Không thể để một đám quần chúng không hiểu gì vào ném đá! ( Nhận định của TS Đoàn Thị Hương trên chương trình VTV).

Đây là đang nói về việc đề xuất viết chữ Việt mới của TS Bùi Hiền, sau khi Ông Bùi Hiền trình bày nghiên cứu của mình thì dư luận có nhiều ý kiến trái chiều nhau, và trong nhiều ý kiến đó có ý phê bình việc thay đổi. Các ý kiến đó đã làm TS Đoàn Thị Hương không bằng lòng. Qua phỏng vấn của VTV, Cô Đoàn Thị Hương cho rằng không thể để một đám quần chúng không hiểu gì vào ném đá!

Xin thưa là theo lý thuyết hiện hành “ Quần chúng” là người sáng tạo ra lịch sử, có nghĩa là sự hiểu biết của “ Quần chúng” cao hơn, rộng hơn và sâu sắc hơn hiểu biết của từng người.
Gán với sự việc đang xảy ra, việc thay đổi chữ viết Việt nó sẽ ảnh hưởng tới mọi người, do vậy người bị tác động là quần chúng có quyền có ý kiến. Quần chúng rất đa dạng, trong đó đa số là người dân lao động phải mưu sinh hàng ngày, người ta không có thời gian nhiều và cũng không thể dùng các từ ngữ văn hoa để tỏ bày chính kiến của người ta, họ cảm thấy nếu thay đổi chữ Việt thì sẽ gây biết bao trở ngại cho họ và con em của họ nên họ chỉ có thể: Chửi thề mà thôi. ( Hãy thông cảm cho họ, bình dân mà). Nếu là một nhà khoa học và nhà nghiên cứu chính thống khi nghe những phản ảnh như thế tuy hơi cục nịch nhưng thật lòng, lẽ ra phải rất mừng và cám ơn họ, những người dân tay chân dơ bẩn, đã phản hồi theo cách chơn chất. Thế mà phán rằng “Không thể để một đám quần chúng không hiểu gì vào ném đá!”, phát ngôn nầy là một sự xúc phạm đến Nhân dân. Nếu so với một số phát ngôn gọi là “ ném đá” của đám quần chúng thì phát ngôn của Cô Hương này tệ hơn nhiều.
Trước hết thiết nghĩ trong số quần chúng không đồng tình với Ông Bùi Hiền có các vị: Trần Ngọc Thêm, Dương Trung Quốc…có lẽ sở học không có gì thua sút với Cô Đoàn Hương.

Thêm nữa lịch sử đã nhiều lần chứng minh, quần chúng sáng suốt một cách ưu việt. Nhớ khi đất nước chìm trong nô lệ, biết bao nam nhi, quí tộc vẫn an nhiên hưởng phú quí, êm ấm thì với phận Nhi nữ Hai Bà Trưng đã dấy quân khởi nghĩa đánh đuổi đánh thắng quân xâm lược.
Và vào thời nhà Trần, để có quyết sách đánh đuổi quân xâm lược Nguyên, Vua nhà Trần phải họp bô lão tại Hội Nghị Bình Than, không phải họp hoàng thân vì phần lớn hoàng tộc, hoàng thân đã nệm ấm, cao lương, mỹ nữ nhiều rồi không có tâm trí để mà đánh giặc chỉ cầu hòa vì hòa các vị nầy vẫn hưởng cao lương trên lưng của những người dân đen. Và lịch sử đã chứng minh trong hội nghị Bình Than những bô lão râu bạc trắng, lưng còng đã hô lớn “ Sát thát”, “ Hy sinh” bên cạnh rừng, rừng cánh tay trẻ nông dân giơ cao nêu rõ quyết tâm chống giặc xâm lăng. Đó! trong những lúc dầu sôi lửa bỏng, “ Đám quần chúng” đã cho thấy trí tuệ của mình, sẵn sàng góp trí góp sức để bảo vệ non sông.
Trong trả lời, TS Đoàn Thị Hương có so sánh sáng tạo của ông Bùi Hiền với phát hiện của Galileo về việc quả đất xoay quanh mặt trời. Quả là không thể ngờ được có sư so sánh quá khập khểnh như vậy. Việc chữ viết của ông Bùi Hiền chỉ có thể gọi là “ cải tiến” cách viết chứ làm sao gọi là sáng tạo, giống như xe cải tiến từ hồi hợp tác xã. Còn đối với phát hiện của Galileo là phát hiện có tính bước ngoặc trong việc nhận thức tự nhiên của nhân loại và nhờ hiểu biết này nhân loại đã có những bước tiến dài về khám phá hệ mặt trời, vũ trụ.

Nói chung, không ai không tôn trọng cải tiến, sáng tạo cả. Mọi người có ý đây là việc cải tiến này, người chủ súy nghiên cứu chưa thấy hết các mặt của vấn đề chẳng hạn như: Các văn bản pháp quy phải viết lại, các nhà ngoại giao các nước phải học lại(!), các trước tác phải copy lại, và quan trọng là con chữ Việt có từ hơn 400 năm nay nó đã có “cái hồn” của nó và nó trở thành thân thiết như là một phần cơ thể nhạy cảm của mỗi người Việt, nó luyến lưu với mỗi ai, bây giờ phải thay đổi đó là điều không thể. Đám quần chúng chỉ muốn chỉ ra những điều mà tác giả chưa nhìn ra mà thôi.