img_0
Khi nói về những bậc thầy vĩ đại trong lịch sử khoa học người ta nghĩ ngay đến Isaac Newton với định luật hấp dẫn, Marie Curie với những phát kiến đột phá về phóng xạ hay Charles Darwin khai sáng ra thuyết tiến hóa. Vậy nếu nhắc đến cái tên Stephen Hawking, điều gì thực sự hiện lên trong tâm trí bạn? Một chiếc xe lăn, một thiết bị giao tiếp đặc biệt, một thân hình nhỏ bé, yếu ớt? 
Không thể phủ nhận sự hạn chế về mặt thể chất, nhưng ẩn sau đó là một bộ óc thiên tài với nhiều thành tựu khiến giới khoa học thán phục. Stephen Hawking không chỉ là một nhà vật lý lỗi lạc đã định hình cách nhìn nhận mới mẻ của chúng ta về vũ trụ. Ông còn được mệnh danh là “thiên tài khuyết tật”, là biểu tượng cho sức mạnh của trí tuệ vượt lên mọi giới hạn về mặt thể chất. Hành trình nghiên cứu của ông đã thách thức những ranh giới của khoa học, mở ra những chân trời mới cho nhân loại.
Để hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp phi thường của Stephen Hawking, mời bạn cùng đọc bài viết dưới đây nhé.

I. Tiểu sử và hoàn cảnh gia đình 

Stephen Hawking sinh ngày 8 tháng 1 năm 1942 tại Oxford, Anh. Ông sinh ra trong một gia đình có cha là bác sĩ, mẹ là một nhà nghiên cứu. Hai người đều học tập và tốt nghiệp tại trường Đại học Oxford. Khi chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra, mẹ ông đã chuyển đến Oxford để sinh con an toàn.
Hawking có hai em gái và một em trai đã qua đời khi còn bé. Ông học tiểu học tại Trường Nhà Byron, nhưng sau này đã chỉ trích phương pháp giáo dục của trường. 
Stephen Hawking và 2 em gái ( Internet)
Stephen Hawking và 2 em gái ( Internet)
“Tôi nhớ đã phàn nàn với cha mẹ rằng trường học này đã không dạy tôi bất cứ điều gì. Các nhà sư phạm ở Byron House không tin vào những phương pháp nhồi nhét được chấp nhận thời đó.”
- Trích Lược sử đời tôi -
Gia đình ông chuyển đến St Albans khi ông 8 tuổi. Tại đây, ông được gửi vào một trường trung học dành cho nữ sinh. Mặc dù trường chỉ nhận nữ sinh, nhưng họ vẫn chấp nhận các nam sinh dưới mười tuổi.
9 tuổi, kết quả học tập của ông chỉ đứng ở mức trung bình. Lên lớp có sự tiến bộ, nhưng sự cải thiện không đáng kể. Vấn đề không phải do thiếu trí thông minh, mà là do tính trễ nải của ông. Tuy điểm số không cao nhưng cả giáo viên và bạn bè đều nhận ra tố chất thiên tài của ông, họ thường gọi ông bằng biệt danh “Einstein”. Ông đã viết trong cuốn “Lược sử đời tôi":
“Tôi chưa bao giờ được xếp ở nửa trên của lớp học (một lớp gồm những học sinh xuất sắc). Những bài tập ở lớp của tôi rất lộn xộn, và chữ viết của tôi là nỗi thất vọng của các giáo viên. Nhưng các bạn cùng lớp lại đặt cho tôi biệt danh “Einstein”, có lẽ họ đã nhìn thấy những dấu hiệu của điều gì đó tốt đẹp hơn.”
Gia đình Stephen Hawking được đánh giá là trí thức có phần lập dị. Mọi người sống chung trong một ngôi nhà lớn, các bữa ăn thường diễn ra trong sự im lặng, khi ăn mỗi người đều cầm trên tay một quyển sách.
Cha mẹ ông rất coi trọng việc học hành, phương pháp giáo dục của họ cũng độc đáo hơn so với nhiều gia đình khác trong thời bấy giờ. Họ khuyến khích sự chủ động trong việc khám phá tri thức, từ chối các phương pháp giáo dục truyền thống. Dù điều kiện kinh tế khó khăn, cha mẹ ông vẫn tạo điều kiện cho con cái học hành đầy đủ đồng thời khuyến lệ các con khám phá thế giới xung quanh.
Theo thời gian, ông ngày càng chứng tỏ năng khiếu đáng gờm với các môn khoa học tự nhiên. Ban đầu, cha mong đợi Hawking sẽ theo học ngành y, nhưng cuối cùng ông chọn học vật lý. Vào Tháng 10 năm 1959, Hawking đỗ vào trường Đại học Oxford khi vừa tròn 17 tuổi. 
Thời gian đầu nhập học ông thường cảm thấy lạc lõng vì giữa ông và bạn bè xung quanh có khoảng cách, ông ít tuổi hơn phần lớn sinh viên. Đồng thời, ông thấy việc học hành "dễ một cách kỳ cục”.
Thầy giáo dạy vật lý Robert Berman đã nói về Stephen Hawking như sau: "Đối với cậu ta chỉ cần biết điều gì đó có thể thực hiện, cậu có thể làm nó mà không cần phải ngó xem những người khác đã làm thế nào.”
Mọi thứ trở nên tích cực hơn khi ông cố gắng hòa nhập với bạn bè. Để được quý mến, ông tham gia câu lạc bộ đua thuyền với vai trò thuyền trưởng. Tuy nhiên, vì không có năng khiếu với bộ môn đua thuyền, nên ông thường dẫn dắt đội về hạng bét. Dẫu vậy, việc tham gia câu lạc bộ  giúp ông tạo dựng nhiều mối quan hệ mới, làm cho thời gian học ở trường trở nên thú vị hơn.
“Vào năm thứ ba, để kết bạn nhiều hơn, tôi tham gia vào Câu lạc bộ đua thuyền với vai trò thuyền trưởng. Thế nhưng sự nghiệp cầm lái của tôi khá thảm hại. Do các sông ở Oxford quá hẹp để đua thuyền song song, họ phải bố trí đường đua thành hàng dọc tám thuyền nối đuôi nhau, mỗi người cầm lái phải giữ thuyền ở đúng vạch xuất phát để thuyền của đội mình ở khoảng cách hợp lý với chiếc thuyền ở phía trước. Trong cuộc đua đầu tiên, tôi đã cho thuyền rời vạch xuất phát khi phát súng hiệu lệnh được bắn ra, nhưng cáp lái của chiếc thuyền bị vướng, kết quả là đội chúng tôi đã lệch khỏi đường đua và bị loại.
Lần khác, thuyền của chúng tôi đâm đầu vào một chiếc thuyền khác, nhưng ít nhất là trong trường hợp này tôi có thể khẳng định đó không phải là lỗi của tôi khi tôi vượt đúng luật. Mặc dù không thành công với vai trò người cầm lái, những năm đó tôi có thêm nhiều bạn và cảm thấy hạnh phúc hơn.”
- Trích Lược sử đời tôi -
"Thuyền trưởng Stephen Hawking và đồng đội (Internet)
"Thuyền trưởng Stephen Hawking và đồng đội (Internet)
Lên đại học, phương pháp học tập của ông vẫn được coi là lạ lùng. Ước tính Stephen Hawking chỉ học khoảng 1000 giờ trong 3 năm tại Oxford, trung bình 1 giờ/mỗi ngày. Thói quen học tập không mấy ấn tượng khiến ông lo lắng về kỳ thi cuối kỳ, vì trong các kỳ thi ông chỉ trả lời các câu hỏi lý thuyết, bỏ qua các câu hỏi thực tế.
Với mong muốn sẽ theo học ngành Vũ trụ học tại Cambridge (điều kiện nhập học là cần có một tấm bằng danh dự). Vì vậy Stephen Hawking đã chọn đăng ký tham gia một kỳ thi tuyển đầu vào Cambridge.
Kết quả thi của ông đứng ở ranh giới giữa hạng Nhất và Nhì, dẫn đến việc ông phải tham gia buổi kiểm tra vấn đáp. Tại đây, Hawking đã gây ấn tượng mạnh mẽ với ban giám khảo nhờ trí tuệ và sự tự tin của mình. Ông trình bày rõ ràng quan điểm nếu được nhận hạng Nhất, ông sẽ đến học tại Cambridge, còn không, ông sẽ ở lại Oxford. Ban giám khảo nhận thấy khả năng đặc biệt của chàng trai trẻ trước mặt và có lẽ họ cũng mong muốn một tài năng thiên bẩm được đào tạo trong môi trường giáo dục tốt nhất. Do đó, ban giám khảo quyết định trao tấm bằng hạng Nhất cho Stephen Hawking.
Sau khi nhận được tấm bằng hạng Nhất, Hawking nhanh chóng đến Cambridge, bắt đầu học tại Trinity Hall vào tháng 10 năm 1962.

II. Những cột mốc và thành tựu nổi bật ông trong sự nghiệp

Vào năm 1962, Stephen Hawking đến Cambridge để tham gia chương trình nghiên cứu sinh, nơi ông xin làm việc cùng Fred Hoyle, một trong những nhà thiên văn học nổi tiếng nhất thời đó. Nhưng cuộc sống của ông bất ngờ bị xáo động khi ông được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) vào năm 1963, các bác sĩ cho rằng ông không sống nổi qua hai năm.
Dù phải chịu nhiều đau đớn do bệnh tật mang lại, nhưng Hawking không để bệnh tật làm ảnh hưởng đến tinh thần và sự nghiệp của mình. Ông chăm chỉ nghiên cứu bất chấp khó khăn về mặt thể chất. Người hỗ trợ và chăm sóc chính cho ông trong giai đoạn khó khăn là Jane, người vợ đầu của ông. Họ kết hôn vào năm 1965, hai người có với nhau ba mặt con. 
Xuyên suốt quá trình đấu tranh với bệnh tật, Hawking vẫn duy trì những mối quan hệ chặt chẽ với bạn bè và đồng nghiệp trong cộng đồng khoa học. Bạn bè và đồng nghiệp thì luôn hết lòng ủng hộ ông về mặt tình cảm lẫn chuyên môn.
Căn bệnh xơ cứng teo cơ khiến Hawking mất dần khả năng vận động và giao tiếp khiến ông không thể đi lại, cuối cùng mất luôn khả năng nói. Để tiếp tục công việc, ông buộc phải sử dụng thiết bị hỗ trợ bao gồm một hệ thống phát âm điều khiển bằng mắt, thiết bị cho phép ông tiếp tục làm việc và giao tiếp.
Thảo luận làm việc (Internet)
Thảo luận làm việc (Internet)
Trải qua vô vàn khó khăn nhưng bằng chính sức mạnh của niềm đam mê với  nghiên cứu đã giúp Hawking đạt được vô vàn thành tựu lớn nhỏ trong sự nghiệp.
Năm 1966, ông công bố nghiên cứu "Các kỳ dị và Hình học của Không - Thời gian", đã giành giải Adam Prize. Đến năm 1968, ông hợp tác với Roger Penrose một nhà vật lý, toán học thường thức và triết học người Anh cùng phát triển "Lý thuyết kỳ dị hấp dẫn", khẳng định sự chênh lệch lực hấp dẫn tại các điểm kỳ dị. 
Năm 1970, Hawking đưa ra "Định luật thứ hai của cơ học hố đen", cho rằng chân trời sự kiện của hố đen không bao giờ thu nhỏ lại. Ông tiếp tục xuất bản cuốn sách "Cấu trúc Vĩ mô của Không -Thời gian" năm 1973, tổng hợp các nghiên cứu về không - thời gian. Năm 1974, ông gây chấn động với phát hiện "Bức xạ Hawking", chứng minh rằng hố đen có thể phát ra bức xạ và có thể biến mất.
Hawking cũng đã đề xuất rằng vũ trụ có thể không vào năm 1981, sau đó cùng James Hartle một nhà vật lý lý thuyết người Mỹ giới thiệu "Trạng thái Hartle-Hawking" vào năm 1983, cho rằng trước sự kiện Vụ Nổ Lớn thời gian không tồn tại.
Stephen Hawking không chỉ để lại dấu ấn sâu sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ông còn gây ấn tượng mạnh với việc xuất bản 7 đầu sách hấp dẫn về vật lý.
Cuốn sách đầu tay của Stephen Hawking, mang tên "Lược sử thời gian", được xuất bản vào năm 1988, mở ra một cánh cửa mới cho độc giả khám phá vật lý thông qua các hiện tượng vũ trụ kỳ diệu như Big Bang và lỗ đen. Vừa mới ra mắt, cuốn sách đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, bán chạy nhất với hơn 10 triệu bản, được dịch ra 35 ngôn ngữ. 
Kế tiếp, ông viết "Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ" (2001). Cuốn sách hướng đến việc khám phá các vấn đề về vật lý, trình bày lịch sử của bộ môn vật lý hiện tại. “Vũ trụ trong hạt dẻ” được xem là tác phẩm đạt thành công lớn của Stephen Hawking, bán được hơn 10 triệu bản và giành giải Aventis cho sách khoa học. 
Năm 2010, Hawking xuất bản "Bản thiết kế vĩ đại", cuốn sách do ông hợp tác cùng Leonard Mlodinow, nội dung cuốn sách hướng đến việc tìm hiểu mối liên quan của sự sống và vũ trụ.
Ngoài ra, ông còn viết "Lược sử đời tôi" (2013) một cuốn tự truyện ghi lại hành trình cuộc đời từ thời thơ ấu của chính mình. Sau đó ông cùng con gái viết hai cuốn sách "Chìa khóa vũ trụ của George" (2007) và "Kẻ giấu mặt ngoài hành tinh" (2009). Hai tác phẩm này giải thích các khái niệm vật lý cho thế hệ trẻ thông qua những câu chuyện phiêu lưu hấp dẫn.
Một bộ óc thiên tài cùng với sự miệt mài chăm chỉ với hàng ngàn các cuộc nghiên cứu lớn nhỏ. Stephen Hawking đã giành được rất nhiều giải thưởng. Trong đó phải kể đến là giải Albert Einstein, giải Wolf, Huân chương Copley. Năm 2009, ông vinh dự được Tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống, một giải thưởng vô cùng danh giá.
Internet
Internet
Có hàng ngàn điều thú vị về ông hoàng vật lý Stephen Hawking đặc biệt là niềm vui và sở thích đa dạng của ông. Ai cũng nghĩ, người làm nghiên cứu khoa học sẽ khô khan, nhưng Hawking lại là một trường hợp hoàn toàn trái ngược. Ông không chỉ thông minh mà còn vui tươi và dí dỏm. Ngoài tình yêu với vật lý, ông quan tâm đến nhạc cổ điển, tiểu thuyết viễn tưởng. Bên cạnh đó, ông còn dành thời gian tham gia diễn xuất trong một số bộ phim, dù chỉ xuất hiện trong phân đoạn ngắn, nhưng biểu cảm trên gương mặt của ông trong đoạn phim khiến người xem cảm thấy thích thú. 
 Stephen Hawking xuất hiện trong Star Trek (Internet)
Stephen Hawking xuất hiện trong Star Trek (Internet)
Tuy nhiên, trên đời không ai là hoàn hảo, ngay cả các bậc vĩ nhân. Là một nhà vật lý lỗi lạc nhưng Stephen Hawking cũng có những góc tối, những thất bại trong sự nghiệp, những đóng góp chưa được công nhận và cả những điều dở dang sau khi qua đời.

1. Một người chồng tệ

Là một nhà vật lý lỗi lạc nhưng Hawking lại là một người chồng tệ. Sự tệ bạc không phải do ông thiếu tình yêu thương mà chính niềm đam mê mãnh liệt với vật lý đã khiến ông lãng quên trách nhiệm của một người chồng.
Jane, người vợ đầu của ông, từng chia sẻ: “Không phải gia đình mà chính vật lý mới là tình yêu lớn nhất trong lòng chồng bà.” Bà không ghen tị, nhưng bà cảm thấy rất phiền lòng. Mọi trọng trách chăm sóc con cái, giải quyết các vấn đề trong gia đình đều dồn lên đôi vai nhỏ bé của Jane, khiến bà không ít lần cảm thấy kiệt quệ.
Stephen Hawking và Jane gặp nhau vào thời điểm khi cả hai đang là sinh viên đại học. Cuộc tình đầy ngọt ngào nhanh chóng nảy nở giữa hai người. Dù biết Stephen mắc bệnh xơ cứng teo cơ nhưng Jane vẫn quyết định kết hôn với ông. Hai người nhanh chóng làm đám cưới vào năm 1965, khi đó Stephen Hawking 23 tuổi, còn Jane vừa tròn 21. 
Stephen Hawking và Jane (Internet)
Stephen Hawking và Jane (Internet)
Cuộc sống hôn nhân với nhiều khoảnh khắc hạnh phúc nhưng không ít những thăng trầm. Trong khi Stephen Hawking liên tục phải đối diện với triệu chứng do bệnh tật xơ cứng teo cơ. Về phía Jane, bà gần như phải đảm đương mọi trách nhiệm, bà không chỉ là vợ mà còn là nữ y tá, tài xế, là “cha”, là mẹ cho các con.
Bản thân Stephen Hawking, dù căn bệnh xơ cứng teo cơ hành hạ ông về mặt thể chất. Nhưng không phủ nhận, đó lại là “cơ hội vàng” giúp ông thoái thác vai trò của một người chồng, dành trọn thời gian nghiên cứu vật lý và khoa học vũ trụ. 
Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi Stephen Hawking bắt đầu nổi tiếng nhờ cuốn sách “Lược sử thời gian”, những y tá chăm sóc sức khỏe cho ông bước chân vào ngôi nhà của họ. Sự nịnh hót của mọi người xung quanh khiến Jane mệt mỏi. Thời điểm đó, Jane bắt đầu nảy sinh tình cảm với Jonathan Hellyer Jones, một nhạc công nhà thờ. Sự rối ren trong gia đình cùng giây phút yếu lòng của Jane khiến cho cuộc hôn nhân đứng trên bờ vực tan vỡ. 
Tất nhiên Stephen Hawking và Jane đều tìm cách để cứu vãn cuộc hôn nhân, nhưng mối quan hệ giữa hai người ngày càng xa cách vì không có sự thấu hiểu và chia sẻ. Cuối cùng, sau 25 năm chung sống, họ ly hôn, kết thúc chặng hành trình đồng hành cùng nhau. 
Cuộc hôn nhân thứ hai của Stephen với Elaine Mason, một nữ y tá của ông, cũng không lấy làm khả quan. Ban đầu có vẻ say đắm, nhưng theo thời gian cũng gặp không ít cáo buộc liên quan về bạo hành và sự kiểm soát. Sau 11 năm, họ chia tay, Stephen Hawking quay trở lại sống một mình với người quản gia.
Stephen với Elaine Mason (Internet)
Stephen với Elaine Mason (Internet)

2. Những thất bại thú vị

“Để đạt được thành công, không thể thiếu đi những thất bại.” Câu nói này mô tả chính xác sự nghiệp của Stephen Hawking. Dù tài năng nhưng ông cũng trải qua không ít thất bại trong cuộc đời mình. 
Một thất bại được coi thú vị nhất của Stephen Hawking xảy ra vào năm 2009, để chứng minh việc du hành xuyên không gian và thời gian là hoàn toàn khả thi, ông đã tổ chức một bữa tiệc dành cho các nhà du hành thời gian.
Kênh Discovery Channel đặc biệt ghi lại sự kiện trong video cho thấy nhà vật lý của chúng ta đã ăn mặc vô cùng chỉnh tề, ông ngồi đợi những người du hành ghé thăm tại một phòng học tại trường Đại học Cambridge vào ngày 28 tháng 6 năm 2009.
Bữa tiệc có sâm panh, bóng bay, đồ khai vị, Hawking còn cung cấp tọa độ GPS chính xác, đề phòng trường hợp có bất kỳ sự nhầm lẫn nào hoặc nếu có ai đó bị lạc khi đang di chuyển nhanh qua thời gian và không gian. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, ông không hề gửi bất kỳ lời mời nào cho đến khi buổi tiệc kết thúc. Và đó lại là mục đích chính của Hawking: không gửi lời mời và xem có ai thực sự đến hay không.
Ông đã chia sẻ với phóng viên tại Lễ hội Khoa học Seattle năm 2012: "Tôi đã tổ chức một bữa tiệc cho những người du hành thời gian, nhưng tôi không gửi thư mời cho đến sau bữa tiệc. Tôi ngồi đó rất lâu, nhưng không có ai đến". 
Ông còn chia sẻ thêm: “Tôi hy vọng các bản sao của cuộc thí nghiệm này, dưới nhiều hình thức, sẽ tồn tại trong nhiều ngàn năm. Có thể một ngày nào đó, ai đó sống ở tương lai sẽ tìm thấy thông tin và sử dụng cỗ máy thời gian lỗ sâu để quay trở lại bữa tiệc của tôi, chứng minh rằng du hành thời gian một ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực."
Thí nghiệm bị coi là một sự thất bại nhưng nó cũng minh chứng cho khiếu hài hước được cất giấu trong một nhà khoa học thú vị.
Một thất bại khác mất nhiều thời gian nhưng cũng đánh dấu cột mốc quan trọng về khiêm nhường trong nhận thức của Hawking. Đó là cuộc nghiên cứu về lỗ đen. Ban đầu, hầu hết các nhà vật lý nghĩ rằng lỗ đen không thể phát ra nhiệt hoặc năng lượng, tức là chúng không có nhiệt độ. Tuy nhiên, nhà vật lý Jacob Bekenstein đã chỉ ra rằng lỗ đen thực sự có thể có entropy, nghĩa là chúng có thể chứa thông tin và năng lượng, do đó có khả năng phát ra nhiệt.
Stephen Hawking khi đó rất tức giận trước những lập luận của Bekenstein, quyết tâm chứng minh rằng Bekenstein sai. Nhưng sau hai năm miệt mài nghiên cứu, Hawking cuối cùng phải thừa nhận rằng mình đã nhầm. Ông phát hiện ra rằng lỗ đen không chỉ có entropy mà còn phát ra năng lượng dưới dạng "bức xạ Hawking". May mắn, Hawking đã không để niềm kiêu hãnh cản trở việc thừa nhận sai lầm của mình. Ông cũng rất thông minh trong việc biến thất bại trở thành một bước ngoặt lớn trong sự cải cách tư duy khoa học. 

3. Không Nobel có đồng nghĩa với sự nghiệp thất bại?

Dù đạt được nhiều giải thưởng giá trị trong suốt sự nghiệp nghiên cứu khoa học, nhưng Stephen Hawking lại không nhận được giải Nobel. Việc này khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn, thậm chí phẫn nộ. Tại sao một người có nhiều đóng góp to lớn cho khoa học lại không được vinh danh bằng giải thưởng cao quý? Lý do thực sự là gì?
Theo News.com.au, Hội đồng giải thưởng Nobel ưu tiên bằng chứng xác thực thay vì chỉ xoay quanh những ý tưởng lớn. Nhà vật lý Sean Carroll từ Viện Công nghệ California có giải thích: "Giải thưởng Nobel không được trao cho những người thông minh nhất hay những người có nhiều đóng góp lớn lao nhất, mà là cho những khám phá thực tiễn." Lý thuyết lỗ đen của Hawking dù có tầm ảnh hưởng lớn nhưng chưa bao giờ được kiểm nghiệm trong thực tế, điều này giải thích tại sao ông không nhận được giải Nobel danh giá.
Dẫu vậy, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển khẳng định rằng Stephen Hawking là một nhà khoa học xuất sắc với nhiều đóng góp quan trọng, mặc dù ông không nhận được giải Nobel.
Những người từng có cơ hội hợp tác với Stephen Hawking thì luôn dành cho ông những lời khen ngợi tuyệt vời. Họ nhấn mạnh tài năng cũng như trí tuệ phi thường Hawking đã mở ra nhiều chân trời mới trong lĩnh vực vật lý.
Giám đốc Perimeter Neil Turok, một người cộng sự sau này trở thành người bạn thân thiết của Stephen Hawking cho biết:
“Cuộc đời của Stephen anh hùng theo nhiều cách. Ông là nhà tiên phong đầu tiên trong ngành vật lý lý thuyết, người đã thiết lập một chương trình táo bạo cho lĩnh vực này.”
Raymond Laflamme, một học giả cộng tác tại Perimeter cũng là cựu giám đốc Viện Máy tính toán tử tại Đại học Waterloo, từng được Hawking hướng dẫn làm luận án tiến sĩ tại tại Cambridge cho hay: “Stephen Hawking là một nhà khoa học tuyệt vời đã thay đổi cách chúng tôi nghĩ về vũ trụ”.
“Mặc dù bệnh tật, nhưng anh ấy vẫn vui vẻ hài hước tuyệt vời và có thể làm nên những điều đáng kinh ngạc để truyền cảm hứng cho nhiều người. Anh ấy là nguồn cảm hứng để chúng tôi vượt qua thử thách, tiếp tục tiến lên, luôn tử tế với mọi người xung quanh.”
Qua đây có thể thấy rằng, danh tiếng của Stephen Hawking không chỉ đến từ các công trình khoa học vĩ đại mà còn đến từ trong cách sống đầy cảm hứng của chính ông. Có lẽ, những điều này không cần cụ thể một giải Nobel để khẳng định chúng.
Internet
Internet

4. Những lời tiên tri cho nhân loại

Khi qua đời, Stephen Hawking để lại nhiều lời cảnh báo quan trọng về tương lai, thực tế cho thấy những lo ngại của ông đã ứng nghiệm một số phần.
Ông nhấn mạnh rằng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn vô số rủi ro nghiêm trọng. Hawking lo ngại rằng nếu AI phát triển vượt quá khả năng kiểm soát của con người, nó có thể đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Đến năm 2024, chúng ta đã thấy được những thành tựu lợi mà AI tạo ra nhưng cũng không thể phủ nhận nó cũng đem đến nhiều mối nguy, đặc biệt là việc thay thế con người trong công việc.
Ngoài ra, gia tăng dân số và khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức cũng là những vấn đề mà Hawking lo ngại. Ông nhắc nhở chúng ta về những thách thức lớn mà nhân loại đang phải đối mặt, hậu quả của việc biến đổi khí hậu đến sự phát triển không kiểm soát của công nghệ. Thêm vào đó, ông chỉ trích quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc rút khỏi Hiệp định Paris, nhấn mạnh rằng quyết định này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho hành tinh xanh của chúng ta. 
Những lời cảnh báo của ông vẫn còn nguyên giá trị khi loài người không ngừng phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng lạm dụng công nghệ và tài nguyên. Nhưng hầu hết chúng ta vẫn chưa thực sự nghiêm túc để nhận định rõ về mức độ nghiêm trọng các vấn đề mà Hawking đã trao truyền. 

III. Lời kết: 

Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76 vào năm 2018. Sự ra đi của ông không chỉ đánh dấu sự kết thúc của một cuộc đời phi thường mà còn là minh chứng cho sức mạnh vượt lên mọi giới hạn. Với ý chí kiên cường, ông đã chiến thắng lời tiên tri của bác sĩ khi chỉ mới 21 tuổi cho rằng ông không sống nổi quá hai năm.
Trí tuệ và lòng kiên định của Hawking cũng là một minh chứng sống động cho thấy nghị lực tinh thần có thể vượt xa mọi thách thức. Một cuộc đời đầy ý nghĩa hoàn toàn có thể xây dựng được ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Di sản mà ông để lại sẽ mãi sống trong lòng những ai dám mơ ước và không ngừng phấn đấu. Hawking đã cho chúng ta thấy rằng với quyết tâm và niềm đam mê, mọi điều đều có thể trở thành hiện thực.