Thuốc cổ truyền đã có từ khi loài người sinh ra. Các nhà khoa học như Ibsen đã viết thành sách thuốc cách đây hơn 6.000 năm. Nước nào cũng có nền y dược học truyền thống của mình. Ân Độ, Trung Quốc, Ai Cập,... là những nước đông dân và duy trì được nhiều bài thuốc và phương thức chữa bệnh độc đáo.
Tuy nhiên, khi nền y học phương Tây phát triển, y học cổ truyền, y học truyền thống hay ta gọi tắt là Đông y, bị lấn lướt. Có những nước không coi thuốc Đông y là thuốc mà xếp nó vào loại thực phẩm chức năng hay các chất bổ sung dinh dưỡng. Có nước thời gian gần đây mới bắt đầu coi trọng thuốc cổ truyền hơn. Chúng ta tự hào là có đường lối đúng đắn kết hợp Đông y với Tây y ngay từ những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám và năm 2003 có Chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền, năm 2014 có Luật Bảo hiểm y tế và gần đây có Thông tư 05 về Danh mục thuốc Đông y được thanh toán bằng quỹ bảo hiểm y tế.
Về mặt chính sách, so với các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản... ta không thua kém. Nếu Danh mục thuốc y học cổ truyền của Trung Quốc có 1.238 Trung dược thì ta cũng có 229 thuốc đông y và 349 vị thuốc trong Danh mục thuốc y học cổ truyền được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Nếu tỉ lệ sử dụng thuốc y học cổ truyền ở Trung Quốc là 30%, ở Hàn Quốc là 3,9%, thì ở Việt Nam là 22,6% so với tổng chi tiền thuốc bảo hiểm y tế.
Thuốc y học cổ truyền được bảo hiểm y tế chi trả
Về nhóm thuốc y học cổ truyền được bảo hiểm y tế thanh toán - đây là vấn đề đáng bàn luận.
Việc phân chia thuốc y học cổ truyền thành 2 danh mục (danh mục Thuốc y học cổ truyền và danh mục Vị thuốc y học cổ truyền) là do Bộ Y tế dựa theo lý thuyết Đông y mà quy định; còn phía bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội thì phải tôn trọng theo đề nghị của Bộ Y tế! Ngày nay trên thế giới, y học dựa trên bằng chứng; số thuốc y học cổ truyền được cơ quan quản lý Nhà nước chấp nhận phê duyệt không nhiều. Bản thân các doanh nghiệp dược nước ta cũng rất khó cung cấp bằng chứng để được đăng ký thuốc y học cổ truyền ở nước ngoài. Nhật Bản, Hàn Quốc đối với tiêu chuẩn cho thuốc y học cổ truyền có yêu cầu rất cao. Do vậy số thuốc y học cổ truyền trong danh mục của nước họ cũng khiêm tốn. Việc tôn trọng nguyên tắc của Thuốc thiết yếu là “an toàn, hiệu quả, giá cả phù hợp, dễ tiếp cận” cần đặt lên hàng đầu.
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác chỉ chấp nhận thanh toán bảo hiểm y tế các thuốc được tiêu chuẩn hóa, có nghĩa là chúng được sản xuất, chế biến ở nhà máy, trên dây chuyền công nghệ; còn những thuốc thang, vị thuốc... do khó xác định được chất lượng, nên không được thanh toán.
Trong thời gian qua các cơ quan quản lý, bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh, kế toán rất vất vả về việc báo cáo, thanh toán cho các vị thuốc. Chỉ riêng việc phân biệt nguồn gốc dược liệu (Bắc, Nam) hay gia - giảm, thay thế; hoặc định giá loại dược liệu (loại 1, 2, 3...) cũng đủ phức tạp. Liệu ai có khả năng đánh giá được tiêu chí so sánh chi phí - hiệu quả đối với nhóm vị thuốc này?
Hiện nay, Việt Nam đã đầu tư xây dựng những dây chuyền sản xuất từ dược liệu ra các chế phẩm bột đơn, có thể cân bốc thuốc theo thang từ những bột gọn nhẹ đó. Điều này đáng để các nhà quản lý cũng như các thầy thuốc suy nghĩ chuyển đổi từ việc bốc thang dược liệu thô sang kê đơn và cân, gói hỗn hợp cao khô dược liệu đã được tiêu chuẩn hóa. Sẽ giảm bớt những gói thang thuốc cồng kềnh, bớt được nấu thủ công và nâng cao chất lượng của vị thuốc.
Như vậy, ta chưa thể bỏ ngay việc bốc thuốc phiến (vị thuốc) mà chuyển đổi dần để nâng cao chất lượng các vị thuốc và khuyến khích sản xuất các loại dược liệu ở các nhà máy chế biến dược liệu tập trung, thay cho chế biến riêng lẻ ở bệnh viện và nấu thuốc ở gia đình. Ta nói nhiều đến cuộc cách mạng 4.0. Đối với nền y học cổ truyền chưa có nhiều chuyển biến về mặt này. Nếu thay đổi được phương thức chỉ định, công nghệ sản xuất, pha chế theo đề xuất nêu trên thì cũng là một bước tiến trên con đường hiện đại hóa sản xuất và sử dụng thuốc y học cổ truyền.