PHẦN BỐN: GIẢI PHÓNG VÀ HỒI HƯƠNG
8. Đại Đế Cyrus, Nhà Giải Phóng
Từ năm 562 TCN, sau khi hoàng đế Naboukhodonosor II băng hà, quyền lực của đế chế Babylon bắt đầu suy giảm nhanh chóng. Chỉ trong vòng bảy năm, ngai vàng đã đổi chủ tới ba lần, để rồi rơi vào tay của Nabonidus (556 TCN – 545 TCN). Hoàng đế, do xuất thân từ dòng dõi tư tế và có lòng sùng kính đặc biệt thần mặt trăng Sin, đã cho khôi phục đền thờ kính vị thần này tại Haran, và do vậy, đã gây ra sự kình địch của giới tư tế đầy quyền lực của thần Marduk, điều này đã tạo nên một sự rạn nứt trong nền tảng quyền lực của đế chế Babylon.
Vì một lí do nào đó mà đến nay vẫn còn là bí ẩn, hoàng đế Nabonidus đã rời đô từ Babylon sang ốc đảo Teima nằm phía bắc sa mạc Arabia, việc làm khinh suất này của ông đã đưa tới hai hệ quả nghiêm trọng cho nền chính trị của đế chế Babylon. Thứ nhất, với việc đặt trung tâm hành chính của đế chế ở một vị trí ngoại vi, hoàng đế Nabonidus đã khiến việc kiểm soát và điều hành một đế chế rộng lớn như Babylon thêm phần khó khăn. Thứ hai, việc hoàng đế Nabonidus vắng mặt tại Babylon khiến cho những năm đó người ta không thể cử hành Lễ hội Năm mới, lễ hội mà trong đó hoàng đế đóng vai trò chính. Đối với người Babylon, việc hoàng đế Nabonidus không cử hành những nghi thức của lễ hội này để kính thần Marduk rõ ràng là một tai họa, vì người dân tin rằng sự may mắn và chính sự hiện hữu của Babylon phụ thuộc vào vị thần này.
Mối đe dọa từ bên ngoài do thế lực ngày càng lớn mạnh của người Medes ở miền đông bắc đế chế bắt đầu trở nên rõ ràng. Người Medes đã từng là đồng minh của người Babylon trong việc lật đổ đế chế Assyria, lúc này chính họ lại đe dọa đế chế Babylon. Để đối phó với người Medes, Nabonidus đã kết đồng minh với vua Cyrus (576 TCN – 530 TCN) của Ba Tư, một chư hầu của người Medes. Cyrus đại đế, vua của người Achaemenid ở Elam, không cần người Babylon hỗ trợ, đã quật khởi tại Ecbatana để chống lại ách thống trị của Astyages, vua của Medes. Vương quốc Medes nhanh chóng sụp đổ và người Ba Tư trở thành chúa tể của tất cả vùng đất phía đông dãy Zagros nhìn xuống vùng đồng bằng Lưỡng Hà. Lúc này, hoàng đế Nabonidus nhận ra người Ba Tư mới là kẻ thù đích thực của họ, nhưng đã muộn. Năm 539 TCN, một trận đại chiến giữa quân đội Babylon và Ba Tư nổ ra tại Opis, bên bờ sông Tigris, với kết quả là sự thảm bại của người Babylon.
Các cánh quân Ba Tư nhanh chóng vượt qua các hạ lưu hai con sông Euphrates và Tigris, xiết vòng vây xung quanh kinh thành Babylon, vốn được cho là bất khả xâm phạm. Điểm yếu duy nhất của hệ thống phòng ngự Babylon chính là con sông Eupherates được cho chảy qua ngay giữa thành phố. Người Babylon cho đặt một lưới kim loại chắn ngang sông, để tuy dòng sông có thể chảy qua thành phố nhưng vẫn ngăn chặn được sự xâm nhập từ bên ngoài, thế nhưng, lưới này không chạm đáy sông. Ngay bên ngoài thành là một hồ nước chu vi lên tới 420 ‘stadia’, được sử dụng để rút nước sông Euphrates trong quá trình thi công các công trình phòng ngự cho thành và cây cầu bắc qua chính giữa thành. Đây sẽ là điểm yếu trí mạng của thành Babylon mà Cyrus sẽ lợi dụng.
Vì thấy trước Cyrus sẽ tiến công, người Babylon đã tích trữ lương thực đủ dùng trong nhiều năm. Vì thế trong khi cư dân Babylon không mấy lo lắng về cuộc vây hãm thì Cyrus lại lúng túng khi thấy cuộc vây hãm kéo dài mà không đạt được tiến triển nào, nhưng cuối cùng ông đã nghĩ ra được một mưu kế. Cyrus bố trí một cánh quân ở nơi dòng sông chảy vào thành, một cánh quân khác ở nơi dòng sông chảy ra khỏi thành, rồi đích thân ông dẫn cánh quân thứ ba đi đào một con kênh dẫn nước từ sông Euphrates vào hồ nước cũ ở ngoại thành, khiến cho dòng chảy của sông trong một vài giờ hạ xuống thấp đến mức có thể lội qua được. Sau đó, hai cánh quân Ba Tư phục sẵn nhanh chóng ập vào và hạ thành. Vì quy mô rộng lớn của chính nó, khi khu vực tiếp giáp với tường thành đã lọt vào tay quân Ba Tư, những người ở trung tâm thành phố, ngẫu nhiên lúc đó đang tổ chức một lễ hội thâu đêm, vẫn tiếp tục nhảy múa vui chơi cho tới sáng, khi mà mọi việc đã an bài.
Hoàng đế Cyrus tiến vào Babylon tháng 10 năm 539 TCN, ông tuyên bố mình là người giải phóng người dân Babylon ra khỏi ách thống trị của Nabonidus. Hoàng đế Cyrus đã tính toán chính xác, vì người dân thành Babylon đã đầu hàng mà không hề kháng cự. So với các đạo quân chinh phục như Asssyria và Babylon, đạo quân Ba Tư của hoàng đế Cyrus rõ ràng là nhân đạo hơn. Các đền thờ ở Babylon và các thành lân cận không hề bị tổn hại, do quân đội Ba Tư đã được lệnh phải tôn trọng tôn giáo người bản xứ và tránh gây sợ hãi cho họ. Quả thực hoàng đế Cyrus đã đối xử với các thần linh của các dân tộc bị chinh phục một cách khoan dung. Và chính trong bối cảnh đó, người Israel ở Babylon đã được hoàng đế Cyrus cho chấm dứt số phận lưu dân để trở về quê hương bản quán.
9. Khi Tù Nhân Zion Trở Về
Chỉ vài tháng sau khi lên ngôi, hoàng đế Cyrus đã ban hành một chiếu chỉ vào năm 538 TCN cho phép người Israel hồi hương và tái thiết Đền Thờ. Ta có thể tìm thấy chiếu chỉ này ở trong hai sách Esdras và Nehemiah. Chiếu chỉ này được lưu làm hai bản trong văn khố hoàng gia, một bản bằng tiếng Do thái và một bản bằng tiếng Aram, ngôn ngữ chính thức của đế chế Ba Tư. Người Israel không bị ép buộc phải ra đi, và quả thực, cuộc sống đã trở nên thoải mái của xứ lưu đày Babylon khiến nhiều người trong số họ không muốn hồi hương mà chọn ở lại và chỉ tham gia tái thiết Đền Thờ bằng cách đóng góp tài chính. Số người này tạo thành một cộng đoàn hải ngoại quan trọng và khá sung túc.
Các đoạn khác nhau trong bản văn Thánh Kinh, hé lộ cho chúng ta biết một vài hình ảnh về những vấn đề khó khăn mà những người Israel hồi hương phải đối mặt. Khó khăn thứ nhất là sự tranh chấp đất đai giữa những người hồi hương và những dân đã đến cư ngụ tại xứ Palestina. Quả vậy, vùng đất được dành cho những người hồi hương chỉ rộng khoảng vài chục dặm vuông xung quanh Jerusalem, nhỏ hơn rất nhiều so lãnh thổ vương quốc Judah thời phân li. Vì thế, chúng ta khó có thể nói rằng người Israel hồi hương đã khôi phục lại hoàn toàn đất đai của họ. Hơn thế nữa, họ còn phải chia sẻ mảnh đất nhỏ bé với hậu duệ của những người Israel không đi lưu đày vào năm 587 TCN, và cả những người ngoại quốc đã đến ở vùng núi Judah theo sau các chiến dịch quân sự của Babylon. Trong bối cảnh ấy, những xung đột và tranh chấp dưới nhiều hình thức đã xảy ra giữa những cư dân còn ở lại và những người mới trở về.
Tình trạng lại càng thêm phức tạp, do mâu thuẫn giữa những người hồi hương với nhóm cư dân pha tạp sống tại vùng núi Samaria ở phía bắc nhưng lại đang nắm quyền kiểm soát miền đất Judah. Nhóm cư dân tạm gọi là những người Samaria này là hậu duệ của những dân cùng đinh trong vương quốc Samaria bị bỏ lại và các sắc dân được đế chế Assyria đưa đến ở trong vùng. Họ có những lối thực hành tôn giáo tuy có thể gần gũi, nhưng cũng tồn tại nhiều khác biệt quan trọng với người Israel. Những người Samaria đó, theo quan điểm Israel, đã hư hỏng vì bị trộn lẫn với các dân tộc ngoại bang. Do đó, giữa những người Samaria và người Israel luôn có một mối căng thẳng. Người Israel kết án người Samaria, vì họ đã không duy trì được một đức tin tinh tuyền. Còn người Samaria thì lại cho rằng họ mới là những người thật sự trung thành với Luật Moses. Như chúng ta đọc trong sách Esdra, những người Samaria cũng muốn giúp tái thiết Đền Thờ Jerusalem nhưng những người Israel đã từ chối thiện chí của họ. Ở chiều ngược lại, những người Samaria cũng đã chống đối việc xây các bức tường thành Jerusalem. Mặt khác, tương quan của những người Israel với nhau cũng không phải là tương quan lí tưởng. Có những người Israel muốn giữ nguyên hiện trạng trong những lãnh vực khác nhau như chính trị xã hội, luân lí và tôn giáo, trong khi có những người lại muốn cải cách một cách sâu sắc trong mọi lĩnh vực.
Tiếp đến, người Israel hồi hương lại gặp nhiều khó khăn trong việc sinh sống tại xứ Palestina. Tại lúc đó, Jerusalem và các thành phố lân cận vẫn còn trong tình trạng đổ nát, khiến việc kiếm sống của người dân cũng bị hạn chế rất nhiều. Vậy là hoá ra cuộc sống của những người hồi hương thực tế khác xa với viễn tượng về một xứ sở đầy phồn thịnh và tự do mà ngôn sứ Isaia Đệ Nhị từng hứa hẹn. Thời gian càng trôi đi, người Israel hồi hương càng thấy rằng những lời hứa hẹn đó sẽ còn ở xa tầm tay, và chúng ta có thể tưởng tượng được rằng đời sống của những người Israel hồi hương đầu tiên có thể là một chuỗi những thất vọng cay đắng. Khi đó, những ai tin vào lời hứa của Thiên Chúa hiểu ra rằng, dù đã quyết tâm sống theo Luật Moses, nhưng mong ước giữ vững đức tin vào Thiên Chúa của thế hệ họ cũng không dễ dàng hơn so với thế hệ cha ông họ chút nào.
Cuối cùng, một khó khăn nữa của người Israel hồi hương là việc tái thiết Đền Thờ Jerusalem. Bản văn Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng người Israel đã tranh cãi rất nhiều và cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái thiết Đền Thờ. Một đàng, họ không có đủ thợ xây cất và thiếu nguồn tiền bạc, do đóng góp của người Israel không được nhiều lắm. Đàng khác, họ gặp phải sự kháng cự, chế nhạo và đe dọa của những dân lân cận, tức là những người Samaria và những người Ammon ở bên kia sông Jordan.
Những khó khăn kể trên bủa vây số sót ít ỏi của một dân tộc trở về từ nơi lưu đày, khiến cho vài người trong số họ đâm ra nản lòng mà lại một lần nữa lìa bỏ Lề Luật của cha ông. Thế nhưng, trong cơn khốn quẫn đến độ gần như lạc lối đó của dân Israel, đã xuất hiện hai nhân vật Nehemiah và Esdras. Hai ông đã nâng đỡ, sửa dạy và khuyến khích dân Israel kiên vững trong niềm tin vào Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Người.
10. Vững Một Niềm Tin
Vào năm 444 TCN, Nehemiah được Artaxerxes I, hoàng đế Ba tư, bổ nhiệm làm thống đốc Judah, Ông đi về miền đông đem theo chiếu chỉ của hoàng đế cho phép ông xây dựng lại tường thành Jerusalem, với chi phí được lấy từ kho tàng hoàng gia. Đồng thời, chỉ thị từ hoàng đế cũng cho phép Judah cũng được tách khỏi tỉnh Samaria để thành một tỉnh độc lập. Nehemiah làm thống đốc Judah trong vòng 12 năm, sau đó ông trở lại làm quan trong triều đình Ba tư.
Tuy nhiên, liền sau đó, Nehemiah thuyết phục hoàng đế cho ông trở lại Jerusalem, do tình trạng ở Jerusalem bắt đầu trở nên tồi tệ. Dân chúng Israel thời đó đang lần hồi nghiêng theo lối sống dễ dãi khi chấp nhận những cuộc hôn nhân dị chủng với dân ngoại xung quanh. Trong hoàn cảnh đó, Nehemiah đã tiến hành một cuộc cải cách nhằm vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa người Israel với dân ngoại. Nehemiah đã đề ra hai tiêu chuẩn cụ thể để được công nhận là người Israel: thứ nhất, người đó phải được cha mẹ là người Israel sinh ra, và thứ hai, người đó phải trung thành với Torah, bao gồm sự trợ giúp theo luật định dành cho cơ cấu phụng tự Đền Thờ. Nehemiah triệt để ngăn cấm hôn nhân dị chủng, dựa trên nền tảng của sách Đệ nhị luật. Tiếp nối Nehemiah, những năm về sau Esdras đã đưa ra những biện pháp còn cứng rắn hơn: ông không chỉ cấm hôn nhân dị chủng, mà những ai đã lấy người dân ngoại bị buộc phải phá vỡ cuộc hôn nhân đó.
Esdras chính là người đã đẩy cuộc cải cách của Nehemiah đi xa hơn. Esdras hẳn là đã đến Jerusalem khoảng những năm 420 TCN, không phải với vai trò là thống đốc như Nehemiah, nhưng được hoàng đế Batư cử đến Jerusalem để thị sát các vấn đề tôn giáo. Quyền bính của Esdras cũng không chỉ bó hẹp ở Judah, mà bao trùm trên mọi người Israel sinh sống tại Palestina. Esdras được miêu tả như là “một kinh sư thông Luật Moses, mà Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel đã ban”. Một trong những thứ quan trọng mà Esdras đem về từ Babylon là một bản sao của Sách Luật Moses. Với đỉnh điểm là việc dân chúng xưng thú tội lỗi, quyết tâm tách mình khỏi dân ngoại, đồng thời long trọng cam kết sống trung thành với Lề Luật của Giao Ước Sinai. Văn bản kết ước được các kỳ mục Israel kí kết và được mọi người thề hứa tuân theo, kẻ nào không tuân giữ sẽ bị nguyền rủa.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng điều mà Ezekiel và Isaiah Đệ Nhị đã sửa dạy và khuyên răn dân Israel ở Babylon, cũng là điều mà Nehemiah đã chuẩn bị trong cuộc cải cách sơ khởi, lúc này đã được thực hiện hoàn chỉnh với nghi thức kết ước do Esdras đề xướng. Cách nào đó, kinh sư Esdras đáng được gọi là “người khai sinh ra Do thái giáo”, vì bởi do ảnh hưởng của ông mà cuộc sống và tôn giáo của người Israel đã có một biến chuyển mới, trở nên dứt khoát hơn và bám sát hơn trong đức tin vào ĐỨC CHÚA.
ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Jacob, Đấng tín thành và giàu lòng thương xót, đã hứa ban một “miền đất tràn trề sữa và mật” cho cha ông họ, miền đất mà sau năm mươi năm họ bị lưu đày nơi đất khách quê người, lại là nơi họ trở về và sinh sống bình yên.
Hồi sinh từ đống tro tàn, người Israel quyết tâm giữ vững đức tin của họ vào ĐỨC CHÚA của cha ông và xem đó như căn tính thâm sâu của dân tộc, không thể thoái hoá, không thể nhượng bộ, không thể chối bỏ. Sinh sống trong một đế chế Ba Tư khoan dung về tôn giáo, việc đó xem ra khá dễ dàng. Nhưng ba trăm năm sau thời hoàng đế Cyrus, khi thời thế đổi thay, dân tộc Israel phải đối mặt với gã bạo chúa điên cuồng mà họ gọi là Antiocho Epimanes (Antiocho điên khùng) của nhà Seleucid, họ sẽ phải chứng minh đức tin mà họ tuyên xưng vào ĐỨC CHÚA liệu có phải là một thâm tín, hay chỉ là một lời chót lưỡi đầu môi…
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất