Sau bốn bài đầu thuộc chuỗi TDTCV viết về lối sống cho đi, nội dung bài viết này sẽ cùng độc giả tham khảo về quan điểm nhận lại. Trong các tình huống xã hội thường ngày, hầu như mọi người đều thích được nhận quà, được đáp lại những mưu cầu hạnh phúc. Tuy nhiên, ít ai tự nhận mình là người nhận lại (receiver). Bởi vì, chúng ta thường gán nhãn cho những người thích nhận là người ích kỷ, tham lam, thực dụng.
Do đó, bài viết này mang đến một góc nhìn khác để chúng ta đối diện với khía cạnh ‘thích nhận quà’ mà không bị tác động bởi thành kiến.
Lấy ví dụ nhiều câu thành ngữ, tục ngữ trong văn hóa phương đông đã hình thành lối sống được ủng hộ như “uống nước nhớ nguồn” hay “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Hình ảnh ‘uống nước’ và ‘ăn quả’ ẩn dụ cho hành động nhận lại từ cuộc sống hoặc từ người khác.
Khi nhìn ở khía cạnh bao quát, chúng ta luôn vô tình hoặc cố tình nhận lại. Điển hình như con cái nhận chu cấp từ ba mẹ, học trò nhận sự dạy bảo của giáo viên hay bệnh nhân được cứu chữa bởi bác sĩ. Tuy nhiên thành kiến đối với hành động nhận lại bắt đầu khi mất cân bằng trong quan hệ cho đi – nhận lại. Vậy làm sao để nhận lại khôn khéo? Có cách nào mà người cho đi hạnh phúc – người nhận lại hài lòng? Nếu bạn cũng đang thắc mắc cùng vấn đề, hãy cùng Subin tìm kiếm câu trả lời trong bài viết này.

Vì sao ai cũng thích nhận quà?

Yếu tố tình cảm

Thói quen thích nhận được hình thành từ khi chúng ta là một đứa trẻ sơ sinh. Khi đó, bạn bước vào thế giới với cơ thể sơ khai nhất và trong suốt quá trình khôn lớn của bạn luộn nhận nhiều thứ từ người khác, đặc biệt là ba mẹ. Bởi vì, một đưa trẻ sơ sinh giống như một tờ giấy trắng. Đứa bé yếu ớt, nhỏ bé và cần được dạy để thích nghi với cuộc sống. Do đó, ba mẹ và gia đình là những người thầy đầu tiên.
Khi sáu tuổi đến mười tám tuổi, một đứa trẻ sống theo khuôn mẫu nhận được sự dạy bảo từ giáo viên. Khi đứa trẻ đó trở thành một thanh niên, chúng có thể may mắn tiếp tục được dạy ở những năm 18 tuổi đến 22 tuổi, thậm chí là nhiều năm sau đó. Vì vậy, thói quen thích nhận đã được hình thành hơn một phần ba cuộc đời và chúng ta đã tiếp nhận thói quen này một cách tự nhiên.
Nguồn: <a href="https://www.canva.com/photos/MAETUWGsDGk-gift-box-with-red-heart/">canva</a>
Nguồn: canva
Mỗi lần đến sinh nhật, chúng ta lại tiếp tục mong muốn nhận quà từ người khác. Khi đời sống tình cảm của con người ngày càng phong phú, chúng ta không chỉ nhận quà trong dịp sinh nhật mà còn trong dịp giáng sinh, lễ tốt nghiệp, lễ lên chức và nhiều ngày kỷ niệm khác.
Thói quen nhận quà này không chịu thành kiến bởi chúng ta có lý do chính đáng để nhận. Mỗi món quà ở thể vật chất hoặc tinh thần được gói trong hộp 'tình cảm'. Trong đó, người gửi quà có mối liên hệ tình cảm với bạn. Thói quen nhận quà được lặp lại nhiều lần trở thành điều hiển nhiên. Vì vậy, chúng ta đang tự làm khó chính mình nếu cứ chối bỏ bản thân thích nhận từ người khác.

Yếu tố bất ngờ

Có lẽ, bạn đã từng ít nhất một lần nhận một món quà hoặc niềm vui bất ngờ. Hãy nhớ lại xem những lúc như vậy, cảm xúc của bạn như thế nào?
Phần lớn mọi người thường thích những điều bất ngờ, mới lạ, độc đáo, khác biệt.
Bởi vì những khoảnh khắc đó kích thích sự tò mò, hào hứng của người được nhận. Sau đó, hành động tiếp theo của chúng ta là nhận món quà một cách hạnh phúc. Hoặc nếu bạn không muốn nhận thì có lẽ món quà đó gây bất ngờ theo hướng kinh dị, đáng sợ và khó xử.
Lấy ví dụ, chúng ta ấn tượng với những buổi tiệc được người thân chuẩn bị bất ngờ. Phản ứng của người yêu sẽ dễ đẩy lên cao trào hơn nếu bạn tổ chức màn cầu hôn bí mật. Hoặc một trong những hình ảnh khiến ta tượng hình cho khái niệm may mắn là trúng số độc đắc.
Nhìn chung, yếu tố bất ngờ, có khả năng kích thích sự hào hứng, giúp chúng ta dễ dàng đối diện với ham muốn nhận lại. Nên bạn khó cưỡng lại một món quà bất ngờ bởi vì lối sống mưu cầu hành phúc luôn xuất hiện trong mỗi con người.

Sợ người cho buồn lòng

Khi bạn tặng người khác một món quà và họ nói rằng “tôi/mình nhận cho bạn vui”. Một vài người sẽ không hài lòng với câu nói này những đó là sự thật.
Khi bạn tặng quà cho ai đó, bạn mong muốn đối phương vui khi nhận quà. Nhưng nếu đối phương từ chối hoặc không thích món quà, bạn lập tức buồn bã và thất vọng. Trên thực tế, quá trình cho đi – nhận lại đã diễn ra từ lúc bạn đưa món quà cho đối phương và quan sát biểu cảm của họ.
Khi bạn càng đặt nhiều tình cảm, nghiên cứu tỉ mỉ món quà thì càng mong muốn người đó ưng ý với món quà của bạn. Điều này vô tình tạo thành nhu cầu mong muốn người khác nhận quà. Nói một cách dễ hiểu, mỗi lần bạn muốn cho thì vô tình bạn nảy sinh hy vọng người đó cần món quà của bạn.
Đối với lý do này, Subin nghĩ một vài độc giả sẽ lo sợ bị thao túng tâm lý. Bạn sẽ nghĩ rằng lý do này thật bất thường như ‘hơi’ thuyết phục. Để dễ hiểu hơn thì Subin giả sử bạn thầm yêu một người và mang  quà cùng thư đến tặng họ. Dĩ nhiên, bạn hy vọng họ đồng ý và cả hai trở thành người yêu của nhau. Nhưng trong trường hợp xấu, đối phương từ chối thì tình huống này trở nên…rất tồi tệ.

Nhận yêu thương sao cho khéo léo

Sòng phẳng tiền bạc

Khi đưa luận điểm này được đưa lên đầu tiên, Subin không khỏi đắn đo vì mình hiểu những bạn giàu tình cảm không đặt tiền bạc làm tiêu chí hàng đầu để chọn bạn. Tuy nhiên, tiền bạc không sòng phẳng là điều dễ khiến bạn mất điểm trong lòng người khác.
Nguồn: <a href="https://www.canva.com/photos/MAEKlz8m__M-person-giving-money-after-a-contract-signing/">canva</a>
Nguồn: canva
Thông thường, chúng ta có suy nghĩ càng thân càng dễ mượn tiền. Ngược lại, gia đình và bạn thân là nhóm chủ nợ tiềm năng, vì họ nghĩ bạn quá thân nên khó thể từ chối. Người cho bạn mượn tiền không chỉ giúp bạn về vật chất mà còn cho bạn thấy lòng tin của họ.
Khi bạn thất hứa, dây dưa thì lòng tin ngày càng xói mòn. Trong trường hợp bạn trả nợ muộn hơn thời gian bạn hứa thì bạn chỉ trả được vật chất mà mất lòng tin. Mặc khác, bạn chiếm đoạt số tiền đó thì mãi mãi mất chữ tín.
Vì vậy, yếu tố giúp xây dựng mối quan hệ bền vững là sòng phẳng tiền bạc. Dù cho bạn mượn rồi sẽ trả nhưng nếu không giữ chữ tín và tôn trọng người đó. Bạn vẫn sẽ mất đi món quà lòng tin.

Có ơn phải sợ, có nợ phải trả

Có ơn phải sợ, có nợ phải trả là câu tục ngữ mang ý nghĩa rằng chúng ta chịu ơn, mang nợ người khác thì phải kính nể và tìm cách đền đáp họ. Trong tình huống đối xử thường ngày, nợ tiền, vật chất dễ trả nhưng nợ ân tình thì khó trả.
Ở giai đoạn phong kiến, bạn có thể đã nghe đến lối suy nghĩ ‘lấy tình trả ơn’. Lối suy nghĩ này từng được khắc họa trong Truyện Kiều hoặc Thạch Sanh Lý Thông theo đúng nghĩa đen. Khi người xưa mắc nợ ân tình hoặc tiền bạc sẽ lựa chọn trả tình duyên mà đa phần người phụ nữ thường chịu thiệt thòi. Khi xã hội phát triển và quyền bình đẳng giới đã giúp tôn vinh giá trị người phụ nữ, lấy tình trả ơn được hiểu một cách văn minh hơn, mô tả quan điểm chúng ta phải trân trọng, biết ơn người đã giúp đỡ ta.
Trong quan điểm cho đi – nhận lại, bạn sẽ trở thành người nhận khéo léo nếu như biết “Lấy ơn trả tình”. Bởi vì hành động tặng quà là một hình thức tặng tình cảm. Chúng ta thường nói của cho không bằng cách cho. Dù cho món quà có giá trị vật chất nhỏ nhưng lại mang giá trị tinh thần lớn.
Do đó, lấy ơn trả tình là việc bạn ghi nhận tình cảm và lưu tâm đến giá trị tinh thần của người tặng. Trong đó, “ơn” vẫn là lòng biết ơn để bạn điều chỉnh thái độ và hành động đúng mực với đối phương.

2 điều người cho cần ở người nhận

Mảnh ghép cho đi – nhận lại

Thế giới được vận hành bởi những đối lập và mỗi người giống như một thanh nam châm. Quy luật cung cầu không chỉ áp dụng trong kinh tế mà còn là quy luật thiết yếu trong đời sống tình cảm. Trong phần đầu, Subin và bạn đã biết về các yếu tố khiến con người có nhu cầu nhận lại. Một điều thú vị là cho đi cũng là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm hồn.
Mối quan hệ cho đi và nhận lại giống như hai mảnh ghép bù trừ cần tìm thấy nhau. Trong đó, người cho đi đúng cách tìm thấy niềm vui khi tặng quà. Ngược lại, người được nhận tìm thấy hạnh phúc từ món quà.
Hãy tưởng tượng trong một thế giới lý tưởng hóa mà ai cũng là người thích cho đi thì làm sao chúng ta hiểu được niềm vui sướng từ việc nhận lại. Sự ích kỷ chỉ được gán cho một người trong một mối quan hệ bị mất cân bằng cho đi  và nhận lại.

Linh hoạt để đôi bên cùng cho đi – nhận lại

Hãy tưởng tượng mỗi mối quan hệ đều được định lượng bằng một cán cân có tri giác. Khi bạn thích nhận nhiều hơn cho, cán cân sẽ đánh giá bạn là người ích kỷ, tham lam. Khi bạn cho nhiều hơn nhận, cán cân sẽ nhận xét bạn là người thiệt thòi, bị lợi dụng. Trường hợp cán cân hoàn toàn cân bằng rất hiếm xảy ra trong quan hệ tình cảm và không phải là trường hợp lý tưởng. Bởi vì sòng phẳng là yếu tố cần thiết đối với vấn đề tiền bạc nhưng một vài người lại không thích sòng phẳng hoàn toàn trong các khía cạnh khác như tình cảm, sự giúp đỡ.
Một mối quan hệ tình cảm lý tưởng là hướng đến sự cân bằng mà cả hai có thể chấp nhận khoản độ lệch phù hợp. Sẽ có lúc, bạn cho họ nhiều hơn nhưng nếu họ biết cách lấy ơn trả tình thì họ sẽ không muốn bạn thiệt thòi.
Tóm tại, mỗi người đều tồn tại hai nhu cầu cho đi và nhận lại. Khi bạn tìm đúng một mối quan hệ lành mạnh, những người có cùng giá trị sống giống bạn, thì trạng thái cân băng mới được duy trì.

Món quà 3H và TAM

Khi bạn điều chỉnh linh hoạt công tắc cho đi và nhận lại. Lúc này, bạn sẽ hiểu được sức mạnh của quà tặng ảnh hưởng đến cả người cho và người nhận.
Đối với người nhận, một món quà ý nghĩa sẽ cho bạn trải qua cung bậc cảm xúc 3H, đó là: Hào hứng – Hạnh phúc – Hài lòng. _._ Đối với người cho, việc nhìn thấy đối phương thích món quà của mình cũng củng cố TÂM trạng qua 3 cung bậc Tự hào – An lòng - Mãn nhãn.
Kết lại, mối liên kết cho đi – nhận lại trong một mối quan hệ như hai mảnh ghép bù trừ cần tìm thấy nhau. Để nhận yêu thương một cách khéo léo, bạn cần học cách điều chỉnh linh hoạt công tắc cho đi và nhận lại trong đời sống tâm hồn. Món quà sẽ lan tỏa sức mạnh 3H và từ TÂM khi bạn xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và cân xứng cán cân tình cảm.
Đôi lời từ Subin: Chuỗi TDTCV gồm 9 bài viết và bài thứ 5 là một thử thách với mình. Mình có chút lo ngại vì sợ nội dung trên trừu tượng và khó hiểu. Nếu bạn đọc thắc mắc phần nào hãy nhắn cho mình biết nhé!
Với những vấn đề mà mình đã trải qua, mình sẵn sàng cùng bạn nêu quan điểm. Để mình có thể gói gọn vấn đề trong một bài viết thì mình cần nghiên cứu, vì vậy mình hy vọng bạn đọc đừng ngại đặt vấn đề để mình có thể tập trung nghiên cứu sớm hơn.
Chúc bạn một ngày trọn vẹn.