiểu rõ tâm lý, tính cách, hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp. Nên nhớ rằng giáo dục đỉnh cao cần tôn trọng tính cá nhân của người học.
Vấn đề là bạn chỉ làm được như vậy khi trong lớp có 30 học sinh, chứ không phải là 300 hoặc 3000. Với một số lượng người học quá lớn, giáo viên không thể kết nối với từng người. Cho nên, bất kể Metaverse có ưu việt đến đâu, nó cũng không thể giúp hàng nghìn học sinh tìm đến một giáo viên xuất sắc như giấc mơ mà chúng ta vẽ ra.
Trừ khi...
Trừ khi công nghệ có thể tạo nên những giáo viên ảo mô phỏng giống hệt giáo viên thật, đến mức mà người học không thể phân biệt rằng đó là người thật hay AI. Một phần mềm siêu hạng như thế có thể đảm bảo cả 2 tiêu chí: quan tâm đến từng cá nhân; và quan tâm đến hàng nghìn, thậm chí hàng triệu cá nhân cùng một lúc.
Liệu con người có thể tạo nên một phần mềm như thế hay không? Thật khó nói, nhưng quan điểm của cá nhân tôi là không. Và giả sử một ngày nào đó chúng ta làm được, thì có lẽ xã hội đã thay đổi rất khác rồi, và con AI đó sẽ được sử dụng vào vô số việc khác trước khi được đưa vào giáo dục. Nói tóm lại thì giấc mơ về 1 cuộc cách mạng giáo dục dựa vào công nghệ vẫn là quá xa vời.
PS: Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất