Six degrees of separation - 6 chặng phân cách
Biết đến khái niệm này, tôi suýt nữa đã nhảy cẫng lên vì sung sướng. Hóa ra, những điều bản thân cảm thấy đặc biệt thú vị lại đã được...
Biết đến khái niệm này, tôi suýt nữa đã nhảy cẫng lên vì sung sướng. Hóa ra, những điều bản thân cảm thấy đặc biệt thú vị lại đã được nghiên cứu rất nhiều năm. Hóa ra, chẳng phải mỗi mình tôi thích thú với câu chuyện Trái đất tròn.
Sự tình cờ…
Cách đây mấy năm, tôi lần đầu tiên tham gia một fandom và may mắn được trải nghiệm cuộc sống trong một xã hội thu nhỏ. Ở cộng đồng này, khởi điểm là những người xa lạ đến với nhau chỉ bởi một sợi dây kết nối mong manh, một sở thích nhất thời. Tôi hoàn toàn coi rằng đây là một thế giới tách biệt với cuộc sống thật của mình.
Tuy nhiên, khi bắt đầu thân thiết, tôi mới nhận ra rằng: chúng tôi không hoàn toàn xa lạ! Có 2 người trong nhóm chúng tôi phát hiện họ đã cùng học chung trường trung học và cùng quen biết một người bạn. 2 người khác chung trường đại học và học cùng chuyên ngành với tôi. Những sự tình cờ đấy ban đầu chưa làm tôi chú ý nhiều, nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Một ngày đẹp trời, tôi bắt gặp một bạn nữ khá nổi tiếng ở fandom trong đám cưới chị bạn cùng phòng ký túc. Thì ra, cô bé đó là em họ của chồng chị bạn. Nghe phức tạp nhỉ? Nhưng tôi lại thấy phát hiện này thực sự hay ho. Một thời gian sau, tôi tiếp tục nhận thấy các mối liên hệ của con người với nhau khiến cho thế giới này trở nên bé nhỏ. Nhiều người bạn trong fandom và những người bạn ở thế giới thật của tôi có quen - biết - cùng - một - người. Đôi khi, những giao điểm đó lại khiến chúng tôi cảm thấy gần gũi nhau hơn, bức màn ảo được vén lên để hiển diện cùng nhau trong thực tế.
Thật ra, trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ gặp những trường hợp này với tần suất cực lớn khiến bạn không còn nhận ra đấy là một điều đặc biệt, cái mà người ta thường gọi là nhân duyên. Và mạng xã hội có vẻ đã làm rất tốt vai trò kết nối cộng đồng của nó khi khái niệm “bạn chung” ra đời, chúng ta kết nối với nhau qua nhiều mắt xích làm Trái đất dường như nhỏ lại. Một người họ hàng của tôi đã được tìm thấy sau khi mất tích một tuần nhờ mạng xã hội, một người họ hàng khác cũng đã được trả giấy tờ đã bị mất cắp chỉ sau hai tuần nhờ vào mạng lưới bạn bè facebook. Ở thế kỷ này, con người được kết nối với nhau dễ dàng có thể làm nên những điều kỳ diệu.
Thậm chí, nếu bạn chọn một nhân vật nổi tiếng bất kỳ trong lịch sử Việt Nam, bạn cũng sẽ dễ dàng tìm được mối quan hệ của họ với ít nhất một người nổi tiếng khác, hoặc may mắn hơn, có thể là cả một chuỗi những nhân vật có tiếng tăm. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có những chuyện vẫn chưa thể xác minh, nhưng cũng khiến cho ý nghĩ về một Thế giới nhỏ trở nên thú vị.
Six degrees of separation - một ý tưởng bước ra từ văn học để đi vào khoa học
Vào năm 1929, nhà văn người Hungary là Frigyes Karinthy đã cho rằng: hai người bất kỳ có thể kết nối với nhau chỉ cần tối đa qua 6 người khác. Ông tin rằng, thế giới hiện đại đang “co lại” do sự kết nối ngày càng tăng cao của con người. Kể từ đó, rất nhiều nghiên cứu thú vị đã được thực hiện và củng cố cho tính đúng đắn của ý tưởng trên.
Năm 1967, Stanley Milgram - một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ đã thực hiện một thí nghiệm đáng chú ý về vấn đề này. Milgram chọn ngẫu nhiên 296 người sống ở Omaha, Nebraska để gửi các gói hàng cho một người lạ ở Massachusetts. Người gửi biết tên, nghề nghiệp và vị trí chung của người nhận. Mỗi người tham gia được hướng dẫn để gửi gói hàng cho một người mà họ quen biết trên cơ sở bạn bè và có khả năng gửi được đến đích nhất. Người được nhận cũng sẽ làm như vậy cho đến khi gói hàng được giao cho người nhận cuối cùng được chỉ định. 64 người trong số những người thử nghiệm đạt được mục tiêu chuyển gói hàng. Mặc dù người tham gia dự kiến chuỗi giao gói hàng này có thể phải qua ít nhất một trăm trung gian, nhưng thực tế chỉ mất trung bình từ 5,2 trung gian cho mỗi gói được phân phối thành công.
Thử nghiệm của Milgram chỉ là một trong rất nhiều, rất nhiều thử nghiệm. Người ta nhận ra rằng, không phải ai cũng chọn đúng các bước trung gian để đi đến mục tiêu đích. Nhưng với mạng xã hội, việc đó trở nên đơn giản hơn và số bước trung gian thậm chí còn chả cần đến 6!
Cuối cùng, điều thú vị nhất khi tôi tìm hiểu vấn đề này lại là: lý thuyết Six degrees of separation - 6 chặng phân cách chính là nền móng facebook và mạng xã hội. Tự nhiên thấy mình vớ vẩn :p
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất