Thế là chú Mèo Mốc siêu bình thường, đen thùi lũi nhìn thấy mỗi 2 mắt đã “nhảy phốc” vào Spiderum và trò chuyện cùng với Nhện Andy về chủ đề nghề họa sĩ rồi đó. Ít ai biết, tác giả Mèo Mốc tên thật là Đặng Quang Dũng. Anh đã tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và sau đó theo học trường LASALLE College of the Arts, khoa Design Communications. Các bộ truyện mà Mèo Mốc sáng tác bên cạnh “Nhật ký Mèo Mốc” còn bao gồm “Tây Du Hí”, “Nào ta cùng ăn!”,.... 
Và Human Of Spiderum tuần này cũng nhanh tay ghi chép lại tất tần tật về nghề họa sĩ mà chú Mèo Mốc chia sẻ trong chương trình podcast của Người Trong Muôn Nghề tuần này. Trong những câu chuyện được Mèo Mốc chia sẻ, đội ngũ làm podcast và những người thực hiện Human Of Spiderum cũng phải bất ngờ bởi tài năng của Mèo Mốc lại có thể dạy Tiếng Việt cho cả AI của Google luôn. Cùng khám phá cuộc trò chuyện thú vị này luôn thôi nào
Từng bước Nhện Andy “tiếp cận” Mèo Mốc
Từng bước Nhện Andy “tiếp cận” Mèo Mốc
Andy: Câu hỏi đầu tiên mà có lẽ bất cứ ai đọc truyện của anh Mốc luôn băn khoăn đó là ý tưởng Mèo Mốc bắt nguồn từ đâu?
Mèo Mốc: Biệt danh của mình từ hồi hoạt động ở các forum truyện tranh tại Việt Nam là Black Mokona - một nhân vật truyện tranh mình rất là thích. Sau khi vào đại học thì cái tên Mokona được bạn cùng lớp của mình Việt hóa thành Mốc. Mình quyết định tạo một nhân vật dựa theo đó. Hồi đầu ý tưởng của mình không phải một con mèo mà đúng nghĩa là một cục mốc, một đống bùi nhùi, sần sì. Vì mình thích mèo nên sau đó mình phát triển Mèo Mốc, đọc cái tên này cũng thấy khá vần và hay. Từ đó nhân vật Mèo Mốc ra đời. Tất nhiên nhân vật Mèo Mốc cũng dựa theo niềm cảm hứng về nhân vật Doraemon - một chú mèo tròn. béo và vô cùng thân thiện. Chú Mèo Mốc cũng mang khuôn mặt hơi ngố ngố để gây cười. Còn màu sắc thì tại hồi đầu truyện tranh đa số là đen trắng nên mình vẽ 2 màu như vậy cho nhanh.
Andy: Em được biết là anh Mèo Mốc không phải là một sinh viên ngành hội họa mà anh lại theo học Ngoại thương khoa Kinh tế Đối ngoại. Tại sao anh Mèo Mốc lại rẽ từ con đường học Kinh tế sang sáng tác truyện tranh như vậy?
Mèo Mốc: Mình thích vẽ truyện tranh từ khi con bé. Kể cả vào đại học Ngoại thương mình vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê này và đến bây giờ nó trở thành một cái đam mê suốt mấy chục năm. Vào năm 2011, khi còn là một sinh viên năm 2 mình đã được nhận vào làm việc tại một công ty truyện tranh có tiếng thời đó. Truyện tranh “Nhật Ký Mèo Mốc” cũng ra đời vào thời điểm này. Ban đầu Mèo Mốc chỉ xuất hiện ngắn trên Facebook cá nhân nhưng không ngờ lại được độc giả đón nhận nồng nhiệt đến vậy. Đây chính là cơ hội mở ra cho mình cũng như “Nhật ký Mèo Mốc” được xuất bản dài kỳ và là bước đệm để mình chính thức chuyển sang sáng tác truyện tranh.
Rồi từ từ năm 2015 đến năm 2018, mình cũng có sang Singapore du học tại Lasalle College Of The Arts và theo học chuyên ngành Design Communication. Trong quãng thời gian đó mình vừa học vừa vẽ truyện tranh để gửi về Việt Nam xuất bản. Mình cũng có làm một vài công việc khác khá thú vị cũng liên quan đến đam mê của bản thân đó là sử dụng truyện tranh để dạy cho AI của Google nói Tiếng Việt. Và đến bây giờ viết và vẽ truyện tranh là công việc toàn thời gian đối với mình.
Nhiều người nhìn hành trình mà mình đã trải qua hay nghĩ rằng chú Mèo Mốc đã phải chạy loanh quanh để tìm ra được điều phù hợp với bản thân. Nhưng đối với mình, truyện tranh là một công việc đặc biệt. Giống như văn học hay điện ảnh phản ánh từ cuộc sống, truyện tranh cũng dựa rất nhiều vào vốn sống của người sáng tạo. Chính vì thế con đường của Mèo Mốc là một con đường trau dồi kinh nghiệm qua từng cột mốc trong cuộc đời. 
Andy: Vậy đối với nghề họa sĩ truyện tranh thì nên học ngành nào và đại học nào ạ? 
Mèo Mốc: Đã lâu rồi Mốc chưa cập nhật thông tin nhưng theo mình được biết thì những trường Đại học như Đại học Hồng Bàng ở Thành phố Hồ Chí Minh có đào tạo vẽ truyện tranh. Ngoài ra, các bạn có thể theo học các trung tâm, các lớp vẽ truyện tranh.
Nhưng phải thú thật, mình chưa bao giờ gặp một tác giả truyện tranh nào tại Việt Nam có thâm niên lâu năm trong nghề xuất thân từ các trường đại học hoặc các trung tâm vẽ truyện tranh cả. Truyện tranh theo mình nghĩ là từ đời sống nên sẽ không có ngành vẽ truyện tranh cụ thể để các bạn có đam mê có thể theo đuổi. Ngoài ra, bạn có thể đi theo con đường làm phim hoạt hình bởi con đường này cũng khá tương đồng với quá trình làm truyện tranh.
Andy: Về quan điểm sáng tác truyện tranh, anh muốn truyện tranh của mình mang tới cho độc giả những điều gì?
Mèo Mốc: Với Mốc, truyện tranh cần phải hay và vui nhộn. Mình cũng đặt ra một số nguyên tắc nhất định cho bản thân đó là không làm truyện hài hước bằng những ngôn từ không đẹp, tình huống không quá thô bởi độc giả chủ yếu của “Nhật Ký Mèo Mốc” đều là thiếu nhi. Tiếp đó, ngoài sự hài hước nhẹ nhàng mình cũng đưa vào một số giá trị tốt đẹp riêng của bản thân.
Từ năm 2018 đến này, Mốc cũng chú trọng hơn vào sản phẩm khi chủ đề mà mình sáng tác sẽ mang thiên hướng giáo dục như cuốn “Nào Ta Cùng Ăn”, “Ly&Chũn - Tết Là Nhất, Nhất Là Tết!”... Đây là xu hướng mà Mèo Mốc sẽ tiếp tục trong tương lai. Nhưng mọi người yên tâm những sản phẩm này sẽ không bị quá giáo điều mà nó vẫn mang không khí vui nhộn.
Andy: Anh Mèo Mốc sẽ thường mất bao lâu để hoàn thành một cuốn truyện tranh và đối với anh quy trình sáng tác một cuốn truyện tranh sẽ có những công đoạn này?
Mèo Mốc: Mỗi một serie truyện tranh sẽ có một khoảng thời gian hoàn thành khác nhau:
- Truyện “Mèo Mốc” thường đăng tải lên fanpage Facebook hàng tuần nên khi chuẩn bị làm một cuốn sách mới thì mình chỉ cần tập hợp lại kết hợp với phần vẽ mới hoàn toàn. Ví dụ như một cuốn Mèo Mốc có dung lượng là 150 trang thì 50 hoặc 60 trang sách đã hoàn thành từ trước đó rồi, mình chỉ cần thực hiện khoảng 100 trang còn lại nên thời gian hoàn thành sẽ vào khoảng 2 tháng cho tất cả công đoạn.
-  “Tây Du Hí” sẽ tốn nhiều thời gian hoàn thành hơn vào khoảng 4 tới 5 tháng
- Đồng thời mỗi khi vẽ truyện tranh anh cũng có một quy trình rõ ràng:
+ Bước 1: Lên dàn ý cốt truyện bằng chữ
+ Bước 2: Vẽ phác thảo từng trang truyện
+ Bước 3: Vẽ phác thảo chi tiết trên Photoshop
+ Bước 4: Vẽ hoàn thiện
+ Bước 5: Tô màu. Bước này chúng ta sẽ có một vài bạn trợ lý giúp sức.
+ Bước 6: Đánh chữ
+ Bước 7: Vẽ bìa, phụ lục, hồ sơ nhân vật, quà tặng.
Sau khi hoàn thiện, chúng ta sẽ gửi bản thảo đến với nhà xuất bản để các anh chị biên tập có thể góp ý, chỉnh sửa về lỗi logic, lỗi chính tả… Tiếp theo cuốn truyện tranh sẽ được gửi cho Cục Xuất Bản để duyệt. Nếu bản thảo được cấp phép xuất bản thì sẽ đến công đoạn in ấn, gia công, hoàn thiện và cuối cùng là sách được phát hành.
Andy: Một câu hỏi mà rất nhiều người tò mò thậm chí cũng có rất nhiều bạn đặt câu hỏi về chủ đề này: “anh Mốc có thể chia sẻ về mức thu nhập của họa sĩ truyện tranh được không ạ?”
Với những tác giả có sản phẩm được xuất bản dưới dạng sách giấy thì bạn sẽ có mức nhuận bút của một tập truyện tính bằng công thức:
Nhuận bút = (Giá bìa) x (% Hoa hồng) x (Số lượng bản in)
Ngoài ra còn các thu nhập khác như vẽ truyện tranh đăng lên các nền tảng online cùng với các khoản thưởng nếu truyện đó có mức view cao. Với nghề họa sĩ truyện tranh thì toàn thời gian như anh thì anh cảm thấy mức thu nhập khá đầy đủ. Chưa kể tới việc làm truyện tranh có thể làm các công việc khác như làm hoạt hình, làm thiết kế, vẽ bìa sách, vẽ minh họa… Các công việc này khá là cao và đảm một cuộc sống ổn định. Còn nếu bạn muốn làm họa sĩ truyện tranh thật giàu thì bản thân Mốc cũng chưa giàu nên cũng không biết nữa :D
Andy: Anh Mốc nghĩ sao về triển vọng ngành truyện tranh ở Việt Nam?
Mèo Mốc: Mình cũng chưa rõ về hướng đi của nền truyện tranh tại Việt Nam. Nhưng nhìn chung truyện tranh là một ngành rất là mới, vẫn đang chập chững bước những bước đi đầu tiên. Truyện tranh Việt Nam thường sẽ rơi vào trạng thái ngắt quãng, lúc thì rất bùng nổ, lúc thì lại lắng xuống. Để có một nền truyện tranh Việt Nam vững vàng thì mình nghĩ điều cần phải có đó là đầy đủ các họa sĩ vẽ truyện cho ra lò các tác phẩm đều đặn. Nhiều truyện chỉ ra tập 1, tập 2 và đều tạm hoãn vô thời hạn. 
Nhưng vấn đề sâu xa hơn đó là để các họa sĩ sáng tác đều đặn thì mức thu nhập phải cần được đảm bảo. Thế là nền truyện tranh cứ đi theo cái vòng tròn luẩn quẩn như vậy. Còn với Mốc thì mình sẽ cố gắng sáng tác đều đặn, tạo ra những sản phẩm chất lượng để bạn đọc tiếp tục đón nhận. Mình hy vọng công việc mình đang làm đóng góp những viên gạch vững chắc để xây dựng một nền truyện tranh phát triển mà nhiều người mong đợi.
Lắng nghe đầy đủ những chia sẻ của Mốc tại: https://b.link/MeoMoc-NTMN
Để cập nhật nhanh chóng các số podcast Người Trong Muôn Nghề mới nhất, bạn có thể theo dõi tại:
Đừng quên gửi câu hỏi qua Confession để nhận chia sẻ từ những ngành nghề khác nữa nhé: https://b.link/NTMN-Confessions