Quốc gia hùng mạnh nhất thế giới ở các thời điểm trong lịch sử
Nguồn: https://qr.ae/TEnZsW Trả lời bởi Matthew Nghiem - Say mê lịch sử thế giới 9,000–3,000 Trước công nguyên (TCN): Các...
Nguồn: https://qr.ae/TEnZsW
Trả lời bởi Matthew Nghiem - Say mê lịch sử thế giới
9,000–3,000 Trước công nguyên (TCN): Các thành phố đầu tiên xuất hiện ở Trung Đông . Uruk là khu định cư lớn và có tổ chức nhất. Kết luận: Nền văn minh Sumer.
3,000 TCN: Sự thống nhất của khu Thượng Ai Cập và Hạ Ai Cập. Kết luận: Ai Cập cổ đại
2,900–2,500 TCN: Ai Cập duy trì vị trí của nó với sức mạnh vượt trội
2,500–2,300 TCN: Lúc này thì, với hàng chục khu định cư được thành lập trên Tiểu lục địa Ấn Độ. Văn minh Indus Valley hay còn gọi là Văn minh lưu vực sông Ấn được xem như là phát triển nhất thế giới giai đoạn này, mặc dù thực tế là các khu định cư đông dân nhất thế giới vẫn còn ở Ai Cập hoặc Sumer. Kết luận: Indus Valley.
2,260–2,120 TCN: Đế chế đầu tiên của thế giới cổ đại xuất hiện dọc theo hai con sông: sông Euphrates và sông Tigris (Nền văn minh Lưỡng Hà-ND). Và sức mạnh của nó là chưa từng thấy trước đấy. Kết luận: Đế chế Akkadian của nền văn minh Lưỡng Hà.

2,100 TCN: Với sự sụp đổ của đế chế Akkadian, và một loạt các cuộc chiến tranh khiến vùng lãnh thổ do Ai Cập nắm giữ bị suy giảm, Ấn Độ một lần nữa trở laị thành một thế lực hùng mạnh của thế giới. Kết luận: Indus Valley- tiểu lục địa Ấn Độ.
2,000 TCN: Ở Trung Quốc, nhà Hạ bắt đầu hình thành, nhưng nó cũng như những quốc gia cổ đại khác bị lu mờ bởi những người Ur sống dọc theo sông Euphrates với dân số và diện tích lớn nhất vào thời đó. Kết luận: Triều đại Ur của nền văn mình Sumer.
1900 TCN: Nền văn minh Indus Valley bắt đầu suy yếu mạnh mẽ, trong lúc đó Ai Cập tiếp tục có những đô thị lớn nhất thế giới. Ở khu vực Lưỡng Hà, Triều đại Kassite trong giai đoạn suy tàn. Nhà Hạ giữ được quyền lực vững chắc ở Trung Quốc cùng với đó là nền văn minh của người Minoan ở đảo Crete (Hi Lạp) cũng đang phát triển mạnh mẽ. Thật khó để quyết định đâu là quốc gia mạnh nhất ở giai đoạn này. Kết luận: Văn minh Minoan (Hi Lạp) hoặc nhà Hạ.
1800 TCN: Ai Cập cổ đại quay trở lại ngôi vị dẫn đầu thế giới trên phương diện diện tích cai trị và có số lượng đô thị lớn nhất thế giới thời gian này. Kết luận: Ai Cập cổ đại.
1700 TCN: Ai Cập cổ đại chia thành 2 nửa, Xois kiểm soát miền bắc. Babylon nổi lên như một thành phố lớn nhất thế giới lúc đó, với dân số lên đến 60.000. Kết luận: Thành quốc Babylon.
1600 TCN: Ai Cập cổ đại vẫn sở hữu thành phố đông đúc nhất thế giới, nhưng được chia thành 3 phần, với Hyksos duy trì quyền kiểm soát miền bắc, trong khi miền nam nằm dưới sự cai trị của Nubian. Người Hittites và Elamites (người Iran) đang vươn lên mãnh liệt. Nền văn minh Minoan tiếp tục thịnh vượng và đạt đến đỉnh cao. Nhưng người Hittites cũng rất mạnh mẽ. Nhà Hạ trong khi đó suy yếu. Kết luận (theo thứ tự): Minoan và Hittites.
1500 TCN: Nhà Thương ở Trung Quốc trở nên thịnh vượng, lật đổ nhà Hạ mục nát. Cùng lúc đó, Ai Cập hồi phục lại quốc lực, và lại tiếp tục có những thành phố lớn nhất thế giới. Kết luận: Ai Cập cổ đại và nhà Thương.
1,300–1,200 TCN: Mycenaeans (Hi Lạp) thời điểm này đạt đến đỉnh sức mạnh của họ. Thebes, Ai Cập không còn có những thành phố đông dân nhất thế giới nữa mà thay vào đó là thành Ân Khư (với 120,000 cư dân).Người Hittites lúc này nổi lên như một thế lực đáng được lưu tâm, đặc biệt ngay sau trận chiến ở Kadesh (1274 TCN), họ thậm chí đã đánh baị người Ai Cập ở trận này. Một lần nữa, thật khó để đưa ra đáp án. Kết luận (theo thứ tự): Mycenaean (Hi Lạp), Hittites và nhà Thương.
1,100 TCN: Người Assyrians ở khu vực Lưỡng Hà nổi lên là một thế lực đáng lưu tâm. Nhà Thương và Mycenaeans cùng lúc đó đều suy yếu. Trong khi đó, Ai Cập quay lại vị trí đất nước đông dân nhất thế giới thời. Tuy nhiên đó cũng chỉ là cái bóng của sự vĩ đại trước đó của Ai Cập cổ đại. Kết luận: Người Assyrian ở Lưỡng Hà
1,000 TCN: Ai Cập tiếp tục suy yếu, Assyrian tiếp tục thịnh vượng hơn, nhưng Trung Quốc cổ đại mới là thế lực hùng mạnh nhất với sự lật đổ nhà Thương và thay vào đó là nhà Chu. Đến giai đoạn này thì, Trung Quốc có nhiều đô thị lớn nhất, và cũng có diện tích lớn nhất thế giới. Kết luận: Nhà Chu.
900 TCN: Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh dưới sự cai trị của nhà Chu. Hạo Kinh nổi lên là thành phố đông dân nhất thế giới với tổng dân số là 125.000. Người Assyria cũng rất đang hùng mạnh, nhưng tại thời điểm này thì họ bị lu mờ bởi người Trung Quốc. Kết luận: Nhà Chu.
800 TCN: Đến bây giờ, người Ấn Độ có miền đất lớn nhất thế giới, nhưng các thành phố đông dân nhất vẫn thuộc về Trung Quốc. Assyria trong khi đó đã trở thành một đế chế cổ đại tại thời điểm này, và có sức mạnh độc quyền, cực kỳ có ảnh hưởng ở Trung Đông. Nhà Chu trong khi đó đang suy yếu bởi sự cai trị của hàng loạt những vị vua tồi. Kết luận: Đế chế Assyria.
700 TCN: Người Etruscans nổi lên như một thế lực ở Bán đảo Ý, nhưng hoàn toàn bị lu mờ bởi người Assyria hiện đang ở đỉnh cao về sức mạnh cũng như tầm ảnh hưởng. Ngược lại, nhà Chu vẫn tồn tại nhưng bị chia thành nhiều quốc gia nhỏ hơn, mỗi quốc gia có một người nắm quyền thực tế khác nhau, và chỉ thuần phục nhà Chu trên danh nghĩa. Kết luận: Đế Chế Assyrian.
600 TCN: Babylon và Lạc Dương đều có 200,000 cư dân. Cùng với đó, Đế chế Carthage ở khu vực Tây Bắc Phi và Địa Trung Hải, vương quốc Lydians ở khu vực tiểu Á , và Đế chế Medes ở khu vực Lưỡng Hà bắt đầu nổi lên như là những quốc gia hùng mạnh thời bấy giờ. Tuy nhiên trong số chúng thì Medes dưới cai trị của vua Phraotes đang có được thời kì huy hoàng của họ và giữ vị trí số một. Kết luận: Đế chế Medes.
500–400 TCN: Sau khi lật đổ sự trị vì của đế chế Medes, thiên tài quân sự Cyrus Vĩ đại sáng lập ra Đế quốc Ba Tư thứ nhất (Đế chế Achaemenid) . Đây đích thực là ”Siêu cường” đầu tiên của thế giới với việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở cả 3 lục địa với diện tích lên đến 5.5 triệu km2. Dưới sự trị vì thanh công của “Vua của các Vị vua”, Ba Tư trở thành đế chế đầu tiên đi theo và cổ vũ tôn giáo độc thần (tranh cãi) cùng với đó là hệ thống nhân quyền đầu tiên trên thế giới. Không phải tranh cãi thêm, Đế chế Achaemenid vào thời điểm này là hùng mạnh và rộng lớn nhất thế giới. Kết luận: Đế chế Achaemenid.
250 TCN: Ở Ấn Độ, với dân số là 50 triệu cùng với diện tích 5 triệu km2, Đế chế Mauryan nổi lên như là quốc gia lớn và hùng mạnh nhất thế giới vào giữa thể kỷ thứ 3 TCN. Lúc này, Cộng hoà La Mã vừa với đánh bại Carthage và cũng bắt đầu dần trở nên hùng mạnh. Ngoài ra thì Vương quốc Seleucids, kế tục của vương quốc Macedonia cũng không phải là dạng vừa. Trung Hoa lúc này thì đang bị cát cứ (dù cho việc thống nhất thiên hạ đang dần dần diễn ra). Kết luận: Đế chế Mauryan.
200 TCN: Sau 550 năm chia rẽ, Trung Hoa Cuối cùng cũng được thống nhất dưới triều đại nhà Tần, trị vì hung tàn nhưng mạnh mẽ, hiệu quả và tập trung quyền lực. Tuy nhiên, Tần nhanh chóng được thay thế bởi nhà Hán, nhà Hán tiếp tục xây dựng và củng cố sự thịnh vượng của quốc gia Trung Quốc thống nhất. Với 400.000 cư dân, Tràng An nổi lên như một thành phố đông dân nhất thế giới. Mauryan ở Ấn Độ lúc đó đang trong giai đoạn suy tàn, Vương quốc Seleucids đang trong giai đoạn phục hưng, sức mạnh của nó là không thể so sánh với nhà Hán vào lúc này. Kết luận: Nhà Hán.
100 TCN: Cộng Hoà La Mã suy tàn, Trong khi Vương quốc Seleucids đang bị chinh phục bởi một thế lực mới nổi lên: Đế quốc Parthia cổ đại xuất phát từ Trung Đông. Mặc dù vậy, Parthia không phải là đối thủ của nhà Hán - trong bất kỳ khía cạnh nào – nhà Hán vào thời điểm này đang vô cùng hùng mạnh dưới thời vị hoàng đế đế khét tiếng và tàn bạo – Hán Vũ Đế. Trường An vẫn là thành phố lớn nhất thế giới (tranh cãi), và Trung Quốc giữ độc quyền thương mại trên Con Đường Tơ Lụa, thậm chí là đế quốc Parthia lúc này cũng là một thị trường ngoại thương khá lớn của người Trung Quốc. Thời điểm này chỉ có quân Hung Nô là có thể thách thức sức mạnh của Trung Nguyên mà thôi, tuy nhiên chỉ trên phương diện quân sự. Kết luận: Nhà Hán.
Công Nguyên năm thứ nhất: Nhà Hán vẫn là quốc gia đông dân nhất vào thời điểm này, nhưng giờ đây chỉ còn là cái bóng của chính mình trước khi bước sang thiên niên kỷ mới. Đế quốc La Mã trị vì tuyệt đối và không có đối thủ ở châu Âu, và nổi lên như một lực lượng hùng mạnh nhất ở phương Tây. Đế quốc Parthia tuy rộng lớn tương đương, cũng không phải là đối thủ của Rome bất chấp việc họ dành chiến thắng trước La Mã tại Trận chiến Carrae (53 trước Công nguyên) vài thập kỷ trước.
Kết luận: Đế quốc La Mã.
100: Đế chế La Mã vào thời điểm này, gần đến đỉnh cao quyền lực của nó, với dấu ấn là nền Thái Bình La Mã (Pax Romana). Rome nổi lên không chỉ là thành phố lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, mà còn là khu định cư đầu tiên vượt qua 1 triệu dân (tranh cãi). Con số có thể khác nhau, nhưng ở đỉnh cao quyền lực, La Mã ước tính có 75 triệu người (25% thế giới), diện tích đất cao nhất là 5 triệu km2 và nền kinh tế kiểm soát 30% tài sản của thế giới. Trong khi Trung Quốc cũng đã hồi phục quốc lực lại vào thời điểm này, đạt đỉnh với diện tích 6,5 triệu km 2, dân số 60 triệu và chiếm 25% kinh tế thế giới, nhưng xét toàn diện thì không thể sánh được với Rome đang trong giai đoạn cực thịnh. Kết luận: Đế Quốc La Mã.

300: Kiệt quệ bởi thảm hoạ mang tên“Cuộc khủng hoảng của thế kỷ thứ ba”, Sức mạnh của đế quốc La Mã suy tàn nhanh chóng cho đến buổi bình mình của thế kỷ thứ bốn. Trung Quốc thống nhất dưới cai trị của nhà Tấn (Sau thời Tam Quốc -ND), nhưng không có được sự hùng mạnh như trước đó nữa. Hưởng lợi nhờ sự suy tàn của Đế quốc La Mã và Parthian, Sassanian Shahdom lên nắm quyền ở Ba Tư và nổi lên là quốc gia vĩ đại nhất thế giới. Kết luận: Đế chế Sassanid hay còn gọi là Tân đế quốc Ba Tư.
400: Triều đại Guptas hùng mạnh ở đỉnh cao với tổng diện tích 3,5 triệu km2, và tỷ trọng kinh tế so với thế giới ở mức 30%. Di sản tiêu biển của triều đại Guptas là việc đầu tiên sáng tạo ra chữ số 0 (tranh cãi) và đưađất nước bước vào giai đoạn mang tên “kỷ nguyên Vàng”, trong đó Tiểu lục địa Ấn Độ nổi lên là khu vực thịnh vượng nhất trên Trái đất. Mặc dù Rome vẫn là thành phố đông dân nhất thế giới vào năm 400, nhưng đến lúc này, nó chỉ là cái bóng của chính mình trước đây. Tân đế quốc Ba Tư tuy đang ở giữa thời đại hoàng kim của họ nhưng không thể sánh được với Vương triều Guptas vào lúc này. Kết luận: Vương Triều Gupta - Ấn Độ.
500: Bước sang thế kỷ thứ sáu, Đế chế Sassanid đang tận hưởng Kỷ nguyên vàng thịnh vượng thứ hai, kéo dài đến thế kỷ tiếp theo. Vương triều Guptas trong khi đó đang suy yếu, và cuối cùng sẽ sụp đổ năm thập kỷ sau đó. Mặt khác, sự cai trị của vua Odoacer năm 476 đã đánh dấu việc sụp đổ của Đế quốc La Mã ở Tây Âu (và đây coi như là dấu mốc bước vào thời kỳ trung cổ). Đế quốc La Mã chỉ còn lại một nửa ở phương Đông giàu có hơn. Đông La Mã vẫn khá hùng mạnh, và sánh ngang với đối thủ của họ là Tân đế quốc Ba Tư. Kết luận: Tân đế quốc Ba Tư (Sassanids) và Đông La Mã.
600: Sự trỗi dậy của Hồi giáo trên Bán đảo Ả Rập trùng với sự suy tàn của người Sassanids theo Hoả giáo, bởi họ trở nên kiệt sức sau nhiều thập kỷ chiến đấu với người La Mã. Lúc này, người Đột Quyết (Gokturks), một liên minh du mục mạnh mẽ của những người Hung Nô, nổi lên ở miền Bắc Á như một thế lực quân sự lớn nhất thế giới, Trung Quốc bấy giờ tuy đã thống nhất trở lại dưới thời nhà Tuỳ, triều đại tiếp theo sau giai đoạn xung đột Nam-Bắc triều đã không thể sánh lại trên phương diện quân sự với đế chế tung hoành trên thảo nguyên này. Đông La Mã cùng với đối thủ truyền kiếp của họ - những người Ba Tư, vẫn giữ được sự thịnh vượng và hùng mạnh sau khi Justinian cố gắng đòi lại Tây La Mã cũ. Khó mà đưa ra quyết định ai hơn ai. Kết luận (Theo thứ tự): Đột Quyết, Đông La Mã, Nhà Tuỳ and Tân đế quốc Ba Tư.
800: Trung Quốc vẫn có thành phố lớn nhất thế giới vào thế kỷ thứ 9, nhưng đang trong giai đoạn suy yếu. Nhà Abbasids thay thế nhà Amayyads và vẫn duy trì kỷ nguyên vàng Hồi giáo. Tuy không lớn mạnh bằng tiền triều, Nhà Abbasid vẫn trị vì một đế chế rộng lớn tương tự với diện tích 13 triệu km 2. Đế quốc Đông La Mã vào lúc này tuy bé hơn so với thế kỷ trước và không thể sánh với sức mạnh cũng như tầm ảnh hưởng của họ trước kia, nhưng cũng đang vào giai đoạn ổn định. Có ảnh hưởng lớn dần ở phương tây lúc này, Đế chế La Mã thần thánh nổi lên như một thế lực không thể xem thường, tuy không so sánh được nhà Abbasids cũng như nhà Đường. Kết luận:Vương triều hồi giáo Nhà Abbasid.
900: Tất cả ba cường quốc trên thế giới đang suy yếu vào lúc này. Tuy nhiên, Abbasids thì suy giảm với tốc độ chậm nhất. Xét một cách toàn diện thì, đến bây giờ họ vẫn có thành phố lớn nhất thế giới – là Kinh thành Bát Đa với dân số 900.000 người. Đế quốc La Mã thần thánh vẫn không thể sánh được Abbasids vào thời điểm này. Quốc gia Sistan lớn dần và bánh trướng nhưng cũng không thể sánh được với Abbasid. Ở Đông Âu thì, Đại công quốc Kiev, nổi lên như một quốc gia trung cổ có diện tích lớn vào giai đoạn này, nhưng cũng cần nhớ rằng diện tích rộng không đồng nghĩa với sức mạnh lớn. Kết luận: Vương triều hồi giáo Nhà Abbasid.
1000–1200: Các học giả khắp nơi trên thế giới đều nhất trí rằng, Nhà Tống chính là đế chế hùng mạnh nhất thế giới từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Tất nhiên đâu đó cũng có những quốc gia mà sức mạnh của nó có thể xem là cạnh tranh với nhà Tống, nhưng không có quốc gia nào thời bấy giờ- kể cả Đế Quốc Đông La Mã, Đế quốc Seljuk, Nhà Liêu, nhà Kim, Vương triều Chola, Nhà Fatimid Hồi giáo, Vương triều Hồi giáo Ayyub và Triều đại hồi giáo Ghaznavid – có thể sánh được với nhà Tống về mọi mặt. Nhà Tống có những thành phố lớn nhất thế giới, sản lượng thép lúc đỉnh cao nhiều hơn toàn bộ Châu Âu cộng lại vào những năm 1700, tổng dân số là 120 triệu người (tranh cãi), đúc 6 tỷ đồng xu 1 năm, thu hoạch 64.2 tỷ kg thóc lúa 1 năm, sáng tạo ra tiền giấy, la bàn, thuốc súng, tiệm ăn, công ty cổ phần, tên lửa nhiều tầng, chiếm đến 40% kinh tế toàn thế giới, hệ thống thuế đồng nhất, thêm vào đó là hệ thống trường công, y tế công và thậm chí là nghĩa trang cho người vô gia cư. Kết luận: Nhà Tống.
1300: Tính đến thời điểm này, người Mông Cổ đã tạo ra một đế chế lớn nhất thế giới trong lịch sử loài người. Những năm ở đỉnh cao quyền lực, họ đã chinh phục một lãnh thổ trải dài từ Biển Hoa Đông, đến tận Ba Lan và Ukraine - một lãnh địa rộng 24 triệu km2. Mông Cổ - cũng tương tự như đế chế Alexander, dù cuối cùng sụp đổ vì những cuộc chiến không lâu sau đó nhưng sự tồn tại của nó cũng đóng góp nhiều cho sự tiến bộ của toàn nhân loại. Đế chế Mông Cổ tạo điều kiện thuận lợi cho tự do thương mại và tự do tôn giáo - và điều này đã dẫn đến sự hưng thịnh trong thương mại xuyên lục địa giữa phương Đông và phương Tây lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ. Các hệ tư tưởng cũng đã giao lưu và truyền đi trên đại lục địa Á-Âu theo phương cách này. Kết luận: Đế chế Mông Cổ.
1450: Sau cái chết của Timur, Đế chế Timurid bắt đầu dần sụp đổ dần dần và chính thức suy tàn vào giữa thế kỷ 15. Tương tự như Timur thì trong những năm 1405-1433 nhà Minh khởi đầu thế kỷ mới cực thịnh và họ thậm chí đã tổ chức những chuyến thuyền đi khắp thế giới, nhưng sau cái chết của Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc), Trung Quốc bắt đầu suy yếu cho dù nó vẫn là quốc gia giàu có nhất thế giới. Đế quốc Đông Lã mã chính thức sụp đổ sau hàng thế kỷ suy yếu, và Ottoman nổi lên ở khu vực Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, Ba Lan-Litva và Đan Mạch cũng đang duy trì các đế chế lớn, và Vương quốc Hồi giáo Delhi và Vijayanagara Ấn Độ cũng rất giàu có. Bồ Đào Nha bắt đầu nổi lên từ năm 1415, và có những cuộc thám hiểm ra nước ngoài. Kết luận (Theo thứ tự): Nhà Minh, Vương quốc Hồi giáo Delhi, Vijayanagara, Đế chế Ottoman, Đế chế La Mã thần thánh và Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva.
1550: Đến 1550, nhiều thay đổi quan trọng đã diễn ra. Đế chế Safavid được thành lập, Đế Chế Ottoman phát triển nhanh và có diện tích 3.2 triệu km2, trong khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã đạt được những thành tựu nhanh chóng ở Tân Thế giới (Châu Mỹ-ND). Tương tự, Ba Lan-Litva đã mở rộng phạm vi của mình trong thời gian này. Cùng lúc đó, Thụy Điển nổi lên từ đống tro tàn của sự tan rã của liên minh Đan Mạch. Sa quốc Nga bắt đầu xuất hiện. Trung Quốc và các vương quốc Ấn Độ vẫn giàu có và đông dân, nhưng suy giảm hơn so với trước đây. Tuy nhiên, dân số quá lớn của nó phần nào bù đắp cho những bất lợi của nó. Về quân sự, Trung Quốc thua kém rất nhiều so với cả các cường quốc châu Âu cũng như so với Ottoman. Kết luận (theo thứ tự): Đế chế Ottoman, Đế quốc Bồ Đào Nha <=> Đế chế Tây Ban Nha, Nhà Minh, Triều đại Mughal và Ba Lan-Litva.
1650: Giai đoạn này là thời kỳ hoàng kim của những người Hà Lan. Ottomans tiếp tục phát triển, nhà Minh sụp đổ và thay thế bởi nhà Thanh sau những cuộc chiến liên tiếp dẫn đến cái chết của 25 triệu người. Mughals tiếp tục thịnh vượng vào những năm 1600, trong khi Liên minh Iberia cuối cùng tan rã khi Bồ Đào Nha về cơ bản giành lại độc lập từ Tây Ban Nha. Nga kiếm được những lợi ích chưa từng có về mặt lãnh thổ, nhưng cuối cùng bị lu mờ bởi một Thụy Điển mới nổi. Mặt khác, Anh và Pháp gần đây đã tiếp cận Tân thế giới và đang nhanh chóng tạo ra các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, 2 quốc gia này sẽ mất một khoảng thời gian nữa để vượt qua Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Thành phố lớn nhất hiện nay là Constantinople với dân số 750.000 người. Một lần nữa, rất khó để chọn ra đâu là quốc gia hùng mạnh nhất vì các cường quốc châu Âu thời điểm này rất cân bằng với nhau. Kết luận (theo thứ tự): Đế chế Ottoman, Đế quốc Tây Ban Nha, Đế chế Hà Lan, Đế chế Bồ Đào Nha, Triều đại Mughal, Đế chế Thụy Điển và Nga.
1750: Trước thềm Chiến tranh Bảy năm, Pháp vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu. Nga đã nổi lên như một đế quốc, bằng việc thông qua và áp dụng những cải cách hiện đại hóa vùng đất Sa hoàng của Peter Đại đế. Đế quốc Ottoman vẫn hùng mạnh dẫu cho họ có những đình trệ về mặt công nghệ kỹ thuật. Nhà Thanh cũng trong tình trạng như Ottoman, tuy có đình trệ về công nghệ nhưng nhờ sự điều hành khôn ngoan của Hoàng đế Càn Long, Trung Quốc vẫn giữ được tầm ảnh hưởng của mình. Áo bắt đầu nổi lên như một tay chơi khá mạnh mẽ trên vũ đài quốc tế. Ba Lan-Litva suy yếu nhanh chóng giai đoạn này. Anh bắt đầu cạnh tranh với Pháp nhưng vẫn chưa mạnh bằng (có thể tranh cãi). Bắt đầu kỷ nguyên Khai sáng ở châu Âu, Pháp hưởng lợi nhiều nhất và họ đã truyền bá các tư tưởng của Rousseau, Montesquieu và Voltaire đi ra ngoài thế giới. Kết luận (theo thứ tự): Pháp, Anh, Triều đại nhà Thanh, Đế chế Ottoman, Nga, Áo và Cộng hòa Hà Lan.
1800: Đế chế Ottoman lúc này đang trên đà suy tàn. Pháp là quốc gia hùng mạnh nhất ở châu Âu vào thời điểm này, đặc biệt là kể từ khi Napoleon Bonaparte lên nắm quyền. Nga mở rộng lãnh thổ của mình đến Alaska, người Anh cũng mở rộng lãnh thổ với việc tiến hành thuộc địa hoá Ấn Độ, Úc và Canada. Phổ nổi lên như một cường quốc châu Âu. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mở rộng thêm nhiều lãnh thổ chưa từng có nhưng họ vẫn chỉ là cái bóng của chính mình trước đây. Anh là người chiến thắng lớn nhất từ Chiến tranh Bảy năm, giành được các lãnh thổ từ cả Pháp và Tây Ban Nha. Ở miền Bắc Ấn Độ, Marathas nổi lên như một lực lượng hùng mạnh và là quốc gia đông dân thứ hai trên Trái đất. Trung Quốc vẫn đang thống nhất và họ có những thành phố lớn nhất thế giới, nền kinh tế lớn nhất (35%) và tổng dân số là 300 triệu dân. Kết luận (theo thứ tự): Pháp, Anh, Phổ, Nga, Áo, Thanh, và Marathas.
1900: Minh Trị Duy tân tiếp thêm sinh khí mới cho Nhật Bản, quốc gia duy nhất nằm ngoài châu Âu và Bắc Mỹ tiến hành công nghiệp hoá. Hoa Kỳ vùng lên đánh bại Tây Ban Nha và chiếm lấy Philippines. Anh đánh mất gần hết vùng đất ở Canada, nhưng chiếm được một phần lớn của châu Phi. Kể từ năm 1881, những cuộc tranh giành châu Phi đã diễn ra giữa các quốc gia Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, với các mức độ khác nhau. Tất cả quốc gia Nam Á và thêm Myanmar hiện nằm dưới sự kiểm soát của Anh. Pháp xâm chiếm Đông Dương và Hà Lan hoàn toàn khuất phục Đông Ấn. Nhật Bản là bất ngờ lớn nhất, khi đánh bại nhà Thanh Trung Quốc (1895) – vốn luôn ở vị trí chiếu trên từ bao đời – khiến cho cả thế giới kinh ngạc. Đế chế Ottoman nhanh chóng suy tàn, phải mang tên là “Con bệnh của Châu Âu”, Trung Quốc mang lấy nỗi nhục với hiệu “Đông Á bệnh phu”. Đức thống nhất vào năm 1871, và nhanh chóng trỗi dậy khiến người Anh lo ngại. Gió bắt đầu đổi chiều. Kết luận (theo thứ tự): Đế quốc Anh, Đế quốc Đức, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Đế quốc Pháp, Đế quốc Áo-Hung, Đế quốc Nga và Đế quốc Nhật Bản.
1939: Trên thềm của thế chiến thứ hai, cán cân quyền lực đã bị thay đổi một lần nữa. Bắt đầu từ năm 1937, Đế quốc Nhật Bản bắt đầu một cuộc xâm lược nước láng giềng của họ, Trung Hoa dân quốc. Đức phục hồi nhanh chóng dưới sự lãnh đạo của một nhà lãnh đạo mới đầy lôi cuốn, Adolf Hitler, và trở thành chính thể hùng mạnh nhất ở châu Âu. Trong khi đó, Hoa Kỳ tiếp tục thịnh vượng sau khi thực hiện Chính sách kinh tế mới của Roosevelt, thiết lập một hệ thống an sinh xã hội tốt ở Mỹ. Hoa Kỳ vào thời điểm này là quốc gia giàu có nhất thế giới. Đế quốc Ý được cải tổ vào năm 1936 và nổi lên dưới thời Mussolini với tư cách là một trong những cường quốc ở châu Âu, dù không thể sánh được với Anh, Đức, Nga và Pháp. Pháp xây dựng phòng tuyến Maginot để bảo vệ quốc gia khỏi sự xâm lược từ phía Đông, và Liên Xô tiếp tục xây dựng quân đội nhằm đảm bảo sức mạnh của mình. Mặc dù vậy, Đức mới là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới vào năm 1939. Kết luận (theo thứ tự): Đức Quốc xã, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Đế quốc Anh, Liên Xô, Đế quốc Nhật Bản, Đế quốc Pháp và Đế quốc Ý.
1950: Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (Hoa Kỳ) và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) trở thành hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Nền kinh tế Hoa Kỳ năm 1950 được một nhà kinh tế ước tính nắm giữ không dưới 50% tài sản của thế giới. Đến năm 1950, cả hai đều được trang bị vũ khí hạt nhân, cả hai đều duy trì các quân đội đáng gờm, cả hai đều có nhiều tài nguyên thiên nhiên, cả hai đều mang lại ảnh hưởng chưa từng có và không chịu lùi bước trong cuộc đua giành quyền chi phối thế giới. Mặc dù vậy, Hoa Kỳ có một nền kinh tế lớn hơn dù có diện tích nhỏ hơn và dân số thấp hơn. Người dân Mỹ những năm 1950 giàu có nhất thế giới và duy trì thành phố lớn nhất thế giới tại thời điểm đó - New York (12,5 triệu dân). Trong khi cả hai quốc gia đều hùng mạnh, hầu hết đều đồng ý rằng Hoa Kỳ mạnh hơn. Kết luận (theo thứ tự): Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Liên Xô.

2000: Sau Chiến tranh Lạnh và với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nổi lên với tư cách là siêu cường duy nhất của thế giới. Kể từ đó, một nhà báo người Anh, Peregrine Worsthorne đã đưa ra thuật ngữ Hyperpower, nhằm mô tả sức mạnh vô song của nền Hoà bình Mỹ (Pax Ameriana) với bối cảnh sự sụp đổ của Liên Xô và chủ nghĩa Cộng sản. Thật vậy, vào năm 2000, có rất ít quốc gia có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ về kinh tế, văn hóa, công nghệ hoặc quan trọng nhất là về mặt quân sự - ngay cả khi những quốc gia này liên minh với nhau. Do đó, Hoa Kỳ không thể chối cãi là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới trong năm 2000. Kết luận: Hoa Kỳ.
2019: Trong thời gian gần đây ,Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng độc bá của Mỹ, nhưng đó vẫn là một chặng đường dài trước khi hoàn toàn có thể chiếm lấy vị trí của Hoa Kỳ với tư cách là bá chủ thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia và ngay cả chính Trung Quốc lập luận rằng họ sẽ không tìm cách thách thức quyền bá chủ của Mỹ. Nói gì thì nói, ngày nay, nước Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Ngân sách quân sự nhiều hơn 13 quốc gia lớn kế tiếp cộng lại. Hoa kỳ có các cơ sở giáo dục hàng đầu nhiều nhất thế giới. Cũng tương tự với top Fortune 500. Hollywood vẫn là một ông lớn trong nền công nghiệp điện ảnh khi hàng triệu người trên khắp thế giới vẫn luôn háo hức chờ đợi những bộ phim do Mỹ sản xuất. Văn hóa đại chúng của Mỹ định hình văn hoá đại chúng thế giới, và xu hướng của Mỹ là xu hướng thế giới. Biểu tượng của Apple và Mc Donald được nhận biết rộng rãi ở khắp mọi nơi. Dù có những vấn đề riêng của mình, Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong tương lai gần. Kết luận: Hoa Kỳ.
Các nguồn tôi đã sử dụng để đưa ra những lựa chọn, cùng kiến thức tích lũy về các nền văn minh trên thế giới qua nhiều năm tìm hiểu):
- Histomap: Visualizing the 4,000 Year History of Global Power
- World History Maps & Timelines
- List of largest cities throughout history - Wikipedia
- List of countries by population in 1500 - Wikipedia
- List of countries by population in 1600 - Wikipedia
- List of countries by population in 1700 - Wikipedia
- List of countries by population in 1800 - Wikipedia
- List of countries by population in 1900 - Wikipedia
Bài dịch của Võ Tùng Anh tại group QRVN.

Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất