"Và khi tro bụi" (NXB Trẻ, 2006) của Đoàn Minh Phượng trở thành cuốn sách đoạt giải thưởng văn xuôi duy nhất của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007."
Đã quá nửa đêm, cơn mưa ngoài kia cũng chẳng hề có dấu hiệu chấm dứt. Tôi trở mình, khép khung cửa sổ, tắt đi ngọn đèn vàng ấm áp duy nhất, mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà.
Tôi vừa đọc một quyển sách rất hay, như tin nhắn gửi lời cảm ơn tới người anh đã giới thiệu, tôi miêu tả: "nó hay theo khía cạnh hơi tàn bạo". Nhưng biết làm sao, nó đúng kiểu mà tôi thích, ám ảnh tôi chắc là đến hết đời.
“Và khi tro bụi” gợi cho tôi về một bộ phim đã xem cách đây không lâu "Scret Sunshine" của Hàn Quốc.
Những tác phẩm nói về những người phụ nữ mất mát không phải đổ vỡ nữa, vì chẳng còn gì để đổ vỡ, nỗi đau phát sáng của họ, và sự hấp dẫn vô cùng của những nỗi đau đó.
Tôi chẳng muốn tóm tắt, cũng chẳng tha thiết gạch vài cái đầu dòng. Vì không thể, và cũng thật là thừa thãi khi muốn đóng lại những tần số xúc cảm mạnh mẽ ấy thành vài câu, mỗi câu độ đâu mươi chữ.
Tôi chỉ biết răng tôi đã trải nghiệm những nỗi đau đó cùng họ, dù câu chuyện của tôi khác biệt rất nhiều, đơn giản tôi đã đọc một mạch mà không thể dừng lại được.
Ngay từ những dòng đầu, tôi đã cảm nhận được cái sức nặng của nỗi đau tỏa khắp lồng ngực, đột ngột gấp gáp như cách chồng chị đi. Người phụ nữ ấy không khóc, nhưng lại suýt nữa vỡ òa khi thấy một người đàn ông có cái bóng giống anh ấy trên một chuyến tàu. Lúc đó, nước mắt tôi cũng trào ra, giống như buổi sáng năm chuẩn bị bước sang tuổi mười tám, tôi nghe một cuộc điện thoại nói rằng : Ông nội tôi mất mà không đổ bệnh gì. Chí ít lúc đó tôi còn khóc được. 
Nhưng nó không đơn điệu là cuộc tình của một người vợ mất chồng. Thứ mà chị mang đến cho tôi còn gấp hơn nhiều lần so với tôi mong đợi. Đó là một cuộc hành trình, xen lẫn hiện tại với quá khứ, của một linh hồn lạc lối. Đến cuối cùng, tiền tài, nhà cửa, xe sang, đồ hiệu vẫn không níu giữ lại được người phụ nữ này. Tôi đã rất băn khoăn, tại sao chị lại có những xúc cảm về nỗi buồn và sự mất mát như thế, và như bóc từng lớp của một củ hành, tôi có câu trả lời cộng thêm hằng hà sa số câu hỏi cho riêng mình mải mê thắc mắc.
Câu chuyện của một người trực quầy lễ tân đêm, đã kéo chị đi về hướng khác, đã ngăn không cho cái chết đến sau đủ 3 tháng rong ruổi khắp nơi. Trong một khoảng thời gian gặp những chuyện không vui, chẳng hiểu run rủi thế nào, tôi gặp rất nhiều người lạ, và kì hơn nữa, họ đều kể những câu chuyện "đời" cho tôi nghe. Những câu chuyện mà tôi nghĩ, kể cả với người thân thiết nhất, chưa chắc họ đã có thể thốt ra thành lời. Và chính trong những cuộc trò chuyện không đầu không cuối đó, tôi nhận ra hai điều. Một là chẳng ai sống dễ dàng cả, cuộc sống luôn có một lực hấp dẫn vô tận với nỗi đau. Thứ hai là, chính việc chia sẻ và lắng nghe người khác, khiến tôi biết xoa dịu chính mình. Chắc hẳn ít nhiều, có khi nào chị nghĩ, người đàn ông kia bất hạnh quá, nhưng anh ta còn một sợi dây nối với đứa em trai của mình. Và điều đó thôi thúc chị hãy làm một gì đó. Nó là một cử chỉ hết sức nhân văn, cho chính bạn thân chị và những người kia. 
Tôi biết người cha nuôi của chị không yêu vợ, biết rằng Anita không yêu ông Kemf, nhưng tôi không lại không nhìn rõ được tình cảm của chị dành cho chồng, tôi băn khoăn đó có phải là một sự kí sinh không. Tình yêu ở đây, tôi nói, không chỉ là thử cảm xúc thỏa mãn nhất thời, mà còn là sự kết nối trong cái tôi nội tâm sâu thẳm.  Nếu như cha nuôi hay Anita không dùng sự nhạy cảm để yêu những khoảng trống giữa các nốt nhạc, nếu như mẹ nuôi hay người chồng đã sát hại vợ cũng thích nghe Bach, nếu họ không kìm nén bản thân và thỏa hiệp, nếu họ lựa chọn khác đi  từ đầu? Có lẽ đã không có tiếng súng, không có cái xác dưới hồ. Có lẽ thật sự cha nuôi không ham muốn An như người mẹ đã đổ lỗi, thực chất ông chỉ tìm thấy cái đam mê mà ông vùi chôn bấy lâu nay thôi.  Tôi của trước đây, khi quyết định dừng mối quan hệ với một người mình nghĩ là đủ điều kiện kết hôn , cả hai đều hiểu, thứ đối phương có không phải là thứ mình mong cầu. Tôi thấy may mắn, vì đã không buộc cả hai lại với nhau. Vì cuối cùng tôi đã không thỏa hiệp với việc tìm kiếm một người chỉ để bớt cô đơn, một người có vẻ ổn, yêu tôi và có thể cho con tôi một cuộc sống thoải mái sau này. Tôi chẳng biết nếu tiếp tục có phải là bi kịch không, là tốt hay xấu, tôi chỉ biết con người không thể ngăn mình khao khát sự kết nối sâu thẳm được.
Sau rất nhiều chiêm nghiệm, thứ tôi thích nhất trong cuốn sách lại là cái khát khao được sống. Khi nhớ lại về người Mẹ đã mất, về nỗi day dứt với đứa em, cuối cùng cũng có chút gì đó là chính mình. Tôi nghĩ lúc chị từ bỏ việc tự tử lần đầu để theo đuổi câu chuyện kia, lúc đó có một phần của khát khao được sống, vì nếu hoàn toàn buông xuôi, có lẽ chẳng có gì có thể níu ta lại được. Và nó càng mãnh liệt hơn trong những dòng cuối. Tôi sẽ không nghĩ về cái kết, tôi cũng không cho rằng chị đã chết, tôi nghĩ sau đó sẽ còn nhiều điều mở. Giống như người mẹ trong phim "Secret Sunshine" tôi xem, mất chồng, mất đi đứa con duy nhất, và khi tự cứa vào xác thịt để máu tuôn ra, chính khát khao sống lại kéo người phụ nữ ấy chạy ra ngoài để cầu cứu mọi người. Chính khát khao được sống, khiến chúng ta sống. Chiến tranh không được nói rõ, nhưng phần nào, nỗi đau, sự mất mát của nó lên bóng hình một người trở thành không quê hương, ai cũng cảm nhận được.
Nỗi đau, lại làm nổi bật hơn lúc nào hết chút ánh sáng le lói. Nỗi đau giúp chúng ta nhìn thẳng vào nội tâm mỗi người. Nỗi đau sau khi làm ta tê liệt giúp mọi thứ hiện hữu, có da có thịt hơn, để ta còn cảm thấy hơi thở, thấy rất người !
Có rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ cho một cuốn sách hay như thế này. Tôi chọn giữ lại cho mình một chút. Không phải để chìm đắm, không phải để chẳng thể nguôi ngoai, để nhắc nhớ tôi về con người, để biết cuộc sống hoàn hảo vì sự bất toàn của nó, để biết được là thế nào nghĩa là vui.
Ngoài kia, mưa vẫn đánh lộp bộp trên mái tôn, như tiếng lòng chúng ta cứ rơi rơi giữa cuộc đời này...