Sự thật về huyệt đạo
Huyệt đạo là có thật, nhưng những tuyệt chiêu đánh vào huyệt đạo lại hoàn toàn có thể giải thích bằng khoa học chứ không hề thần bí.
Kim Dung và những tác phẩm kiếm hiệp của ông đã tạo ra một bức tranh kỳ ảo về võ thuật. Trong bức tranh muôn màu muôn vẻ đó, huyệt đạo chính là chi tiết gợi nhiều tưởng tượng nhất.
Huyệt đạo là những điểm nhỏ trên cơ thể con người. Nó là giao điểm của kinh mạch trong cơ thể, liên quan trực tiếp đến các cơ quan nội tạng. Vì thế, chỉ cần một tác động nhỏ vào huyệt đạo là đã có thể gây ảnh hưởng đến nội tạng và thần kinh của đối thủ.
Trên cơ thể con người có 3 loại huyệt là tử huyệt, ma huyệt và sinh huyệt. Tử huyệt là những vị trí yếu trên cơ thể con người, khi bị đánh vào đó thì gây phản ứng ngay tức khắc và có thể mất mạng. Ma huyệt là những huyệt khi bị đả hoặc điểm trúng thì đau đớn, tê bại hoặc bất tỉnh nhân sự nhưng không chết. Còn sinh huyệt là những huyệt cứu sống hay cứu tỉnh khi bị điểm trúng tử huyệt hay ma huyệt.
Thuật điểm huyệt quả là một tuyệt kĩ vô cùng lợi hại. Chỉ cần chạm được tới người địch thủ là làm chủ được trận đấu. Tuy nhiên, phần lớn các nhận định vừa nói trên đều ít nhiều mang tính thêu dệt thêm cho sự huyền ảo của huyệt đạo.
Sự thật về huyệt đạo
Chỉ cần xem một hình vẽ đơn giản là đã có thể hình dung được 108 vị trí huyệt đạo trên cơ thể. Bên cạnh đó, việc tra ra các tử huyệt, sinh huyệt trên cơ thể cũng đơn giản tương tự như thế. Tuy nhiên, nếu chịu ngâm cứu về tác dụng của các vị trí huyệt đạo trên cơ thể thì có thể dễ dàng nhận ra rằng, các tài liệu huyệt đạo đại đa phần là "màu mè hóa" những lý giải đơn giản. Hãy thử điểm qua những ví dụ sau về 2 huyệt đạo nguy hiểm trên cơ thể:
1. Huyệt Kiên tỉnh:
Vị trí: Chỗ cao nhất phần vai.
Khi bị đánh trúng: Cánh tay tê bại, mất đi sự linh hoạt.
Giải thích khoa học: Chỗ cao nhất phần vai ở đây chính là vị trí của các đầu cơ. Cơ vai cũng là nhóm cơ lớn chịu trách nhiệm việc nâng/hạ cả cánh tay. Vì thế nếu bị đánh vào đây, cả cánh tay của nạn nhân sẽ bị tê liệt tạm thời. Với những người có sức chịu đựng tốt, họ có thể mau chóng hồi lại nhanh chóng hoặc thậm chí còn không hề hấn gì nếu lực điểm huyệt chưa đủ "áp phê".
2. Huyệt Phong trì:
Vị trí: Phía sai dái tai, chổ lõm dưới xương chẩm.
Khi bị đánh trúng: Đập vào trung khu diên tuỷ, hôn mê bất tỉnh.
Giải thích khoa học: Cái đầu là nơi tập trung của hệ thần kinh trung ương con người. Bất kỳ cú đánh nào vào đầu nếu đủ mạnh cũng sẽ gây hôn mê bất tỉnh cả. Trong số những huyệt ở vùng đầu cũng có một huyệt nằm từ vùng trán đến đỉnh đầu, cũng là một huyệt nguy hiểm, nếu bị đánh trúng có thể mất mạng.
Tuy nhiên, các võ sĩ Lethwei và Vale Tudo lại lấy vị trí này làm vũ khí để "húc" đối thủ vì đây cũng là khu vực xương cứng nhất trên cơ thể. Điều này chứng tỏ, độ nguy hiểm của điểm huyệt chỉ mang tính tương đối và chịu nhiều yếu tố tác động.
Đại đa số các tài liệu về huyệt đạo phải bị làm cho màu mè bởi vì nếu chỉ đưa ra lý lẽ, thông số, các tỉ lệ, xác suất mất mạng... thì trông tài liệu đó chẳng còn khác biệt gì so với giáo án y khoa. Và điều ngược đời là những thứ y khoa hiện đại sẽ không bao giờ mê hoặc được nhiều người bằng những thứ "bí truyền" huyền ảo cả.
Do đó, một cú đánh vào động mạch và khiến tụ máu gây tắc nghẽn mạch sẽ trở thành "tắc nghẽn kinh mạch". Qua đó, biện pháp xoa bóp đánh tan máu bầm sẽ trở thành sinh huyệt khai thông. Biết đâu, câu chuyện các huyệt tự đóng tự mở khác nhau cũng là vì liên quan đến "quá trình cân bằng nội môi" hoặc các quá trình tự cân bằng khác của cơ thể.
Huyệt đạo trong đối kháng
Bên cạnh việc vị trí huyệt đạo vốn nhỏ như đầu ngón tay mà đối thủ luôn di chuyển trong các trận đấu, kỹ thuật điểm huyệt lại càng khó để thi triển. Không chỉ vậy, để có thể thực hiện được một pha điểm huyệt thành công, người luyện công phải tập cho các đầu ngón tay chai cứng như mũi dùi thì mới thi triển được thuật điểm huyệt.
Nếu điểm trúng được huyệt đạo thì không nói, nhưng nếu xui xẻo mà đầu ngón tay của kẻ điểm huyệt đi nhầm vào các vị trí cứng như xương hoặc nắm đấm của đối thủ, khả năng cao là kẻ điểm huyệt sẽ bị gãy ngón tay. Do đó, cú đấm ở trong võ thuật đối kháng vẫn nguy hiểm hơn điểm huyệt là thế.
Lời kết
Huyệt đạo và những giá trị của nó trong Đông Y là có thật. Việc châm cứu hoặc điểm huyệt để trị bệnh hay đả thương người khác cũng là thật. Chỉ là qua thời gian dài, những con người hoặc không hiểu về nó, hoặc cố tình thêu dệt nó để trục lợi đã khiến cho huyệt đạo dần trở thành một điều kỳ bí trong y học võ thuật thế giới.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất