Sự Thay Đổi Từ Một Cuộc Gặp Gỡ
Nhưng khi đến trường, thứ tôi thấy không phải là nụ cười của cô lao công mà là ánh mắt vô hồn của cô, thân xác cô nằm trên vũng máu. Mọi người xúm xít lại vội vàng đưa cô đi cấp cứu.
Lúc đó là mùa thu, tôi chỉ là một cô bé lớp 3 đang ngồi đợi bố mẹ đến đón mình. Như mọi ngày, bố mẹ tôi lại đón trễ vì công việc bận rộn của họ. Tôi còn quá nhỏ để hiểu chuyện nên cực kỳ bực mình, tôi càu nhàu:
“Sao lúc nào bố mẹ luôn đón mình cuối cùng vậy nhỉ?”
Vì quá chán, tôi quyết định tìm một bãi cát để chơi đùa nhưng đáng tiếc không có bãi cát nào cả. Thất vọng, tôi thu mình vào một góc cây.
Từ đằng xa, tôi thấy có bóng người đi đến. Tôi tưởng mẹ đến đón mình nên vội vàng đứng dậy háo hức và mong chờ, nhưng không phải bố mẹ tôi. Có chút thất vọng, tôi quay lại chỗ ngồi của mình.
“Cháu làm gì ở đây mà sao chưa về thế?”
Giọng nói khàn khàn nhưng đủ để tôi nghe rõ. Tôi quay lại hướng ánh mắt nhìn.
Đó là một người đàn bà trung niên độ 35 hay 40 tuổi, tay cầm chiếc chổi xương, gương mặt khắc khổ và có nhiều vết chân chim do thời gian và sự khắc nghiệt của cuộc sống. Nếu không để ý kỹ, có thể hiểu nhầm cô ấy đã có tuổi.
Tôi trả lời: “Dạ cháu chào cô, cháu đang đợi bố mẹ.” Tôi nói bằng giọng hơi run run.
Lúc đó, tôi hơi sợ. Tôi đã nghe rất nhiều về câu chuyện bắt cóc trẻ em nên cũng hơi lo. Chưa kể, tôi còn được bố mẹ dạy rằng những người lao động chân tay chính là hình ảnh nếu tôi lười học, nên tôi có hơi ngầm không tôn trọng họ vào thời điểm đấy.
“Thế à.” Cô nói mơ hồ và nhìn tôi cười.
“Dạ vâng, cháu đang đợi mẹ.” Giọng có phần hơi khinh bỉ và thận trọng lùi ra xa.
Tôi tưởng với thái độ như vậy, cô sẽ không nói chuyện với tôi nữa nhưng không. Cô ngồi xuống cùng tôi và hỏi:
“Cháu muốn nghe câu chuyện của cô không?”
Tôi định nói là không, nhưng khi nhìn vào đôi mắt cô, tôi thấy có gì đó rất buồn và đôi mắt hơi đỏ như muốn ngấn lệ. Tôi quyết định đồng ý.
“Dạ, cháu sẵn sàng lắng nghe nếu cô muốn chia sẻ.”
Cô nhìn tôi mỉm cười và ánh mắt như có vẻ reo vui. Cô kể rằng cô là trẻ mồ côi, bị người ta đánh đập và khinh bỉ. Cô chẳng được học hành gì nên mỗi lần nhìn học sinh chúng tôi chạy nhảy và vô lo vô nghĩ, cô cũng khao khát được như tôi. Được học, được vui chơi một cách hồn nhiên không phải lo về nơi ăn, nơi ở. Nhưng cuộc đời như một gáo nước lạnh giội thẳng vào cô, cô chẳng có gì kể cả người thân.
Thế nhưng, dường như số cô đã định sẵn như vậy. Trong một lần quét rác, một người đàn ông có vẻ ngoài giàu có đang say xỉn đã cưỡng hiếp cô. Không chịu nhịn nhục, cô quyết định kiện người đàn ông ra tòa nhưng cô không có tiền thuê luật sư, mà nếu có thì chắc gì mọi người tin cô, chỉ vì cô không có nổi một chiếc áo mặc đàng hoàng.
Cô nhịn nhục không kiện gì nữa, nhưng số phận trớ trêu, cô mang thai. Lúc này, cô tìm kiếm hắn ta để đòi bồi thường nhưng hắn đã chạy trốn từ lâu.
Cô xít nữa bỏ đứa con trong bụng nhưng vì lòng từ bi, cô quyết định nuôi nấng đứa trẻ.
“Có lẽ đó là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời của cô.” Cô nhìn vào mắt tôi và nói.
“Tại sao cô nghĩ vậy?” Tôi giận dữ hét lên, mắt nhòe đi vì khóc.
Mặc cho thái độ không đúng của tôi, cô nhẹ nhàng trả lời:
“Bởi vì đứa trẻ là nguồn vui và động lực để cô sống tiếp. Nó ngoan lắm, giờ bằng tuổi cháu đấy.”
“Ôi cháu ngạc nhiên đây, bạn ấy tên gì vậy?” Giọng có phần bình tĩnh hơn.
“Nó tên Lợi, tên hay đúng không cháu?” Cô nhìn tôi mỉm cười như chờ đợi điều gì đó.
Tôi bàng hoàng, cái thằng mà suốt ngày tôi trêu nó vì không có nổi cái bút để viết bài, phải nhặt nhạnh những cây bút chúng tôi vứt lung tung để sử dụng lại, là đứa con của cô. Lòng tôi rối rắm nhưng tôi quyết định không nói cho cô, chỉ cười tươi gật đầu:
“Vâng, tên con cô đẹp lắm. Tên con cô có ý nghĩa là gì vậy?”
Đang định trả lời thì từ đằng xa, mẹ tôi tới và nói:
“Đi về con ơi, muộn rồi, mẹ xin lỗi đón trễ nhé.”
Tôi chào vội cô, cô mỉm cười thật tươi. Đến bây giờ, đó có lẽ là nụ cười đẹp nhất tôi từng thấy.
Mẹ chở tôi về, tôi lặng lẽ không nói gì từ lúc về nhà. Lúc đấy, tôi nhận ra rằng không phải bất kỳ người lao động nào cũng không chịu vươn lên và học tập. Tôi nhận ra sai lầm của mình, cô dạy tôi như vậy một cách nhẹ nhàng không răn đe nhưng đủ sâu sắc và đơn giản để tôi hiểu và khắc sâu trong lòng mãi.
Bất chợt, tôi nhận ra mình quá hạnh phúc và may mắn. Tôi học được nhiều điều sau buổi hôm đó.
Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm, háo hức muốn gặp thằng Lợi và cả mẹ nó. Nhưng khi đến trường, thứ tôi thấy không phải là nụ cười của cô lao công mà là ánh mắt vô hồn của cô, thân xác cô nằm trên vũng máu. Mọi người xúm xít lại vội vàng đưa cô đi cấp cứu.
Khi đó, tôi mới hỏi một người lạ bên cạnh bằng giọng hốt hoảng và lo âu:
“Cô ấy sao lại bị như vậy?”
“Một thằng lái xe phóng nhanh tông cô ấy đấy. Tội nghiệp, đi đúng lề đường mà cũng bị. Còn trẻ mà…”
Tôi không nhớ rõ người đó nói gì nữa nhưng chắc chắn một điều: suốt buổi học hôm đó, tôi thấp thỏm không yên, thằng Lợi cũng vậy, mặt nó xám xịt tái mét.
Thấy vậy, tôi gọi nó ra ngoài và ôm nó vào lòng. Nó bật khóc nức nở. Lúc đấy, tôi không quan tâm người khác nghĩ gì nữa, tôi cũng không an ủi qua lời nói, tôi chỉ ôm và vỗ về nó, liên tục nói:
“Không sao đâu, mọi chuyện sẽ ổn thôi.”
Tiếc thay, không có điều kỳ diệu nào xảy ra ngay ngày hôm đó. Mẹ nó chết vì mất máu quá nhiều, còn nó được một gia đình giàu có nhận nuôi. Tôi rất buồn nhưng không làm gì được. Cái giá phải trả quá đắt. Đến tận bây giờ, nghĩ lại tôi vẫn day dứt và ân hận trong lòng. Giá như lúc đó tôi không hành động như một đứa trẻ con thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác.
Những năm tháng sau đó, tôi dần thay đổi. Từ một cô bé ngỗ ngược, không biết quan sát và không có sự đồng cảm, tôi trở thành người biết nhìn nhận và cảm thông với mọi người xung quanh. Tôi bắt đầu chú ý đến những người lao động, những người gặp khó khăn trong cuộc sống, và luôn cố gắng giúp đỡ họ bằng cách này hay cách khác.
Dù vậy, trái tim tôi vẫn nặng nề mỗi khi nhớ lại câu chuyện của cô và Lợi. Nhưng tôi biết rằng, nhờ câu chuyện đó, tôi đã trở thành một con người tốt hơn, biết trân trọng cuộc sống và biết yêu thương người khác. Tôi luôn giữ kỷ niệm đó trong lòng, như một lời nhắc nhở về lòng nhân ái và sự chia sẻ.
Giờ đây, khi đứng trước những khó khăn và thử thách, tôi luôn nghĩ về cô lao công và Lợi. Họ đã giúp tôi nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống và khơi dậy trong tôi lòng nhân ái. Và dù cuộc đời có đưa đẩy tôi đi đâu, tôi sẽ luôn giữ vững niềm tin và lòng yêu thương, để sống một cuộc đời ý nghĩa và trọn vẹn.

Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất