Cuối năm ngoái, nhiều người bạn trên Facebook của Subin thực hiện trao lưu tổng kết thành tựu trong năm. Bên cạnh những bài viết hài hước, một vài bài viết nổi trội được tô điểm bởi nhiều thành tựu trưởng thành của họ khiến mình cảm thán “Sao mà giỏi vậy?”.
Khi nhìn thấy một ai đó đạt được nhiều thành tựu, bạn thầm khen ngợi và nghĩ rằng người đó đã sống trọn vẹn. Vậy sống trọn vẹn là gì? Liệu đó có phải một phong cách sống phổ biến? Thật may mắn là Subin cũng có thắc mắc giống bạn và sẽ cùng bạn bàn luận trong bài viết này.

Sống trọn vẹn là gì?

Khi Subin tìm kiếm thuật ngữ này bằng tiếng anh, mình thấy xuất hiện nhiều lần cụm từ “living fully” cũng có ý nghĩa là sống trọn vẹn, hết mình. Nhiều người nổi tiếng trên thế giới theo đuổi phong cách sống để trải nghiệm và cống hiến, trong đó mình ấn tượng quan điểm sống của Maria Ahlin - một diễn giả kiêm CEO của Changing attitudes và Joan Rivers - diễn viên, nhà văn người Mỹ.
Try to enjoy every minute of every day
Maria Ahlin
Tạm dịch: Cố gắng tận hưởng từng phút mỗi ngày.
Theo quan điểm cá nhân của Subin, mỗi khoảnh khắc mà bạn cảm nhận cảm xúc bất thường, suy nghĩ bất thường và nỗ lực phi thường đều là dấu hiệu của sức sống. Dù cho trải nghiệm đó không cho kết quả như mong muốn, bạn cũng đã nỗ lực hết mình.
I enjoy life when things are happening. I don’t care if it’s good things or bad things. That means you’re alive.
Joan Rivers
Tạm dịch: Tôi tận hưởng cuộc sống khi mọi thứ đang diễn ra. Tôi không quan tâm đó là điều tốt hay điều xấu. Điều đó nghĩa là bạn còn sống.
Trong một quan điểm mà Subin từng đề cập trong bài trước, cuộc sống của chúng ta giống như một bức tranh, nó trở nên phong phú không chỉ vì những màu sắc tươi sáng mà còn có màu đen và xám.
Sống trọn vẹn là mỗi cột mốc đều có yếu tố nỗ lực và cố gắng hết mình trong khoảnh khắc đó. Đến một thời điểm nào đó trong tương lai, khi chúng ta nhìn về quá khứ, chúng ta hối tiếc về việc chưa làm hơn là hối hận về việc đã làm.

Vì sao bạn muốn sống trọn vẹn?

Mỗi con người một cuộc sống còn thời gian trôi như một làn đường một chiều. Trong phần lớn nội dung của chuỗi TDTCV, Subin chia sẻ kinh nghiệm cho đi – nhận lại, chữa lành tổn thương. Nói một cách khác, mình đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc từ khủng hoảng đến tồi tệ, những mảng xám và đen rõ rệt trong bức tranh nội tâm của mình. Cho đến hiện tại, mình vẫn nhớ đến những kỷ niệm đó, học cách không né tránh để chữa lành bản thân.
Mỗi lần mình gợi nhớ về những kỷ niệm đó, hai  câu hỏi thường xuất hiện trong đầu mình, đó là “Mình đã cố gắng hết sức cho điều đó chưa?” và “có điều gì mình nên làm mà đã không làm lúc đó?”. Về sau, hai câu hỏi này trở thành yếu tố xác nhận mỗi khi mình làm một điều gì đó. Nhờ vào hai câu hỏi này, mình tăng sức đề kháng khi đón nhận kết quả.
Dù kết quả là thành công hay thất bại, mình đã ‘trọn vẹn’ nỗ lực hết mình trong thời điểm đó. Cũng chính vì tập trung vào trải nghiệm trong quá trình, mình không xâu xé cảm xúc khi kết quả không như mong muốn. Thay vào đó, mình rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, khi đối mặt với một vấn đề khó, lối suy nghĩ ‘nỗ lực hết mình’ giúp Subin mở rộng các lựa chọn. Mình thường tự hỏi ‘còn cách nào khác tốt hơn không?’, ‘ai có thể giúp mình lúc này?’. Đây là cách mình phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.
Một lợi ích thứ ba, cũng là điều mình khao khát cải thiện, là mở rộng vòng tròn an toàn của mình. Mình còn nhớ vào năm nhất đại học, mình đọc được một đoạn chia sẻ trên diễn đàn trường như sau:
Một thời sinh vien trọn vẹn là khi bạn trải qua 4 điều:
- Một lần ở xa gia đình. - Một lần được nhận học bổng. - Một lần dùng hết tiền đi du dịch. - Một lần tỏ tình người mình yêu.
Khi đọc qua bài viết đó, mình định ngó lơ nhưng sự tò mò khiến suy nghĩ đó lảng vảng trong đầu. Thật bất ngờ là mình đã quyết định làm theo. Mình tìm cách ở xa gia đình trong một thời gian mặc dù trường đại học cách nhà chỉ 5 phút. Mình có hai lần nhận học bổng. Trong các lần đi du lịch, mình nhớ nhất giai đoạn kiếm hơn sáu triệu trong ba tuần rồi dùng hết số tiền đi Thái Lan. Cuối cùng, mình tỏ tình với một người và may mắn là họ đã thích mình trước đó.
Thật sự, cả bốn thức thách trên đều giúp mình mở rộng vòng tròn an toàn, một người từng nhút nhát, tự ti trở thành một phiên bản yêu bản thân, tự tin và quyết đoán hơn. Nếu bạn muốn thử trải nghiệm này, hãy làm một bài tập nhỏ.
Thử thách: Hãy vẽ một đường đi qua 9 điểm như hình sao cho đường vẽ chỉ đi qua mỗi điểm một lần.
Bây giờ là lúc bạn động não và nghĩ xem còn cách nào tốt hơn không. Đáp án sẽ nằm ở phần cuối bài.

5 gợi ý sống trọn vẹn mỗi ngày

Một cuộc đời trọn vẹn được tích lũy từ nhiều năm sống hết mình. Một năm đáng nhớ được gom góp từ nhiều ngày nỗ lực. Trong các gợi ý dưới đây, Subin sắp xếp theo trình tự những việc nên làm giúp trải nghiệm của bạn trọn vẹn hơn.

Tự hỏi “tôi đã làm hết mình chưa?” và “tôi có hối tiếc không?”

Sau khi làm một điều gì đó, mình thường tự hỏi “tôi đã làm hết mình chưa?” để đảm bảo bản thân đã làm hết sức. Đối với những việc khiến mình chần chừ, câu hỏi hiện trong đầu là “tôi có hối tiếc nếu không làm điều đó không?”. Hãy tin mình! Đây là câu hỏi thúc đẩy sự dũng cảm của bạn.
Nguồn: <a href="https://www.pexels.com/photo/brown-wooden-scrabble-tiles-on-white-surface-6467396/">pexels</a>
Nguồn: pexels
Bạn thường đau buồn về điều gì? Những trải nghiệm liên quan đến tinh thần, cảm xúc cứ bám lấy bạn dai dẳng.
Bạn đã từng khóc rất nhiều vì chia tay một người dù từng rất yêu họ! Khi bạn khóc càng nhiều, điều này là dấu hiệu bạn đã yêu họ mãnh liệt. Nếu bạn tin rằng bản thân đã cố hết mình cho đoạn tình cảm này thì mình tin bạn không còn gì phải hối tiếc.

Đơn nhiệm một cách say mê

Trước đây, mình thích trở thành một người đa nhiệm, cùng một lúc có thể giải quyết nhiều công việc. Sau đó, cụm từ ‘đa xi năng’ giống như bậc thang trên cao mà mình muốn bước đến. Mình cứ nghĩ suy nghĩ đó thật tuyệt vời cho đến khi mình nhận ra chẳng có công việc nào được đào sâu vào chuyên môn. Thậm chí, mình nhiều lần đau đầu vì bị áp lực khi tập trung giải quyết rắc rối.
Hiện tại, đơn nhiệm là điều mình đang hướng tới. Mình tập thói quen chỉ làm một việc trong một khoảng thời gian và chuyển tiếp khi tác vụ trước đó hoàn thành. Nhờ vào thói quen này, mình nhận thấy bản thân tập trung hơn, hiệu suất công việc tốt hơn. Điều bất ngờ nhất là mình có thể hoàn thành nhiều công việc hơn cả giai đoạn đa nhiệm.
Đơn nhiệm không chỉ giúp bạn tập trung vào một việc, mà nó giúp thông báo đến bạn về mức độ quan trọng của công việc đó. Khi đó, tất cả năng lực trong bạn toàn tâm thực hiện công việc, bạn có xu hướng hoàn thiện nó tốt nhất có thể, cảm xúc của bạn với công việc đó cũng rõ ràng hơn.

Nỗ lực thêm 1%

Đối với những công việc quan trọng, chúng ta không tránh khỏi tâm lí cầu toàn. Quan điểm nỗ lực thêm 1% giúp bạn thúc đẩy vùng chất xám được mở rộng nhiều hơn nữa.
Lấy ví dụ, bạn vừa hoàn thành một bài luận mà bản thân tâm đắc. Bởi vì bạn bỏ nhiều tâm huyết, thời gian, chất xám vào bài luận nên bạn càng muốn nó mang về kết quả tốt nhất. Lúc bấy giờ, bạn lo lắng bỏ xót thông tin và ‘nỗ lực thêm 1%’ là giải pháp mang lại cảm giác an tâm. Điều bạn cần làm tiếp theo là rà soát lỗi chính tả, chỉnh sửa format và phân cấp đề mục.

Tâm trung vào cảm xúc

Cảm xúc là cách chúng ta phản hồi với sự kiện đã, đang hoặc sẽ diễn ra. Khi gia đình tổ chức sinh nhật bất ngờ, bạn có xu hướng hạnh phúc, hào hứng, xúc động. Khi bạn bị người yêu chia tay, xu hướng cảm xúc chung là đau buồn, tuyệt vọng, tức giận.
Cảm xúc giúp bạn phân loại sự kiện buồn hoặc vui. Để nảy sinh cảm xúc, cơ thể bạn cần sự tập trung của nhiều giác quan phản ứng với sự kiện đó. Khi mức độ thể hiện cảm xúc càng cao, bạn càng tiếp thu nhiều thông tin hơn, từ đó khắc họa rõ ràng hơn ký ức. Đến một lúc nào đó khi nhớ lại, bạn bắt đầu hồi tưởng lại ký ức và nhớ về trạng thái cảm xúc ứng với sự kiện đó.

Tạo sự vật gợi nhớ

Quay trở lại với câu chuyện về trào lưu ‘một năm qua đã làm gì?”, sau khi lướt nhiều bài viết review, mình thử viết ra những điều mình đạt được trong năm ngoái. Đáng tiếc là các cột mốc mà mình nhớ được chỉ đếm trên đầu ngón tay, tiếng nói nhỏ trong đầu thốt lên “Mình cứ nghĩ là nhiều hơn mà sao không nghĩ ra”.
Có bao giờ bạn thắc mắc đêm giao thừa mỗi năm bạn đã làm gì? Bạn có thường quên thời gian của một sự kiện đáng nhớ? Bạn không thể nhớ lại cảm xúc của bản thân khi nhìn vào một bức ảnh?
Trên thực tế, não bộ của bạn lưu giữ ký ức ở nhiều ngăn tủ, mỗi ký ức được gán với một trạng thái cảm xúc. Các tình huống trên tương tự việc bạn đã học bài vào tối hôm trước, nhưng khi bị bắt trả bài lại không thể nhớ. Lúc bấy giờ, bạn nhờ cô giáo nhắc chữ đầu tiên và bạn bắt đầu nhớ lại nội dung bài học. Cơ chế này cũng giống như bạn nhìn vào một bức hình và nhớ về khung cảnh, sự kiện ứng với bức hình đó.
Nếu không có một sự vật gợi nhớ nào, bạn sẽ dễ bỏ ký ức đó vào ngăn kéo tiềm thức. Sau một khoảng thời gian dài, bạn có thể sẽ không biết được sự kiện đó từng tồn tại trong quá khứ của bạn.
Làm cách nào để tạo nên sự vật gợi nhớ? Cách dễ làm nhất là ghi phép hoặc chụp lại. Hãy ghi lại ngắn gọn mô tả về sự kiện đó. Bạn chỉ cần đảm bảo bốn yếu tố gợi nhớ là thời gian, không gian, con người và cảm xúc. Dĩ nhiên, bạn càng miêu tả kỹ thì ký ức sẽ càng hiện lên sống động.
Cách thứ hai là chụp lại một khoảng khắc mang lại cho bạn cảm xúc. Hình ảnh có sức mạnh gợi nhớ hiệu quả, thậm chí kích thích dẫn truyền cảm xúc khi nhớ lại ký ức đó. Có lẽ vì thế mà những người thích chụp hình là người dễ hoài niệm quá khứ, bởi họ có nhiều thứ để nhớ.
Kết lại, sống trọn vẹn không nhất thiết phải làm những điều phi thường, nỗ lực tạo nhiều thành tựu nổi tiếng. Đôi khi, bạn hết mình vì một sự việc đã là cách sống trọn vẹn. Chúng ta có nhiều giây phút nỗ lực, cố gắng hơn chúng ta nghĩ. Vì vậy, hãy tập trung vào trải nghiệm cảm xúc và tạo các sự vật gợi nhớ kỷ niệm.
Cuối cùng, bạn xứng đáng biết câu trả lời cho bài tập phía trên. Hy vọng bạn thích bài viết này. Chúc bạn một ngày trọn vẹn.