Sau mấy ngày nghiềm ngẫm cuối cùng mình cũng vừa hoàn thành tác phẩm “Muôn kiếp nhân sinh” của tác giả Nguyên Phong. Cũng là duyên nợ gì đấy khó tả, khi mình vừa đọc xong cuốn Hành Trình Tây Du của thầy Huệ Khải thì cuốn sách này cũng trôi tuột vào reading list của mình luôn, dù cái list đấy cũng đang khá dài và mình cũng chưa có ý định đọc tiếp một đầu sách về minh triết phương Đông.
Cuốn sách được viết bởi cây bút Nguyên Phong, một người chắc đã khá quen thuộc với độc giả Việt. Dù vậy, lúc đầu mình không để ý lắm, sau khi đọc xong thì lên các trang review thảo luận mới nghe ông cũng là dịch giả đã phóng tác luôn tác phẩm “Hành trình về phương Đông” mà mình cũng từng đọc. Vẫn với một lối hành văn không thể nào độc đáo hơn, những tác phẩm của ông là sự pha trộn của quan niệm của khoa học hiện đại và tôn giáo học cổ xưa. Nếu các tác phẩm khác thuộc chủ đề tôn giáo thường viết theo lối khuyên nhủ hay đưa ra các câu chuyện ngụ ngôn vào rồi phân tích và rút ra triết lý thì Nguyên Phong thường kể hẳn một câu chuyện xuyên suốt cách tác phẩm. Thông qua lời kể được thay phiên qua lại giữa các vị cao nhân và người dẫn chuyện, tác phẩm sẽ để lại cho chúng ta những bài học cần chiêm nghiệm một mình. Thông điệp chủ yếu là kêu gọi người ta phản tỉnh nội tâm, biết mình biết người và nêu bật quan điểm của ông về những lẽ huyền vi trong vũ trụ. Lời văn rất khách quan, nêu lý lẽ logic, khiến cho những người sùng tín khoa học cũng phải suy nghĩ lại.
Nguyên Phong và những cuốn sách của ông cũng gắn với nhiều câu chuyện kỳ lạ. Cuốn Hành trình về phương Đông được ông dịch phóng tác từ một tác phẩm mà đến bây giờ cũng không còn bản gốc, chúng ta cũng không thể xác định được liệu ông chỉ dịch hay sáng tác nhiều đoạn trong câu chuyện. Muôn kiếp nhân sinh cũng là một tác phẩm lạ. Thông qua cuộc trao đổi của một nhân vật trong toà soạn FirstNew, Nguyên Phong kể về cuộc gặp gỡ với một người nổi tiếng nhưng có nhiều trải nghiệm nhân sinh - Thomas. Sau một thời gian được động viên thì ông mới đặt bút để kể lại câu chuyện tường tận.
Bìa sách được công ty First News trang trí rất đẹp
Câu chuyện bắt đầu khi ông tham gia một buổi hội thảo cùng phi hành gia Edgar Mitchell. Phi hành gia có chia sẻ lại trong một khoảng khắc khi con tàu không gian làm nhiệm vụ của ông quay trở về Trái Đất, đứng giữa vũ trụ mênh mông, ông đã trải nghiệm một cảm giác thật vi diệu. Đó là một sự an lạc vô bờ bến giữa vũ trụ, cảm giác ông hoà mình cùng với vạn vật, cảm giác được mọi thứ trên thế giới như một phần của bản thân. Trở về Trái Đất, ông muốn lý giải được cảm giác này nên vô tình quen được ông Thomas, sau đó thì tác giả cũng được giao lưu cùng ông Thomas. Sau này, ông được trao đổi nhiều hơn với ông Thomas về nhân sinh quan và những trải nghiệm kỳ lạ của ông về những kiếp nhân sinh. Cảm thấy được truyền cảm hứng, nên ông đã đề nghị ghi chép lại những trải nghiệm này và được sự đồng ý của ông Thomas.
Những tư tưởng chính của quyển sách là các thuyết nhân quả và thuyết luân hồi. Theo dòng quyển sách, ta theo bước hành trình của ông Thomas trong hành trình khám phá các kiếp sống trước. Trong một cơ duyên ông đã được gặp ông Kris, người quen từ nhiều kiếp sống trước, đã được ông Thomas gửi gắm tâm nguyện thức tỉnh lại chính mình ở kiếp này. Cuối cùng ông nhớ lại kiếp sống của mình ở Atlantis. Người dân Atlantis lúc bấy giờ nắm giữ nền công nghệ, kỹ thuật rất cao với khả năng sử dụng năng lượng tự nhiên để phục vụ bản thân. Nhưng do sự phát triển tiện nghi, nhưng phát triển về xã hội không đồng đều, những giá trị đạo đức hầu như không có. Con người chỉ biết sống hoang dại, không tình yêu thương, nên chiến tranh xảy ra liên miên, những hành động vô nhân đạo chỉ để đạt được phát triển công nghệ. Cuối cùng xã hội cũng tiến đến sự diệt vong, nhưnng may mắn là trước giây phút cuối cùng của sự sống kiếp Atlantis, ông đã học được tình yêu thương, ông đã cảm thông cho một cô gái đã bị mình hãm hại vài ngày trước.
Theo quan điểm của sách, con người là một thực thể được sinh ra từ nguồn tri thức chung. Họ sinh ra để học hỏi những điều chưa học được từ kiếp trước, để hoàn thiện mình. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên, họ sẽ biết cách để tìm lại khởi nguồn và trở về với cõi thanh tịnh. Con người trong thời gian học tập của mình có thể gây ra những nghiệp lực với mọi thứ xung quanh. Những nghiệp lực này có vẻ đơn giản, những nguyên nhân được tạo ra, nhưng kết quả có thể xảy đến ngay, cũng có thể xảy đến rất muộn, nhưng cuối cùng kết quả cũng đến. Nghiệp lực này tuy nhỏ, nhưng chúng ta phải chú ý ảnh hưởng của nó, đôi lúc nó hoạt động theo hiệu ứng cánh bướm. Nghiệp lực của nhiều người sẽ tạo thành một mối nghiệp lực càng lớn hơn. Nghiệp lực này sẽ bám theo mỗi người, gây ảnh hưởng đến xã hội, quốc gia của người đó đang sống. Đó là hiện tượng gây cộng nghiệp.
Các kiếp luân hồi của chúng ta không chỉ luân hồi thành con người mà còn có thể thành các con vật. Nếu luân hồi thành con người thì do trí lực của chúng ta phát triển hơn nên ta có thể tiếp thu các bài học tốt, nhưng đồng thời nghiệp lực chúng ta gây ra cũng lớn hơn. Nếu luân hồi thành các con vật nhỏ hơn, chúng ta sẽ phải phân nhỏ thần trí ra, kiếp sống của chúng sẽ nhanh hơn, mỗi khi một con vật chết đi thì kiến thức chúng cóp nhặt khi còn sống sẽ được đưa về một nguồn kiến thức chung, sau này khi một cá thể mới được sinh ra thì sẽ được kế thừa kiến thức trên nên sẽ thích nghi với môi trường sống tốt hơn, và đến một lúc nào đó, hội đủ điều kiện, chúng ta lại có thể làm người.
Theo như cuộc nói chuyện, rất có thể ông Thomas đã phải luân hồi nhiều kiếp trước đó thành các loài sinh vật trước khi tiếp tục kiếp sống thứ hai ở Ai Cập. Kiếp sống này ông sinh ra làm một vị hoàng tử bị lưu đày, được các giáo sĩ bồi dưỡng để mưu đồ soán ngôi. Sau khi lên ngôi vua, ông đã học được cách lắng nghe và thông cảm với người dân, đồng thời bồi dưỡng tình yêu thương con người. Nhưng do cộng nghiệp của người dân Ai Cập đã quá lớn qua các hành động chiến tranh, hành hạ con người vô độ nên đất nước Ai Cập sau thời của ông bị tàn phá nặng nề. Giới giáo sĩ thi nhau vơ vét của cải, người dân lầm than. Cuối cùng, Ai Cập sau này phải trả nợ bằng việc bị các nước khác nô dịch hơn ngàn năm. Nhưng những người đã biết hối cải như ông Thomas đã được luân hồi thành những kiếp khác tử tế hơn.
Dấu Chân Trên Cát | Những Dòng Thương Nhớ - My Nostalgic Journey

Lý giải cho nguồn gốc con người và nguồn gốc tôn giáo của cuốn sách cũng là một góc nhìn mới lạ, đáng theo dõi và nghiên cứu. Thuở xưa, các bậc đại trí thường nói rằng có một thượng đế sinh khởi vạn vật, chúng ta đều từ đó mà ra. Mọi người thường bám vào đó để cuồng tín và tôn thờ nhiều vị thần. Nhưng theo cuốn sách, chúng ta khởi nguồn từ một nguồn năng lượng uyên nguyên nằm giữa vũ trụ. Nguồn năng lượng này tiếp xúc với các môi trường khác nhau sẽ tạo ra các sinh vật sống thích hợp với các địa phương đó. Để trở lại với cội nguồn, hay đấng thượng đế, hay cõi an lạc, thì chúng ta phải tự thanh lọc bản thân mình, khử các khí ô trọc khỏi bản thân, để cho tâm hồn nhẹ nhàng chuyển hoá lại thành dạng năng lượng nguyên thuỷ. Điều này tương đương với quan điểm trong ‘Hành trình về phương Đông’, lý thuyết về các cõi giới và quá trình thanh lọc tâm hồn để chuyển hoá thành một dạng năng lượng nhẹ nhàng để trở về cội nguồn. Do vạn vật có chung nguồn gốc nên chúng ta trong trạng thái ấy sẽ dễ dàng cảm nhận sự liên hệ của mình với thế giới xung quanh, cảm nhận thế giới vạn vật là một. Mấy năm trước, mình có đọc nghiên cứu của GS. Đích cũng nêu ra các lý thuyết có liên quan về các mức năng lượng.
Nguồn gốc của tôn giáo cũng là một điểm sáng của cuốn sách. Cuốn sách mô tả về các tôn giáo thờ thần mặt trời của các nền văn minh Atlantics và Ai Cập cổ đại. Sách đưa ra một giả thuyết về nền văn minh có thể không chỉ đầu từ nền văn minh Lưỡng Hà, mà còn từ Ấn Độ và Trung Hoa. Từ khi Atlantis bị nhấn chìm, những cư dân tinh hoa còn sót lại được đưa đi phân tán khắp nơi trên trái đất, nhưng do nghiệp lực tích tụ vẫn còn dư lại, nên nền văn minh hầu như bị xoá sạch trên toàn thế giới. Nền văn hoá thờ thần mặt trời cũng tương tự, bị giới giáo sĩ bóp méo. Họ càng thờ nhiều thần thì sẽ có thêm cơ hội bòn rút từ người dân, nên họ ra sức sinh ra nhiều vị thần mới để trục lợi.
Sách cũng trình bày các ví dụ về quy luật thành trụ hoại diệt của phật giáo. Quy luật này là quy luật của vũ trụ. Các nền văn minh mạnh mẽ từ thời xa xưa đều vướng vào quy luật, sau khi trở nên mạnh mẽ, thu phục các nước chư hầu, các nước này dần dần sẽ đi xuống và cuối cùng là bị đẩy tới bờ vực sụp đổ. Lục địa Atlantis hùng mạnh giờ đã nằm sâu dưới lòng đại dương. Đế quốc Ai Cập hùng mạnh năm ấy, bị các nền văn minh xung quanh đô hộ hơn ngàn năm, người dân phải làm nô lệ đời đời kiếp kiếp đến mãi sau này mới được sống bình thường, các kiến thức khoa học cao thâm sau này bị thất truyền mãi mãi. Đến gần đây thì chu kỳ này bị đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Các công ty nổi tiếng từ thế kỷ trước, đến thế kỷ này hầu như không còn tồn tại. Các bong bóng kinh tế nổ liên tục, các quốc gia tồn tại trong trạng thái bất ổn. Nhân loại đang đứng trên bờ vực nguy hiểm, cần thiết phải hiểu biết về hậu quả của những việc mình đã làm.
Có một câu của Nguyên Phong mà mình cũng rất thích trong tác phẩm là “Tôi quyết định viết cuốn sách này bằng tiếng Việt - ngôn ngữ đồng bào, đất nước thân thương trong tim tôi.". Khép lại một cuốn sách sâu sắc bằng một thông điệp gửi gắm bởi người đồng bào thân mến, làm mình cũng tự hào lây vì là người Việt Nam. Được biết Nguyên Phong thật ra là bút danh của giáo sư John Vũ, người xứng đáng một trong con người vĩ đại nhất của Việt Nam, đã đưa Việt Nam đến với cộng đồng thế giới. Ngày đêm cống hiến cho nền khoa học của thế giới, dù đã rất lâu rồi không về quê cha đất tổ, nhưng mình vẫn cảm nhận được ý chí và khát vọng muốn thanh niên đồng bào vươn lên để sánh ngang cùng cường quốc năm châu. Tất cả được gửi gắm qua loạt sách triết học phương Đông mà ông đã phóng tác và dịch lại. Mình nghĩ là người Việt Nam ai cũng nên tìm đọc và tìm cách sống tốt hơn mỗi ngày, để không phí hoài công sức của những người đang ngày đêm tìm cách đưa đất nước đi lên. 
Nhân quả đừng đợi thấy mới tin. Nhân quả là bảng chỉ đường, giúp con người tìm về thiện lương.