Leonardo da Vinci's 'The Lady with an Ermine,' a Beguiling Portrait of  Elegant Mystique | The Most Famous Artworks in the World | Sotheby's
Người phụ nữ bên con chồn
*Bài viết review cuốn sách Leonardo Da Vinci của tác giả Walter Isaacson
Cuốn tiểu sử Leonardo Da Vinci của Walter Isaacson mang hơi thở lãng mạn của một mùa thu nước Ý – lãng đãng, mộng mơ, đầy nhiệt sống. Có lẽ, năng lượng dồi dào này không phải bỗng dưng chảy ồ ạt từ ngòi bút của Isaacson mà nó vốn đã lèn chặt trong chính cuộc đời, sự nghiệp, con người của Leonardo Da Vinci.
Đây là cuốn sách không phải để cố mà đọc, thay vào đó hãy cứ thả lỏng mình để cho từng câu chữ tự khắc dẫn dắt độc giả đi vào thế giới của một họa sĩ đa tài, đa cảm, một con người luôn không ngừng tò mò, háo hức với mọi rung động của cuộc đời.
Leonardo Da Vinci
Bìa sách là bức chân dung Leonardo do học trò "cưng" của ông vẽ
Nếu nhìn nhận Leonardo như một họa sĩ thì vẫn chưa đủ. Để trả lời cho câu hỏi Ông là ai? Có lẽ ông chính là một linh hồn sống khao khát giải đáp, thâu nhận mọi động đậy diệu kỳ của thiên nhiên, con người. Đó có thể là lưỡi của con gõ kiến, là sắc xanh của bầu trời hay là tính thống nhất giữa nhân hình và vũ trụ. Những vận động bé nhỏ mà hầu như bất cứ ai trong chúng ta đều dễ dàng chấp nhận không ngần ngừ, đều bỏ qua như một lẽ hiển nhiên, thì Leonardo lại cẩn thận ghi chúng vào sổ tay, giành đến đôi khi hàng năm trời để tìm hiểu, quan sát chúng. Ông sống như một đứa trẻ đầy háo hức muốn khám phá đến từng chân tơ kẽ tóc thế giới này, muốn mổ xẻ mọi tạo tác của Chúa ra mà ngắm nghía, sờ mó.
Cuốn tiểu sử được viết theo bố cục quen thuộc, theo dòng thời gian, hành trình sống của Da Vinci, những mối quan hệ xoay quanh ông như người tình, học trò, người bảo trợ, bố mẹ, gia đình, xen kẽ là những lời bình tranh vừa sắc sảo vừa đẫm chất thơ. Cách Isaacson miêu tả tranh của Leonardo chắc chắn sẽ làm bất cứ ai phải lật giở lại để ngắm nghía bức vẽ, tìm xem cái tiểu tiết tinh tế mà ông nhắc tới ở đâu và càng trở nên trầm trồ về sự hoàn hảo chỉn chu của người họa sĩ tài hoa này.
Cái cách ông theo đuổi tri thức cũng thật trẻ con – thuần khiết đến từ sự tò mò và từ tình yêu lớn lao với tri thức. “Ông muốn tích lũy tri thức vì chính nó, vì niềm vui thích cá nhân chứ không phải ước muốn có được danh tiếng của một học giả uyên thâm hay trở thành một phần trong tiến trình của lịch sử”. Ông tìm hiểu cũng như đầu tư rất nhiều thời gian vào toán học, kỹ thuật, cơ khí, kịch nghệ, y học…. gần như đủ lĩnh vực dàn trải từ khoa học tự nhiên sang khoa học xã hội. Mà trong đó, Leonardo đều gặt hái được những thành quả xuất sắc.
Leonardo da Vincis
Một trang trong cuốn sổ tay của Leonardo Da Vinci
Và vô hình chung, chính nhờ sự uyên bác sâu rộng, trải dài trên nhiều vùng sống đã giúp ông vẽ nên một nụ cười quyến rũ của nàng Lisa, đôi mắt sáng rỡ dịu hiền của nàng Cecilia và từng lớp sóng cảm xúc mãnh liệt trong Bữa tối cuối cùng. Leonardo đã kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh sáng tạo của nghệ thuật vượt lên trên thực tế xác thịt cùng tính khoa học, sự vận động có quy tắc của mọi vật lên bức vẽ của mình. Để từ đó có thể bắt chộp, khóa chặt những khoảnh khắc vận động đầy nhựa sống vào khung tranh của mình, thổi hồn vào từng nhân vật như thể họ vẫn đang thở, vẫn đang dùng ánh mắt để giao tiếp với người xem, như thể ta đang xem một vở kịch đến hồi gay cấn, đang đọc vị được mọi cảm xúc của người phụ nữ say men tình. “Leonardo đã ghi lại cả một câu chuyện kể bằng một khoảnh khắc thoáng qua, khoảnh khắc chứa đựng cả đời sống bên ngoài lẫn nội tâm bên trong của nhân vật. Trong chuỗi liên tiếp những bàn tay, móng vuốt, con mắt cùng một nụ cười bí ẩn, ta thấy hiện lên cả chuyển động của cơ thể lẫn xao động nơi tâm hồn”. Thật ra chính Leonardo đã trao cho người xem năng lực thần kỳ đó, bằng cách tỉ mẩn vẽ từng lớp cơ, mổ xẻ từ cơ thể người đến đầu ngựa, nghiên cứu cách cảm xúc được hình tượng hóa trên khuôn mặt. Chính ông đã biến cuộc đời mình trở thành một cuộc phiêu lưu kỳ thú mà quả không ngoa khi nói rằng, vùng đất tri thức nào cũng ít nhiều in dấu chân ông.
Nhưng Leonardo cũng mang cho ta cảm giác rất đỗi thân quen, bởi ông cũng là một người bình thường có khuyết điểm rất đời và rất Ý. Cứ ngỡ ông phải sống vồn vã thì mới có được từng đó thành tựu, nhưng không. Quan điểm làm nghề của ông nghệ sĩ vô cùng. “Những bậc kỳ tài đôi khi vươn tới thành tựu vĩ đại nhất khi họ làm việc ít nhất.” Ông đã bỏ dở vô số tác phẩm, trễ hẹn deadlines, không chịu giao nộp lại tranh vì nó quá đẹp, hay thất hứa… Những hợp đồng với đủ mọi điều khoản khắt khe cũng không đủ để ép ông làm việc nguyên tắc. 
The Battle of Anghiari (Leonardo) - Wikipedia
The Battle of Anghiari - một trong những tác phẩm dở dang đầy đáng tiếc
Ông là một linh hồn thuần tự do đến vô cùng. “Ông là bậc thầy của những tác phẩm chẳng bao giờ hoàn thiện….là một thiên tài vô kỷ luật một cách chuyên cần”. Ông không thích sự canh tranh. Ông chỉ quẩn quanh tập trung với những ý tưởng của mình, vật lộn với tính hoàn hảo để rồi chỉ cần một chi tiết trật khỏi đường ray thôi ông sẵn sàng bỏ dở cả tác phẩm. Người ta còn đặt tên cho chúng là Sự hoàn hảo trong dở dang. Ông làm việc theo tiếng gọi bản năng của mình, miễn là đánh thức được sự háo hức say mê cháy rần rật trong lòng thì ông có thể bỏ ngay công việc để chạy tới chìm đắm hoàn toàn vào nó. Leonardo thật sự rất người, mà ở đó nhiều khi ta phải thốt nhiên cười, hay lắc đầu ca thán cho cái tính khí thất thường, cái “lòng tham” tri thức vô đáy của ông.
Khép lại cuốn sách, thứ ta có được không chỉ là một cái nhìn sâu sắc hơn về các tác phẩm nghệ thuật ông để lại cho hậu thế mà còn có được một bức tranh toàn diện, ấn tượng về con người Leonardo – một bộ óc được khổ luyện nuôi dưỡng từ thực nghiệm cuộc sống, tinh thần làm việc hăng say, sự tò mò không bao giờ ngừng nghỉ và tựu chung tất thảy bắt nguồn từ một tình yêu lớn lao với cuộc đời này, sự sống vĩ đại này. “Leonardo…thể hiện một ước mong bất tận của con người: rằng trí tuệ của chúng ta có thể có đủ sức mạnh để khám phá ra bản thân mình đang tương hợp với vạn vật xung quanh như thế nào.”   
Đọc thêm: