Nhạc cụ, như con người, có tình cảm. Bạn dành cho nó bao nhiêu tình cảm nó, sẽ đền đáp lại bấy nhiêu. Đấy là lý do cùng một cây violin mà mỗi người chơi đàn lại có tiếng đàn khác nhau - Kyung Wa Chung, nữ nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Hàn Quốc
Trước đây với tôi nhạc cụ chỉ là những vật vô tri vô giác và tôi từng nghĩ rằng người nhạc công sẽ lựa chọn dựa trên chất lượng cùng với mức độ nổi tiếng của thương hiệu chế tác sản xuất. Nhưng rồi một sự kiện vài tuần trước đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi.
Chú tôi sống một mình nên ông coi tôi như con. Ông có một cửa hiệu chuyên mua bán và cho thuê nhạc cụ cũ đã hoạt động hơn 20 năm có lẻ, từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tôi cũng rất gần gũi với chú nên sau giờ làm việc tôi vẫn thường ra coi tiệm cùng ông. Căn nhà nằm sâu bên trong một con hẻm nhỏ trên phố Bà Triệu, tầng một lấy làm cửa tiệm, tầng hai là không gian sinh hoạt cá nhân. Đường vào thì lắt léo, không biển hiệu hay đăng bài quảng cáo trên mạng xã hội dù nhiều lần tôi đã gợi ý ông về việc này, ấy vậy mà cửa tiệm vẫn luôn duy trì một lượng khách cả quen lẫn lạ nhất định. Đối tượng trải dài các độ tuổi, từ sinh viên cho đến người cao tuổi đã về hưu. Có lẽ một phần là do cái duyên bán hàng, tính cách quảng giao tài tử cùng với kiến thức uyên bác thâm niên trong nghề của chú tôi, phần còn lại là chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu đối với mỗi món đồ trong tiệm. Những nhạc cụ tại đây đều được chú tôi chăm chút, lau chùi, bảo dưỡng cẩn thận và đều có ‘lai lịch’ rõ ràng. Chú tôi có một biệt tài là ông nhớ rõ từng người khách đã ghé tiệm. Có thể không nhớ rõ đến từng chi tiết về vẻ ngoài của người đó như thế nào nhưng cảm xúc và câu chuyện liên quan tới món đồ giao dịch thì bộ não của ông như một camera hành trình lưu lại rõ nét. Nhiều khi tôi còn trêu đùa ông rằng nếu ví von cửa tiệm này là một bảo tàng trưng bày những nhạc cụ cổ, thì bản thân ông chính là một bảo tàng sống của những câu chuyện.
Chú tôi thiết kế các móc treo bằng gỗ chắc chắn có giá đỡ nơ đàn xung quanh dọc theo bức tường nhà vì vậy suốt hơn 20 năm kể từ khi cửa tiệm ra đời, chưa từng có trường hợp nhạc cụ nào bị rơi xuống khỏi móc treo trừ đúng một lần duy nhất.
Cửa tiệm có một vị khách quen hay lui tới. Đó là một người đàn ông trung niên ngoài 60 tuổi tên là Quang. Thấy chú tôi giới thiệu là bạn thời bộ đội. Chú Quang là một người rất vui tính, mỗi lần đến tiệm chú đều lưu lại ngồi nhâm nhi chén trà, ôn lại chuyện xưa thời còn trong quân ngũ hoặc đàm đạo về nhạc lý và việc luyện tập đàn với chú tôi. Ở trung tâm căn phòng giữa cơ man các loại nhạc cụ Đông Tây kim cổ, chú tôi có đặt một bộ bàn trà gỗ gụ khảm trai nghe đâu tuổi đời hơn 100 năm mà ông cực kỳ tâm đắc. Đây chính là không gian nơi chú và những vị khách của mình lắng lòng với những câu chuyện.
Chú Quang kể là chú học chơi vĩ cầm từ thời thanh niên, hồi đó chú cũng có một chiếc đàn cho riêng mình, nhưng do chiến tranh mà đã bị thất lạc. Mãi đến ngoài 40, chú mới có điều kiện luyện tập lại đàn vĩ cầm. Mới đầu chú chỉ thuê đàn, sau đó với sự tư vấn của chú tôi, chú lựa chọn được một chiếc đàn phù hợp với người mới bắt đầu. Đầu năm nay, chú có ghé qua và bảo chú tôi một cách tự hào rằng, “Này đồng chí, giờ tôi chơi đã khá lắm rồi. Tôi đã có thể nghe ra sự khác biệt về âm thanh giữa các cây vĩ cầm. Hãy giới thiệu cho tôi một chiếc đàn thật xịn nào!”
Chú tôi đưa cho chú Quang một vài cây vĩ cầm để chơi thử. Mỗi lần chú sẽ mượn một cây đàn về chơi và cảm nhận một thời gian, sau một vài lần chơi những cây đàn khác nhau, chú lại lựa chọn quay lại chơi cây đàn của Đức sản xuất từ những năm 80. Chú chia sẻ, “Tôi cũng không biết nữa, có một điều gì đó ở cây đàn này mà tôi thực sự rất yêu thích.” Suốt buổi chiều hôm đó chú say mê ngồi kéo bản nhạc kỉ niệm của mình ‘Triệu triệu đóa hồng’ với cây đàn. Tôi ngồi nhìn chú kéo đàn và lắng nghe bản nhạc thì cảm thấy thực sự bị thu hút nhưng tôi cũng không nhận ra điều gì đặc biệt ở cây đàn cả. Tôi ù ù cạc cạc khi nghe chú tôi gật gù tâm đắc nói với ông bạn mình, “Anh chơi tiến bộ lên rất nhiều. Tôi cảm thấy chiếc đàn như đang mở lòng ra với anh, nó đang cất tiếng hát vì anh. Chiếc đàn này đã nằm tại đây rất nhiều năm rồi. Chưa từng có ai kéo thử đàn phát ra âm thanh như anh vừa chơi cả.”
Đặt nhẹ chiếc đàn xuống, chú Quang thốt lên, “Tôi THẬT SỰ, THẬT SỰ thích nó. Chiếc đàn thật tuyệt vời. Tôi sẽ lấy nó. Nhưng cho tôi gửi lại nó ở đây một hôm. Tối mai là sinh nhật vợ tôi, tôi muốn dành cho cô ấy một sự bất ngờ. Tầm chiều mai tôi sẽ ghé qua lấy nhé. Người đầu tiên tôi muốn kéo đàn cho nghe khi lấy đàn về là vợ tôi. Tôi sẽ kéo bài Triệu triệu đóa hồng. Hồi trẻ vợ tôi nhiều anh theo đuổi lắm, tôi rước được nàng về dinh là nhờ bài tủ này đấy. Tôi đã kéo tặng cô ấy bản nhạc này trong bữa tiệc sinh nhật 19 tuổi.”
Tạm biệt hai chú cháu tôi, chú vui vẻ ra về. Cây đàn được chú tôi tự tay treo lại lên giá như thường lệ.
Chiều muộn ngày hôm sau, tôi ghé qua tiệm, hôm nay cửa tiệm im ắng lạ thường. Mọi ngày khi không có khách chú tôi hay bật máy hát đĩa than phát ra âm nhạc nhẹ nhàng du dương – lại một sở thích sưu tầm đồ cổ của ông. Bước vào cửa tôi thấy chú đang cầm trên cây đàn của Đức mà chú Quang đã lựa chọn, cuộn xoắn ốc gắn liền với cổ đàn đã gãy rời. Tôi còn không tin vào mắt mình, hỏi lại “Có đúng cái đàn mà chú Quang đã chọn không ạ? Sao lại bị như thế này chú? Tối nay chú ấy qua thì phải giải thích sao đây ạ…”
“Con trai chú ấy vừa gọi cho chú, báo là bố mất rồi. Mất sáng sớm nay. Bình thường chú ấy hay dậy sớm ra công viên tập thể dục, bị ngã cầu thang, mọi người trong nhà nghe thấy tiếng động lớn chạy xuống thì chú ấy đã nằm bất động trên sàn nhà, đưa đi cấp cứu thì đã không kịp nữa.”
Tôi sững sờ, mãi một lúc mới lắp bắp hỏi, “Thế… thế cái đàn này vì sao mà lại gãy lìa như vậy ạ?”
“Sáng sớm nay, tầm khoảng 5 giờ sáng chú nghe thấy tiếng rơi, lúc xuống thì thấy cây đàn nằm im lìm dưới đất, cuộn xoắn ốc đã gãy ở bên cạnh rồi.”
“Khoảng 5 giờ sáng ạ???” Có phải người ta cũng thường tầm giờ đó hay thức dậy tập thể dục hay không vậy? Chú ấy ngã cầu thang và cây vĩ cầm mà chú ấy THẬT SỰ yêu thích cũng không biết vì lý do gì lại rơi từ trên giá xuống. Cửa tiệm này từ khi mở cửa đến giờ chưa từng có nhạc cụ nào bị rơi cả. Một cách trùng hợp, gia đình chú ấy và chú tôi, cùng một khoảng thời gian đều chạy xuống và chứng kiến chú ấy và cây đàn nằm bất động trên sàn nhà chỉ là ở hai nơi khác nhau.
Sau sự kiện trên, tôi đã thực sự tin rằng có một sợi dây vô hình kết nối giữa người nhạc công với nhạc cụ của họ một cách sâu sắc. Họ dành tình cảm yêu thích cho nhạc cụ đó, và nó cũng đáp lại tình yêu của họ thông qua âm thanh mà nó trỗi lên dưới bàn tay của người tri kỷ. Cho nên hãy chăm sóc nhạc cụ của mình một cách cẩn thận.
Tác giả: Mộc Yên
Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành
(Nguồn ảnh: unsplash.com)