Sư tử và hổ, con nào sẽ thắng? Sự thật mất lòng và kết quả khó đoán
Nếu như được hỏi đâu là cuộc tranh luận tốn nhiều giấy mực nhất khi bàn về các kèo đấu giữa hai loài động vật khác nhau, thì ứng cử...
Nếu như được hỏi đâu là cuộc tranh luận tốn nhiều giấy mực nhất khi bàn về các kèo đấu giữa hai loài động vật khác nhau, thì ứng cử viên hàng đầu được nhắc đến có lẽ là sư tử và hổ. Sức mạnh, quyền uy, và nét đẹp của loài mèo đã khiến cho hình ảnh của chúng đi sâu vào tiềm thức của nhân loại. Không như báo đốm Mỹ vốn nhỏ hơn đáng kể, hay gấu nâu quá áp đảo về kích thước và sức mạnh, cả sư tử lẫn hổ đều to như nhau, và rất khó để phân định đâu là kẻ thắng cuộc.
Thế nhưng, những nguồn thông tin ở Việt Nam khi nói về hai loài mèo lớn này lại rất mang tính một chiều và chủ quan khi thiên vị cho hổ, cũng như khả năng cập nhật kém cỏi cố hữu đã khiến cho cộng đồng mạng có cái nhìn thiếu khách quan khi nói về hai loài mèo này. Cộng với việc những fake new xuất hiện ngập tràn càng khiến cho loài sư tử từ con vật đứng thứ hai họ nhà mèo nay thậm chí còn trở nên mờ nhạt trước cả báo đốm (Jaguar) về khả năng chiến đấu. Vậy nên, bài viết này được viết ra nhằm phân tích các thông số, khả năng và tập tính giữa hai loài mèo này một cách khách quan nhất có thể. Hơn nữa, nó còn là để bổ sung luận điểm cho bài giải ảo một hổ đối đầu với ba sư xong bị thực dân bắn tôi đã viết trước đây.
I - Tương quan kích thước.
Người với người còn quan trọng hạng cân, huống chi là động vật với nhau. Vậy nên để bắt đầu, chúng ta hãy cùng nhau so sánh kích thước. Wiki và các trang báo mạng thông thường hay gọi hổ Bengal/hổ Siberia là phân loài, còn sư tử thì gọi chung là sư tử châu Phi. Đây là một cách gọi sai lầm, do hổ Bengal và hổ Siberia đã tụt xuống thành quần thể kể từ năm 2015 bởi WWF. Và khi ta so sánh một phân loài với một quần thể, thì bên quần thể có lợi thế hơn rõ. Vậy nên, để có sự tương xứng trong so sánh, chúng ta sẽ sử dụng những quần thể sư tử lớn nhất là sư tử Nam Phi và sư tử Namibia, để so sánh với hổ Bengal và hổ Siberia.
Dưới đây là cân nặng và kích thước của chúng.
Dựa theo hình trên, ta có kết quả cân nặng trung bình của bốn quần thể như sau :
Sư tử Nam Phi : 196kg, mức dao động 132-280kg
Sư tử Namibia : 201kg, mức dao động 160-272kg
Hổ Bengal : 213kg, mức dao động 166-288kg
Hổ Siberia : 199.5kg, mức dao động 155-254kg
Có thể thấy tuy hổ Bengal là con nặng nhất, nhưng bởi vì cân nặng trung bình của bốn quần thể này không quá lớn, không con nào có cân nặng trung bình kém hơn con kia quá 10%. Điều này đồng nghĩa với việc nó chỉ nhỉnh hơn chứ không thể áp đảo được những quần thể sư tử lớn nhất về mặt sức mạnh.
II - Lực cắn
Đây là một trong những kiến thức sai lệch bị nhai đi nhai lại nhiều nhất, khi mà lực cắn của sư tử chỉ có khoảng 650 psi, còn của hổ là 1050 psi, gần như gấp đôi so với sư tử.
Về phần lực cắn của sư tử, nó bắt nguồn từ một clip đo lực cắn của Natgeo. Con sư tử được dùng là một con sư tử nhỡ khoảng 2 tuổi, với lực cắn 691 psi.
Tuy nhiên, clip này lại trở thành nguồn cơn cho cái lực cắn 650 psi còn thua cả chó của sư tử cho đến ngày nay. Natgeo đã sửa lại thông tin này vào năm 2013, với lực cắn là khoảng 1000 psi, tương đương với hổ.
Để chính xác hơn, thì đây là bảng đo lực cắn của các loài ăn thịt. Lưu ý chúng dùng Newton để đo, do việc dùng đơn vị PSI để đo là một quan niệm sai lầm, bởi vì nó là đơn vị đo áp suất của răng tác động lên một diện tích còn Newton là đơn vị thuần lực bất kể diện tích. Hiện tại thì bây giờ mọi người đều dùng đơn vị Newton để nói về lực cắn và đã bác bỏ đơn vị PSI (dùng để đo áp suất).
Với việc dùng BFca ( Lực cắn trung bình ở đầu răng nanh), và BFcarn ( Lực cắn trung bình ở răng nhai thịt) làm thước đo, kết quả như sau :
Sư tử :
BFca(N): 1314.7
BFcarn(N): 2023.73.
Hổ:
BFca(N): 1472.1
BFcarn(N): 2164.71.
Có thể thấy mặc dù hổ vẫn cao hơn, nhưng sư tử cũng đạt đến 9 phần.
III Cấu tạo cơ thể
Cả sư tử và hổ đều có chung chi Panthera, vậy nên cấu tạo của chúng về căn bản là tương tự nhau. Song vẫn có một số điểm khác biệt nhất định. Cấu tạo của sư tử được thiết kế cho việc tuần tra các bình nguyên rộng lớn, cũng như là rượt theo những kẻ xâm nhập nhằm đánh đuổi chúng ra khỏi lãnh thổ của mình. Các chi của sư tử dài giống báo cheetah hữu dụng cho việc tuần tra và truy đuổi trên thảo nguyên. Xương sống tuy ngắn nhưng chắc khỏe, kết hợp với cơ bắp dồn về phía trước giúp chúng có khả năng chống chịu tốt khi đối đầu trực diện. Tuy nhiên, cấu tạo như vậy cũng là một điểm yếu khi mà làm giảm đi sự linh hoạt và khả năng bật nhảy, khiến cho việc tấn công bất ngờ trở nên khó khăn hơn. Đó là lý do vì sao những con sư tử đực hiếm khi săn mồi, và khi săn thường săn những con mồi to như trâu, hà mã, hươu cao cổ và thậm chí là cả voi (hà mã và voi thường là con nhỡ trở xuống), vì những con này tuy to khỏe nhưng lại chậm hơn đáng kể so với linh dương hay ngựa vằn.
Về phần cái bờm, tuy vẫn còn nhiều tranh cãi về khả năng phòng thủ, song nó vẫn đủ để khiến cho những con sư tử khi đánh nhau thường sẽ nhắm vào xương sống hơn là cổ. Tuy nhiên, bờm không phải áo giáp, vậy nên nó không thực sự giảm sát thương đi quá nhiều. Chính sự kết hợp giữa bờm, cơ dồn mặt trước và xương sống chắc khỏe tạo nên sức phòng thủ cao mới là cái nhìn toàn diện nhất về khả năng phòng thủ của loài vật này.
Một yếu tố nữa khi nói về sư tử đó là thể lực của chúng. So với ngựa hay sói hoặc con người, sư tử có độ bền khá yếu. Nhưng so với họ mèo thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Dựa theo giải phẫu, tim và phổi của sư tử khá to, giúp chúng có thể lực tốt, điều này đặc biệt hữu ích trong những trận chiến kéo dài.
Hổ thì ngược lại hoàn toàn. Xương sống của hổ tuy không chắc nịch nhưng lại thuôn dài linh hoạt hơn. Cơ bắp của chúng cũng phân bố đồng đều hơn, đồng nghĩa với việc hổ có cặp chân sau rất khỏe giúp cho đứng được bằng hai chân, cùng sự linh hoạt vượt trội và nhảy được xa. Điều này đặc biệt hữu dụng trong những cuộc tấn công bất ngờ, khi phản xạ và khả năng tấn công chớp nhoáng là thứ được ưu tiên hơn là tốc độ và thể lực. Đồng thời do môi trường sống của hổ chủ yếu là rừng, nên việc có một cơ thể thiên về sự linh hoạt như vậy cũng là điều cần thiết.
Ở các trang báo Việt Nam, lực tát cũng là một yếu tố bị thiên vị, khi mà chúng đa số toàn nói hổ có thể tát vỡ sọ trâu bò gia súc, trong khi sư tử thì không nói gì. Trên thực tế trong những lần hổ săn mồi, chưa có con trâu bò trưởng thành nào bị hổ giết bằng một cú tát cả. Tất cả chúng đều bị giết do mất máu, hoặc do bị cắn vào cổ gây ngạt thở mà chết. Trong khi đó, sư tử đã từng có một vụ giết người chỉ bằng một cú tát vào gáy, làm nạn nhân gãy cổ ngay lập tức. Nghĩa là lực tát của sư tử không hề yếu chút nào khi so với hổ.
Chưa hết, khả năng tát bằng hai tay của hổ cũng là một thứ bị thần thánh hóa. Tại sao lại như vậy? Bởi vì hổ vốn dĩ là loài bốn chân, tuy nó đứng hai chân tốt hơn sư tử, song vẫn kém hơn gấu khá nhiều chứ đừng nói là với con người. Vậy nên khi đứng hổ sẽ không có trọng tâm vững vàng, thành ra lúc tấn công bằng hai tay mặc dù tăng đáng kể tốc độ ra đòn, nhưng uy lực mỗi đòn giảm đi đáng kể so với sư tử do sư tử dùng ba chân để trụ khiến trọng tâm vững vàng hơn. Để minh chứng cho điều đó, các bạn hãy thử xem các clip hổ đánh nhau. Tôi dám cá là sẽ không có con hổ nào vừa đứng vừa tát quá 10 giây mà không phải đáp đất ngay lập tức. Tuy nhiên, do cấu tạo của hổ và sư tử gần như giống nhau, mà hổ lại to hơn, nên nếu hổ dùng ba chân trụ và tát thì nó vẫn có lực cao hơn một chút so với sư tử do nó vẫn là con to hơn.
Ngoài ra, việc vừa đứng vừa tát cũng khiến cho hổ dễ bị lộ một điểm yếu mà sư tử có thể khai thác, đó là bụng. Và cuối cùng, đó là khi căng thẳng leo thang tới mức tử chiến, những con hổ sẽ luôn vật và ghì xuống cắn nhau đến chết, tương tự như loài sư tử. Giống như hai con hổ này.
Vậy nên những cú tát chỉ đóng vai trò là đòn cảnh cáo ban đầu, và chúng chỉ thực sự gây chết người đối với những đối thủ nhẹ cân hơn chúng rất nhiều, chẳng hạn như sói hay con người mà thôi. Còn đòn kết liễu thực sự của hai con mèo lớn này sẽ luôn là vật và cắn.
Iv - Kỹ năng chiến đấu
Cả hổ lẫn sư tử đều có thể săn được những con mồi to hơn cơ thể chúng. Tuy nhiên, do tập tính sống theo bầy đàn của mình, sư tử thường bị đánh giá thấp về khả năng chiến đấu đơn lẻ. Đây là một nhận định sai lầm. Hổ tuy sống đơn độc, song điều đó không có nghĩa là chúng giỏi chiến đấu. Sống đơn độc và chiến đấu đơn độc là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Bản chất của hổ luôn là loài săn mồi phục kích, nghĩa là chúng sẽ hạn chế đánh nhau hết mức có thể. Đó là bởi vì chỉ cần bị thương là hổ có thể sẽ không thể săn mồi được nữa với tập tính tự lực cánh sinh của chúng.
Về phần sư tử, chúng từ lâu đã phân hóa rõ vai trò của mình. Sư tử cái đảm nhiệm việc săn mồi, trong khi sư tử đực thì tuần tra, chiến đấu chống lại những con sư tử đực khác xâm nhập. Chưa hết, những con sư tử đực con khi tới tuổi trưởng thành sẽ phải rời khỏi đàn cũ và cướp đàn mới cho riêng chúng. Điều này tạo nên những trận chiến khốc liệt giữa những kẻ đang nắm ngai vàng và kẻ đang muốn chiếm ngai vàng. Bên cạnh đó, sư tử đực cũng phải chiến đấu với cả linh cẩu và cá sấu để cạnh tranh con mồi, trong khi hổ nếu gặp gấu hay sói thì hoàn toàn có thể nương nhờ khu rừng để ẩn náu khỏi hiểm nguy. Vậy nên người ta hay nói cuộc đời của sư tử đực ngắn ngủi và giống như một chiến binh. Điều này cũng vô hình chung khiến cho chúng hung dữ hơn đáng kể so với hổ, do cuộc sống bầy đàn buộc chúng phải vào sinh ra tử không ít lần.
Khi săn mồi, hổ có thể hạ được con mồi rất nhanh chóng do tập tính săn mồi của chúng, và việc một con hổ có thể hạ được bò tót hoặc trâu nước đực trưởng thành là điều có thể. Song với những con mồi to như vậy sẽ cần những con hổ đực đặc biệt lớn và giàu kinh nghiệm để săn, chẳng hạn như hổ vương, kèm theo đó là rủi ro bị giết rất cao. Điều này cũng tương đương với sư tử săn hươu cao cổ hoặc hà mã trưởng thành. Những clip hổ săn bò tót trên youtube cho thấy lũ bò tót là bò khoảng 700kg đổ lại, và những con bò tót này thường chỉ săn trong những dịp đặc biệt. Con mồi chính của hổ vẫn là những con mồi vừa tầm, như linh dương, hươu sambar, lợn rừng, hoặc gia súc do con người nuôi. Trong khi đó những con trâu mà sư tử săn tuy không to bằng bò tót, nhưng về độ hung dữ và số lượng thì lũ này ăn đứt (Trâu Cape là loài hung dữ nhất trong họ nhà trâu bò, được mệnh danh là tử thần đen). Kết hợp sức mạnh, số lượng và tính hung dữ của loài trâu này lại với nhau, thì ngay cả các loài ăn thịt hàng đầu như gấu bắc cực cũng không dám một mình tấn công, chứ đừng nói là hổ và sư tử.
Sẽ có người lôi clip này ra để phản bác rằng hổ có thể một mình giết trâu nước châu Phi như cách sư tử làm
Song đó là trâu nhà, thuộc giống Nagpuri, cân nặng trung bình khoảng 3-400kg. Còn trâu Cape không chỉ hơn hẳn về kích thước, mà còn vượt trội hơn cả về tính hung dữ.
Các loài vật khác bị dùng để thần thánh hóa hổ lên bao gồm cá sấu và gấu nâu. Trên thực tế, cá sấu hổ săn là cá sấu Mugger, một loại cá sấu cỡ trung. Còn cá sấu sư tử phải đối đầu là cá sấu sông Nile, loài to thứ hai trong họ nhà bò sát. Về phần hổ giết gấu là có, nhưng chủ yếu là gấu cái hoặc gấu con. Những con gấu đực trưởng thành nếu gặp hổ thì hổ sẽ không dám đối đầu trực diện với chúng và thường bỏ chạy.
Về phương thức săn mồi, cả hổ lẫn sư tử đều săn phục kích. Song môi trường thảo nguyên không phải nơi phù hợp để một con vật to như sư tử đánh úp, vậy nên chúng thường sẽ truy đuổi rồi vật và ghim mồi xuống, kết hợp với chiến thuật để tách mục tiêu ra khỏi đàn. Với tốc độ lên đến 80km/h, sư tử cái có thể nhanh chóng bắt kịp những con mồi nhanh như ngựa vằn, linh dương đầu bò và vật chúng xuống. Trong khi đó sư tử đực dù không nhanh bằng sư tử cái, nhưng chúng vẫn đủ nhanh để bắt được cả báo cheetah trong một số dịp. Ngoài ra, sư tử rất ít khi bỏ cuộc trừ khi bị áp đảo hoàn toàn về quân số hoặc sức mạnh, cũng như là khi con mồi đã cao chạy xa bay không cách gì bắt kịp
Trong khi đó hổ khi săn là săn phục kích. Chúng là loài mèo thích phục kích nhất thế giới, và thường sẽ dễ bỏ cuộc nếu bị phát hiện, trừ khi đó là con mồi yếu hơn chúng thì sẽ truy đuổi trong một khoảng ngắn trước khi bỏ cuộc do hạn chế về mặt thể lực nhằm tiết kiệm sức cho lần săn mồi khác. Điều này có nghĩa là hổ giống như một sát thủ, khi tấn công là phải chớp nhoáng lén lút hạ gục nhanh tiêu diệt gọn. Nhưng khi bị phát hiện quá sớm và buộc phải chiến đấu trực diện thì sẽ bất lợi vô cùng (Sát thủ khác với chiến binh, đừng có ảo Assassin Creed rồi nghĩ sát thủ có thể solo combat trực diện với một chiến binh thực thụ)
Có một cái fake new mà báo Việt hay nói, đó là thế trâu vằng. Thế trâu vằng là một thế mà con hổ sẽ nằm ngửa để lừa giết con mồi, nếu như con người hay động vật bất cẩn xông vào là nó sẽ tấn công ngay. Nhưng thực ra, đó chỉ là mấy cái thế võ do con người nghĩ ra khi quan sát tự nhiên, chứ bản thân động vật vốn dĩ không có võ vẽ gì hết. Cái trò chủ động ngửa bụng thực chất là một dạng đầu hàng của các loài mèo khi chúng cảm thấy yếu thế hơn và muốn tỏ ý phục tùng. Nghĩa là kèo thối mới làm như vậy, còn kèo thơm thì chả con mèo nào lại chủ động giơ bụng ra như thế cả. Còn việc né đòn, ra đòn thì đó là do phản xạ của loài mèo. Cả sư tử lẫn hổ đều có phản xạ vượt xa con người, vậy nên né đòn uyển chuyển trong mắt con người là điều dễ hiểu.
V - Một số trận chiến trong lịch sử
V-1 - Những vụ hổ giết sư tử
1 - Hổ Bengal giết sư tử tại vườn thú Alipore, Ấn Độ
2 - Hổ Bengal hoàng gia giết sư tử Barbary vào năm 1899, dưới thời Maharaja Sayajirao Gaekwad III.
https://news.google.com/newspapers?id=A-MyAAAAIBAJ&sjid=1QAGAAAAIBAJ&pg=3641,6045584&dq=tiger+lion+fight+1899&hl=en
3 - Một con hổ tên Ben Royal Kills giết một con sư tử tên Bad Bill.
V-2 : Những vụ sư tử giết hổ
1 - Một con sư tử nặng 500 lbs giết một con hổ 750 lbs tên Roger
2 - Một con sư tử bị ốm có tên là King Edward giết một con hổ Bengal tên là Dan.
3 - Một số vụ sư tử châu Á giết hổ. Lưu ý đây là một số vụ hiếm hoi, chứ trên thực tế hổ Bengal vẫn trên cơ hoàn toàn.
• 1951 - Câu lạc bộ bắn cung ở Brownsville đã xem cảnh quay chân thực về sư tử châu Á đánh bại hổ ở Ấn Độ dưới lòng sông
• 1934 - Nhà làm phim Clyde Elliot chứng kiến sư tử đực đánh bại hổ đực trong trận chiến ở Ấn Độ
• 1855 - Lời kể có thật về việc Sư tử châu Á giết hổ Bengal ở vùng Surat của Ấn Độ đã được miêu tả trong cuốn sách "Perils and Pleasures of a Hunters life."
•1851 - Sư tử châu Á giết chết hổ Bengal dọc sông Hằng dưới sự chứng kiến của người bản địa Ấn Độ và một nhà động vật học người Đức, dựa theo tờ Landshuter.
Ngoài lề : Kích thước của sư tử châu Á :
VI - Tổng kết :
Về căn bản, sư tử và hổ không chênh lệch nhau quá nhiều về mặt kích thước, và hổ vẫn giữ ngôi vương về khoản này. Tuy nhiên, cả hai vẫn có ưu và nhược điểm nhất định, ngay cả khi loại bỏ phần kinh nghiệm chiến đấu do không sống chung khu vực (Sư tử châu Á sống cùng khu vực với hổ và có kinh nghiệm, song lại bị áp đảo kích thước nên loại)
Sư tử : Điểm mạnh là bền bỉ hơn, có sức phòng thủ tốt hơn, hung dữ hơn. Khi tát sẽ có lợi thế về lực do nó chỉ tát bằng một chân. Điểm yếu là răng nanh với lực cắn kém hơn một chút, nhỏ hơn và kém hổ về mặt linh hoạt. Móng vuốt cũng không dài bằng hổ do nhỏ hơn.
Hổ : Điểm mạnh là to khỏe hơn, linh hoạt hơn. Khi đánh nhau có lợi thế về mặt đánh lén và khả năng bùng nổ ban đầu, đồng thời việc đứng bằng hai chân giúp chúng có lợi thế về tốc độ ra đòn. Nhược điểm là độ bền thấp, khả năng phòng thủ kém hơn, độ hung dữ cũng không hung dữ bằng sư tử. Khi tát bằng hai chân sẽ bị giảm lực và dễ bị lộ phần bụng để sư tử khai thác.
Qua đó, có thể thấy tuy rằng sư tử nhỏ hơn, song cũng có thể một chín một mười với hổ được dựa trên các ưu và nhược điểm của cả 2 loài. Nếu như hổ chuyên đánh nhau thắng nhanh thì sư tử chuyên đánh theo kiểu lì lợm. Vậy nên tỉ lệ thắng của cả 2 sẽ dao động từ 45-55%, tùy theo kích thước, kinh nghiệm chiến đấu của từng cá thể, trừ khi chênh lệch hạng cân quá lớn.
Các bài khác được viết bởi tôi liên quan đến chủ đề này :
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất