Trong bài hát "There's a light that never goes out / Có một tia sáng không bao giờ tắt" của nhóm nhạc Anh quốc "The Smiths" có một câu như thế này:
"Kể cả khi chiếc xe tải 10 tấn kia có đâm vào mình và giết chết cả hai, được chết bên em là niềm hạnh phúc và sự hãnh diện của tôi."
Liệu sự can đảm và niềm tin vào một tình yêu mãnh liệt này có phải là mù quáng?
Trong chương cuối cùng của “The Art of Loving”, nhà Triết học và Phân tâm học Erich Fromm đã đề cập tới “đức tin” như một trong bốn yếu tố tối quan trong khi thực hành “yêu”. Tuy nhiên, chỉ mình tình yêu thôi có đủ sức mạnh cho ta vượt qua những tổn thương trong quá khứ, để một lần nữa sẵn sàng phơi bày những vết thương còn chưa lành trước những niềm tin tưởng chừng như đã mất hay không?
Sự liều lĩnh này được Erich Fromm mô tả như sau:
“Yêu tức là đồng ý cam kết với một người nào đó mà không có bất kỳ sự bảo đảm nào. Khi ấy, ta chỉ có thể tin tưởng hoàn toàn rằng tình yêu của chúng ta cũng sẽ đem lại tình yêu từ phía đối phương. Yêu là một hành động của đức tin và một người có ít đức tin đồng thời cũng không có nhiều tình yêu. Nhưng để có một đức tin, ta cần lòng can đảm - khả năng chấp nhận rủi ro, nỗi đau và cả sự thất vọng. Bất kỳ ai bám chấp vào sự an toàn và yên ổn như những điều kiện tiên quyết của cuộc sống đều khó có thể có được đức tin. Bất kỳ người nào tự giam mình sau một hàng phòng thủ chắc chắn, nơi khoảng cách và sự sở hữu là biểu tượng cho sự an toàn thì chính người đó đang tự biến mình thành tù nhân. Cả việc yêu và được yêu đều cần lòng can đảm, lòng can đảm để đề ra một số giá trị tối thượng là mục tiêu duy nhất cần quan tâm tới - và sẵn sàng hy sinh, đánh đổi mọi thứ cho những giá trị ấy.”
Chắc hẳn, đây không phải là một đức tin xuất phát từ sự tự huyễn hoặc của những trái tim còn lạc lối trong những chấn thương chưa được chữa lành. Trong các trích đoạn trước, ông có nhấn mạnh rằng đây là một đức tin xuất phát từ lý trí [rational faith], là kết quả của tiến trình tư duy và quan sát, chiêm nghiệm và liên tục phản tư. Từ đó, một người có thể xây dựng lại đức tin vào bản thân họ trước tiên, rằng “họ trong tương lai cũng chính là họ của ngày hôm nay, và những cảm xúc hay hành vi của họ cũng sẽ không nằm ngoài nhận thức của họ.” Khi ấy, họ mới có thể hình thành đức tin vào người khác và sự tồn tại của tình yêu.
Cùng trong chương này, ông cũng đề cập tới vai trò của giáo dục trong việc hỗ trợ một đứa trẻ nhận ra tiềm năng của bản thân và tự xây dựng đức tin vào chính bản thân mình, thay vì thao túng trẻ làm theo một khuôn mẫu hay giá trị đã có sẵn để nhận được sự chấp nhận từ người lớn.
Quan điểm mang hơi hướng nhân bản [humanistic] này có phải lại một lần nữa phản ảnh tư tưởng của Carl Rogers -  một trong những người đặt nền móng cho trường phái tâm lý học nhân bản? Carl Rogers cho rằng, sự chấp nhận, tình cảm, tình yêu, sự nồng ấm và sự tôn trọng một cách vô điều kiện từ những người quan trọng đối với ta như cha mẹ, thầy cô, bạn bè, người tình, hay những người mà ta kính trọng chính là nguồn năng lượng cho ta thoả sức khám phá tiềm năng của bản thân và những phiên bản khác nhau của bản thân mà ta có thể trở thành mà không vướng vào bất kỳ sự lo sợ nào. Ngược lại, ta còn cảm thấy an tâm khi luôn có một bến bờ để quay về.
Vậy thì liệu có tồn tại hay không, sự chấp nhận vô điều kiện dành cho chính bản thân mình ở những đứa trẻ đã từng phải đánh đổi cả thế giới nhỏ bé để bằng mọi giá giành lấy sự chấp nhận từ người lớn?
Và, liệu những đứa trẻ ấy khi đã trưởng thành có đủ can đảm để tin tưởng rằng, chính mình là người có thể chấp nhận và hiểu rõ tâm can mình hơn ai hết, và cũng chính mình là người duy nhất có quyền quan sát và thay đổi nội dung của những thước phim siêu thực với đầy đủ âm thanh, hình ảnh, màu sắc, cảm xúc và ý tưởng đang liên lục chạy trong bộ não và cơ thể độc nhất này?
Đây là những câu hỏi mà có lẽ mỗi cá nhân sẽ phải tự mình đối mặt với thế giới và tự tìm lấy câu trả lời.
Quay trở lại với Erich Fromm, bên cạnh các yếu tố thiết yếu khác, lòng can đảm và rational faith là hai khái niệm luôn song hành, cùng nhau xây đắp, bảo vệ và tạo giá trị cho “bản hợp đồng” có tính rủi ro cao mang tên tình yêu giữa thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa tiêu thụ, nơi con người sẵn sàng đánh đổi mọi thứ cho những niềm vui sướng kéo dài trong giây lát.
Việc tiếp cận với tình yêu như một thái độ hay một phong cách sống trong “The Art of Loving” được  Erich Fromm trình bày một cách triết lý và hệ thống, tuy nhẹ nhàng nhưng chỉ một đoạn trích thôi cũng có thể khiến người ta day dứt suy nghĩ cả đêm như vậy đó.
Tác giả: Keira Ngo
Ảnh: Edward Hopper - "Automat", được trưng bày lần đầu tiên vào ngày lễ Valentine năm 1927.
Tham khảo: Bài viết được hoàn thành dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân mình có được trong quãng thời gian nghiên cứu và làm việc trong ngành Tâm lý & Giáo dục. Để tìm hiểu thêm về chủ đề này, bạn có thể tìm đọc cuốn “Nghệ thuật yêu" của Erich Fromm.