Trong phần 1, chúng ta đã làm sáng tỏ về thân thế của Cao Biền và các đóng góp của ông với xứ An Nam. Ta đã thấy rằng khác với suy nghĩ lâu nay của nhiều người, trên thực tế thì Cao Biền có thể coi là một nhân vật có nhiều công đức với dân An Nam thuở đó. Ông đã đánh bại quân Nam Chiếu, trả lại sự bình an cho vùng này, và trong quãng thời gian cai trị với cương vị Tiết độ sứ, Cao Biền đã cho xây dựng nhiều công trình có tầm vóc quan trọng với cuộc sống của dân chúng. Ngay cả các tư liệu lịch sử của nước ta cũng đánh giá rất cao vai trò của Cao Biền, thậm chí còn tôn xưng ông là Cao Vương. Vậy nhưng, ngày nay khi nhắc đến Cao Biền, thứ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí nhiều người lại là những câu chuyện nhuốm đầy màu sắc kỳ bí liên quan tới phong thủy và các phép trấn yểm. Trong bài này, chúng ta sẽ tiếp tục làm rõ thêm về lời đồn Cao Biển trấn yểm sông Tô Lịch nói riêng và xứ An Nam nói chung.
Cũng cần nói thêm rằng, phần lớn các câu chuyện liên quan tới việc “Cao Biền trấn yểm” được biết đến rộng rãi thực chất là những câu chuyện chí dị. Các nguồn tài liệu dạng chí dị thường tự mâu thuẫn lẫn nhau và tập trung vào các yếu tố kì ảo hơn là sự thực hay logic, do đó phần này của bài viết chỉ liệt kê các trích dẫn từ chính sử, hoặc các sách phi chí dị để đảm bảo nội dung được thống nhất và đáng tin cậy.

VỀ CÁI GỌI LÀ "TRẬN ĐỒ TRẤN YỂM" Ở SÔNG TÔ LỊCH

Năm 2007 có một sự kiện hy hữu xảy ra trong báo chí Việt Nam: một hiện tượng đã xảy ra cách đó 6 năm nhưng nó lại được biết tới rầm rộ vào 6 năm sau và thời gian tồn tại trong văn hóa đại chúng của nó nhiều hơn là thời gian nó tồn tại về mặt hành chính. Hơn nữa, hiện tượng đó lại chỉ được đăng tải trên những “tờ báo loại hạng 2”, nghĩa là không mang tính chính thống. Đó chính là hiện tượng của loạt bài báo mang tên “Thánh vật sông Tô Lịch” được “nhai lại” và “chế cháo” bởi tờ “Bảo vệ pháp luật” - cơ quan phát ngôn của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Việt Nam trong suốt các số 13, 14, 15 cũng như một loạt những tờ báo mạng rẻ tiền khác sau này. Sau sự kiện trên, tờ báo kia có lẽ phải đăng một dấu đỏ chót vào trong lịch sử Guinness Việt Nam vì khả năng đầu têu thổi phồng một hiện tượng nhằm thu hút độc giả lớn nhất trong thời gian ngắn nhất.
Sự thực, câu chuyện về “Báu vật sông Tô Lịch” hấp dẫn người bởi những phép thuật được cường điệu quá đà, dựa trên những câu chuyện dân gian cách đây cả ngàn năm về nhân vật phù thủy kiêm nhiệm tướng quân, thầy phong thủy, thầy tướng số, nhà văn, nhà thơ, nhà Nho học dưới thời Đường tên là Cao Biền. Câu chuyện tô vẽ về sự kiện một tên thầy phép gian xảo ác độc nổi tiếng xứ Trung Hoa muốn trấn yểm long mạch An Nam mà cụ thể trường hợp này là lập trận đồ bát quái trấn yểm tại sông Tô Lịch, khiến xứ này mãi mãi phải lệ thuộc vào thiền triều. Nhưng câu chuyện trong quá khứ lại càng thu hút hơn bởi tính thời sự của nó, khi nó gắn với những câu chuyện đương thời.
Theo tờ báo, 6 năm trước đó, ngày 27/9/2001, Đội thi công số 12 (Công ty xây dựng VIC) trong khi nạo vét sông Tô Lịch, dòng sông cổ chạy dọc phía Tây của Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay, đã phát hiện những di vật cổ rất lạ và huyền bí: Dưới lòng sông, họ đã phát hiện nhiều cọc gỗ (khoảng 7 cây) được chôn đứng dưới lòng sông theo một trật tự không rõ tạo thành một đa giác đều, tại đó có các bộ hài cốt người, xương voi, xương ngựa, nhiều mảnh vỡ bát đĩa, dao, kim khâu, tiền đồng… Rồi chuyện máy xúc Komatsu tự nhiên lao xuống sông, nào là những người đang làm việc tự dưng ngã lăn ra đất, đưa la bàn ra thử thì la bàn quay tít. Tờ báo còn kể rằng, trước những tình tiết vô cùng kì quái này, tuy rất nhiều nhà khoa học được mời đến thảo luận với nhiều giả thuyết, tranh cãi khác nhau và cũng chẳng thể đưa đến một kết luận nào.
Tuy nhiên, điều gây sốc nhất cho độc giả là theo loạt bài này, sau khi tiếp tục cố tình thi công, một số công nhân và người thân của họ đã gặp rất nhiều tai nạn và bệnh tật, thậm chí có người đã chết tại hiện trường. Nhiều “nhà phong thủy” cho rằng đội thi công đã “phạm” phải “trận đồ Bát quái” của Cao Biền, nên bị “thánh vật”. Công cuộc thi công vì đó mà gặp nhiều trắc trở, không đạt hiệu quả như mong đợi.
Khoảng một năm sau đó, những câu chuyện buồn của các thành viên trong Đội nạo vét sông bắt đầu được gán với những câu chuyện mơ hồ liên quan tới thuật bùa chú. Cái chết của Thích Viên Thành - thiền sư nổi tiếng trụ trì Chùa Hương - năm 2002 bị cho là do thiền sư đã thất bại trong việc lập đàn trấn yểm trận đồ của Cao Biền. Thậm chí, Trần Quốc Vượng - một trong “tứ trụ” của giới sử học Việt Nam - cũng bị lôi vào sự kiện này. Nhiều “nhà phong thủy” phỏng đoán, sự ra đi của ông năm 2005 vì bệnh ung thư cũng là do ông đã cả gan “động” vào trận đồ của Cao Biền khi mang một số hiện vật về nhà nghiên cứu.
Một góc sông Tô Lịch
Một góc sông Tô Lịch
Trước những tin đồn vô căn cứ, xúc phạm đến danh dự của những người đã khuất, gia quyến và học trò của Hòa thượng Thích Viên Thành và Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhiều lần lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng, phủ định những thông tin nêu trên. Bản thân báo Bảo vệ pháp luật sau đó cũng bị Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xử phạt vì “thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội”.
Câu chuyện ầm ĩ trên báo chí cũng cứ thế rồi đi vào quên lãng, cho đến khi nó được khơi mào trở lại một cách ầm ĩ hơn gấp nhiều lần trong mấy năm vừa qua. Hàng loạt các trang báo mạng, các group trên Facebook cho đến các video Youtebe cũng đều cho ra lò các sản phẩm ăn theo câu chuyện này với tình tiết vô cùng li kì, ảo diệu. Danh tiếng của Cao Biền, sau hơn một ngàn năm lại lần nữa nổi như cồn khắp xứ An Nam theo một cách… không được hay ho cho lắm. Cho đến tận ngày hôm nay, nhiều người vẫn tin chắc như đinh đóng cột rằng dưới lòng sông Tô Lịch trước đền Quán Đôi từng có “trận đồ bát quái” trấn yểm của Cao Biền và câu chuyện những người có liên quan bị “thánh vật” là có thực dù nhiều chuyên gia, nhà văn hóa, nhà sử học đã cố gắng lên tiếng giải thích về “hiện tượng” này. Thậm chí, sự kiện này còn được lập thành một mục riêng trên Wikipedia của Việt Nam, với những thông tin dạng “trust me bro” vô cùng hấp dẫn với những ai tò mò muốn tìm hiểu.
Vì thông tin đính chính đã tồn tại trên các nguồn cung cấp thông tin chính thống từ rất lâu, chỉ là do người ta không chịu tìm hiểu vì chúng vốn không hấp dẫn bằng mấy câu chuyện ma quái kì ảo, nên sau đây xin được dẫn lại cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam), người trực tiếp tham gia việc khai quật và khảo sát vị trí đoạn sông Tô Lịch trước đền Quán Đôi (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) và có uy tín nhiều năm trong ngành, khi được hỏi về vấn đề này.
“Dưới lòng sông Tô Lịch khi đó không hề có “trận đồ bát quái” nào cả, tất cả chỉ là tin đồn. Tôi là người trực tiếp khai quật, nên biết rõ về vấn đề này”
TS Nguyễn Hồng Kiên khẳng định và giải thích: những xương cốt dưới lòng sông Tô Lịch mà đội thợ thi công cải tạo sông bắt gặp là có thật. Tuy nhiên, những xương cốt này không đồng nhất là của người, trong đó có lẫn xương các loại động vật khác như trâu, bò, lợn… Ngoài ra, những xương cốt này cũng không hề sắp xếp theo một trật tự nào cả, mà chỉ dồn lại thành một đám.
Trang wikipedia về loạt bài báo "Thánh vật ở sông Tô Lịch"
Trang wikipedia về loạt bài báo "Thánh vật ở sông Tô Lịch"
Căn cứ vào những tư liệu lịch sử có thể thấy, sông Tô Lịch xưa kia như một chiếc hào rộng chạy bao quanh thành. Đoạn sông chảy qua làng An Phú lại là khúc quanh như một cái vịnh nhỏ, mọi vật trôi nổi trên sông khi ấy đều dạt hết về đây vì quẩn nước, trong đó có lẫn cả xác người và xác động vật, lâu ngày tích tụ và lắng lại dưới lòng sông. TS Kiên còn cho biết thêm rằng:
“Ngoài ra, đoạn sông Tô Lịch này lại đóng vai trò như hào nước bảo vệ thành Đông Quan. Trong suốt chiều dài hàng mấy trăm năm, biết bao nhiêu biến cố lịch sử thăng trầm, biết bao nhiêu cuộc xung đột, chiến tranh đã xảy ra, nơi đây có thể là những điểm giao tranh ác liệt. Bởi vậy việc tồn tại xương cốt của người xưa chìm ở dưới đoạn sông này cũng là điều dễ hiểu”
Trước tin đồn “thánh vật” sông Tô Lịch có liên quan đến cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, học trò của ông là Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên đã lên tiếng khẳng định:
“Khi chúng tôi khai quật sông Tô Lịch, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã ra tận nơi để xem xét và hướng dẫn thêm cho chúng tôi. Việc thầy Vượng đem chiếc la bàn ra đo và kim la bàn lúc đầu quay sai là có thật. Tuy nhiên đó là do trục trặc kỹ thuật. Dụng cụ thầy đo không phải máy la bàn chuyên dụng mà là một chiếc đồng hồ có gắn la bàn và kim của nó thường xuyên bị kẹt. Khi tôi đem la bàn ra đo thì mọi thứ đều bình thường, không có hiện tượng gì đặc biệt cả”
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, tin đồn cho rằng Giáo sư Trần Quốc Vượng khi đem một số mẫu cổ vật lấy từ sông Tô Lịch về nhà để nghiên cứu nhưng sau đó những mẫu cổ vật này “bất ngỡ bị vỡ nát” là không có thực, chỉ là “bịa đặt”.
“Nếu ai đó làm nghề khảo cổ thì sẽ hiểu rất rõ nguyên tắc này: Không bao giờ đem bất kỳ một mẫu vật nào về nhà cả. Đó là nguyên tắc tối kỵ trong nghề. Giáo sư Trần Quốc Vượng không hề đem mẫu vật nào về nhà để nghiên cứu riêng cả. Tất cả chỉ là tin đồn, hoặc do một ai đó cố tình bịa đặt ra nhắm mục đích gì đấy. Họ đã cố tình đưa thêm tình tiết có tên cố Giáo sư Trần Quốc Vượng vào nhằm làm tăng tính ly kỳ của câu chuyện mà thôi”
Như vậy, qua các trao đổi của TS Nguyễn Hồng Kiên, ta có thể an toàn kết luận rằng việc Cao Biền trấn yểm sông Tô Lịch là hoàn toàn không hề có thật, chủ yếu được các báo lá cải dựng nên để thu hút người đọc với các tình tiết bịa đặt được chính người trong cuộc xác nhận. Tuy nhiên, nếu chưa thực sự tin tưởng những gì TS Nguyễn Hồng Kiên chia sẻ (như nhiều người thường nói, thuyết âm mưu sẽ luôn vẽ ra viễn cảnh rằng chính những người trong cuộc và chính quyền phải phủ nhận sự thật để trấn an tinh thần đại chúng), ta vẫn có thể tự mình rút ra kết luận về sự việc dựa vào những bằng chứng được ghi chép lại trong sử sách như sau, với sự thống nhất cao và được xác định là gần gũi hơn rất nhiều so với những bài báo lá cải về sự vụ trấn yểm kia.

CAO BIỀN SANG AN NAM KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐÀN ÁP NGƯỜI VIỆT

Không có một ghi chép chính sử nào đương thời cho thấy Cao Biền được phái sang An Nam với mục đích trấn yểm hay Cao Biền tự có dã tâm trấn yểm đất An Nam cả. Những thông tin về việc trấn yểm đều chủ yếu đến từ các tác phẩm thuộc thể loại chí dị, như đã giới thiệu ở trên và sẽ được làm rõ trong phần cuối của loạt bài này.
Trong chính sử, Cao Biền chỉ đơn giản là một người được phái sang xứ An Nam dẹp loạn, nhưng không phải là để đàn áp một cuộc nổi loạn nào đấy do người Việt phát động, mà là để ngăn chặn sự xâm lược của quân Nam Chiếu. Nếu như kẻ thù của ông là dân chúng An Nam thì tình tiết trấn yểm còn có thể đáng tin vài phần, thế nhưng kẻ thù của ông lúc này lại là giặc Nam Chiếu và đồng minh đắc lực của ông lại chính là… người Việt. Làm gì có ai ngu đến mức tự đi trấn yểm chính quân mình? Cũng không có một ghi chép nào cho thấy có khởi nghĩa trong suốt thời gian cai trị tại An Nam của Cao Biền, hay sự hà hiếp bóc lột dân chúng, càng thêm phần khẳng định rằng Cao Biền chẳng có lí do gì để phải tìm cách trấn yểm xứ này.
Đại Đường và các Đô hộ phủ
Đại Đường và các Đô hộ phủ
Trong thời gian cai quản An Nam, Cao Biền cũng vướng phải vô số mối nguy thường trực như đề cao cảnh giác phòng sự trở lại của kẻ địch, cảnh giác với những kẻ ghen ghét sẵn sàng chơi những vố hiểm như Lý Duy Chu, duy trì quân lực và sĩ khí, ổn định lòng dân bản xứ còn đang hoang mang sau cuộc cướp giết thảm khốc gây ra bởi quân Nam Chiếu, củng cố các công trình phòng thủ cũng như hệ thống đường xá, thủy lợi… Với hằng hà sa số vấn đề đã nêu trên, thì khó mà Cao Biền có thể rảnh rỗi đến mức đi xem xét phong thủy An Nam được, nói chi đến việc trấn yểm - một kiểu làm phép yêu cầu sự “tính toán” kĩ lưỡng và cần phải chuẩn bị một nguồn nhân lực cũng như tài lực to lớn mới có thể thực hiện.
“[...] nhưng khi Cao Biền ở nước ta, đương lúc Đường Lý rối ren, Nam Chiếu dòm ngó, phải lo việc quân chưa rỗi, việc chiến trường mới tạm yên, lại phải dời về Tây Xuyên, đâu còn có công phu nhàn rỗi mà cắp địa bàn đi hàng vài ngàn dặm để xem long mạch đất cát sông ngòi làm ra sách Kiểm ký, để chọn đất sẵn cho người đời sau được?” - Ngô Thì Sĩ bình, Đại Việt Sử ký Tiền biên, Quyển VI, Ngoại kỷ, Kỷ nội thuộc Tùy Đường -
Lại nói, những công trình, hệ thống giao thông do Cao Biền xây dựng mang lại nhiều ý nghĩa to lớn mà sau này dân An Nam vẫn thu được giá trị sử dụng, từ các tòa thành mang mục đích quân sự, cho đến hệ thống đường thủy giúp giao thông vận tải dễ dàng hơn, đến các hồ dân sinh, rồi thì các công trình kiến trúc tôn giáo… Chúng đều gián tiếp hoặc trực tiếp giúp đời sống xã hội An Nam thêm phần phát triển. Nếu thực sự được xây dựng với mục đích trấn yểm, thì tại sao kết quả lại thành ra như vậy?
Cuối cùng, trong các bộ chính sử, thái độ của giới tinh hoa xứ An Nam về Cao Biền suốt thời phong kiến luôn là một cái nhìn kính trọng, như đã được liệt kê và phân tích tương đối đầy đủ trong phần trước của loạt bài. Ông được tôn thờ là Cao Vương, dù rằng thực sự ông chưa từng xưng vương mà chỉ làm trọn trách nhiệm của một vị quan cai trị. Đến đây, ta cần phải nhìn ra được sự mâu thuẫn đến vô lí này: các câu chuyện đồn thổi về Cao Biền trấn yểm đều xoay quanh hai luận điệu rằng hoặc là Cao Biền trấn yểm long mạch để khiến nước Nam mãi mãi không có vua để phải lệ thuộc vào thiên triều, hoặc là trấn yểm để dòng dõi mình sau này có số đế vương. Nhưng lật ngược lại suốt các giai đoạn lịch sử trung đại Việt Nam, hầu hết các triều đại lại xuất thân từ đất bản địa và cũng chẳng có quan hệ huyết thống gì với Cao Biền. Nếu thực có chuyện trấn yểm, thì các triều đại phong kiến này thù ông còn không hết. Nếu thực có chuyện trấn yểm thì những triều đại này phải hoặc là tuyên bố mình đã chiến thắng phép trấn yểm của tên phù thủy gian ác Cao Biền, hoặc chí ít cũng phải tỏ thái độ đối địch với ông chứ sao lại chỉ ca ngợi công lao, tôn vinh tài đức như thế?
Nếu với những bằng chứng trên chưa đủ để làm bạn tin tưởng, thì hãy cứ suy luận rằng giả như Cao Biền từng thực hiện việc trấn yểm tại An Nam (ít nhất là phải sau năm 867) và trận pháp còn được duy trì đến bây giờ mà chưa một ai phá giải nổi vì quá cao tay như cái cách mấy tờ báo lá cải miêu tả, thì chỉ tới năm 875 Cao Biền đã không còn ở xứ này, tới năm 880 Tiết độ sứ Tăng Cổn bị loạn binh đuổi khỏi thành, liền tiếp sau đó năm 905 Tiết độ sứ Chu Toàn Dục vì bất tài mà bị bãi chức, theo sau đó là sự trỗi dậy của một loạt thủ lĩnh cai trị gốc gác An Nam với lần lượt họ Khúc (năm 906), họ Dương (năm 931), họ Ngô (năm 938),... chấm dứt hoàn toàn thời kỳ Bắc thuộc. Một kết quả ngược lại hoàn toàn với mục đích trấn yểm.

CAO BIỀN THỰC SỰ CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ MỘT THẦY PHÁP GÀ MỜ

Mặc dù thời gian Cao Biền ở An Nam chỉ có khoảng chưa đầy 4 năm (865 - 868), nhưng Cao Biền đã để lại ấn tượng rất sâu đậm trong lòng đại chúng An Nam. Ngày nay, mỗi khi nhắc tới ông, văn hóa đại chúng thường khắc họa ra hình tượng một tên quan nhà Đường sang tính kế đô hộ nước ta, một tên phù thủy cao tay tội ác chất chồng mà lớn nhất là phá sạch long mạch, âm mưu khiến xứ Nam mãi đắm chìm trong màn đêm Bắc thuộc. Thế nhưng, có một sự thật khá buồn cười, đó là thực tế Cao Biền không có tài năng quá vượt trội trong mảng phù phép.
Dựa vào các thư tịch chính thống chép lại, thì thấy ngay Cao Biền vốn không phải là một pháp sư tài giỏi, nếu không muốn nói là kém cỏi hạng ba. Ghi chép duy nhất về lần Cao Biền tự mình sử dụng phép thuật trong chiến trận là ở Thành Đô (nay thuộc Tứ Xuyên, Trung Quốc), được miêu tả như sau:
“(Cao) Biền ưa phù phép, khi cầm quân đánh đuổi người Man, ban đêm đều lập đội ngũ, dựng cờ xí, đốt giấy vẽ hình người ngựa trước quân sĩ, vừa vãi hạt đậu, vừa niệm chú rằng: “Quân Thục hèn nhát, nay ta phái cho thần binh của thần Huyền Nữ đi trước!” - Tư trị thông giám, Đường Kỷ, thiên CCLII -
Sau khi làm phép, Cao Biền chẳng những không nhận được sự trợ giúp nào từ thần linh mà còn góp phần khiến ông bị chính các binh lính người Thục căm ghét vì cảm thấy bị xúc phạm, góp phần dẫn đến cuộc nổi loạn sau đó:
“Quân tráng sĩ đều lấy làm sỉ nhục. [...] Quân hình thật khắc nghiệt, khiến người Thục bất bình. Mùa hạ, tháng Tư, Đột tướng quân vào phủ thành làm loạn. Biền đi trốn trong nhà xí, Đột sai người cố gắng tìm bắt nhưng không được.” - Tư trị thông giám, Đường Kỷ, thiên CCLII -
Nếu thực sự là một thầy pháp cao tay, thì chẳng có chuyện như vậy xảy ra với Cao Biền, nhất là sau khi vừa làm phép để cầu chiến thắng xong. Có thể thấy, ông thực sự chỉ là hạng thầy pháp gà mờ, chứ không tài giỏi như mọi người vẫn tưởng tượng. Và rõ ràng, chẳng có một lí do gì mà nhà Đường lại phái một pháp sư gà mờ đến vậy sang trấn yểm đất An Nam, cái xứ mà với họ là một vô cùng khó kiểm soát cả về mặt thế tục lẫn tâm linh cả.
Ngoài một ghi chép rất vắn tắt như đã nêu, không thấy một ghi chép nào khác về việc Cao Biền thể hiện tài phép trong chiến đấu nữa. Chẳng những thê thảm đến vậy, về sau thì Cao Biền lại còn bị chính những thầy thuật sĩ của mình dắt mũi vô số lần.
Khi quân Hoàng Sào bắc tiến uy hiếp Trường An, mặc cho triều đình trung ương nhiều lần kêu gọi cứu viện, Cao Biền vẫn trước sau không chịu xuất binh, ở lì trong thành. Nhưng khi một thầy bói phán rằng có đôi chim trĩ bay vào quân phủ là điềm thành quách trống không, Cao Biền lại lập tức huy động tất cả binh sĩ xuất chiến:
“(Hoàng) Sào bức Dương Châu, bộ chúng có mười lăm vạn. Biền chỉ có 5000 quân, chinh chiến bất lợi, thành Tứ Châu cầu viện, Biền cố thủ không xuất binh. Giặc tiến về hướng sông Lạc (nay là sông Hoàng Hà), hoàng đế sai sứ thúc giục Biền đánh. Chẳng bao lâu hai kinh bị vây hãm, hoàng đế vẫn chờ Biền ứng cứu [...] Có hai con chim trĩ bay vào quân phủ, thầy bói bảo rằng: “Quân phủ trống không”. Biền kinh hãi, lệnh tất cả quân binh ra Đông Đường doanh [...] Lại hịch cho Chiết Tây Tiết độ sứ Chu Bảo cùng mình tiến công từ phía Tây, nói là đại hỷ”. - Tân Đường thư, Cao Biền truyện -
Lược đồ khởi nghĩa Hoàng Sào
Lược đồ khởi nghĩa Hoàng Sào
Kết quả là hành động này đã đem lại một chuỗi thất bại liên tiếp cho Cao Biền, khiến sự tín nhiệm từ triều đình suy giảm trầm trọng. Trước tình cảnh ấy, Cao Biền tuyệt vọng tìm lại ánh hào quang khi xưa. Ông ngày ngày càng tin dùng bọn đạo sĩ Lã Dụng Chi, Trương Thủ Nhất, Gia Cát Ân và dần dần phó thác quyền hành vào tay những người này.
“Trước đây, Cao Biền ưa thích thần tiên, có đạo sĩ Lã Dụng Chi ngồi yêu đảng, về dưới trướng Biền, Biền hậu đãi Chi, ban cho chức tước trong quân. [...] Dụng Chi bởi thế chuyên quyền, ngấm ngầm thực hiện dã tâm.” - Tư trị thông giám, Đường Kỷ, thiên CCLIV -
Bước đầu, khi mới tiếp cận Cao Biền, Lã Dụng Chi ở trước mặt ông và các tướng thì thường diễn trò hô phong hoán vũ, ngước lên trời cao lễ bái, làm như thể mình có thể nói chuyện với thần tiên. Lâu dần, Cao Biền đã bị cuốn vào trò lừa gạt của tên đạo sĩ:
“Dụng Chi tự nhận có thể nói chuyện với thần tiên, trước mặt Biền hô mưa gọi gió, hoặc nhìn trời cố ấp lại bái, ngôn ngữ khó hiểu. Tả hữu ban đầu còn nghi ngờ, bắt bẻ Chi, sau thì không dám nói gì nữa.” - Tân Đường thư, Cao Biền truyện -
Dụng Chi lại cho làm một cái ấn gỗ có hình bàn chân người khổng lồ dài 3 thước 5 tấc, nhân khi trời mưa đem đóng vào đất ướt ở khu rừng bách sau miếu Hậu Thổ và huyện Giang Dương, tạo ra dấu vết như thể người khổng lồ đánh nhau. Sáng hôm sau, Lã Dụng Chi nói với Cao Biền rằng mình đã dùng âm binh giúp đuổi thần đi, để khiến Cao Biền chịu ơn:
“Dụng Chi lại lấy khắc gỗ một bàn chân người, kích cỡ ba thước năm tấc, đợi khi trời đêm mưa lớn, đem ấn ở rừng bách sau miếu Hậu Thổ và trước bờ sông Dương Giang, làm như dấu tích giao tranh. Hôm sau, Dụng Chi gọi Biền rằng, hôm qua có thần nhân đấu với vị phu nhân giữ miếu, Dụng Chi sai khiến âm binh đuổi qua sông rồi, bằng không thì Quảng Lăng chẳng mấy sẽ có sóng lớn. Biền hoảng sợ, liền lấy hai mươi cân vàng biếu tặng Dụng Chi.” - Thái Bình quảng ký, Quyển CCXC, dẫn nguồn từ Quảng Lăng yêu loại chí -
Để mê hoặc Cao Biền toàn tâm theo mình, Lã Dụng Chi còn lấy đá xanh, cho khắc chữ với nội dung “Ngọc Hoàng ban cho Bạch Vân tiên sinh Cao Biền”, lén để lên hương án ở đạo viện. Cao Biền khi thấy thì rất vui mừng, hoàn toàn tin tưởng rằng mình đã tu tập đúng hướng. Bằng cách đưa cho Cao Biền “báu vật” mang lại khả năng “bất tử hộ thân”, Lã Dụng Chi đã chiếm được hoàn toàn lòng tin tưởng của ông:
“Tiêu Thắng nhận hối lộ Dụng Chi, cầu cổ thành giam, Biền không chịu, Dụng Chi rằng, tiên nhân nói rằng cổ thành có bảo kiếm, cần chân nhân lấy, chỉ có Thắng là hợp. Biền hứa. Mấy tháng, Thắng hiến chủy thủ đồng, Dụng Chi bảo rằng “Đây là Bắc Đế thường mang theo, đeo bên mình thì quân lính không dám phạm”. Cao Biền tin là vật báu, lúc nào cũng mang bên mình.” - Tân Đường thư, Cao Biền truyện -
Trong đạo viện, Lã Dụng Chi còn cho làm con hạc bằng gỗ, có cơ quan để cử động, cho Cao Biền trèo lên diễn lại cảnh tiên nhân cưỡi hạc về Trời, sớm mong ngày có thể đắc đạo phi thăng:
“Sau trong chính giữa đạo quán, khắc một con hạc gỗ, đại như tiểu tứ, tiên dây cương trung thiết cực liệt, người hoặc bức chi, phấn nhiên phi động, biền nếm vũ phục vượt chi, ngước nhìn không rộng, có phiêu nhiên chi tư rồi.” - Thái Bình quảng ký, quyển CCXC, dẫn nguồn từ Quảng Lăng yêu loại chí -
Mọi thứ còn đi xa đến mức Cao Biền bỏ bê hoàn toàn công việc, cho xây dựng lầu Nghênh Tiên, gác Diên Hòa cao vài chục trượng trong thành Dương Châu. Các nơi này đều dùng châu báu trang trí lộng lẫy, có bọn thị nữ ca múa. Tại đây, ngày ngày Cao Biền tổ chức rất nhiều nghi lễ cầu đảo để mong được gặp thần tiên ban phước:
“Biền xây lầu Nghênh Tiên, toàn bộ cao 80 thước, sức lấy kim châu ngọc, thị nữ y vũ y, tân thanh sáng tác nhạc, lấy nghĩ quân thiên, huân trai này thượng, kỳ cùng tiên tiếp.” - Tân Đường thư, Cao Biền truyện -
Dù bọn Lã Dụng Chi bày ra đủ trò hoang đường, thế nhưng kì lạ là kiểu gì thì Cao Biền cũng tin những chuyện đó mà không mảy may nghi ngờ. Nếu thực sự là một thầy tướng số cao tay, một phù thủy tài ba, một người bói phong thủy đại tài như cái cách đại chúng Việt Nam hiện nay mô tả thì hẳn Cao Biền đã nhận ra những trò lừa vặt vãnh ấy rồi. Trước sự sa đà vào phép thuật vô nghĩa của chủ tướng, một số thủ hạ của Cao Biền như Lương Toản, cháu Cao Biền là Cao Tầm tìm cách vạch tội Lã Dụng Chi nhưng đều không thành công. Kết cục của họ, dưới sự dèm pha của đám đạo sĩ cũng rất thê thảm. Người bị tước binh quyền, kẻ bị giết.
Bởi vậy, dần dà Cao Biền tin dùng bọn đạo sĩ Lã Dụng Chi đến cùng cực mê muội, đánh mất hết uy tín và quyền hành vào tay bọn đạo sĩ, khiến lòng quân hoàn toàn li tán. Một số tướng như Trương Hoài, Hàn Sư Đức nhân đó phất cờ làm phản Cao Biền, chiếm giữ Phục Châu, Ngạc Châu, tự xưng Thứ sử.
Trong bối cảnh đó, bộ tướng Tất Sư Đạt vì sợ Lã Dụng Chi hãm hại, nên dấy binh tấn công Dương Châu. Sau khi Lã Dụng Chi chạy trốn khỏi Dương Châu, Tất Sư Đạc và Tuyên Thiệp Quan sát sứ Tần Ngạn nhập thành, quản thúc Cao Biền và gia quyến tại đạo viện. Trong khi đó, Lã Dụng Chi hợp quân với Lư châu Thứ sử Dương Hành Mật, Trương Thần Kiếm tìm cách chiếm lại Dương Châu. Tần Ngạn, Tất Sư Đạc nhiều lần giao tranh nhưng đều bị thất bại. Một nữ pháp sư là Vương Phụng Tiên nói với Tần Ngạn rằng: “Tai họa của Dương Châu, nếu có một đại nhân chết, sẽ có thể trấn yểm được”. Và đại nhân ở đây chính là ám chỉ Cao Biền, do trước đó Tần Ngạn tin rằng mình thua trận nhiều là bởi Cao Biền yểm thuật. Ngày 24 tháng 9 năm 887, Tần Ngạn sai thủ hạ Lưu Khuông Thì giết chết Cao Biền cùng tất cả nam giới trong gia quyến, vứt thi thể xuống chung một hố.
Một cuộc đời nửa đầu oanh liệt vẻ vang, nửa sau sau sút cùng cực của Cao Biền đã kết thúc như thế. Dính dáng đến phép thuật chính là bước ngoặt lớn giữa 2 thái cực cuộc đời của Cao Biền. Việc này đã được các sử gia Trung Quốc lẫn Việt Nam đều lấy làm tiếc cho một người từng có thời kì vô cùng oanh liệt như ông:
“Xét lúc Cao Biền làm Đô hộ, những công nghiệp cũng nhiều đáng kể, tự ghi đổi sang Tây Xuyên, trong lòng sinh ra oán vọng, để tha hồ cho Hoàng Sào vây hãm hai kinh đô, người Đường mong Cao Biền còn lập được công, cho Biền lên làm Bột hải Quận vương, nhưng Biền nhờ lúc Trung Quốc điên bái, âm mưu chiếm cứ đất đai, nhất đán thất thế, oai vọng mất hết, từ đấy phải về để ý việc tu tiên, bao nhiêu việc quân giao cho Lã Dụng Chi. Dụng Chi là quân tiểu nhân, gian tà, đem lời phù phiếm dối trá mà coi Biền như đứa trẻ con, từng bị kẻ điên cuồng là Gia Cát n nói dối rằng: "Ngọc Hoàng Thượng đế cho thần đến giúp đỡ mình", lại hiến Cao Biền một thanh kiếm mà nói dối là của Ngọc Hoàng vẫn đeo. Cao Biền lấy làm báu, giữ bí mật, xây cất cái lầu cao 8 thước, gọi là lầu Nghênh Tiên, ở trên lầu ăn chay thắp hương mong được gặp thần tiên. Biền lại chế con chim hộc bằng gỗ ở trong sân, có đặt máy, chạm vào người thì bay được; Biền mặc áo lông cưỡi lên, làm ra dáng tiên bay, Dụng Chi giam giữ cho Biền chết. Sau Dương Hành mật sai đào dưới đất, bắt được người bằng đồng cao 3 thước, thân bị gông cùm, đóng đanh vào miệng, khắc tên Biền vào sau lưng. Đó là Dụng Chi làm mê hoặc yểm đảo Cao Biền, nhất đán Cao Biền trở nên ngu muội đến thế; coi với xưa kia có mưu lược phá quân Mán, trí khôn xây La Thành, và đào hải cảng động đến thiên oai, thành ra 2 hạng người khác hẳn là sao thế?” - Ngô Thì Sĩ bình, Việt sử Tiêu án, Ngoại thuộc Tùy và Đường -
Dù tình tiết Lã Dụng Chi yểm bùa khiến Cao Biền trở nên ngu muội đã gỡ gạc lại cho hình tượng của ông đôi chút, nhưng nếu gạt đi lớp lang kì ảo, ta sẽ chỉ thấy rằng bởi Cao Biền là một người mê tín nặng nề, nên cái kết cục ấy cũng là do tự ông chuốc chuốc lấy mà thôi.
Và mặc dù không thể phủ nhận thói mê tín của Cao Biền, nhưng nếu nhìn nhận sự việc một cách công tâm, đặt vào đúng thời đại mà ông sống thì đó lại là một điều tương đối bình thường. Cao Biền sống trong cảnh chiến tranh, loạn lạc kéo dài, nên theo một cách tự nhiên sẽ có nhu cầu tin tưởng, hy vọng vào sự tồn tại của một thế giới tốt đẹp và lý tưởng hơn - thế giới siêu nhiên, kì ảo với những phép màu, những quy luật nhân quả có thể giải thích được thay vì sự ngẫu nhiên, bất định của thế giới thực. Sự phát triển mạnh mẽ của các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian vào thời kì này cho thấy xu thế đó, rằng bất kì ai cũng sẽ có tâm lý muốn đổ lỗi những thất bại và bất hạnh trong cuộc sống cho các thế lực siêu nhiên đồng thời muốn kiếm tìm giải pháp dễ dàng cho những khó khăn gặp phải trong đời sống hằng ngày. Đây chính là điểm yếu trong mỗi con người mà phường buôn thần bán thánh luôn luôn biết cách lợi dụng, giăng sẵn những cạm bẫy chỉ chờ ta tự dâng mình vào trong lưới. Chính vì những lý do đó, có thể xem sự mê tín của Cao Biền cũng là một xu thế thông thường, đáng thương hơn là đáng trách vậy.

CAO BIỀN LÀ MỘT NGƯỜI HẾT MỰC TÔN KÍNH THẦN LINH

Như đã chứng minh, Cao Biền vốn là một người mê tín thể hiện qua việc cố gắng làm phép và nhất mực tin tưởng đạo sĩ. Một con người như thế, tất nhiên là hẳn phải có sự kính sợ hết mực với các thế lực thần tiên, những nhân vật thần bí ban cho các thầy pháp sức mạnh siêu nhiên.
Không chỉ giới hạn trong thần thánh Đạo giáo, điều này cũng được thể hiện khá rõ trong các hành động cúng dường của Cao Biền đối với các thần bản địa trong thời gian tại chức ở An Nam:
"Cao Vương nhà Đường [tức Cao Biền] dẹp nước Nam Chiếu, khi đưa quân về qua châu Vũ Ninh, đêm nằm chiêm bao thấy có người lạ tự xưng là Cao Lỗ [...] Cao Vương thức dậy, nói chuyện lại với liêu thuộc, có làm bài thơ: Đẹp thay đất Giao Châu, Dằng dặc trải muôn thâu. Người xưa nay được thấy, Hả tấm lòng bấy lâu." - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ nhà Thục -
“Cao Vương cho sửa lại đền thờ, tạc gỗ làm tượng, gọi là [tượng] Lý hiệu úy. Đề ở xã Thụy Hương huyện Từ Liêm.” - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Kỷ nhà Thục -
Ngoài việc thờ cúng các thần bản địa như đã nói, trong thời gian tại nhiệm ở An Nam, Cao Biền cũng liên quan đến việc xây dựng nhiều kiến trúc Phật giáo. Đến thế kỷ XIII, khi đến Đại Việt, sứ giả của nhà Nguyên là Trần Phú vẫn còn nhìn thấy tòa tháp đá của Cao Biền phía bên trái chợ Thượng Kiều ở sông Phú Lương:
“Cao Biền đã định được Giao Châu, Phú Lương, bên trái chợ Thượng Kiều Tháp đá xây nay còn sừng sững” - Trần Phú, Trần Cương Trung Thi tập, Quyển II, An Nam tức cảnh làm thơ -
Ngoài ra, trên núi Đông Cứu, Cao Biền cũng cho xây một ngọn tháp đá khác:
“Núi Đông Cứu, một ngọn núi ở Đông Cao, huyện Gia Định, Thứ sử nhà Đường là Cao Biền xây tháp ở trên này.” - An Nam chí, Quyển I, Núi và sông -
Mặc dù Phật giáo đã du nhập vào Trung Quốc trước triều đại nhà Đường rất lâu, song chính trong thời đại nhà Đường, Phật giáo đã trải qua thời kỳ hoàng kim, nơi nhiều vị hoàng đế là Phật tử hộ trì chính Phật pháp, hoặc ít nhất cũng ủng hộ tích cực sự lan truyền của Phật giáo. Thời kì này chứng kiến sự du nhập văn hóa và triết học Phật giáo từ Ấn Độ vào Trung Nguyên một cách mạnh mẽ và được chấp nhận như là một phần của truyền thống xã hội Trung Quốc đương thời. Các yếu tố Phật giáo đã được kết hợp một cách hài hòa với những tôn giáo và hiểu biết bản địa của Trung Quốc đã tồn tại vào thời đó, đặc biệt là Đạo giáo, Khổng giáo… và một trong số những sản phẩm tiêu biểu của sự giao thoa này là dạng công trình Phật giáo bảo tháp với đường nét của kiến trúc gỗ cổ phương Đông. Trong giai đoạn Đường - Tống, loại công trình này vô cùng phổ biến với nhiều kiểu dáng và kích thước đa dạng.
Dựa vào những thông tin trên, ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng 2 ngọn tháp đá do Cao Biền xây là dạng kiến trúc Phật giáo này. Rõ ràng, việc xây dựng các kiến trúc Phật giáo với lòng thành kính thì không thể nào mang ý nghĩa trấn yểm được.
Tựu trung lại, ta có thể thấy Cao Biền là một người rất chịu cúng bái, xây chùa đắp tượng để làm đẹp lòng thần linh. Liệu một người như vậy có thể mang lòng bất kính với thần thánh xứ mình trực tiếp cai trị, lúc nào cũng chỉ lăm lăm trấn yểm long mạch, bày mưu sát thần như cái cách mà truyền thông đại chúng ngày nay miêu tả hay không?

SỰ THỜ CÚNG CAO BIỀN TẠI AN NAM

Khá trái ngược với hình dung của nhiều người, rằng với hình tượng một kẻ chuyên trấn yểm, dùng tà phép thì hẳn Cao Biền sẽ không được thờ cúng nhiều tại An Nam, có chăng thì chỉ những hạng chơi bùa đánh ngải mới làm vậy. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy ông vẫn được tôn thờ tại nhiều nơi khắp xứ này như một vị anh linh, cho thấy rằng một hình tượng Cao Biền mang tới thiện cảm cho dân chúng đã từng tồn tại tương đối lâu dài trong lịch sử Việt Nam.
Làng Phương Nhị ở Hà Nội đến nay vẫn còn thờ Cao Biền như thành hoàng:
“Đình Phương Nhị Ngài hiệu là Cao Vương, tự là Thiên Lý thần, tên húy là Cao Biền. Ngài là Nhân thần. [...] Những công việc của Ngài làm, trước sau điều (đều) đã chép ở Đường sử và Việt sử, công lao rất nhiều, ơn trạch rất rộng, nói ra không siết. Nay chỉ lược chép mấy nhời, trong lịch sử sự tích của Ngài mà thôi. Thừa phụng sao sự tích. Chánh hương hội Nguyễn Châu Tuệ.” - Thần tích làng Phương Nhị, tổng Ninh Xá, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông năm 1938 -
Cũng trong huyện Thanh Trì, đình làng Mỹ Ả được ghi nhận là có thờ Cao Biền, được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2006.
Cách đó không xa, làng Kim Lan thuộc Gia Lâm cũng là một nơi thờ Cao Biền làm thành hoàng và như vị tổ nghề gốm:
“Khi thấy ở Kim Lan, nhà nhà giàu có, ông (Cao Biền) cho quân lập doanh trại để ở, cùng dân canh tác, khuyên dạy dân trồng dâu nuôi tằm, nặn đất đốt nung lò gốm sứ.” - Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính, Thần tích làng Kim Lan -
Tượng thờ Cao Biền trong đình làng Kim Lan
Tượng thờ Cao Biền trong đình làng Kim Lan
Cần phải giải thích một chút, rằng Kim Lan cùng với Bát Tràng là hai làng gốm sứ lâu đời ở vùng trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, trong đó Bát Tràng thiên về đồ mỹ nghệ còn Kim Lan chuyên về gốm xây dựng như gạch xây, gạch ngói… Đây cũng là nơi có di chỉ khảo cổ Hàm Rồng với việc phát hiện các loại gạch từ thời Đường, trong đó nổi bật nhất là loại gạch mang dòng chữ “Giang Tây quân”:
“Tĩnh Hải chân truyền từ đào nghiệp Giang Tây chuyên trúc Đại La thành.” - Câu đối Hán tự ở cổng tam quan đình làng Kim Lan -
Gạch "Giang Tây quân"
Gạch "Giang Tây quân"
Dưới thời Đường, cứ vào các dịp mùa thu và mùa đông, triều đình thường xuyên phái nhiều đội quân phòng thủ xứ Lĩnh Nam, gọi là “quân phòng thu” và “quân phòng đông”. Đây là những đội quân được tổ chức và mang phiên hiệu từng tỉnh ở Trung Quốc, chủ yếu là quân từ vùng Giang Tây. Các đội quân này thường được lệnh đóng gạch để xây thành trì mới hoặc tu bổ thành trì đã có. Khi sản xuất, gạch của địa phương nào thì in tên của địa phương ấy lên. Gạch “Giang Tây Quân” là do quân lính của tỉnh Giang Tây sản xuất.
Hầu hết Gạch Giang Tây quân là loại được phát hiện ở lớp xây dựng dưới cùng trong di tích Hoàng thành Thăng Long trong những năm gần đây. Vậy mà làng Kim Lan từ lâu đã biết tới tên của loại gạch này, còn sớm hơn cả những nghiên cứu khảo cổ học chính thống. Nhà Đường đã sụp đổ từ rất lâu về trước, gạch Giang Tây quân cũng đã thất truyền từng ấy năm. Điều này càng thêm phần khẳng định rằng việc thờ Cao Biền vì công đức xây thành Đại La là một trong những nguyên nhân mà làng này còn nhớ đến loại gạch đó.
Làng lụa Vạn Phúc ở Hà Đông thờ vị thành hoàng là Ả Lã Nàng Đê như vị tổ nghề dệt lụa. Tuy nhiên, thần tích của vị này lại được gắn với tướng Cao Biền thời Đường, được xác định là chồng bà. Điều này quả thực vô cùng kỳ lạ vì tất cả các làng lân cận với Vạn Phúc như Ngọc Trục, Đại Mỗ, Tây Mỗ tuy cũng thờ Ả Lã Nàng Đê, nhưng đều cho là nữ tướng của Trưng Vương chứ không liên quan gì đến Cao Biền. Khu vực Hà Đông cũng không có vết tích nào của Cao Biền cả. Ở đây, hẳn đã có sự nhầm lẫn hoặc chắp nối không ăn khớp giữa các nhân vật. Dù vậy, cũng phải công nhận rằng sức ảnh hưởng của Cao Biền với dân chúng nơi đây đã tạo ra sự nhầm lẫn thú vị này. Có khả năng, cả Cao Biền lẫn Ả Lã Nàng Đê (nếu nhân vật này từng tồn tại trong lịch sử) đã từng can thiệp vào ngành dệt lụa của làng theo hướng tích cực, dẫn đến sự kết hợp của hai hình tượng thuộc về 2 không gian, 2 thời đại khác nhau kể trên.
Vượt ra khỏi phạm vi Hà Nội, ở Bắc Ninh, sự thờ cúng Cao Biền tuy đến giờ không còn nhiều nhưng đã được ghi nhận là từng rất phổ biến:
“Nhờ có vương mà sau này người trong nước thông thạo địa lý, biết tính toán đất đai [...] trong nước có ba bốn trăm xã lập miếu thờ, riêng Bắc Ninh cũng có hơn trăm chỗ.” - Bắc Ninh phong thổ tạp ký, mục Đường Cao Đô hộ Bột Hải Công vương -
Tại Hưng Yên, tồn tại một lễ hội lớn được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hằng năm, gọi là lễ hội Nam Trì. Đây là lễ hội tế thần có nguồn gốc từ khoảng thế kỷ thứ II trước Công Nguyên của Nam Trì trang (nay là làng Nam Trì, xã Đặng Lễ huyện n Thi tỉnh Hưng Yên). Dân gian gọi là Lễ hội Bảo, Lang, Biền. Đây là ba vị Thượng đẳng Phúc thần Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành hoàng Đại vương thờ tại đền Nam Trì, trong đó Biền chính là Tướng quốc Cao Biền. Theo truyền thuyết của người dân trong vùng, Cao Biền khi sang Giao Châu tiễu phạt giặc Nam Chiếu đã qua Nam Trì đóng đồn, xây dựng hành cung, kết nghĩa anh em với hai vị Thần trong đền, cưới hai cô con gái sinh đôi họ Phạm ở Nam Trì (Lữ nương, Lự nương), cùng dân Nam Trì sửa miếu lập đền hai vị Thần Bảo, Lang. Do đó, ông được đưa vào thờ tự cùng.
Đình làng Kim Lan
Đình làng Kim Lan
Thậm chí, cả những vùng xa xôi hơn, không giáp ranh với Hà Nội như Tuyên Quang cũng tồn tại sự thờ cúng Cao Biền. Theo Đại Nam nhất thống chí, trên núi Biền đến giờ vẫn còn đền thờ ông:
“Biền sơn: ở cách lỵ sở phủ Yên Bình 5 dặm, về phía đông. Hai ngọn núi song song nổi cao theo một dãy, trên có đền thờ Cao Vương.” - Đại Nam nhất thống chí , Quyển XXIII, Tỉnh Tuyên Quang, tiểu mục Núi sông -
Nhìn chung, dù truyền thông đại chúng thường xây dựng cho Cao Biền một hình tượng phản diện không đáng coi trọng chứ đừng nói là thờ cúng, thế nhưng thực tế lại cho thấy Cao Biền là một anh linh được nhiều nơi tôn thờ và xem trọng. Liệu một kẻ chỉ được biết tới là đến An Nam để trấn yểm, để phá quốc vận của xứ này có thể được tôn thờ ở nhiều nơi và lâu dài như vậy không? Tuy rằng sẽ có nhiều kẻ già mồm mà phán bậy rằng thờ Cao Biền cũng như thờ ác thần, để mong không bị quấy phá, nhưng những người này không có hiểu biết căn bản về sự khác biệt giữa thờ ác thần với thờ thiện thần. Khi thờ ác thần, người ta sẽ thờ chúng với sự sợ hãi, với những hành động tôn vinh sức mạnh của chúng, với tế phẩm để cho ác thần thỏa mãn, không tác oai tác quái nữa. Còn với thiện thần, họ được thờ vì công đức từ xa xưa, vì việc thờ phụng họ đem lại phước lành cho dân chúng trong vùng. Như đã chứng minh, Cao Biền được thờ vì những công lao của ông với dân An Nam, thêm vào đó các đền thờ ông cũng chẳng có ghi nhận nào rằng phải cúng tế nếu không sẽ trị tội cả. Chừng đó đủ hiểu rằng Cao Biền là thiện thần hay ác thần và những lời của đám người mê tín ngu dốt kia là đúng hay sai.

KẾT

Như vậy, thông qua những ghi chép trong các tư liệu lịch sử đáng tin cậy, ta chỉ có thể kết luận rằng Cao Biền thực chất chỉ là một con người mê tín quá mức, dẫn đến thân bại danh liệt giai đoạn cuối đời. Giả như Cao Biền thực có tài pháp thuật, thì cũng không thấy có chuyện gì đáng nhớ. Hoặc nói thẳng ra, Cao Biền không phải một thầy pháp cao tay ấn gì cho cam. Cao Biền được người dân nước ta nhớ tới nhiều và ấn tượng như thế, cốt là vì ông đã từng sang An Nam mà thôi. Thêm nữa, sự thực cũng cho thấy Cao Biền là một con người mê tín, có liên quan đôi chút đến chuyện phong thủy phép thuật. Mấy việc đó kết hợp với nhau đã tạo nên hình tượng một Cao Biền phụng mệnh Hoàng đế nhà Đường sang An Nam với mục tiêu trấn yểm long mạch, dù sự thực hoàn toàn không phải như vậy.
Nhưng bởi vì đâu mà hình tượng Cao Biền bị thay đổi, biến tướng trong nhận thức đại chúng nhiều đến như vậy, dù các ghi chép trong chính sử liệu nước ta hoàn toàn khác? Tất nhiên, chuyện gì cũng có lý do của nó, và kỳ thực sự thay đổi, biến tướng trong nhận thức về hình tượng Cao Biền không phải mới chỉ có ngày một ngày hai, mà đã có từ tương đối lâu, có thể truy vết về tận thời Lý - Trần (cũng là nguyên do cho những câu chuyện nhuốm màu huyền bí về Cao Biền trong các sách chí dị, liêu trai ở nước ta). Vậy nguyên do cụ thể đằng sau chuyện này là gì? Tại sao hình tượng Cao Biền lại bị biến tướng nhiều đến vậy? Những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong phần tiếp theo, cũng là phần cuối của loạt bài về Cao Biền này.
Viết bài: Nguyễn Quốc Hoàn; biên tập và chỉnh lý: Hải Stark

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Tư trị thông giám
- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Việt sử tiêu án
- Tân Đường thư, Cao Biền truyện
- Thái Bình quảng ký
- An Nam chí
- Đại Nam nhất thống chí