Trong một buổi trò chuyện gần đây về tình yêu và hạnh phúc, có bạn hỏi tôi rằng yêu vô điều kiện liệu có thuận theo tự nhiên không. Và tôi trả lời rằng KHÔNG.
Trước tiên, tôi nghĩ mình cần làm rõ khái niệm YÊU trong bài viết này để tránh sự hiểu lầm. Và không gì giúp tôi diễn giải nó tốt hơn là hình ảnh dưới đây:
Nguồn: internet
Nguồn: internet
Một ông lão nói rằng mình yêu chim, vì thế ông nhốt con chim vào lồng để hàng ngày chăm sóc nó, được nghe nó hót. Tình yêu theo cách hiểu của ông là sự thỏa mãn cảm xúc cho bản thân, không quan tâm đến việc đối tượng mà ông yêu cảm thấy thế nào. Điển hình cho cách yêu này là những phụ huynh ép con phải học đủ thứ, bất kể những thứ đó có phù hợp với con hay không và con có yêu thích hay không. Họ có thể cho rằng họ muốn làm điều tốt cho con, nhưng thực ra, họ chỉ đang áp đặt ý muốn chủ quan lên trẻ, đang chạy theo sự thỏa mãn cảm xúc của cá nhân mình.
Ở chiều ngược lại, một cô gái vì yêu chim mà giải phóng cho nó, để nó được trở về với bầu trời, với gia đình của nó, dẫu cho việc ấy sẽ khiến cô không còn được nghe nó hót mỗi ngày. Tình yêu của cô là sự tôn trọng, thấu hiểu, và mong muốn điều tốt đẹp cho đối tượng mà mình yêu. Cũng giống như những bố mẹ sẵn sàng làm bạn với con, lắng nghe con, tôn trọng lựa chọn của con dẫu cho lựa chọn ấy không phù hợp với mong muốn của cá nhân họ.
Có thể thấy rằng phần lớn những người đang hẹn hò đều mang tâm thế của ông lão nhốt con chim. Họ yêu đương vì những lúc được ở gần nhau thì bên trong mỗi người đều có những cảm xúc thật ngọt ngào; chứ không phải vì họ có cơ hội được trao đi yêu thương và dành cho người kia những điều tốt đẹp nhất. Họ đang thỏa mãn những nhu cầu cảm xúc của bản thân chứ không phải mong muốn hạnh phúc cho người khác.
Tình yêu vô điều kiện mà tôi nhắc đến không phải tình yêu đôi lứa thông thường
Tình yêu vô điều kiện mà tôi nhắc đến không phải tình yêu đôi lứa thông thường
Bỏ qua sự đánh giá tốt xấu đúng sai, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng tình yêu vô điều kiện thì giống với cách yêu của cô gái hơn là cách yêu của ông lão. Đó là một tình yêu mang tính tâm linh. Và người có thể yêu vô điều kiện thì chắc chắn mang trong mình trái tim của một vị phật. Khi đó, anh ta/cô ta đang làm ngược lại các quy luật của tự nhiên.
Sống như một vị phật thì chẳng có lợi ích gì cho sự sinh tồn. Khi đó, bạn rũ bỏ được tham sân si. Và một kẻ không tham sân si, biết hài lòng với cuộc sống thì không có động lực để cạnh tranh và vươn lên, hoặc nếu có thì cũng không hành động một cách quyết liệt để thúc đẩy bản thân và xã hội phát triển. Một xã hội toàn những kẻ như thế thì sẽ mãi quẩn quanh chẳng thể tiến lên. Thậm chí, nó sẽ sụp đổ. Bởi sống như một vị phật thì bạn không thích hội hè, tránh xa đám đông, chỉ giao tiếp trong vòng tròn hạn hẹp của một số rất ít ỏi mối quan hệ sâu đậm. Đồng nghĩa với việc các cấu trúc xã hội lớn bị phá vỡ. Và khi hài lòng với cuộc sống, bạn không có hoặc có rất ít nhu cầu mua sắm, kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế. Nói tóm lại, khi tất cả đều trở thành phật, xã hội loài người sẽ quay trở về thời ăn lông ở lỗ.
Nếu đem ra so sánh, những kẻ thủ đoạn sẽ cần thiết cho xã hội hơn những nhà hiền triết. Một xã hội toàn kẻ thủ đoạn thì sẽ tồn tại và phát triển. Nó đầy những đấu đá, tranh giành. Từng kẻ trong xã hội ấy phải liên tục cải tiến bản thân nếu không muốn bị "ăn thịt". Nghe có vẻ thật tàn khốc. Nhưng chí ít là xã hội ấy sẽ phát triển chứ không sụp đổ. Quá trình tiến hóa của tự nhiên chắc chắn sẽ có xu hướng loại bỏ đi những nhà hiền triết và giữ lại những kẻ thủ đoạn. Không phải vô cớ mà con người từ khi sinh ra đều sẵn có tham sân si bên trong mình. Đó là kết quả của sự tiến hóa.

VẬY PHẢI CHĂNG CHÚNG TA NÊN SỐNG THỦ ĐOẠN CHO THUẬN TỰ NHIÊN?

Thuận theo tự nhiên vẫn tốt hơn mà phải không? Chưa chắc. Bởi quá trình tiến hóa của tự nhiên không chọn giữ lại những gì đúng đắn, mà nó chọn giữ lại những gì hiệu quả. Và thật sai lầm khi cho rằng cái gì hiệu quả thì cái đó đúng đắn.
Để tôi lấy ví dụ này cho dễ hiểu. Có 2 cách phổ biến để rèn con vào khuôn khổ. Đó là dùng bạo lực uy hiếp, và làm bạn cùng con. Cách đầu hiệu quả, nhưng cách sau mới là đúng đắn.
Khi đứa con đang say sưa với bức vẽ còn dang dở, gọi mãi không chịu vào ăn cơm, ông bố có thể trợn mắt lên cho nó một cái bạt tai. Và hiệu quả đến ngay lập tức, đứa con nhanh chóng bỏ bức vẽ để ngồi vào mâm cơm. Hoặc anh ta có thể kiên nhẫn đợi con, thậm chí ngồi xuống bên con, nghe con kể về ý tưởng đằng sau từng nét vẽ. Chỉ đến khi nó đã hoàn thành, anh mới tâm sự với con rằng:
"Bố rất vui khi con có thể say mê với hội họa và được cùng con chia sẻ niềm say mê ấy. Nhưng đổi lại, bố mẹ phải chịu đói nãy giờ, nên lần sau con đừng vẽ trước bữa cơm nhé".
Hiệu quả không đến ngay. Họ sẽ còn phải nhịn đói nhiều lần nữa trước khi đứa con hình thành được thói quen. Đó là cách hành xử phản tự nhiên bởi nó không hiệu quả. Nhưng đó là cách hành xử đúng đắn. Cho nên, sẽ là không hợp lý nếu lấy lý do "thuận tự nhiên" để bao biện cho lối sống thiếu lành mạnh. Và cũng đừng vì 3 chữ "phản tự nhiên" mà từ bỏ những điều đúng đắn mà bạn đang theo đuổi.
Thật sai lầm khi cho rằng cái gì hiệu quả thì cái đó đúng đắn.
Quay trở lại với giả định về một xã hội toàn kẻ thủ đoạn hoặc toàn nhà hiền triết. Đó là những chữ "nếu" rất lớn. Xã hội không thể toàn là phật, cũng không thể toàn kẻ cơ hội. Xã hội đa dạng đủ kiểu người. Và mỗi người trong từng giai đoạn của cuộc đời cũng đóng những vai khác nhau. Có khi họ để phần con lấn át, đôi khi họ lại làm người. Có khi họ là kẻ cơ hội quỷ quyệt, có khi lại đầy vị tha như một vị phật. Cho nên, những giả định đó không hề có giá trị thực tiễn.

LỜI KẾT

Thế giới này đầy rẫy những việc hiệu quả nhưng không đúng đắn, và cũng nhiều việc đúng đắn nhưng thiếu hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là liệu ta có thể tách biệt chúng hay không, và liệu ta có đủ bản lĩnh để theo đuổi việc đúng đắn hay không?
PS: Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!