Đại dịch do SARS-CoV 2 gây ra, cũng như các chính sách hạn chế với mục đích phòng tránh sự lây lan, đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và cách làm việc của gần như toàn nhân loại. Trong số đó, những người làm công việc ngồi bàn giấy vi tính có thể xem là nhóm người ít chịu tác động về tài chính hơn. Tuy vậy, việc hạn chế tiếp xúc và không thể đến nơi làm việc đã khiến các hình thức làm việc từ xa (tuy không quá mới mẻ nhưng chưa từng được áp dụng rộng rãi trước dịch) nhanh chóng trở nên phổ biến và thay thế hình thức làm việc tập trung truyền thống. Tương tự với nhóm người trên là nhóm học sinh, sinh viên. Họ cũng chịu sự thay đổi từ các hình thức học trực tuyến kể từ đầu đại dịch.
  Các hình thức làm việc trực tuyến đã thể hiện rõ sự tiện lợi qua việc ít phải chuẩn bị hơn cho các vấn đề đi lại và hình thức trang phục, cũng như qua sự chuyển đổi linh hoạt giữa các thao tác trong môi trường làm việc và cuộc sống gia đình - cá nhân. Hoàn toàn không thể phủ nhận điều này. Nó có thể trở thành chìa khóa mở ra nhiều cơ hội cho những loại hình công việc và cách làm việc mới mà ít ai nghĩ đến trước kia. Tuy nhiên, phương thức làm việc mới không có nghĩa là nó sẽ luôn đúng hoặc tốt hơn các phương thức trước đó. Sẽ luôn có một loạt vấn đề mới phát sinh và kéo theo những hệ lụy cần được lưu ý. Bài viết sẽ chỉ nêu một số vấn đề tiêu biểu tính đến thời điểm hiện tại.

1. Ít vận động:

  Các nghiên cứu tại Nhật Bản [1][2] đã chỉ ra sự tương quan giữa làm việc tại nhà và sự ít vận động của nhân viên. Tại, nghiên cứu [1], so với nhóm làm việc tại công ty, nhóm làm việc tại nhà có thời gian không vận động trung bình dài hơn (335,7 phút so với 224,7 phút) và thời gian vận động vừa và mạnh trung bình ngắn hơn (55,3 so với 91,9). Đồng thời, nghiên cứu này cũng cho thấy hoạt động thể chất có xu hướng giảm đi theo chiều tăng của tỉ lệ phần trăm phần việc được làm tại nhà (hình)
  Ở sinh viên đại học, đã có các nghiên cứu chỉ ra xu hướng tương tự về sự giảm đi của hoạt động và mức tiêu tốn năng lượng thể chất [3], [4]. 
  Mặc dù chưa tìm thấy nghiên cứu nào về quan hệ nhân quả giữa việc học - làm tại nhà và xu hướng giảm vận động đã nêu, nó được cho là do sự thay đổi môi trường làm việc và học tập sang không gian nhỏ hẹp và ít có sự tương tác trực tiếp hơn, dẫn đến sự giảm đi các nhu cầu đi lại trong và ngoài nơi làm việc. Thói quen tại chỗ của dân văn phòng và việc không gian làm việc tại nhà không được thiết kế để khuyến khích người làm rời hoặc xê dịch khỏi chỗ ngồi cũng được cho là góp phần vào xu hướng này. Việc học và họp qua các nền tảng trực tuyến, vốn cần sự chú ý và theo dõi của người tham gia trong suốt quá trình cũng khiến họ khó rời khỏi màn hình, kể cả khi có các khoảng giải lao nhỏ. Điều này thường thấy hơn ở sinh viên đại học.
  Lối sống gắn liền với việc ngồi một chỗ trong thời gian dài và ít vận động thể chất  sẽ khiến cơ thể yếu đi và trở nên kém linh hoạt, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về trĩ, béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, các bệnh về tim mạch và làm tăng nguy cơ tử vong. Thêm vào đó, sự tiếp xúc với các thiết bị điện tử nhiều hơn so với trước dịch cũng dẫn đến vấn đề được nêu ở phần tiếp theo:

2. Dành nhiều thời gian trước màn hình:

  Mặc dù các vấn đề liên quan tới việc dành nhiều thời gian với màn hình đã xuất hiện và được nhắc đến rất lâu trước khi xuất hiện dịch bệnh và các biện pháp hạn chế, sự dịch chuyển các hoạt động tương tác qua các nền tảng trực tuyến làm tăng thời gian ngồi trước màn hình lên đáng kể so với trước dịch [5], khiến nó trở thành thứ đáng được nhắc lại. Trong phạm vi bài viết, tôi sẽ không đề cập tới những tác động về tâm lý (chẳng hạn như bị cuốn hút vào nội dung, hay nghiện hành vi lên mạng), mà chỉ tập trung vào những tác động trực tiếp đến cơ thể, cụ thể là mắt.
  Ánh sáng xanh (nhất là ánh sáng có bước sóng đủ ngắn để rơi vào ngưỡng xanh-tím) đã được kết luận là có hại cho mắt. Nó gây kích ứng oxy hóa ở vùng ngoài của tế bào cảm quang và dẫn đến sự thoái hóa của các tế bào này cũng như các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc. Việc nhìn trực tiếp ở khoảng cách gần, tập trung vào một vùng nhỏ duy nhất trong thời gian kéo dài, bên cạnh gây ra mỏi mắt, còn khiến các tia sáng xanh nói trên chiếu thẳng vào mắt, khiến thị lực chịu sự tổn hại một cách trực tiếp và nghiêm trọng hơn.[6] Tính đến thời điểm hiện tại, các loại màn hình đang có trên thị trường vẫn đang sử dụng ánh sáng xanh như đã nêu để chiếu sáng cũng như hiển thị hình ảnh. Và đáng buồn may, tôi không nghĩ rằng một công nghệ chiếu sáng và hiển thị gần với cách ánh sáng phản chiếu từ giấy vào mắt, hoặc / và ít hại mắt hơn sẽ xuất hiện trong tương lai gần. Cho đến lúc đó, đặc biệt trong đợt dịch này, giới văn phòng và học sinh - sinh viên vẫn sẽ phải tiếp tục ngồi trước màn hình trong sự lo ngại về thị lực.

3. Tương tác xã hội:

  Các biện pháp hạn chế và các hoạt động làm việc từ xa đã và đang khiến các nhân viên không có nhiều cơ hội để giao tiếp mặt đối mặt với nhau. Học sinh và sinh viên dù được tham gia vào các buổi học (và phần nào có nhiều sự tương tác hơn) cũng không khá hơn là mấy khi thời gian để tương tác với người giảng dạy là không đủ.
  Con người là động vật có tính xã hội. Bất kể ở nơi học tập, nơi làm việc, hàng quán, hay tại những nơi công cộng khác, xã hội loài người từ lâu đã gắn liền với sự gặp gỡ và tương tác giữa các cá thể với nhau. Việc thiếu đi sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người cũng như sự tham gia vào xã hội gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Chúng bao gồm tính từ chối xã hội, chủ nghĩa cá nhân, sự thiếu quan tâm đến người khác và sự mất đi ý thức cộng đồng. Điều này cản trở quá trình học hỏi và trưởng thành ở người, vốn cũng là một nhu cầu cơ bản của chúng ta, biết rằng phần lớn những gì thỏa mãn mỗi chúng ta trong hành trình cuộc đời chính là những mối quan hệ gắn bó bản thân và người khác cùng nhau tạo nên.
  Mọi độ tuổi đều chịu ảnh hưởng theo những cách khác nhau, không có ngoại lệ. Đáng lưu ý nhất trong số đó là lớp trẻ. Vì bản thân vẫn đang trong quá trình phát triển và còn chưa hoàn thiện, việc không được đến trường và thực hiện các tương tác trực tiếp sẽ gây khó khăn trong quá trình tiếp thu kiến thức từ sách vở, cũng như khả năng tương tác xã hội và học cách để trở thành người, ảnh hưởng đến phần lớn cuộc đời của chúng trong những năm kế tiếp. Với những người đã đi làm, việc không được tiếp xúc với đồng nghiệp (và có thể còn phải cùng lúc xử lý việc công sở lẫn việc nhà) trong giờ làm việc cũng tạo ra áp lực về tâm lý. Điều này có thể gây căng thẳng và lo âu nhiều hơn cho người chịu ảnh hưởng, và nếu kéo dài sẽ có nguy cơ dẫn tới các bệnh về tâm lý, trong đó có trầm cảm.

4. "Lịch làm việc linh hoạt" hay "công việc mọi lúc":

  Nếu các vấn đề 2 và 3 có thể chỉ là tạm thời trong mùa dịch và sẽ được kết thúc sau khi các xã hội mở cửa hoàn toàn, thì vấn đề tôi sắp nói ở đây có khả năng sẽ trở thành vấn đề lâu dài và sẽ còn tiếp diễn trong một khoảng thời gian dài, kể cả sau khi xã hội mở cửa trở lại và COVID-19 không còn được xem là mối đe dọa nữa. 
  Sự phổ biến của các thiết bị thông minh gọn nhẹ cũng như sự phát triển của các phương thức liên lạc qua các nền tảng số, bao gồm cả các ứng dụng nhắn tin với tính chất nhanh gọn hơn so với e-mail / thư điện tử kiểu cũ, đã giúp việc trao đổi công việc trở nên nhanh và linh hoạt hơn và được cho là làm tăng hiệu suất công việc nói chung. Tuy nhiên, một trong số những mặt trái của điều này chính là những kỳ vọng vào sự phản hồi nhanh chóng của đối phương và áp lực khi phải đáp ứng và bắt kịp tốc độ ấy. Thậm chí, sự nhanh chóng và linh hoạt này còn đang lấn sang khoảng thời gian ngoài giờ làm việc, nhất là với một số ngành nghề mang tính chất đa quốc gia và phải làm việc với đối tác ở các múi giờ khác nhau. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng “always-on” (luôn giữ kết nối), thứ đang dần lan rộng và trở thành một văn hóa, trong đó người ta phải luôn trong trạng thái sẵn sàng nhận tin nhắn hoặc cuộc gọi công việc cũng như tham gia các cuộc họp, kể cả ngoài giờ làm việc chính thức, cuối tuần hoặc trong kỳ nghỉ. Việc ở nhà, ít dịch chuyển và ít tham gia các hoạt động bên ngoài trong mùa dịch bệnh càng khiến người làm việc gắn mình với chiếc máy tính, dẫn đến mức sẵn sàng cao hơn cho các yêu cầu công việc và các cuộc liên lạc từ xa. Nó dẫn tới sự xóa nhòa ranh giới giữa giờ làm việc và thời gian ngoài công việc, vốn đã có xu hướng trở nên mập mờ hơn trước. Việc không thể đưa tâm trí thoát hẳn khỏi công việc và không thể toàn tâm toàn ý cho cuộc sống bên ngoài cũng như các mối quan hệ sẽ cản trở rất nhiều mặt trong cuộc sống con người, vốn là sinh vật cần nhiều sự tương tác xã hội. Điều này hoàn toàn dẫn đến những vấn đề về tâm lý, trong đó bao gồm hội chứng “burnout” (cháy máy).
  Nếu các hình thức kết nối và làm việc từ xa tiếp tục được phát triển và mở rộng phạm vi sau đại dịch (đây là điều chắc chắn với nhiều ngành nghề, trong đó có các ngành về CNTT), e rằng văn hóa luôn giữ kết nối sẽ trở thành một thứ khó tránh khỏi nếu không có sự điều tiết. Trong kịch bản tệ nhất, sự “mất kết nối” để dành thời gian hoàn toàn cho cá nhân có thể sẽ trở thành một “đặc quyền” chỉ dành cho một số người nhất định. Mặc dù đã bắt đầu có một số công ty, tập đoàn, đã thực hiện việc hạn chế liên hệ công việc và một số còn cho phép nhân viên được “ngắt kết nối” hoàn toàn khỏi công việc (thậm chí ở Pháp, chính phủ còn có luật về quyền “ngắt kết nối” của nhân viên [7]), để điều này được phổ biến ra nhiều tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hơn vẫn là điều rất khó, và việc mọi tổ chức và cá nhân đều áp dụng điều này sẽ là bất khả thi. Quá trình chuyển đổi sang làm việc từ xa, sự linh hoạt trong giờ giấc làm việc và văn hóa giữ kết nối mọi lúc, xét cho cùng, cũng là hệ quả từ sự phát triển các phương thức làm việc cũng như sự lớn lên của nhu cầu tiêu thụ và sản xuất. Việc chỉ đơn giản trao quyền ngắt kết nối cho một nhóm người chưa chắc sẽ giải quyết được toàn bộ vấn đề. Thậm chí, nó có thể khiến cho một xã hội đang phụ thuộc vào sự kết nối để vận hành bị dừng lại giống như một chiếc xe phanh gấp, gây ra những thiệt hại lớn khác.
  Tuy tôi không ủng hộ việc rơi vào vòng xoáy “always-on”, tôi không cho rằng việc chỉ giải quyết ở phần ngọn và áp dụng chỉ trong một số phạm vi nhỏ nhất định là ý tưởng hay. Tôi cũng không nghĩ chúng ta sẽ có một giải pháp đơn giản trong tương lai gần.
Đôi lời kết:
  Một trong số những câu nói mình ít tin vào nhất chính là chuyện xã hội luôn vận hành theo chiều hướng đi lên, hay ngày càng tốt đẹp hơn. Không phải vì hướng ngược lại là đúng, mà vì bản thân một thực thể, một sự kiện hay một thuộc tính vốn không có tính tốt / xấu. Tốt / xấu xuất phát từ sự đánh giá trong tư duy con người, khi họ đối chiếu những gì xảy ra với những gì họ đã học được trước đó, thông qua trải nghiệm và ngôn ngữ. Do đó, việc xem một sự thay đổi là tốt hay xấu còn phải dựa vào các tiêu chí được chọn và hệ quy chiếu của người đánh giá.
  Dù vậy, tôi tin vào việc xã hội con người đang trở nên phức tạp hơn. Chúng ta tạo ra công cụ và phương pháp mới để giải quyết những vấn đề cũ, để rồi nhận ra bản thân vừa tạo ra thêm một loạt vấn đề mới. Trong một số trường hợp, số vấn đề được tạo ra còn nhiều hơn số được giải quyết. Học và làm việc từ xa cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Tôi không phủ nhận sự tiện lợi cũng nhiều cơ hội mới do hình thức này tạo ra, song nó vẫn chưa thể là hình thức làm việc ưu việt và thật sự có thể thay thế hoàn toàn hình thức làm việc tập trung, ngay cả ở những ngành nghề hưởng lợi nhiều nhất từ nó. Những mặt trái của nó đối với người đi học, đi làm vẫn còn đấy và chưa được giải quyết triệt để, và những gì tôi viết cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh về những thứ có thể xảy ra trong tương lai, khi hình thức làm việc này đang dần được phổ biến.
  Để kết thúc, tôi muốn đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta có biện pháp nào giải quyết được triệt để nhất có thể những điểm tiêu cực này (ngoài việc quay ngược thời gian về lúc làm việc từ xa chưa phổ biến =]] ) hay không ? Hay cách duy nhất là chấp nhận chúng như một phần của tương lai không thể tránh khỏi để chung sống (hoặc chịu đựng) ? (Ít nhất là tới khi một phương thức làm việc và hệ thống quản lý mới xuất hiện và thay thế hoàn toàn kiểu làm việc từ xa chúng ta đang biết, nhưng là khi nào ?)
------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nguồn tham khảo:
[7] British Broadcast Corporation (2016), “French workers get 'right to disconnect' from emails out of hours” (truy cập trong tháng 11 năm 2021).
 Đọc thêm:
McDowall, A., & Kinman, G. (2017). The new nowhere land? A research and practice agenda for the “always on” culture. (doi:10.1108/joepp-05-2017-0045)