Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng viết:
"Nhưng cô đơn là sự tối cần của người viết, nó là một điều kiện hàng đầu của nhà văn. Không một người viết hay nào tôi biết mà không cô đơn. Không một thần tượng văn chương nào của tôi mà không bị cô đơn dày vò..."
Đọc xong những dòng đó, tôi có đôi chút nghi ngờ về nhận định của tác giả. Bởi tôi nghĩ rằng nếu để viết hay mà phải trả giá bằng sự cô đơn, thì có lẽ lại tàn nhẫn quá.
Cũng có thể những gì Nguyễn Ngọc Tư viết đúng thật, và trần trụi quá. Nó khiến tôi cảm thấy tự ái mà không muốn thừa nhận sự thật là như vậy. Đành cho rằng đó cũng chỉ là một quan điểm có phần chủ quan. Muốn tin cũng được, mà không tin thì cũng chẳng sao.
Nhưng rồi sau khi đọc thêm cuốn "Để thành nhà văn" của cụ Nguyễn Duy Cần, tôi mới thấy được cái quan điểm đó của Nguyễn Ngọc Tư lại xuất hiện lần nữa. Có chăng, chỉ là nó được trình bày dưới một góc nhìn khác, bởi một tác giả khác mà thôi.
“Ham viết văn, bất cứ loại văn nào, phần nhiều là do một mối bất mãn hoặc ngang trái gì. Có nhà văn tin rằng: “Trong các nhà văn tài hoa nhất, phần nhiều là những người hay đau yếu bệnh hoạn (như Edgar Poe, Marcel Proust, Gustave Flaubert, Tchékhov) hoặc là những người mà đời sống sớm bị dở dang trắc trở. Dickens, Blazac, Hugo, Kipling, Stendhal đều là những đứa trẻ bạc phúc, thiếu tình yêu gia đình.”
Dù đã lờ mờ thấy được mối liên kết, tôi vẫn chưa chịu chấp nhận nó là sự thật. Bởi vậy, những câu hỏi cũng cứ quanh quẩn mãi trong tâm trí không ngừng.
Sự cô đơn, liệu rằng có phải là điều thiết yếu của kẻ viết lách?
Tại sao vậy, cô đơn có gì mà lại khiến người ta viết hay hơn được cơ chứ? 
Phải chăng khi bị nỗi cô đơn dày vò, con người ta trở nên yếu đuối hơn, và tâm hồn cũng nhạy cảm hơn. Từ đó, họ dễ dàng cảm nhận và thấu hiểu những biến đổi tinh tế của cuộc sống.  
Hay khi ta cô đơn, ta mất đi sự kết nối với cái thế giới xung quanh, và đơn độc cùng những suy nghĩ, muộn phiền của bản thân. Viết lách khi đó, liệu rằng có phải là một cách để ta cố gắng kết nối với thế giới ngoài kia thông qua những mảnh cảm xúc vụn vỡ trong lòng mình?
Có khi vì những uất ức và bất mãn trong tâm tư, tình cảm, người ta viết ra để trải lòng. Không chỉ mong được người khác thấu hiểu mình thông qua những con chữ đã được sắp xếp cẩn thận. Mà cũng là để mình có thể thấu hiểu chính bản thân qua sự độc thoại nội tâm.
Đó có thể là những lý do khiến người cô đơn có xu hướng viết hay hơn. Bởi họ dùng những cảm xúc mắc kẹt trong tâm hồn mình làm chất liệu để viết. Hoặc đơn thuần do họ thường viết nhiều, viết lâu thì thành viết quen, viết hay mà thôi. 
Nhưng cũng có thể, chẳng có lý do nào phía trên là đúng cả, bởi không thể nào có một câu trả lời luôn đúng cho tất cả mọi người được. Mỗi người chúng ta đều chất chứa những nỗi niềm riêng trong lòng, và cũng đều có những lý do riêng khi đặt bút viết ra một điều gì đó. 
Bởi vậy những ý tôi trình bày bên trên, chủ yếu chỉ là phỏng đoán dựa trên những gì đã ngẫm nghĩ một hồi. Câu trả lời tuy phổ quát, nhưng chỉ mang tính chất chủ quan. Để đem lại một nhận định khách quan hơn, tôi xin phép được trả lời từ góc độ của bản thân. 
Cần phải nói trước rằng, tôi không dám nhận mình là kẻ văn hay chữ tốt gì, mà chỉ là một đứa viết nhiều thôi. Nhưng chẳng phải tự nhiên tôi lại muốn viết nhiều tới vậy. Bởi nếu không bị nỗi cô đơn ám ảnh triền miên, có lẽ tôi cũng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ muốn dấn thân vào con đường viết lách này.
Nếu không cô đơn, có thể những ngón tay tôi đang uốn lượn bên những nét cọ, có thể nó đang nhảy múa với những phím đàn. Tôi có thể là một họa sĩ, hay một nhạc công. Chắc chắn rằng, tôi sẽ chọn những cách khác để sáng tạo cùng cảm xúc của mình.
Nhưng rồi, tôi trở thành một kẻ hay viết. 
Nếu không cô đơn, có lẽ tôi đang hạnh phúc tay trong tay cùng người con gái tôi yêu bên chiếc ghế đá ở công viên. Lặng lẽ ngắm ánh chiều tà đang dần tàn lụi đi phía bên kia đường chân trời.
Nhưng rồi, tôi chỉ là một kẻ cô độc. 
Có lẽ bởi sự bất lực của bản thân trước cuộc sống mà mình dường như chẳng thể đổi thay được điểu gì. Tôi bắt đầu viết lách, để cố gắng kiểm soát lại một điều gì đó nhỏ nhoi thôi, như là những dòng chữ của mình vậy. Cũng là để bản thân bớt mặc cảm vì quá bất lực.
Tôi chọn viết, cũng là để cố gắng diễn giải những cảm xúc rối bời, những tâm tư muộn phiền trong lòng những khi lủi thủi một mình. Viết với tôi, không chỉ là một hình thức giải trí đơn thuần, mà nó còn là hình thức giải thoát tôi khỏi cái hiện thực buồn bã mà khi một mai nắng lên, tôi chẳng tìm được ý nghĩa để mình tiếp tục sống.
Và tôi lại viết. 
Có lẽ là để níu giữ mình ở lại đây lâu hơn một chút nữa.
Bài cũng đã dài, xin được phép kết lại bằng một chia sẻ từ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. 
"Và để chạy trốn nỗi cô đơn trong giao tiếp đơn thuần mặt nhìn mặt, tay nắm tay, việc viết văn đã dẫn tôi đến sự cô đơn khác, đó là ở giữa đám đông mà họ không thấy tôi, hoặc họ thấy một cái gì đó giống tôi, họ tưởng là tôi, nhưng tôi đang đứng ở một chỗ khác, một mình, chờ một nhịp tim đồng cảm. Khi người ta bằng mọi cách chạy trốn sự cô đơn thì tôi, và những đồng nghiệp của tôi lại nuôi cô đơn, cho nó ăn để duy trì sự cô đơn tồn tại trong người mình cho cái gọi là sáng tạo văn chương."
<i>Nếu bạn thấy cô đơn, xin hãy cứ viết ra hết những tâm tư trong lòng, và hãy cứ để tâm trí mình được khóc thoải mái.</i>
Nếu bạn thấy cô đơn, xin hãy cứ viết ra hết những tâm tư trong lòng, và hãy cứ để tâm trí mình được khóc thoải mái.