Các vấn đề, các góc nhìn trực quan nhưng cũng chưa chắc đúng, huống chi là thiên kiến
Các vấn đề, các góc nhìn trực quan nhưng cũng chưa chắc đúng, huống chi là thiên kiến
So sánh giữa những cá thể trong một xã hội – một thứ khái niệm cảm quan, mang tính vô giá trị
Lưu ý: bài viết đang nói về góc nhìn quan niệm sống, sức chịu đựng, cảm xúc,... hay nói cách khác là nội tại trong mỗi con người. Không bàn về những vấn đề khoa học mang tính có thể so sánh với nhau để tìm phương pháp tối ưu hóa. Và, có những đoạn đọc tưởng như tôi đánh đồng toàn bộ, nhưng thực chất là không.
Trong cuộc đời, hẳn tất cả chúng ta vẫn hay vô tình hoặc cố tình so sánh với nhau giữa những cá thể con người, hoặc là nghe người khác so sánh, để rồi nêu lên quan điểm sống của bản thân. Việc so sánh diễn ra thường ngày, “Con này thế này, con kia thế nọ,...” để rồi rút ra những kết luận mà hẳn ai cũng rõ rằng, nó thiếu cơ sở, hay còn gọi là “kết luận ẩu”.
Khi ta gặp một ai đó ngoài đường, ta thường sẽ quan sát cách ăn mặc, gương mặt và một số cử chỉ nhỏ lẻ của họ, từ đó đưa ra thiên kiến, hay còn gọi là mô phỏng cuộc sống của người đó như thế nào, từ đó nêu lên những quan điểm cảm quan cá nhân của bản thân. Đó là một vấn đề (có vẻ) bình thường, nhưng khi ta đem so sánh giữa cuộc đời này với một cuộc đời khác, nó đã trở thành một thứ rất bất thường.
Có lẽ ta đã quan niệm quá nhiều về quyền bình đẳng giữa những con người với nhau, từ đó hiểu sai chính khái niệm đấy, hay nói đúng hơn, có những người nghĩ rằng khi những con người được sinh ra thì về bản chất, ai cũng đều giống nhau, bởi thế, có thể so sánh với nhau để rồi buông lời tiêu cực tới người, mà ta cho là, có cuộc sống tốt hơn trong cuộc so sánh đấy. Thậm chí, thiên kiến và sự so sánh còn quá độ tới nỗi, tự người đó so sánh cuộc sống của chính họ với cuộc sống của một người khác.
Khi thấy một người khổ cực, ta thường cảm thấy mình còn khổ hơn họ. Nó nằm ở tâm lý con người, ai cũng đều nghĩ rằng mình là người khổ nhất, bởi ai cũng có một chút cái tôi của bản thân, rằng ta là cái rốn của vũ trụ, ta là nhân vật chính trong khi những người khác đều là phụ trong cuộc sống của chính ta. Ta thường khổ hơn những người đó nên những người đó không được kêu ca. Hoặc, có thể ta không khổ hơn, nhưng ta sẽ đưa ra một cá thể, hoặc một tập thể nào đó chịu khổ, để đàn áp sự kêu than, cảm xúc của cá thể đang bị ta so sánh. Nhưng đôi khi, ta vẫn vô thức than trời mà quên đi lời bản thân từng nói “có nhiều người khổ hơn mình, bớt than vãn.” Có thể ta không dùng miệng để nói, nhưng trong lòng vẫn suy nghĩ than vãn đủ điều mỗi khi có cơ hội, rồi lại tiếp tục quên đi sự kêu than của bản thân trong lúc tìm được một đối tượng mới để đàn áp cảm xúc của người đó.
Khi thấy một người sướng hơn ta – lưu ý: về việc sướng hơn ấy, đó là quan điểm của chủ thể thực hiện hành động so sánh khi nhìn vào tiền tài này nọ, không hoặc ít nhìn sang những khía cạnh khác như gia đình hoặc bạn bè – thì ta thậm chí còn ghen tỵ với họ. Ghen tỵ vô thức hoặc tự nhận thức được. Những biểu hiện của tự nhận thức thì dễ nhận ra lắm, còn vô thức thì khó: ví dụ như việc ta tủi thân khi đi chơi với họ dù họ khá thoải mái trong việc mời ta chơi cùng. Ta không nhận ra những mặt khác của họ: về gia đình, về bạn bè. Gia đình có hạnh phúc? Bạn bè hay chỉ là “bè” bạn hùa theo này nọ?
Hơi lan man rồi.
Quay trở lại với vấn đề rõ ràng hơn:
Việc so sánh giữa những con người với nhau, về bản chất, đó là một việc bình thường. Cái bất thường mà tôi muốn nói tới là những sự thiên kiến ngụy tạo về một người khác, mang tính cảm quan nặng. Có những người dùng so sánh để trục lợi cho cái tôi của bản thân, như tôi nói bên trên. Việc xỉ vả một người nào đó bởi họ than vãn, nó mang cho ta một thứ cảm xúc sướng rung cả người bởi ta đã thóp được người đó, ta chửi được người đó dù không bằng câu từ tục tĩu. Việc dùng câu từ chửi thề hoặc mang tính chửi “văn-minh” cũng mang tới cho con người cảm xúc như hít cần sa vậy. Ta khinh ghét những kẻ giàu, ta khó chịu với những kẻ khổ và than vãn, ta tìm tới những kẻ cùng ý kiến về việc đó rồi tập hợp thành một bầy đàn để sỉ vả họ.
Thú vị thật.
Ta thường được dạy rằng con người là bình đẳng, và ta mặc định nó bao quát toàn bộ cuộc sống của một con người: sức chịu đựng, cuộc sống,... Ta thường nhìn theo cảm quan và nhận xét một ai đó. Một sự bình đẳng ngụy tạo đáng khinh.
Có thực tất cả đều bình đẳng? Bình đẳng cũng chỉ là một khái niệm mang tính cơ sở cho một xã hội, rằng việc chu cấp cho những người nghèo hay người khuyết tật để họ có thể sử dụng những thứ đó, cố gắng giảm khoảng cách bất công với người giàu thôi mà nhỉ? Từ khi nào bình đẳng lại được áp dụng cho cả “nội tại” của một con người?
Quay trở lại với những người nghèo, về cơ bản, mỗi một con người có sức chịu đựng khác nhau, những cuộc đời khác nhau và cả việc từ khi sinh ra, liệu có bị dị tật gì hay không. Ta nghĩ rằng ai cũng có sức chịu đựng giống ta, “Hồi đó tao cũng như vầy nè, tao đâu có than vãn, tao đâu có tự vẫn, tao đâu có...” nhưng ta không nghĩ về từng khía cạnh nhỏ lẻ trong cuộc sống mỗi con người. Bạn của tôi bị bạo hành một cách khủng khiếp, nhưng người trong xóm giềng nhìn vào, chỉ thấy bạn ấy là một đứa mất dạy vì để mẹ đánh, mẹ chửi, vì “bạn ấy đi học” cùng một số điều mà họ tự thiên kiến nên – phải như thế nào nó mới bị đánh vậy chứ. Một người chị khác thì sau khi nghe câu chuyện của tôi thì bảo rằng “Hồi đó chị bị chửi, bị đánh, bị đập, sáng không thức sớm là nghe chửi ‘mấy con đ* như tụi bây rồi cũng chết hết!’, nhưng chị đâu có buồn hay gì đâu.” Và chị không hề để ý tới cảm xúc và sức chịu đựng của tôi. Và, đó là một vấn đề trong cuộc sống của chị ấy, nếu tập hợp tất cả vấn đề lại, rồi tính toán dựa trên cảm xúc, sức chịu đựng, thì liệu có thực sự tôi không khổ hơn chị ấy?
Ta luôn so sánh bản thân với một người khác, nhưng ta không nhận ra cảm xúc của bản thân luôn khiến ta vô thức tự thiên kiến, tô vẽ một con người, rằng rất có thể họ hơn ta chỗ này chỗ nọ, từ đó tự ảo tưởng rằng người đó có cuộc sống tốt hơn ta. Đồng thời, ta cũng quên đi sức chịu đựng giới hạn của mỗi con người là khác nhau.
Ta thấy một người giàu có, ta nghĩ rằng họ rất hạnh phúc. Khi họ than vãn, ta dùng chính thiên kiến đó để rủa xả họ, rằng họ thế này, họ thế nọ, mà ta không hiểu hết được khía cạnh trong cuộc sống của họ. Gia đình thế nào? Sức chịu đựng của họ ra sao? Việc này, người nghèo hay người trung lưu cũng gặp phải. Một thứ tích cực độc hại, “Đừng buồn khổ nữa, cố lên đi.”
Và, ngoài những sự việc lớn đó, còn có những sự việc nhỏ hơn trong cuộc sống mà ta thường cảm thấy một cách khó chịu. Khi ta mập, ta sẽ bị so sánh như heo. Khi ta học dở, ta sẽ bị so sánh với một đứa học giỏi. Khi ta ngoan, ta sẽ bị so sánh với những đứa láu lỉnh (về cơ bản, mấy đứa ngoan thì thường bị gọi là khờ mà – theo góc nhìn của tôi thường đấy; giả ngoan cũng khổ lắm chứ lị). Có những cha mẹ so sánh con cái của mình với con cái người khác mà không nhận ra đứa con mình là cá thể độc nhất. Có những đứa trẻ làm lụm, phụ giúp cha mẹ trong công việc nhà, thì không học giỏi; có những đứa trẻ chăm học, thì không thể thời gian nào cũng làm việc nhà. Cha mẹ có con chăm học thì “Mày coi con X kìa, nó làm việc nhà, nó phụ giúp cha mẹ.” còn cha mẹ có con phụ giúp gia đình thì “Mày coi con Y kìa, nó học giỏi, điểm số lúc nào cũng cao.” Họ vô thức bỏ qua thứ mà con họ có để đánh đổi những thứ con họ không thể làm. Một ngày chỉ có hai tư giờ, hết tám tiếng là ngủ rồi, thời gian đâu vừa phụ giúp toàn bộ việc nhà vừa học giỏi? Bạn có thể đưa ra sáng kiến rằng có thể chia ra thời gian, nhưng liệu bạn có biết về ý định lớn lao của đứa trẻ học giỏi? Hay bạn có biết độ “ngoan” được chui rèn, cũng như khả năng học của đứa trẻ học không giỏi? Một đứa trẻ có sức mạnh nội tại cơ bản của nó thế nào và khả năng gia tăng sức mạnh nội tại của nó, một dạng nội tại phát triển, ra sao? Nó buộc phải dành hết thời gian cho việc học để hướng tới những tương lai nó mơ ước; hay nó buộc phải dành một khoảng thời gian lớn cho làm việc nhà bởi nó tự “thiên kiến” rằng ngoan là phải vậy, hoặc vì bất kỳ lý do gì, như việc nó bị ảnh hưởng bởi nhận thức rằng “Con gái thì phải biết phụ giúp cha mẹ làm việc nhà” hoặc “con gái cần chi học hành cho cao, sau này khó lấy chồng” và vô số những thứ mà ta thường gọi là “định kiến xã hội”.
Tôi cũng từng là một đứa trẻ bị nói mình thế này thế nọ. Nhưng về sau thì không còn bị thế nữa, bởi gia đình hiểu rằng thực tế tôi còn tốt hơn một số đứa. Học điểm vừa ổn và cũng có phụ giúp việc này việc kia (khoe mẽ chút), hơn một số đứa học dở, toàn đi chơi và chẳng phụ được tí việc nhà nào, về nhà là nằm đợi ăn hoặc hối gia đình nấu cơm này nọ. Đúng thế, tôi vừa so sánh đấy, cười, và, tiêu chuẩn kép xíu, tôi đang so sánh trong thâm tâm và nó khiến tôi cảm thấy tích cực “không độc hại” hơn – bởi thực tế là thế, tôi tốt hơn một số đứa. Về cơ bản, cha mẹ so sánh con cái mình với con cái người khác không làm nó nỗ lực hơn, đó chỉ là một thiên kiến mà thôi, thực tế thì việc so sánh đấy tạo áp lực hơn là động lực để con cái “tốt hơn” theo ý họ muốn. Muốn con mình hoạt bác, nhưng cũng muốn nó giỏi làm việc nhà, và cũng muốn nó học giỏi, muốn nó ngoan với cha mẹ, muốn nó nghe theo lời cha mẹ,... Tôi hỏi thật, có tham lam quá không vậy?
So sánh thiên kiến cũng còn nằm ở vấn đề cá nhân nữa. Như tôi cũng đã nói, ta thường tự cho rằng bản thân là kẻ khổ, bởi đó là tâm lý bản năng của con người, rất ít ai chống lại được nó. Ta nhìn thấy sự hào nhoáng của một người, để rồi thiên kiến cuộc sống họ cũng rất hạnh phúc, sau đó lại so sánh với cuộc sống của chính ta, khiến ta tự tìm kiếm sự tiêu cực của bản thân mình thay vì những ý định rõ ràng là tích cực “không độc hại”: Ta sẽ cố gắng đạt được những gì họ có. Nhưng ta không nhận ra sự khó khăn mà họ cần có để đạt được. Ta không biết họ đã đổ bao xương máu để có được thành công như cái ngày ta thấy họ trong bộ trang phục hào nhoáng đắt tiền. Ta không biết được liệu có sự may mắn nào trong đấy không và ta không biết cuộc sống của họ lắm lúc đã gặp trắc trở như thế nào. Ta bắt tay vào làm, rồi khi ta thất bại, ta bỏ cuộc luôn bởi nó quá khó khăn, ta không lường trước được. Nhưng ta cũng quên đi cái sự khó khăn khởi đầu đó và tiếp tục ngắm nhìn sự hào nhoáng của “thần tượng” đó, ta tự huyễn hoặc có thể họ có chống lưng, họ may mắn quá độ, ta tự gạt bỏ đi những sự khó khăn mà họ đã phải trải qua. Bởi vì sao? Quá rõ ràng mà, ta muốn tránh đi thứ cảm xúc tiêu cực rằng: ta yếu đuối, dễ bỏ cuộc, ta tệ hại hơn họ. sức chịu đựng của ta có hạn. Ta tìm tới một thứ cảm xúc tiêu cực đỡ đau hơn: ta sẽ không bao giờ được như họ; rồi tìm những miếng băng keo cá nhân để sự đau đớn đó tiếp tục bớt đau hơn nữa: bởi họ may mắn hơn ta rất nhiều. Đúng thế, có sự may mắn, có sự chống lưng, ta thì chẳng có gì cả, thua cuộc và bỏ cuộc cũng là bình thường thôi. Hừm, có thể có hoặc có thể không, hay liệu có nhiều hay có ít? Ta ước lượng được chứ?
Vấn đề này cũng có thể được nói tới trong “thượng đẳng thế hệ”, có một câu nói mà tôi cảm thấy rất hay: “Mọi thế hệ luôn hình dung rằng mình khôn ngoan hơn thế hệ trước, và sáng suốt hơn thế hệ sau.” Từ đó ta so sánh ta so với các thế hệ khác một cách thiên kiến mà không có những góc nhìn, phân tích đầy đủ và rõ ràng. Một đứa trẻ sinh ra, học và sống trong thời dù có tấm bằng đại học với số điểm tốt, Ielts cao cũng chưa chắc có được một việc làm ngon; còn ở thời trước, đó đã là một nhân lực chất lượng cao và được tin dùng khắp nơi. Một người sống trong thời chiến tranh, so với một đứa trẻ trong thời bình, nhưng gặp phải những vấn đề như học, định hướng tương lai, nơi mà sự rộng lớn là quá khủng khiếp, như thể hàng trăm lối tiến vào một mê lộ mịt mù sương, không thấy đích đến để tiếp tục chặng hành trình. Thời chiến tranh, ta chỉ có một mục tiêu là thắng được phe VNCH, cùng với những lời đầy khích lệ của Mặt trận Giải phóng, ta có mục tiêu rõ ràng, ta tiến tới. Ta thiên kiến rằng hiện tại cũng vậy, cứ học giỏi, cứ làm tốt công việc của mình thì thể nào cuộc sống cũng ổn, cũng thành công, vậy thì có gì áp lực này nọ. Ngoài chiến trường còn nguy hiểm hơn, mưa bom bão đạn, dễ chết bất kỳ lúc nào. Vậy đó, và ta không để ý rằng việc học cũng có những áp lực cực độ của việc học, cũng như định hướng của tương lai với hàng trăm ngành nghề trong đại học, sau đó là tìm cơ hội việc làm, hay thậm chí là du học, phải tra khảo hàng trăm trường của những nước ta muốn học để có được học bổng cao. Về cơ bản, việc so sánh giữa các thế hệ là thể hiện vô minh, rất dễ sa vào thiên kiến nhận thức.
Chốt lại:
Ta có quyền so sánh, nhưng sự so sánh nên mang tính khách quan, khi ta nhìn nhận rõ ràng mọi khía cạnh của một con người, chứ không phải đem một khía cạnh nhỏ lẻ rồi bao quát toàn bộ về cuộc sống của người đó. Và, việc so sánh đó liệu có khiến những chủ thể cảm thấy khó chịu, liệu có xoa dịu cái tôi cho ta, liệu có khiến ta trở nên tiêu cực? Nó nằm ở rất nhiều khía cạnh. Việc so sánh nó không đơn giản như ta vẫn nghĩ, nó là cả một quá trình nghiên cứu và tìm hiểu. Các nhà khoa học không bao giờ so sánh vô tội vạ những cá thể với nhau. Họ dành ra khoảng thời gian rất dài để hiểu tập tính, lối sống của nhiều cá thể loài để rút ra kết luận trực quan nhất về một cá thể; dù vậy vẫn có những sai sót bởi tính chất “ngoại lệ” của một số cá thể trong loài đó hoặc các loài khác trong cùng sự so sánh.
Mà, con người là giống loài có trí khôn bậc cao nhất trong các loài, có tình cảm nhạy bén, nên việc so sánh lại càng khó khăn, không thể qua loa như việc ta so sánh sự trôi của hai con sứa trong một cuộc di chuyển giữa các dòng hải lưu, hay so sánh mức độ nặng nhẹ hiển nhiên của các nguyên tố hóa học. So sánh con người với nhau vừa khả thi, nhưng cũng vừa bất khả thi, bởi mỗi người là một lát cắt của quần thể xã hội. Mỗi đất nước, mỗi văn hóa, mỗi cuộc sống, mỗi gia đình, mỗi tính cách, mỗi khía cạnh từ nhỏ tới lớn...
Một con bướm đập cánh cũng có thể tạo ra bão tố bên kia Trái Đất. Hai con người, cứ trùng hợp tới nỗi họ có cuộc sống giống nhau, họ có sức chịu đựng giống nhau, họ có cha mẹ đối xử với họ giống nhau, tiền tài của họ giống nhau, nhưng chỉ với hai vấn đề, như tình trạng khuyết tật hay khả năng dễ mắc một số loại bệnh như tiểu đường, tim mạch, các loại bệnh tâm lý bẩm sinh,... ta cũng khó để so sánh rằng cuộc sống ai khổ hơn rồi.
Hãy dừng việc so sánh vô tội vạ lại.
À, có một ví dụ bên trên kia về tôi và một số đứa khác. Tôi với tụi nó từng là bạn (giờ thì ít nói chuyện) và tôi vô tình nghe từng điều về tụi nó nhờ vào người nhà tụi nó hay qua nhà tôi chơi rồi kể lể này nọ (một nguyên nhân khác giúp tôi không còn bị mắng hay so sánh bởi gia đình), cũng như có quan sát và hiểu rõ tính cách của tụi nó thế nào, nên tôi mới đưa ra một sự so sánh, nó mang tính trực quan cao, có rất ít thiên kiến. Và, việc so sánh đó cũng khiến tôi cảm thấy ổn và tôi quyết sẽ kéo giãn cái khoảng cách đó ra, chứ không thỏa mãn cái tôi để rồi vẫn giậm chân tại chỗ.
Nói chung, tôi vẫn không thích việc so sánh, và nếu có những thiên kiến so sánh trong lòng, đừng nói ra là cách tốt nhất. Bởi ai mà chẳng có thiên kiến so sánh. Bài này tôi chỉ muốn hướng tới việc dừng lại vài nhịp khi ta so sánh một ai đó, đừng dùng cảm xúc của ta thể hiện với người đó qua sư thiên kiến của ta. Ta nghĩ rằng người đó quá tồi tệ, ta cứ nghĩ như thế, nhưng ta vẫn đối xử với họ như khi ta đối xử với một người vừa quen biết, từ từ hiểu cuộc sống của họ hơn rồi sau đó kết luận cũng chưa muộn.
Mà, đôi khi ta vẫn có thể kết luận ẩu, nhưng vẫn mang tính bao quát nhỉ: Như việc “Mày biết bố mày là ai không?” Thì ta chắc chắn phải né xa ai thốt câu này ngay và lập tức rồi.
Bài viết này không, hoặc ít, thể hiện hay mang tính học thuật, theo tôi là vậy, và không tránh khỏi sai sót, rất cám ơn mọi người đã đọc!