Sổ tay thợ đóng sách là một series bài viết mà ở đó mình sẽ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như quá trình trong nghề đóng sách mà mình theo đuổi. Ngày hôm nay mình sẽ nói về các vật liệu được sử dụng để làm nên một cuốn sách, kể về lịch sử của chúng cũng như sự thay đổi của những chất liệu này trong thời hiện đại, và cả những vật liệu mà chính mình sử dụng trong công việc.
Nhiều đoạn chữ bôi đen và gạch dưới chân mình có kèm theo link dẫn, hãy click vào nếu bạn muốn biết thêm.

I. Lịch sử   

Trong bề dày của lịch sử ngành đóng sách, những bước tiến không chỉ đến nhờ những sáng tạo trong thiết kế một cuốn sách mà còn phụ thuộc rất nhiều vào việc tìm ra các chất liệu phù hợp. Chẳng phải đi đâu xa, giấy là một trong những phát minh có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trong lịch sử ngành đóng sách cũng như lịch sử nhân loại. Tuy nhiên giấy cũng không phải là vật liệu làm ra những cuốn mang hình dạng sách đầu tiên, Codex (khác với hình dáng cuộn - scroll trước đó) mà là Parchment- một loại da thuộc rất đặc biệt làm từ da bê. 
Cuốn codex Wiesbaden, thế kỷ 13, nặng 15kg với 481 trang parchment. (wikipedia)
Cuốn codex Wiesbaden, thế kỷ 13, nặng 15kg với 481 trang parchment. (wikipedia)
  Theo một truyền thuyết nổi tiếng thì khi vua Eumenes II xứ Pergamum muốn lấp đầy thư viện hoàng gia của mình với các cuốn sách nhưng giấy Papyrus, vốn đang là vật liệu chủ yếu để làm sách thời đó đang bị cấm xuất khẩu khỏi Ai Cập. Chính vì lẽ đó ông buộc phải tìm vật liệu khác để thay thế và ông đã chọn sử dụng da. Sau đó thì chúng ta biết rằng vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên, Pergamum trở thành kinh đô của việc sản xuất loại giấy parchment - được lấy tên theo Pergamum. Sau này, họ nhận ra chất liệu mới này có thể gập lại thoải mái, không như papyrus, vốn chỉ có thể cuộn vào. Bởi vậy nên mới có hình dạng sách mà chúng ra dùng ngày nay, gọi là sách nằm phẳng (flat book form). Parchment là vật liệu để viết lên có tuổi thọ cực kỳ kinh khủng. Chúng ta còn lại rất nhiều cuốn Codex có tuổi thọi trên 500, thậm chí 1000 năm.   Tiếp theo là việc giấy viết, làm từ các sợi thực vật được giới thiệu vào Châu Âu vào thế kỷ 10, sau đó là sự phát minh của máy in sách vào thế kỷ 15 đã thực sự thay đổi cục diện của ngành đóng sách. Giấy là chất liệu phù hợp hơn để in so với parchment, và từ đó sách được sản xuất với số lượng lớn hơn. Giấy thời này được làm bằng vỏ cây dâu tằm, câu gai dầu, hoặc tái chế từ các loại vải sợi tự nhiên. Về vật liệu để bọc cuốn sách, khó có vật liệu nào có thể vượt qua được sức bền của một tấm da thuộc. Đây là một trong những chất liệu đã tồn tại song song với chiều dài lịch sử loài người. Chính vì vậy nên nó cũng được sử dụng trong ngành đóng sách từ rất sớm, vào việc làm vỏ bọc bảo vệ cho lõi bên trong. 
Một trong những kiểu bọc sách với da đầu tiên, gọi là half medival binding.
Lý do khiến da trở thành vật liệu phù hợp nhất cho công việc này bởi độ bền và sự dẻo dai của chúng mà không vật liệu nào khác có thể bì được. Các loại da tốt nhất được sản xuất bằng cách thuộc da thảo mộc sử dụng chất tanin có trong vỏ, lá cây, và trong đóng sách thường sử dụng da từ dê, bê, bò, lợn và cừu. Tuy nhiên da dê và bê có chất lượng tốt nhất do mật độ các thớ da vẫn rất dày cho dù đã làm mỏng đi chăng nữa.
Kinh Thánh Do Thái (1541-1543). Hiện đang thuộc bảo tàng của University of Amsterdam.
Kinh Thánh Do Thái (1541-1543). Hiện đang thuộc bảo tàng của University of Amsterdam.
Có một cách xử lý da nổi tiếng vào thế kỷ 11 cho tới 15 mà hiện rất ít người biết đến đó là Alum Tawed . Loại da từ dê và lợn này không thuộc bằng tanin mà sử dụng muối Aluminum potassium sulfate. Nó sản xuất ra loại da màu trắng, trắng kem hoặc ngà rất đặc trưng, có tính chất mềm dẻo, co dãn tốt và rất dễ để làm việc cùng. Người ta nói cảm giác chạm vào chúng rất mềm mại và ấm áp. Dẫu vậy loại da này có điểm yếu là quá trình xử lý da có thể dễ dàng bị đảo ngược bởi nước. Chính bởi vậy nên da alum-tawed không được coi là một loại da thuộc.
Phần bìa sách - mặt phẳng cứng nối với lõi sách để bọc da lên, cũng đã từng rất khác so với bây giờ. Chất liệu parchment mà các nhà tu sĩ bấy giờ sử dụng để viết lên lại rất dễ xúc tác với độ ẩm. Chúng sẽ phồng lên và cong queo đi nếu không bảo quản cẩn thận. Những người thợ đóng đã nghĩ ra cách thông minh để hạn chế điều đó. Họ sử dụng các tấm bìa bằng gỗ cho cuốn sách, cùng thêm với các nẹp kim loại để ép lõi sách bên trong thật chặt. Như vậy độ ẩm không khí bên ngoài sẽ khó thấm vào trong các tờ parchment hơn. Tất cả các tấm gỗ sử dụng cho việc đó đều được xẻ theo phương xuyên tâm - quarter sewn, tức là theo chiều mà các vòng sinh trưởng của cây vuông góc với bề mặt tấm gỗ. Loại gỗ được cắt như vậy sẽ có bề mặt rất ổn định, ít cong vênh và ít co giãn hơn.
Về sau với sự có mặt của giấy thì bìa sách được chuyển sang dùng bìa giấy bồi (pulp board), tức là dán nhiều lớp giấy lại với nhau để có một tấm bìa nhẹ mà vẫn đủ độ cứng cáp. Cùng với việc các cuốn sách ngày càng được trang trí một cách thanh thoát thì các tấm bìa gỗ dày kia dần không còn được sử dụng.
Còn rất nhiều thứ thú vị khác để kể cho các bạn nhưng có lẽ mình sẽ dành chúng cho những buổi khác.

II. Các vật liệu đóng sách thời nay, và những gì mình đang dùng

1. Giấy

Đây không hẳn là thứ mà mình có thể thường xuyên được chọn lựa để sử dụng. Thường thì mình hay đóng cho các cuốn sách cổ, hoặc cho các cuốn sách mới đã được in sẵn. Chất lượng giấy là một vấn đề cực kỳ quan trọng, mà rất ít người để ý đến. Có 3 vấn đề liên quan tới chất lượng giấy mà mình muốn đề cập, đó là : định lượng, thớ giấy, và quan trọng nhất là tính lưu trữ (archival quality).
+ Định lượng giấy : là phần mà chúng ta có thể dễ nhận thấy nhất khi giở sách. Một cuốn sách chỉ có thể đọc thoải mái khi có độ mở tốt, các trang giấy nằm phẳng và thoải mái. Tôi gọi nó là độ nằm của giấy (tiếng Anh là drape).
Hình minh họa 1 : Độ nằm tốt (trên) và không tốt (dưới).
Hình minh họa 1 : Độ nằm tốt (trên) và không tốt (dưới).
Sở dĩ phải nêu vấn đề định lượng giấy ra bởi vì mình thấy gần đây rất nhiều xuất bản in các cuốn sách của mình trên loại giấy có định lượng rất lớn, như 180gsm (gram/m2) chẳng hạn. Điều này cộng với thớ giấy thường nằm sai (cái này mình sẽ nói dưới đây) thì cjo ra những cuốn sách có độ nằm cực kỳ tệ hại. Mình chắc các bạn cũng rất khó chịu khi cứ phải liên tục ấn các trang mình đọc xuống trong lúc đọc sách. Giấy dày không có nghĩa là nó có chất lượng tốt hơn, ngược lại, nếu giấy dày không sử dụng cho việc gì hữu ích, ( như để in hình minh họa chăng?) thì ngược lại nó sẽ chỉ khiến cho cuốn sách của bạn nặng hơn, gáy sách chịu nhiều áp lực mà thôi.
Với khổ sách cỡ thông thường cỡ khoảng A5 và A4 thì mình hay chọn loại giấy có định lượng 80 và 110gsm.
+ Thớ giấy : là điều mà có lẽ chỉ những người làm nghề biết được, và có tác động rất lớn tới độ nằm. Theo định nghĩa, thớ giấy là chiều mà mà các xơ giấy chạy theo trên một bề mặt giấy, được tạo ra trong quá trình tạo hình tờ giấy đó. Thớ giấy hiện hữu rõ nhất trong các loại giấy sản xuất bằng máy. Một tờ giấy khi được cắt ra theo khổ, thường là hình chữ nhật thì sẽ có thớ ngắn (chạy song song với chiều dài của tờ giấy) và thớ dài (chạy theo chiều rộng của tờ giấy).
Hình minh họa 2 : Thớ giấy ngắn (trên) và thớ giấy dài (dưới)
Hình minh họa 2 : Thớ giấy ngắn (trên) và thớ giấy dài (dưới)
Điều đặc biệt ở thớ giấy đó là nó tạo ra một chiều khiến giấy cứng cáp hơn khi bẻ cong (thớ dài), còn chiều còn lại nằm rất dễ dàng (thớ ngắn). Các bạn cứ tưởng tượng như lúc cuộn một cái chiếu cói. Nếu bạn cuộn theo hướng mà các sợi đan chạy theo thì rất dễ, còn theo hướng còn lại thì gần như không thể cuộn nó nhỏ lại được nếu không muốn làm gãy các sợi đó. Việc gấp một tờ giấy cũng trở nên dễ dàng hơn nếu chạy theo đúng thớ giấy, ngược lại nếp gấp sẽ khiến thớ giấy bị gãy tạo nên các nếp nhăn.
Hình minh họa 3 : Thớ giấy nằm ngược chiều tạo ra lực cản khi nằm (trên), và giấu nằm đúng chiều có thể thả lỏng dễ dàng (dưới).
Hình minh họa 3 : Thớ giấy nằm ngược chiều tạo ra lực cản khi nằm (trên), và giấu nằm đúng chiều có thể thả lỏng dễ dàng (dưới).
+ Tính lưu trữ (Archival quality) : Đây chắc chắn là điều quan trọng nhất, nếu bạn muốn có một cuốn sách tồn tại được với thời gian. Nó phải được làm với các chất liệu tốt, không có tạp chất và có độ pH cân bằng. Vào đầu thế kỷ 20 các loại giấy in sách sử dụng các loại xơ giấy có chất lượng rất thấp, thêm với việc sử dụng hiều hóa chất khiến cuốn sách như một bể axit. Nhanh chóng sau đó họ nhận ra những trang giấy bị ố vàng, giòn và vỡ vụn. Đó gọi là cháy axit trên giấy (acid burn).
Vậy nên với các cuốn sách mình được đi in rồi đóng thì mình hay bảo khách chọn loại giấy chất lượng như Conqueror (loại 90 với 110gsm) , còn giấy cho sổ tay mình rất thích giấy Tomoe River (52gsm).

2. Da

Thị trường da thuộc thì rất là lớn, với hàng trăm nếu không phải là hàng ngàn kiểu da khác nhau. Mình cũng đã từng thử một số loại trong đó nhưng phù hợp để làm sách thì chỉ có một số loại với những tính chất nhất định.
Mình sử dụng nhiều nhất là da dê (goat-skin), thuộc thảo mộc và nhuộm xuyên tâm. Da dê được đánh giá là tốt nhất để đóng sách bởi vì độ chắc và dẻo dai của nó rất cao khi so với độ mỏng, và bề mặt của da dê có những vân tự nhiên vô cùng bắt mắt. Tuy nhiên da dê có diện tích bề mặt khá bé. Một tấm da trung bình chỉ khoảng 5sf (square feet), vừa làm được 2 cuốn có kích cỡ A5, và chỉ làm được 1 cuốn cỡ A4. Với những loại từng sử dụng thì mình thích nhất là da của nhà thuộc Relma bên Pháp, sau đó là Alran cũng ở bên Pháp. Hai nhà thuộc này có tuổi đời khá lâu và họ tạo ra những tấm da dê cho ngành đóng sách vô cùng chất lượng. Tuy nhiên hiện giờ họ cũng sản xuất cho các ngành thời trang khác, như ở Việt Nam đây là 2 loại da rất nổi tiếng để làm ví và túi xách.
Nhà thuộc da đóng sách mình thấy nổi tiếng nhất thị trường quốc tế bây giờ là Hewit Harmatan. Những cuốn sách hiện diện trong các cuộc thi đều sử dụng da của họ.
Da dê của mình.
Da dê của mình.
Vậy nên với các cuốn sách có kích cỡ to thì phải dùng da bê (calf-skin). Loại da này có bề mặt rất phẳng và mịn, rất khó để thấy được lỗ chân lông. Đặc tính này tạo ra bề mặt mạ vàng cực kỳ đẹp mắt, và rất được ưa chuộng cho những cuốn sách trang trí họa tiết vàng cầu kỳ.
Hai cuốn sách khổng lồ do cô <a href="https://www.instagram.com/maria_ruzaikina/">Maria Ruzaikina</a> làm. Ôi nhìn những đường vàng mạ nét căng kìa &lt;3. Các bạn check insta của cô ấy nhé :D.
Hai cuốn sách khổng lồ do cô Maria Ruzaikina làm. Ôi nhìn những đường vàng mạ nét căng kìa <3. Các bạn check insta của cô ấy nhé :D.
Tuy nhiên mình chưa có cơ hội được sử dụng loại da này. Loại da bê và bò có mặt trên thị trường Việt Nam mình sử dụng thấy không phù hợp lắm, và để mua một tấm này bên Châu Âu hoặc Mỹ thì có giá rất cao (khoảng 7tr cho 1 tấm 6sf). Hewit và Harmatan đều có những loại da này, và có thêm một nhà thuộc gia đình nữa là Siegel leather cũng có kiến thức rất chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.

3. Chỉ, dây và các loại đai hỗ trợ :

Cho đến giờ loại chỉ tốt nhất dùng cho việc khâu sách vẫn luôn là chỉ linen nguyên chất, không nhuộm, không tẩy với các sợi đan dài và chắc. Mình hay dùng chỉ của hãng Pháp tên là Au Chinois. Cỡ chỉ thì rất đa dạng, bởi những cuốn sách có độ dày khác nhau thì phải dùng chỉ có độ dày khác nhau. Đơn vị sử dụng cho chỉ này mình thấy rất phức tạp, nếu bạn nào cần tìm hiểu thì mình xin dẫn đến trang của DAS Bookbinding. Cỡ mình hay dùng nhất là 25/3 và 30/3
Chỉ Au Chinois
Chỉ Au Chinois
Cũng như vậy, các loại dây và đai hỗ trợ (sewing supports) cũng sử dụng các sợi tự nhiên tốt nhất. Bởi đây là một phần cũng sẽ chịu lực co giãn rất nhiều khi đóng/mở sách. Chúng không được nhuộm hay tẩy gì hết bởi ta không muốn hóa chất thấm hay màu nhuộm thấm vào gáy sách.

4. Keo, hồ và các chất kết dính.

Có một luật mà rất phổ biến trong nghề đóng sách, cũng như phục chế, sửa chữa những đồ vật mang giá trị lịch sử đó là nếu bạn dính vào được thì phải gỡ ra được. Chính vì vậy các loại kết dính được chuyên dùng đều có khả năng đảo ngược.
+ Một trong những loại được sử dụng từ những ngày đầu của ngành đó là Keo động vật (Glue/ Animal glue). đây là loại keo được chiết xuất từ da và xương của các con vật như trâu, bò, thỏ và cá. Nó có độ kết dính cực kỳ tốt, tính đàn hồi cao và có thể được gỡ ra bằng hơi nước nóng. Nhược điểm của loại keo này cũng nhiều. Để lâu loại keo này sẽ đổi màu và mất dần tính đàn hồi theo thời gian (cơ mà cũng phải rất rất lâu đó).
+ Tiếp theo là hồ thực vật (paste, starch, wheat starch). Loại hồ dán hoàn toàn tự nhiên này đã được sử dụng trong ngành đóng sách từ hơn 300 năm trước, với thành phần là các polymer glucose thường được chiết xuất từ rễ và hạt của các loại cây như ngô, khoai tây, gạo và lúa mạch, sau đó nấu với nước. Đây là chất kết dính mà mình yêu thích nhất bởi sự thuận tiện, đa năng, tính kinh tế và sự dễ dàng khi sử dụng. Hồ dán chứa nhiều nước bên trong, chính vì vậy khi sử dụng nó rất lâu khô, vì thế bạn luôn có thể chỉnh sửa lại nó kể cả sau một lúc dán lên. Tuy nhiên đặc biệt nhất là khả năng đảo ngược tuyệt vời của nó mới là điều tuyệt vời nhất. Các nhà nghiên cứu trong ngành nói rằng hồ được nấu hoàn hảo có thể dán vào, bóc ra và dán lại vô số lần.
Dẫu vậy thì hồ dán vẫn có nhược điểm nhất định. Mặc dù có độ dính tốt nhưng sau khi khô hồ lại khá cứng và ít đàn hồi. Và thành phần gluten trong hồ có thể thu hút một số loài bọ gây hại cho cuốn sách (với các loại hồ chuyên dụng hơn thì điều này có thể được hạn chế do thành phần gluten được hạ xuống mức tối thiểu). Mình thường sử dụng hồ để dán da vào gáy sách trong trường hợp đây là một cuốn sách có gáy cứng (rigid-back book), khi mà gáy sách không phải "cử động" nhiều.
Mình đang sử dụng hồ để bôi lên da.
Mình đang sử dụng hồ để bôi lên da.
+ Cuối cùng là các loại keo nhân tạo (synthetic). Loại keo nổi tiếng nhất dùng trong đóng sách là keo PVA (polyvinyl acetate), còn được biết vởi tên keo gỗ, keo sữa. Nó là một loại keo gốc nhựa polymer được nhũ hóa (emulsified) với nước. Lý do nó được sử dụng rộng rãi tới vậy bởi tính tiện lợi, khả năng kết dính và sự dẻo dai, đàn hồi của nó, giá thành cũng rất rẻ. Keo PVA khô lại rất nhanh, và khi khô nó tạo thành một màng dẻo trong suốt, nó được nói còn có thể khỏe hơn lực kết nối của các thớ gỗ. Một điều thú vị khác tôi được biết là keo PVA hoàn toàn không độc hại, nên bạn có thể ăn nó mà không bị sao cả (không biết ông nào dở hơi làm vậy chưa haha, mình thì chưa nhé và mong là bạn cũng vậy). Nó cũng có tuổi thọ rất cao, và không đổi màu theo thời gian.
Nhược điểm của nó đến từ việc có quá nhiều nguồn sản xuất loại keo này kém chất lượng. Chúng thường có độ axit, tính lưu trữ cũng không được bảo đảm và nó rất khó để có thể đảo ngược sau khi đã dán. Loại keo tốt nhất là loại keo chuyên dụng. Mình thì sử dụng loại Jade của Talas bên Mỹ với nhiều loại mang tính năng khác nhau, quan trọng là chúng đều có axit trung tính.
Jade 403 của Talas.
Jade 403 của Talas.
Tiếp theo là một loại keo mới hiện đại hơn PVA, với nhiều tính năng được cải thiện hơn, đó là EVA - Ethylene Vinyl Acetate (Cái tên này bị gọi tắt sai vì hình như do ai cũng gọi vậy). Nó có sự ổn định tốt hơn tiền nhiệm PVA và có khả năng đảo ngược sau khi dán lâu hơn.

5. Bìa sách

Để có một cuốn sách cứng cáp, chịu được các tác động vật lý thì bìa sách là thứ mà chúng ta sẽ phải đánh giá tiếp theo. Những loại bìa phổ biến mà trong nước ta hay sử dụng đó là bìa carton (grey-board) và bìa gỗ MDF (chipped-board).
Nói về MDF (Medium-density fibreboard) trước. Đây là một loại bìa ép công nghiệp được tạo thành bởi các sợi gỗ được nghiền nhỏ thành bột. MDF có độ cứng cao, ít cong vênh tuy nhiên chịu nước rất kém. Nó sẽ dần trở nên mềm và bở ra nếu tiếp xúc trực tiếp với nước hoặc trong độ ẩm cao, hậu quả không thể phục hồi. Hơn nữa, các tấm MDF thường thấy còn có thể chứa các tạp chất, hóa chất mà dần có thể gây nguy hại cho cuốn sách. Cá nhân mình không thích và tránh xa việc sử dụng loại này vì để bọc một cuốn sách đúng kiểu sẽ cần rất, rất nhiều độ ẩm (do việc sử dụng các loại keo gốc nước).
Bìa carton mình cũng thường xuyên sử dụng cho các sản phẩm mang ít tính "quan trọng" - tức là nó không cần phải bảo tồn nghiêm túc. Bìa carton ở Việt Nam thường được tạo nên bởi các xơ giấy tái chế, với nhiều tạp chất (bìa này nhiều sạn á). Độ cứng của nó không cao nhưng nó khá nhẹ và cũng có chiều thớ như giấy nên có thể điều khiển được. Loại bìa này cũng có thể chứa các hóa chất gây hại cho sách. Cá nhân mình thì vẫn chấp nhận sử dụng loại này cho các cuốn sổ tay. Điểm mạnh của nó là giá rẻ và dễ kiếm.
Bìa mà mình sử dụng cho các công việc chuyên nghiệp đó là Davey board và Mill board.
Davey là một công ty thành lập ở Mỹ, sản xuất loại bìa nổi tiếng cùng tên này. Bìa phổ biến nhất của họ là Davey Red label, được tạo nên bởi các sợi giấy chất lượng cao, tinh khiết và có mật độ dày đặc hơn nhiều loại bìa carton. Vì vậy nên nó có độ cứng rất cao, chống cong vênh, ít bị bẹp ở các mép hơn và dĩ nhiên nó có khả năng chịu nước tốt hơn nhiều so với MDF. Nó không sử dụng hóa chất tẩy và có độ pH trung hòa. Nhược điểm là nó không thể kiếm được ở Việt Nam mà chỉ có thể nhập được ở nước ngoài.
Mill board là một loại bìa của nước Anh với màu xanh lá đặc trưng. Loại bìa này hiện được coi là cao cấp nhất và chao ôi nó đắt! Tuy nhiên chất lượng thì khỏi bàn. Bìa millboard được làm từ các vật liệu tái chế 100%, với các loại giấy hạng archival có thớ dài, chắc. Mật độ của bìa cực cao (hơn davey) và hình như còn có khả năng kháng hư hại bởi ánh sáng. Dĩ nhiên nhược điểm của nó chỉ có thể là giá thành cao, chi phí vận chuyển nội địa bên nước ngoài và chi phí vận chuyển về Việt Nam cũng cao, nên mình chỉ dùng nó cho các cuốn cực kỳ nghiêm túc.
Bìa Millboard của Talas.
Bìa Millboard của Talas.