"He who has a why to live can bear with any how"
Fredrick Nietsche
Rõ ràng đây là một dạng câu hỏi mà những thanh niên tuyệt vọng chán sống (và muốn chết) đặt ra vì rõ ràng nếu bạn tìm ra lý do này rồi thì việc hỏi nó là không cần thiết. Mỗi ngày bạn sống chính là câu trả lời cho câu hỏi này. Với tôi mà nói, nó không rõ ràng như vậy.
Một vài năm trước khi còn trẻ hơn, mỗi khi được hỏi như thế này hoặc các câu tương tự như "Mục tiêu của bạn là gì?" hay "Bạn muốn đạt được điều gì?" hay "Mơ ước của bạn là gì?" (câu trả lời sẽ là lý do để sống, ít nhất trong thời gian mà bạn còn theo đuổi những thứ đó), tôi thường không biết trả lời ra sao. Vậy là tôi suy luận rằng mình không có lý do để sống, mình sống chỉ vì mình là sinh vật sống. Nói chính xác tình trạng này kéo dài trong nhiều năm, có lẽ là suốt khoảng từ năm 17 tuổi đến năm 25 tuổi.
Sống kiểu này không thực sự hay lắm. Suốt những năm sinh viên tôi không thực sự giỏi, nhưng không thực sự tệ. Tôi đi làm thêm kiếm tiền và phần nhiều số tiền đó được dùng để ăn chơi đàn đúm với bạn bè. Tôi trốn tránh làm bất cứ thứ gì khó, hoặc bất cứ những thứ có thể làm tôi thất vọng. Ngoài việc đến trường ngủ gật, đi làm và đàn đúm, tôi giành hết thời gian để chơi điện tử và porn. Không bao giờ tìm cho mình một cô bạn gái vì tôi sợ nếu ngỏ lời người ta từ chối (thất vọng tập 1) hoặc ngay cả khi thành công thì cô ấy cũng bỏ tôi (thất vọng tập 2) hoặc rất có thể tôi sẽ làm khổ người ta (thất vọng tập 3). Bây giờ ngồi nghĩ lại những năm tháng uổng phí đó, có một số thứ xảy ra:
- Lý do mà tôi trở nên thế này là vì mơ ước từ nhỏ của tôi bị đổ vỡ. Tôi biết rằng nếu mình theo đuổi ước mơ thì tôi sẽ có một cuộc sống khốn khổ hoặc làm khổ người thân. Hơn nữa tôi cũng không thực sự có tài để đạt được mơ ước đó, vậy nên hết năm lớp 11 tôi đã không còn theo đuổi nó nữa. Lúc đầu thì nó thật tuyệt vời vì mơ ước cũng như một gánh nặng mà tôi phải cố gắng cật lực đeo đuổi. Trút đi gánh nặng này tôi thở phào nhẹ nhõm và thư giãn một thời gian dài. Thư giãn thế nào? Tôi không còn là học sinh gương mẫu nữa, không còn cố gắng học bài để đạt thành tích tốt. Tôi làm vừa đủ để không thi trượt (hèn thế đấy!) dù biết rằng tôi có thể đạt được hơn thế. Bạn học tôi còn nửa đùa nửa thật kiểu: "Thằng mất dạy! Mày đang chửi thầy cô đúng không?" (tôi không làm thế nhưng tôi cũng không còn là học sinh tốt). Năm lớp 12 là năm duy nhất trong 12 năm học tôi không đạt học sinh giỏi, và tôi chỉ vào Đại học nhờ Nguyện vọng 2.
- Hạnh phúc không kéo dài được lâu vì sứ mệnh mặc dù là gánh nặng, nhưng cũng là động lực tích cực. Tôi rơi vào vòng xoáy chán nản suốt quãng đời sinh viên. Những năm tháng này thực sư khó khăn cho gia đình tôi. Mẹ tôi vừa bị một người họ hàng làm ăn cùng lừa mất tiền; bà đã lớn hơn tuổi nghỉ hưu nhưng lại phải phụ giúp trong cửa hàng của dì để kiếm tiền sinh hoạt. Bố tôi không bao giờ vượt qua được cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, ông trở nên hằn học và căm thù đời; gần như ông không tạo ra của cải nào hết. Nhưng ngay cả gánh nặng gia đình không làm tôi có động lực vươn lên. Tôi vẫn tiếp tục lối sống tàng tàng không mục tiêu không nỗ lực.
- Chuyện này còn tiếp tục kéo dài cho đến khi tôi đi làm. Có lần tôi nói với đồng nghiệp rằng "Tao cảm thấy cuộc sống của mình thiếu một cái gì đó rất quan trọng, nhưng tao không tài nào tìm ra được đó là cái gì?". Đây cũng là thời gian mà sự chán nản đạt đến đỉnh cao, tôi bắt đầu tìm các trung cư cao tầng nơi mình có thể trèo lên cao và nhảy xuống. Nơi nào đó yên tĩnh và thuật tiện, không thực sự làm phiền bất kỳ ai. Đấy là lúc tôi 25 tuổi.
Thế nhưng tôi không làm thế, phần nhiều là vì hèn, một phần khác là nhờ một loạt các sự kiện trong suốt những năm tháng đó:
- Lúc bé mẹ tôi tạo cho tôi một thói quen đọc sách. Tôi còn nhớ những tối khủng khiếp khi bà bắt tôi ngồi đọc 1 trang sách rồi tóm tắt lại trước khi được phép chạy ra phố chơi với lũ nhóc hàng xóm. Nhưng vì thế mà tôi hay đọc sách, và năm 2012 tôi đọc cuốn "Man search for meaning". Trong này Vicktor Frankl có dẫn lại lời của "Nietsche":
"He who has a why to live can bear with any how"
Chính câu này giải thích vì sao trong nhiều năm liền tôi sống trong chán nản. Nó như thể bệnh nhân biết bệnh vậy, tôi mừng lắm vì một khi biết nguyên nhân của trạng thái chán nản thì rất có thể tôi sẽ tìm ra giải pháp.
- Một cơ duyên nữa là khi lướt Youtube, tôi phát hiện ra một video rất hay với nhan đề là "Existentialism: Crash Course Philosophy #16". Tôi nhân ra rằng giai đoạn đầu của cuộc đời mình khi có một giấc mơ hay một mục tiêu, tôi đang theo "essentialism" còn thời điểm hiện tại, tôi đang ở trong giai đoạn "nihilistic" - nghĩa là không tìn rằng bất cứ thứ gì tồn tại trên đời này có ý nghĩa cả.
- Thế nhưng ngay cả những kiến thức này đều chỉ là nói miệng vì "mọi lý thuyết chỉ là màu xám", mãi cho đến khi đổ vỡ thực sự đến nơi tôi mới thức tỉnh. Đó là cái ngày bố tôi cần tiền để phẫu thuật; ngôi nhà của già đình tôi trở nên giột nát và con mèo mà tôi nuôi nấng từ bé bị ngã gãy chân trong khi tôi đang thất nghiệp, không có tiền và vẫn phải học thêm để chuyển ngành nghề khác. Chú dì tôi thúc giục bán nhà lo sợ bố mẹ tôi không có một khoản tiền nào để chữa bệnh và sẽ tạo ra gánh nặng tài chính cho chú dì. Tất cả những áp lực này, buộc tôi phải đứng ra gánh vác, buộc tôi phải trả lời câu hỏi "Tôi sống để làm gì?" vì lúc này đây, ngay cả khi sự tồn tại của tôi là vô nghĩa, tôi vẫn sẽ phải giảm đi sự đau khổ của cha mẹ mình.
Tôi viết ra điều này hy vọng rằng từ ngữ sẽ chỉ lối cho tôi vì mặc dù mọi chuyện đã ổn, sóng gió sẽ lại đến và một cuộc sống vô nghĩa sẽ là không đủ để chống chọi với đời. Tôi cần một lý do mạnh hơn, một cái lõi tinh thần cứng cáp hơn để vượt qua khó khăn. Câu trả lời cho câu hỏi "Sống để làm gì?" không phải là thứ cao siêu hay trừu tượng mà nó là chuyện hàng ngày của tất cả những ai đang tồn tại vì bằng hành động sống mỗi ngày, bạn đang trả lời cho câu hỏi đó. Hơn thế nữa, câu trả của bạn cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi "Bạn sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình vì cái gì?".
Ghun Gaonh Gand
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất