Bìa tiểu thuyết "Im lặng" của Shusaku Endo và một cảnh trong bộ phim chuyển thể cùng tên. 
Đầu tiên, mình xin tự giới thiệu về mình một chút. Mình là một sinh viên Y khoa năm gần cuối và là một người theo đạo Công giáo. Bài viết của mình không nhằm chứng minh Chúa có tồn tại hay không hoặc một điều tương tự nào khác. Đây sẽ chỉ là một cái nhìn của một người có niềm tin vào Thiên Chúa trong cơn đại dịch này. 
1. Chúa vẫn im lặng? 
Mấy ngày nay, chúng tôi không khỏi lo buồn vì số trường hợp tử vong ở nước Ý đang tăng đến chóng mặt, trong số đó có không ít những linh mục. Chúng tôi tự hỏi: "Vì sao lại là nước Ý, trái tim của Giáo hội Công giáo La Mã?" Cơn đại dịch quét qua đất nước này làm mọi hoạt động tôn giáo đều phải đóng cửa. Chúa đã bỏ mặc chúng ta hay sao? Vì sao chúng ta phải trải qua những cơn đau khổ kinh hoàng như thế này? 
Điều này thực sự làm tôi dằn vặt trong cơn đại dịch Covid-19 này. Trường học và nhà thờ, hai trong ba nơi tôi thường lui đến đã phải đóng cửa. Hằng ngày, bản tin thời sự liên tục đưa tin về sự gia tăng số người nhiễm ở Việt Nam. Các chuyên gia dịch tễ nhận định rằng, nếu không kiểm soát tốt, chúng ta sẽ vỡ trận. Là một người học ngành Y và thống kê học, tôi hiểu điều gì đang chuẩn bị đến (nếu chúng ta không kiểm soát tốt). Sợ hãi là từ ngữ duy nhất mô tả đúng tâm trạng của tôi. Một cơn đau khổ chuẩn bị đến sao? Sao Chúa vẫn im lặng? 
Những người vô thần thường sử dụng luận điểm sau đây để bài bác đức Tin: Nếu Chúa thực sự tồn tại và "ông ta" thực sự toàn năng và yêu thương con người thì đau khổ sẽ không tồn tại. Tuy nhiên, thực tế thì đau khổ vẫn hiện diện quanh chúng ta, vì thế, rõ ràng Chúa không tồn tại hoặc "ông ta" không hề toàn năng và yêu thương con người. 
Tôi không có một lời giải thích nào cho luận điểm trên nhưng tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm về đau khổ của mình. Thửa còn bé, tôi thường bị những trận đòn rất đau của bố, lúc đó, tôi phát hiện ra rằng cơn đau kinh khủng nhất không phải là đòn roi của bố mà là giọt nước mắt của mẹ. Chính lúc đó, tôi hiểu ra rằng nỗi đau khổ lớn nhất là chứng kiến người mình Yêu đau khổ. Sau này lớn lên, trải qua quãng đời của mẹ đã đi qua, tôi càng thấm thía những nỗi đau của mẹ. 
Thiên Chúa của chúng tôi cũng thế, người không Im lặng trong suốt hành trình của nhân loại mà đồng thời chịu đựng đau khổ cùng nhân loại. Chúng tôi tin rằng Ngài vẫn đang nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thương yêu và chịu đựng cùng chúng tôi. Chúa cũng đã từng sinh xuống làm con Người, chính Chúa Giê-su đã chịu đựng đau khổ tột cùng, chúng tôi tin như thế. Qua trải nghiệm đau khổ của tôi và của mẹ tôi, tôi hiểu rằng khi đã từng trải qua đau khổ chúng ta dễ dàng cảm thông với nỗi đau khổ của người khác. Chúa đã từng chịu đau khổ, chính vì thế Người cùng chia sẻ đau khổ với chúng ta. 
2. Về bộ phim "Im lặng" 
Đạo diễn Martin Scorsese là một tay đạo diễn rất "hiểm". Ông ấy chính là đạo diễn của hai bộ phim tôi thích nhất về đề tài tôn giáo là "Cơn cám dỗ cuối cùng" và "Im lặng". Bộ phim Im lặng nói về hai nhà truyền giáo tại Nhật Bản vào thế kỷ XVII, thời gian nước Nhật cấm đạo và tàn sát những người Kito giáo gắt gao nhất. Cuối phim, một trong hai nhà truyền giáo đã phải chối Chúa để cứu những tín hữu đang bị tra tấn dã man. Xuyên suốt bộ phim là sự im lặng đến khó hiểu của Chúa, đến một tiếng nói của Chúa trong nội tâm của nhân vật chính cũng không có, Chúa gần như chỉ xuất hiện trong những bức ảnh bị dẫm đạp bởi con chiên của Ngài. 
Tình thế của nhân vật chính cũng giống như tình thế của chúng tôi, nhìn đồng bào và đồng loại của mình đang đau khổ mà vẫn thấy Chúa hoàn toàn im lặng. Vì sao vậy? Vì sao Ngài chưa hành động? Chính lúc này, tôi lại hiểu hơn về ý nghĩa của sự đồng hành với con người của Chúa trong đau khổ. Nếu chúng tôi biết đau cùng nỗi đau của đồng bào và đồng loại thì chính Chúa cũng đang cùng đau khổ với chúng tôi. 
3. Chả lẽ Chúa chỉ biết chịu đau khổ cùng con người thôi sao? 
Tôi thấy thực sự hơi "buồn cười" khi cơn đại dịch lại rơi trúng vào thời gian chuẩn bị lễ Phục sinh, lúc Chúa sống lại sau đau khổ. Đây cũng là kinh nghiệm cho chúng tôi, sau cơn đau khổ thì cuối cùng hạnh phúc lại đến, Chúa không bỏ mặc chúng ta. 
Kinh nghiệm về các vụ dịch mà tôi được giảng dạy cho thấy sau mỗi đại dịch, con người trở nên "mạnh mẽ" hơn, người ta sẽ phát hiện ra những cơ chế sinh bệnh mới những phương pháp điều trị mới. Chúng tôi tin tưởng rằng, sau cùng, Chúa sẽ không bỏ mặc chúng ta. 
* Thay lời kết: Như mình đã nói ngay từ đầu bài, mình viết bài này không nhằm chứng minh điều gì cả. Mọi ý kiến phản biện mình sẽ đều lắng nghe (Nếu bài viết này may mắn được phản biện) nhưng mình sẽ không trả lời những phản biện mang thành kiến tôn giáo. Cảm ơn mọi người đã đọc một bài khá dài này. Chúc chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch này. 
Thân ái, 
DrSmile.