Khi đi làm, mình hay nghe câu nói "thái độ quan trọng hơn trình độ". Câu này đúng nhưng chưa đủ. Có một mô hình đánh giá năng lực có tên là ASK, viết tắt của 3 từ Attitude (Thái Độ) - Skill (Kỹ Năng) - Knowledge (Kiến Thức). Và để chứng minh cho câu nói trên, người ta quy ước tỷ trọng để đánh giá một nhân viên hay ứng viên tìm việc là thái độ chiếm tỷ lệ 70%, kế đến là kỹ năng 20% và kiến thức 10%
Tuy nhiên, mình thấy tỷ lệ này chỉ đúng đối với một số ngành nghề đơn giản, có tính chất làm nhiều là quen rồi cứ vậy làm mãi chứ không đòi hỏi quá nhiều về tư duy, nền tảng kiến thức sâu rộng như AI, Development, Designer,... Hoặc đối với một vị trí fresher, không yêu cầu kinh nghiệm của ứng viên. 
Nói về giá trị thực tế, trình độ tạo nên bởi kiến thức, kỹ năng mới là thứ có giá trị để giải quyết một vấn đề, yêu cầu công việc. Còn thái độ là cách bạn vận dụng trình độ của mình trong hoàn cảnh riêng biệt. 
Ví dụ, Công ty A tuyển Nhân Viên cho một dự án kinh doanh và yêu cầu Nhân Viên phải tự cáng đáng một khu vực để tạo ra doanh thu càng sớm càng tốt. Ứng viên số 1 có thái độ rất tốt, xông pha, máu lửa và sẵn sàng học việc không lương (9/10) nhưng trình độ còn khá yếu, chưa có va chạm thực tế cũng như kết quả thực chiến (2/10). Tổng lại chỉ được phân nửa thang điểm tuyển dụng (11/20)
Trong khi đó, ứng viên số 2 có trình độ rất phù hợp với yêu cầu khi đã có kinh nghiệm 3 năm tại thị trường địa phương, có kết quả thực tế và sẵn sàng nắm khu vực sau thời gian hội nhập (8/10). Dù rằng, bạn ứng viên có kinh nghiệm sẽ có những tiêu chuẩn nhất định về thu nhập, cách làm việc và có sự rạch ròi về giờ giấc làm việc (7/10) thì vẫn vượt trội hơn so với bạn số 1 (15/20)
Mình cũng từng trải qua một hoàn cảnh có thái độ mà thiếu trình độ. Cách đây gần 10 năm, công việc phục vụ partime đầu tiên mình có được là nhờ thái độ. Anh sếp đầu tiên của mình từng kể lại khi tuyển nhân viên lứa đầu cho quán, trong rất nhiều CV nộp về, mình chẳng có gì nổi trội. Nhưng ảnh vẫn chọn mình, vì trước khi kết thúc phỏng vấn, mình đã hỏi "Cửa hàng xây dựng thì có cần hỗ trợ gì không ạ?" cho thấy tinh thần nhiệt huyết và chủ động. Tuy nhiên, trong quá trình thử việc, anh sếp đã ngồi lại chia sẻ "em làm việc rất tốt, rất trách nhiệm và chỉn chu nhưng em không cười, không thân thiện với khách hàng. Trong khi đó là yêu cầu cơ bản của ngành dịch vụ. Anh cho em hai tuần để nỗ lực, nếu không thì anh cũng rất là tiếc". Sự sẵn sàng cho mình cơ hội đến với công việc nhưng kỹ năng giao tiếp với khách hàng là trình độ phải đó để hoàn thành công việc thì mình lại không có. Sau hai tuần, mình đã cố gắng rất nhiều để thay đổi và được tiếp tục công việc. Để rồi nhìn lại, mình nhận ra thái độ giúp mình có công việc, nhưng trình độ mới là thứ giúp khẳng định giá trị bản thân trong công việc cũng như mức lương bạn nhận được. 
Chính cái 30% tạo nên bởi kỹ năng và kiến thức mới quyết định bạn có cơ hội vận dụng cái 70% còn lại hay không.
Tất nhiên, mình không phủ nhận giá trị của thái độ. Vì nhờ có thái độ, mình mới được chọn cho công việc đầu tiên và đặt nền móng cho sự phát triển bản thân đến hiện tại. Trong công việc, giữa nhiều nhân viên có năng lực sàng sàng nhau, người có thái độ tốt hơn như trách nhiệm, hòa đồng với đội ngũ, không ngại làm ngoài giờ,... thì tất nhiên cũng được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, với sự phát triển ngày càng nhanh đi kèm với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nếu chỉ tập trung vào thái độ mà không vun bồi trình độ qua quá trình mày mò kiến thức, vận dụng thực tế để tạo thành kỹ năng và hoàn thiện năng lực cho bản thân, bạn sẽ trở nên bị động và mang tâm thế "được" chọn lựa giữa rất nhiều người khác. 
Thực tế, mình thấy, có rất nhiều bạn mang tâm lý ỷ lại và ngừng trau dồi cho bản thân khi đang nắm trong tay một công việc. Vào những ngày đầu, các bạn mang tâm thế hừng hực, học hỏi và không ngại điều gì. Nhưng đến khi đã quen việc, cũng chính các bạn đó cứ làm mãi công việc theo thói quen từ năm này qua tháng nọ mà không mảy may nghĩ đến chuyện nâng cấp bản thân. Mình nghĩ, ai cũng có lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân mình. Tuy nhiên, không mài giũa nội lực để nâng tầm giá trị, để đủ khả năng giải quyết những vấn đề lớn hơn thì khi ngồi lại vào các kỳ review lương hàng năm hay thời thế thay đổi bắt buộc phải đi tìm việc mới, bạn sẽ chẳng có gì nhiều để thuyết phục nhà tuyển dụng hay cấp trên ngoài thái độ cùng trình độ đã ngừng phát triển từ lâu rồi. Trớ trêu thay, sự an toàn trở thành đầm lầy chôn vùi chính sự nghiệp, của mỗi người. 
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
Để hình tượng hóa, hãy nghĩ đến trình độ là chiêu thức võ công, thái độ là cách bạn vận dụng chiêu thức đó. Với các cao thủ đã có kinh nghiệm thực chiến với hàng ngàn đối thủ, chiêu thức hay đi kèm với cách vận dụng khéo léo đảm bảo nhất kích tất sát, “one hit one kill”. Chứ hình thức thật đẹp, đường quyền uyển chuyển nhưng chiêu thức yếu xìu thì chẳng "sát thương" được ai mà còn bị phản đòn sấp mặt. Ngược lại thì có chiêu thức ngon mà vận dụng không tốt thì khó lên hàng cao thủ, tuyệt thế võ lâm được.
Vậy nên, thái độ hay trình độ đều quan trọng cả. Chính yếu là mỗi người phải nhận thức được năng lực bản thân, không ngừng "tu luyện" để phát triển mỗi ngày, dù chậm nhưng vẫn là tiến lên. Để khi cuộc đời đưa đẩy bạn vào một cuộc cạnh tranh bất kỳ, đừng nói hai chữ "giá như" với đầy sự hối tiếc. Hãy làm sao để khi đó, mình tự tin thể hiện "tuyệt chiêu" chỉ riêng mình có và làm chủ được cuộc chơi, mình đã chọn lựa.
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet